Chính quyền Mỹ bị tố nghe lén điện thoại của phóng viên AP
Ngày 13/5 vừa qua, Hãng tin Associated Press (AP) buộc tội chính quyền Mỹ đã bí mật theo dõi và nghe lén điện thoại của nhiều phóng viên trong thời gian dài nhằm phục vụ cuộc điều tra rò rỉ thông tin liên quan đến một chiến dịch tình báo của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Hãng tin nhấn mạnh Bộ Tư pháp Mỹ bí mật thu thập thông tin từ 20 đường dây điện thoại của AP đăng ký ở nước này, bao gồm điện thoại di động lẫn cố định. Vụ vi phạm quyền tự do báo chí này của chính quyền Mỹ được cho là kéo dài 2 tháng vào năm 2012.
Chủ tịch và Giám đốc điều hành AP Gary Pruitt cho biết, AP đang cân nhắc hành động đưa vụ việc ra tòa án và yêu cầu giới chức Chính phủ Mỹ trao trả các thông tin mà họ đã thu thập được.
Gary Pruitt gọi hành động nghe lén bí mật của Chính phủ Mỹ là "sự xâm nhập quy mô lớn và chưa từng có trước đây". Các thông tin ghi âm mà Bộ Tư pháp Mỹ có được liệt kê những cuộc gọi đến và đi cũng như độ dài của mỗi cuộc gọi, số điện thoại của các phóng viên AP sử dụng cho công việc và cá nhân, các số điện thoại của trụ sở chính AP ở New York và các văn phòng đại diện ở Washington, Hartford (bang Connecticut) và khu vực dành riêng cho báo chí ở Hạ viện - theo báo cáo của nhóm luật sư đại diện cho AP.
Trong một bức thư gửi cho Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder, Gary Pruitt buộc tội chính quyền đã tìm kiếm và sở hữu thông tin nằm ngoài mục đích của bất cứ cuộc điều tra đặc biệt nào. Ông đòi hỏi chính quyền giao trả những thông tin nghe lén đồng thời tiêu hủy toàn bộ những bản sao chép.
Pruitt tuyên bố: "Không có bất cứ lý do nào có thể bào chữa cho hành vi thu thập thông tin về những cuộc liên lạc qua điện thoại của AP và các phóng viên của hãng tin. Chiến dịch nghe lén đã làm lộ nội dung các cuộc liên lạc với những nguồn bí mật trong mọi hoạt động lấy tin mà AP tiến hành suốt 2 tháng, cũng như những thông tin mật của AP mà chính quyền không được phép biết".
Người ta tin rằng hành vi nghe lén điện thoại của chính quyền Mỹ có liên quan đến cuộc điều tra hình sự do Bộ Tư pháp tiến hành nhằm truy tìm người đã cung cấp thông tin mật cho một bài báo của AP đăng ngày 7/5/2012 về một âm mưu khủng bố.
Câu chuyện của AP - do hai phóng viên Matt Apuzzo và Adam Goldman thực hiện với các nguồn cung cấp tin giấu tên và phần đóng góp từ 3 phóng viên Kimberly Dozier, Eileen Sullivan và Alan Fram - tiết lộ chi tiết về một chiến dịch bí mật của CIA ở Yemen triệt phá âm mưu đánh bom khủng bố bằng chất nổ tự tạo (IED) của Al-Qaeda vào đầu năm 2012 mà mục tiêu là một chuyến bay đến Mỹ.
Trụ sở AP ở New York. |
Các phóng viên này cùng với người biên tập của họ - Ted Bridis - nằm trong số những nhà báo của AP bị chính quyền Mỹ nghe lén. Chưa đầy 15 ngày sau khi AP công bố về âm mưu khủng bố, Hãng tin Reuters cho biết Nhà Trắng và CIA rất tức giận trước sự tiết lộ của AP bởi điều đó buộc CIA phải nhanh chóng kết thúc "một chiến dịch mà họ hy vọng có thể kéo dài thêm nhiều tuần nữa".
Trong bản khai gửi đến Thượng viện vào tháng 2-2013, Giám đốc CIA John Brennan cho biết, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã có cuộc chất vấn về việc ông có nguồn thông tin ở AP hay không, nhưng ông đã phủ nhận điều này. Brennan gọi sự tiết lộ thông tin mật về âm mưu khủng bố của Al-Qaeda cho báo chí là "không được phép và sự tiết lộ thông tin mật gây nguy hiểm".
Trước đây các công tố viên cũng nghe lén điện thoại của các phóng viên báo chí, song hành vi nghe lén quy mô một loạt các văn phòng của AP - bao gồm các số tổng đài chung của AP - của chính quyền Mỹ là bất thường và chưa từng có tiền lệ. Nhưng, trong một bức thư gửi đến AP mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ không đưa ra lời giải thích về vụ nghe lén - theo Pruitt và nhóm luật sư của AP.
Trong bức thư phản đối gửi đến Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder, Giám đốc điều hành Pruitt gọi cuộc điều tra của chính quyền Mỹ là "quá giới hạn" và "vi phạm nghiêm trọng các quyền được hiến pháp quy định của AP trong thu thập và tường thuật thông tin". Trong khi đó, người phát ngôn của Nhà Trắng là Jay Carney tuyên bố ngoài AP thì Nhà Trắng không có thông tin gì về vụ nghe lén điện thoại của Bộ Tư pháp.
Được biết chính quyền Tổng thống Barack Obama đặc biệt tăng cường các cuộc điều tra về rò rỉ thông tin mật cho giới truyền thông nước này và cũng đã buộc tội 6 quan chức chính quyền đã về hưu hay đang tại chức bị nghi ngờ tiết lộ thông tin không được phép gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, tức nhiều hơn gấp đôi dưới thời các tổng thống trước đây.
Phóng viên David E. Sanger của tờ New York Times cũng từng bị Bộ Tư pháp Mỹ nghe lén điện thoại do những tiết lộ của ông trong những bài báo và một cuốn sách về nỗ lực phối hợp giữa Mỹ và Israel nhằm phá hoại ngầm các máy ly tâm hạt nhân của Iran trong chiến dịch virus máy tính gọi là Stuxner.
Phản ứng trước vụ việc AP bị nghe lén với quy mô lớn, Hiệp hội Báo chí Mỹ (NAA) cũng phát đi tuyên bố rằng "những hành động như thế đã gây sững sờ cho lương tâm Mỹ và vi phạm trắng trợn quyền tự do báo chí được quy định bởi Hiến pháp Mỹ cũng như Bản tuyên ngôn nhân quyền của nước này"