CIA hợp tác với Hezbollah chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng

Thứ Năm, 18/12/2014, 16:45
Trong vài năm trở lại đây, giữa Mỹ và Hezbollah, tổ chức vẫn còn nằm trong danh sách khủng bố của Mỹ, đã có một sự "ngừng bắn" ngầm, bất thành văn. "Kẻ thù của kẻ thù của tôi là kẻ thù tồi tệ nhất" - câu nói này hiện đang được người Mỹ tâm đắc trong bối cảnh đang cần xây dựng liên minh chống IS (nhà nước hồi giáo tự xưng). Nó là lý do để người ta tin rằng, CIA đang có những hợp tác nhất định với Hezbollah.

Không thể xem thường “đảng của Đấng tối cao”

Cách đây vài tháng, Faddis, một cựu điệp viên hàng đầu của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) xin thị thực nhập cảnh vào Liban để thực hiện một số việc ở Beirut cho một công ty dầu mỏ. Trong lúc chờ đợi xem xét để được cấp thị thực, thì một gói bưu kiện đã được chuyển đến cho khách hàng của ông ta. Bên trong gói bưu kiện đó là bộ hồ sơ đầy đủ về sự nghiệp làm điệp viên CIA của Faddis.

Faddis kể: "Nó bao gồm cả những thông tin về nơi tôi đã phục vụ, đến tận những năm 1990. Nó chứa đựng những chi tiết về các chuyến đi đến Israel và Liban của tôi từ rất nhiều năm trước”. Thời điểm đó, Faddis được giao thực hiện một chương trình hành động bí mật của CIA ở vùng Kurdistan trong giai đoạn trước năm 2003, khi Mỹ đưa quân tấn công Iraq.

Lúc này, Hezbollah là phong trào Hồi giáo có thế lực mạnh nhất Liban và là một thành phần trong Chính phủ liên hiệp của Liban khi đó. Faddis hiểu rằng, ở Liban muốn làm việc gì cũng phải thông qua "đảng của Đấng tối cao", tức Hezbollah. Faddis khoác vỏ bọc bên ngoài là ông chủ một tổ chức chuyên tư vấn cho những ai muốn đến làm ăn ở Liban.

Cách hiểu đó của Faddis cũng đang được xem xét áp dụng lại khi Mỹ đang cần đến sự trợ giúp của Liban trong cuộc chiến chống phong trào thánh chiến IS. Mỹ muốn Liban giúp ngăn chặn IS tại các vùng biên giới của mình. Hezbollah cũng muốn điều tương tự. Nhưng hiện tại, Mỹ vẫn chưa muốn chính thức hợp tác với Hezbollah, vì tổ chức này dù đã trở thành một lực lượng chính trị chính thống quan trọng hàng đầu ở Liban, nhưng vẫn còn nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố của Mỹ.

Người Mỹ vẫn chưa quên những chuyện mà các tay súng quân sự của Hezbollah đã làm cách đây vài chục năm. Năm 1983, Hezbollah đã cho người đánh bom tự sát nhắm vào doanh trại Quân đoàn Thủy quân lục chiến đóng tại Sân bay quốc tế Beirut làm chết 299 quân nhân gồm thủy quân lục chiến Mỹ và lính Pháp. Cùng năm đó, Hezbollah tiếp tục đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Beirut, giết chết 63 người, đa số là người của CIA và Bộ Ngoại giao Mỹ. Rồi Hezbollah còn bắt cóc hàng loạt người Mỹ, trong đó có cả trưởng trạm CIA ở Beirut William Buckley.

Một số quan chức cao cấp của CIA thừa nhận trong vài năm trở lại đây, giữa Hezbollah và Mỹ đã có một sự "ngừng bắn" ngầm, bất thành văn, không thừa nhận chính thức. Họ tin rằng, Hezbollah biết rõ "người của chúng tôi ở đâu, làm gì và có thể dễ dàng lật tẩy”, nhưng họ không làm thế, không phải vì họ đồng ý cho CIA hoạt động ở Beirut. Chẳng hạn, vào năm 2011, Hezbollah phát hiện nhưng chỉ công khai danh tính một số điệp viên CIA hoạt động ở Liban chứ không giết họ.

Cách hành xử đó tạo cho người Mỹ ấn tượng rằng, Hezbollah đang chuyển dần từ một phong trào Hồi giáo vũ trang và khủng bố thành một tổ chức chính trị hùng mạnh. "Đảng của Đấng tối cao" và các đồng minh hiện đang nắm giữ hơn 1/3 số ghế trong nội các Chính phủ Liban và 12 ghế trong Quốc hội. Vị thế đó giúp Hezbollah nắm quyền định đoạt đối với hoạt động của CIA ở Liban.

Charles Faddis - cựu điệp viên CIA, có nhiều kinh nghiệm giao tiếp với Hezbollah và Abbas Ibrahim - Tổng Giám đốc Cơ quan Tình báo Liban.

Mối quan hệ ngầm giữa Mỹ và Hezbollah được mô tả là đang tiến triển tích cực. Nhưng, giới chuyên gia đánh giá, mối quan hệ đó chưa thể là đồng minh, mà chỉ là do hai bên có cùng mối quan tâm chung. Liban rất quan tâm vấn đề IS, muốn đưa cuộc chiến chống IS ra xa biên giới nước mình. Arập Xêút và Iran cũng đều quan tâm vấn đề IS. Nhiều quốc gia đều chống IS, muốn chế ngự IS.

Muốn làm điều đó ở Liban, theo giới chuyên gia, chỉ có cách hợp tác với quân đội Liban và Hezbollah, vì họ chính là lực lượng chiến đấu trên bộ hiệu quả nhất. Người ta đang bàn nhiều về mô hình hợp tác nhiều bên bao gồm Mỹ, Arập Xêút, Liban, Hezbollah và Iran.

Nhưng cả Mỹ và Hezbollah đều không chính thức thừa nhận một mô hình hợp tác "trên thực tế" như thế. Vài ngày sau khi một phát ngôn viên của Hezbollah hoan nghênh một liên minh quốc tế chống IS, thì lãnh đạo tối cao của tổ chức này là Hassan Nasrallah lại xuất hiện trên truyền hình phê phán nước Mỹ là "mẹ của khủng bố", đồng thời phản đối việc Liban tham gia liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu. Trong khi đó, ở Washington, giới chức Mỹ cũng chối bỏ bất kỳ sự hợp tác nào với Hezbollah.

Hợp tác gián tiếp qua nhân tố trung gian

Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng sự hợp tác gián tiếp là khó tránh khỏi. Vào cuối tháng 8/2014, khi lực lượng của IS đánh chiếm một thị trấn của Liban giáp biên giới với Syria, Washington đã thông báo "đang chuyển gấp" số vũ khí trị giá 20 triệu USD cho Lực lượng vũ trang Liban (LAF) để chống IS.

Rami Khouri, Giám đốc Học viện Issam Fares về chính sách công và các vấn đề quốc tế tại Đại học Mỹ ở Beirut, đã gọi các quan hệ giữa hai bên đã tốt lên hẳn kể từ cuối năm 2013. Theo ông Khouri, kể từ sau khi IS đánh bom tại Beirut vào tháng 12/2013 và tháng 1/2014, đã có dấu hiệu rõ ràng các lực lượng vũ trang và tình báo của Hezbollah hợp tác chặt chẽ với LAF.

Chuyên gia Khouri cho rằng, Mỹ từ lâu đã có quan hệ mật thiết với quân đội Liban, vì thế cũng có thể xem là gián tiếp hợp tác với Hezbollah. Các loại vũ khí mà Mỹ đã cung cấp cho quân đội Liban bao gồm 480 quả tên lửa chống tăng, hơn 1.500 khẩu súng tiểu liên M16-A4 và nhiều quả pháo moóc-chê đã được vận chuyển qua cửa ngõ sân bay quốc tế Beirut, vốn do Hezbollah kiểm soát.

Đầu tháng 9/2014, một chuyến hàng vũ khí trị giá 9 triệu USD đã được chuyển qua sân bay Beirut. Còn hiện tại, một lô hàng trị giá 11 triệu USD cũng đang chuẩn bị chuyển giao.

Nhưng quan hệ giữa Mỹ và Hezbollah không chỉ dừng lại ở chuyện cung cấp vũ khí. Đó còn là sự chia sẻ thông tin tình báo chống khủng bố. Faysal Itani, một chuyên gia về Trung Đông tại Washington cho biết, đã từng có những vụ phá âm mưu khủng bố và bắt giữ các tay súng nghi can khủng bố nhờ thông tin tình báo được chia sẻ giữa Mỹ, Iran và Arập Xêút.

Itani cho biết, CIA không trực tiếp giao dịch với Hezbollah, mà thông tin tình báo được chia sẻ cho Iran, rồi sau đó Iran chia sẻ lại với Hezbollah.

Theo một báo cáo của Viện Báo chí truyền thông Trung Đông (MEMRI) tại Washington DC, người Mỹ bắt đầu chìa bàn tay hợp tác với Hezbollah từ khoảng đầu năm 2012. MEMRI cho biết, những hợp tác ban đầu là việc chính quyền Mỹ và Hezbollah trao đổi thông tin tình báo, nhưng về sau đã mở rộng tiếp xúc sang lĩnh vực ngoại giao và quan hệ chính trị.

Xin nói qua về MEMRI. Đây là một tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên nghiên cứu về các vấn đề an ninh khu vực Trung Đông. Trong thành phần của tổ chức này có nhiều nhân vật kỳ cựu trong bộ máy an ninh quốc gia Mỹ, như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, các cựu Giám đốc CIA James Woolsey và Michael Hayden, cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Peter Hoekstra, và một loạt cựu sĩ quan CIA và đặc vụ FBI. Cho nên, những thông tin mà MEMRI tập hợp và tung ra dù có vẻ hơi phóng đại một chút nhưng vẫn có một tỉ lệ sự thật đằng sau nó, và nhất là dụng ý của những người tham gia tập hợp báo cáo để tạo dư luận về vấn đề hợp tác bí mật giữa tình báo và an ninh Mỹ với Hezbollah.

Các tay súng Hezbollah được xem là khắc tinh có thể kháng cự hiệu quả với lực lượng IS.

Theo MEMRI, giới truyền thông Arập tập trung nêu bật mối quan hệ giữa Mỹ với Abbas Ibrahim - người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc gia Liban (GSD). Ibrahim là người theo dòng Hồi giáo Shiite và có quan hệ gần gũi với Hezbollah. Trong giai đoạn 2005-2008, trước khi làm Tổng giám đốc GSD, Ibrahim làm chỉ huy đơn vị tình báo quân đội Liban đóng ở Nam Liban. Cũng theo báo cáo của MEMRI, Ibrahim đóng vai trò là người trung gian cho các liên hệ giữa CIA và Hezbollah.

Các liên hệ này thường do phía Mỹ khởi xướng, được tiến hành bởi Đại sứ quán Mỹ tại Beirut và Hezbollah thông qua trung gian Ibrahim. Những cuộc tiếp xúc ấy được xúc tiến nhằm mục đích hợp tác chống Al-Qaeda và các phân nhánh của nó cũng như các tổ chức Hồi giáo Sunni khác.

Không chỉ có MEMRI, truyền thông trong khu vực, như tờ Al-Rai của Kuwait cũng đưa tin về việc các nhà ngoại giao Anh thảo luận với các lãnh đạo Hezbollah, sau đó chuyển thông tin cho người Mỹ.

Ali Soufan, một cựu đặc vụ FBI từng nhiều năm công tác tại khu vực Trung Đông đưa ra nhận xét: Thông tin cho rằng Mỹ đang hợp tác với Hezbollah ở Liban là hơi quá một chút. Hezbollah hiện đang là một phần trong Chính phủ Liban được Mỹ thừa nhận, và tổ chức này có một liên minh tương đối mạnh trong Quốc hội, có liên minh, liên kết chính trị với nhiều phe phái khác nhau ở Liban, kể cả người theo Thiên Chúa giáo. Hầu như các cơ quan an ninh ở Liban đều hợp tác với Hezbollah, Soufan cho biết.

Martin Reardon, một cựu đại diện FBI ở Qatar giai đoạn 2006-2009, cũng cho rằng, nói Mỹ và Hezbollah đang hợp tác là chủ yếu dựa theo "tin đồn" hơn là căn cứ theo thực tế. Reardon cũng như vài chuyên gia khác đều không thể hình dung được một sự hợp tác có thể xảy ra giữa CIA hay bất cứ cơ quan tình báo, an ninh nào khác của Mỹ với Hezbollah. Chính vì thế, Reardon quyết liệt phản đối ý tưởng hợp tác giữa Mỹ và Hezbollah, cho rằng một sự hợp tác như thế sẽ là "tự sát chính trị" đối với chính quyền Barack Obama.

Nhưng trên thực tế, chuyện gì cũng có thể xảy ra, nhất là trong hoàn cảnh cuộc chiến chống IS đang hồi cao trào, và sức mạnh bom đạn của Mỹ và các đồng minh đang chứng tỏ không có tác dụng đối với IS. Những kẻ thân Israel sẽ không "tiêu hóa" nổi thực tế Mỹ hợp tác với các quốc gia, tổ chức đối nghịch với Israel trong khu vực, như Hezbollah, Hamas, Syria, Iran.

Thời ông Jimmy Carter làm Tổng thống, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc khi đó là Andrew Young đã bị dư luận chỉ trích kịch liệt sau khi cuộc tiếp xúc bí mật giữa ông này với một quan chức của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) - khi đó còn bị Mỹ xem là "khủng bố" - bị tình báo Israel tiết lộ. Thế nhưng nhiều năm sau đó, những cuộc tiếp xúc bí mật vẫn cứ tiếp tục diễn ra giữa CIA và giới chức PLO, kể cả Chủ tịch Yasser Arafat.

Có vẻ như, những cái đầu diều hâu thân Israel ở Mỹ đang lặp lại chiêu bài năm xưa, tiếp tục tìm cách phá hỏng bất kỳ kế hoạch nào Mỹ triển khai tại Trung Đông mà trái với lợi ích của Israel: Nếu Mỹ rốt cục trực tiếp bắt tay với Hezbollah, Syria và cả Iran để tiêu diệt thành công IS, thì âm mưu lợi dụng IS làm suy yếu các quốc gia Arập trong khu vực của Tel Aviv xem như thất bại.

Nguyên Khang (theo Newsweek)
.
.