Chuyện về người giải cứu 2.000 phụ nữ khỏi các tay súng IS

Thứ Tư, 25/07/2018, 09:52
Một sáng tháng 8-2014, hơn 200 tay súng thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đột kích vào làng Kocho, phía nam huyện Sinjar, Iraq, là nơi cư trú của hơn 1.000 người Yazidi.

Vài phút sau, IS ra lệnh cho 400 người đàn ông đứng sang một bên rồi bắn chết họ, còn phụ nữ và trẻ em được đưa đến giam giữ trong một trường trung học ở Tal Afar, nằm giữa thành phố Mosul và Sinjar, nơi có 2.000 phụ nữ khác đã bị bắt trước đó để chờ ngày đi “bán đấu giá”.

Trước thảm trạng ấy, bằng tất cả mọi nỗ lực, Abdullah, một nhà buôn Syria cùng cộng sự là Khalaf, đã giải cứu cho hơn 2.000 phụ nữ. Ông được gọi là “thiên thần hộ mệnh” của người Yazidi…

1. Trong số những phụ nữ bị bắt ở làng Kocho, có Halo Kald, 27 tuổi, là mẹ của 3 đứa con - một trai 9 tuổi là Hani, hai gái Hanaa 6 tuổi và Helena 4 tuổi. Halo kể: “Thoạt đầu, IS lùa con trai tôi sang đứng chung với những người đàn ông trong làng nhưng một lát, bọn chúng cho nó trở lại chỗ tôi. Sau đó, tất cả họ đều bị IS bắn chết”.

Trường trung học Tal Afar, nơi IS giam giữ phụ nữ Yazidi là một tòa nhà 2 tầng, mỗi tầng gồm 20 phòng học. Lúc Halo và những người khác được đưa đến thì đã có hơn 2.000 phụ nữ Yazidi bị bắt từ trước, chen chúc nhau trong những căn phòng rộng 80m².

Mỗi ngày họ chỉ được ăn một bữa cháo bột ngô nấu với muối. Khi màn đêm buông xuống, các tay súng IS vào từng phòng, chọn một số thiếu nữ Yazidi để phục vụ tình dục cho họ. Halo kể tiếp: “Mặc dù tôi đã có 3 con nhưng vẫn không thoát khỏi. Có đêm, 4 thằng IS thay nhau hành hạ tôi”.

1 tháng sau ngày bị bắt, Halo và gần 100 phụ nữ Yazidi khác được đưa sang tỉnh Anbar, Iraq, cũng nằm dưới quyền kiểm soát của IS. Đây là nơi có khu chợ buôn bán nô lệ khét tiếng, và những người Arab giàu có thường tìm đến để mua phụ nữ Yazidi về hầu hạ gia đình họ.

Được một người Arab mua với giá 20.000USD rồi đưa đến thành phố Raqqa, Syria - cũng thuộc quyền kiểm soát của IS, nhiệm vụ hàng ngày của Halo là đi chợ, nấu nướng, giặt giũ quần áo, lau dọn nhà cửa và dĩ nhiên là không có lương nhưng dẫu sao, Halo vẫn được chút tự do tối thiểu. Một đêm, lợi dụng người vợ dẫn mấy đứa con về thăm bên ngoại, gã chủ nhà mò vào giường Halo, cưỡng hiếp cô. Xong việc, hắn cho cô chiếc điện thoại di động để cô im miệng.

Halo Kald cùng 2 con gái trong nhà an toàn của Abdullah.

Khuya hôm đó, Halo bí mật gọi cho Cihad, chồng cô, là chiến binh thuộc lực lượng dân quân người Kurd ở Iraq, chống lại IS. Trong cuộc nói chuyện, Cihad hứa với Halo rằng anh sẽ tìm mọi cách để giải cứu cô. Halo kể: “Anh ấy cho tôi số điện thoại của một người tên là Abdullah, bảo tôi hãy gọi người này” nhưng phải mất hai đêm nữa, khi gã chủ nhà cưỡng hiếp cô xong, lăn ra ngủ, Halo mới lẻn lên sân thượng, gọi cho Abdullah.

Là một nhà buôn phụ tùng xe hơi ở Raqqa, Abdullah có mối quan hệ khá thân thiết với các thủ lĩnh IS tại thành phố này. Trước ngày IS chiếm Raqqa, Abdullah đã thiết lập một mạng lưới giao dịch gồm 30 người, kéo dài từ Raqqa đến Aleppo. Ông nói: “Khi Raqqa và Aleppo lọt vào tay IS, tôi sử dụng các nhân viên của tôi trong mạng lưới ấy để giải thoát các phụ nữ bị IS bắt làm nô lệ tình dục”.

Vẫn theo Abdullah, tại trung tâm thành phố Raqqa, ông thuê mặt bằng mở một lò bánh mì và một tiệm giặt ủi nhưng thực chất thì nó là nơi ẩn náu tạm thời cho những phụ nữ Yazidi được ông cứu thoát trước khi đưa họ đến những vùng do Chính phủ Syria hoặc dân quân người Kurd kiểm soát.

Ông nói: “Tất cả các thành viên trong mạng lưới của tôi đều là người Arab địa phương, một số trước đó đã từng chiến đấu cho IS nên họ không bị IS nghi ngờ”. Omar Ahmed chẳng hạn, bởi vì anh ta bị thương trong một trận đánh với quân Chính phủ Syria nên dưới mắt các chỉ huy IS ở Raqqa, Omar Ahmed là “Jihadis - chiến binh thánh chiến”, đã đổ máu vì Nhà nước Hồi giáo. Cho đến ngày Raqqa và Aleppo được quân đội Syria giải phóng - tháng 6-2017 - Abdulla đã thực hiện thành công 248 cuộc giải cứu cho hơn 2.000 phụ nữ Yazidi.

2. Trở lại với trường hợp Halo, sau khi gọi Abdullah rồi cho ông biết về chỗ ở và tình cảnh của cô thì điện thoại hết tiền. Halo kể: “May mắn sao, trong một lần đi chợ, tôi quen một phụ nữ cũng là người Yazidi và cũng bị bán như tôi. Một sáng, biết tôi muốn liên lạc với chồng tôi, cô ấy đưa cho tôi cuốn kinh Koran rồi ra dấu bảo tôi đi theo cô ấy, giống như đi cầu nguyện”.

Abdullah và Khalaf được coi là “thiên thần hộ mệnh” của các phụ nữ người Yazidi.

Thoạt đầu, Halo sợ nó là một cái bẫy vì nếu IS bắt quả tang cô sử dụng điện thoại, cô sẽ bị chặt tay. Tuy nhiên, ước mơ tự do đã khiến Halo quyết định liều mình với số phận.

Đến một góc vắng, sau khi đã cẩn thận quan sát xung quanh, người phụ nữ mới kéo áo choàng lên, để lộ chiếc điện thoại di động giấu bên trong nếp áo. Ngay lập tức, Halo bấm số gọi Abdullah. Trong khoảnh khắc, cô nghe thấy giọng nói mà cô đã quen thuộc từ vài ngày trước. Với cô, đó là cơ hội cuối cùng để cô có thể sống như một con người.

Một tuần sau, theo lời cầu khẩn của Halo, thông qua một nhân viên trong mạng lưới, Abdullah đến trường trung học Tal Afar. Tại đó, ông tặng tên chỉ huy IS 4 cái lốp xe bán tải mới tinh để đổi lấy 3 đứa con của Halo với lý do: “Dạy cho chúng học nghề làm bánh mì. Chúng còn trẻ, phục vụ được lâu dài”. Khi đã đưa 3 đứa bé về đến căn hầm trú ẩn nằm trong tiệm giặt ủi an toàn, Abdullah hẹn Halo lúc đi chợ, ông sẽ cho người đón.

Halo kể: “Mẹ con tôi cùng hơn 20 phụ nữ Yazidi khác ở trong hầm suốt 5 ngày. Đến đêm ngày thứ sáu, ông Abdullah cho xe tải chở chúng tôi đến thành phố Kobane do người Kurd kiểm soát” bởi lẽ người Yazidi là một thành phần trong cộng đồng người Kurd, hiện chỉ còn hơn 500 nghìn người, sống chủ yếu ở miền Bắc Iraq, tập trung tại 2 huyện là Sinjar và Shekhan, một số ít chạy đến Raqqa, Aleppo, Syria để tránh IS nhưng “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa” vì không lâu sau khi chiếm Mosul, Iraq, IS chiếm luôn Raqqa và Aleppo.

Nguyên nhân dẫn đến việc Abdullah quyết định giải cứu các tù nhân phụ nữ Yazidi là tháng 10-2014, một cháu gái của ông bị IS bắt. Lúc ấy Abdullah đang ở nhà thì có điện thoại. Sau khi nghe em ông kể chuyện, ông đến thành phố Aleppo, Syria.  Mất hơn 1 tiếng thảo luận với tay chỉ huy IS ở vùng này, hắn đồng ý thả cháu gái Abdullah với điều kiện ông phải sửa cho hắn 4 chiếc xe bán tải.

Abdullah nói: “Tôi huy động 12 nhân viên của tôi làm cật lực trong 3 ngày mới xong.  Lẽ ra nhiệm vụ của tôi đến đó là chấm dứt nhưng nhìn thấy thảm cảnh của các cô gái người Yazidi, tôi không đành lòng. Giúp người khác trốn thoát là việc phải làm khi mà họ đang sống trong địa ngục”.

3. Và thế là Abdullah lập tức bắt tay vào cuộc. Với 30 nhân viên, ngoài việc mua bán phụ tùng xe hơi để kiếm sống, họ còn tiến hành thăm dò những nơi giam giữ phụ nữ người Yazidi ở những vùng do IS kiểm soát trên đất nước Syria.

Phụ nữ Yazidi bị xích khi IS đưa họ ra chợ nô lệ.

Thông thường, những tay súng IS canh giữ trại giam vẫn để cho nhân viên của Abdullah trò chuyện với tù nhân phụ nữ mỗi khi họ đến để sửa chữa xe cộ. Khalaf, một cộng sự rất tích cực của Abdullah cho biết đối với IS, các cô gái Yazudi chỉ là món hàng, ai mua thì bán nên chúng không kiểm soát những cuộc trò chuyện của họ.

Trong tổng số 248 cuộc giải cứu do Abdullah trực tiếp chỉ huy, hầu hết được Abdullah trả bằng tiền USD cho các tay súng IS, hoặc trao đổi phụ tùng xe hơi, hoặc sửa chữa máy móc. Chỉ có 23 cuộc được ông thực hiện bằng cách tổ chức cho nạn nhân bỏ trốn nhưng với cách đó, khi thành công, Abdullah không bao giờ cho nhân viên đã trực tiếp tham gia quay trở lại trại giam đó nữa vì ông sợ họ bị giết.

Ông kể: “Omar Ahmed chẳng hạn, sau 38 lần giải cứu thành công, anh ấy nhận được lời khẩn cầu của một gia đình có con gái bị bắt ở Raqqa. Lúc đến nơi, IS nghi ngờ nên chúng chặt đầu anh ấy mặc dù Omar Ahmed đã từng là chiến binh thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo…”.

Một trường hợp nữa, nhưng lần này thì thê thảm hơn: Captor, nhân viên của Abdullah trong quá trình giải cứu một cô gái bị bán làm nô lệ cho một gia đình giàu có ở Mosul, Iraq, đã cho cô ta địa chỉ của Mustafa rồi khuyên cô ta trốn đến đó.

Tuy nhiên, Captor không ngờ cô gái chỉ là một cái bẫy. 1 ngày sau khi cô ta đến nhà Mustafa, các tay súng IS ập vào và mặc dù bị tra tấn rất khủng khiếp rồi bị giết bằng cách đốt cháy, Mustafa vẫn không hé răng nửa lời về mạng lưới của Abdullah. Captor nói: “Mustafa là cơ sở tin cậy của chúng tôi, là người mà chúng tôi hoàn toàn có thể đặt mạng sống của mình cho anh ấy”.

Gần đến ngày quân Chính phủ Syria tiến đánh hai thành phố Raqqa và Aleppo, cái giá để cứu những phụ nữ Yazidi cũng cao hơn. Ngoài việc phải trả tiền, đổi phụ tùng xe hơi cho IS, một số cơ sở của Abdullah là “nhà an toàn” để các nạn nhân tạm thời ẩn náu trước khi ông đưa họ đến những vùng do Chính phủ Syria hoặc dân quân người Kurd kiểm soát, đã yêu cầu Abdullah trả tiền cho họ, thường là 100 hoặc 150 USD cho 1 phụ nữ vì họ biết nếu Raqqa, Aleppo giải phóng, họ sẽ chẳng kiếm chác được gì.

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình mà không hề đòi hỏi thù lao. Akram chẳng hạn, ông nhận Leila, một thiếu nữ Yazudi là con rồi thản nhiên dẫn qua trạm kiểm soát của IS. Lúc Abdullah đưa cho ông 150 USD, Akram chỉ cười: “Tôi đã biết sự thống khổ của họ, và đơn giản là tôi chỉ muốn làm một việc gì đó để giảm bớt nỗi đau ấy…”

Nhưng cũng có những vụ Abdullah phải trả rất nhiều tiền. Để cứu thoát em gái của Suleyman, bị một tay súng IS người Ma Rốc mua rồi sau khi đã chán chê, hắn rao bán cô gái với giá 45.000 USD. Khalaf, cộng sự thân tín của Abdullah và Suleyman, từ Qamishli - một thành phố do người Kurd kiểm soát ở miền Bắc Syria đến thành phố Raqqa. Tại đây, sau nhiều cuộc mặc cả, em gái Suleyman đã được tự do với giá 20.000 USD.

Theo Jameel Chomer, Giám đốc điều hành Tổ chức Yazda, chuyên về hỗ trợ người Yazidi ở Iraq và Syria thì “20.000 USD là rẻ vì có nhiều trường hợp, gia đình các nạn nhân phải trả 40 hoặc 50 nghìn USD để  mua lại chính con em họ từ tay IS. Vì thế, cách duy nhất để bảo vệ người Yazidi và các dân tộc thiểu số ở Syria, Iraq khác là đánh bại IS, thiết lập một nền hòa bình lâu dài ở Trung Đông”.

Sau ngày quân Chính phủ Syria giải phóng Raqqa và Aleppo, Abdullah cùng các nhân viên của ông lại quay về với công việc mua bán phụ tùng ôtô. Khi được gọi là anh hùng, là “thiên thần hộ mệnh của phụ nữ Yazidi”, Abdullah nói: “Những người Hồi giáo Arab dòng Suni mới thực sự là những anh hùng. Nếu không có họ che giấu các nạn nhân, nuôi ăn ở để chờ chúng tôi đến đón, chúng tôi sẽ chẳng làm gì được”. Trả lời tờ Telegraph rằng ông có sợ khi xuất hiện công khai hay không? Abdullah lắc đầu: “Tôi tin rằng IS sẽ chẳng bao giờ còn đặt được chân lên mảnh đất này nữa…”.

Vũ Cao (theo Global Witness)
.
.