Cơ quan Tình báo Tín hiệu Anh do thám Tổng thống Trump vì ông Obama?
- Ghế Tổng thống Mỹ đang thay đổi như thế nào?
- Tổng thống Trump thề công bố thông tin vạch mặt “kẻ nghe lén” Obama
- Khi NSA không được nghe lén
Câu chuyện tình báo gây bất hòa giữa chính quyền Donald Trump với đồng minh Anh được khơi mào từ ngày 14-3. Trên chương trình "Fox & Friends" sáng 14-3, thẩm phán Andrew Napolitano đã cố gắng biện giải về lời cáo buộc ngày 4-3 của Tổng thống Trump rằng, cựu Tổng thống Obama đã nghe lén ông và những nhân viên của ông tại Trump Tower.
Ủy ban Tình báo Hạ viện đã gia hạn cho Bộ Tư pháp Mỹ thêm thời gian để điều tra chứng cứ chứng minh cáo buộc của ông Trump. Cho đến nay, vẫn chưa ai có thể tìm ra chứng cứ nào. Và thẩm phán Napolitano đã nói rằng cho dù chính quyền Obama có do thám ông Trump thì cũng chẳng có cách nào để chứng minh.
Thẩm phán Napolitano giải thích rằng, pháp luật Mỹ cho phép tổng thống có quyền ra lệnh do thám, theo dõi bất cứ ai ở Mỹ mà có hay không có để lại dấu vết, nhưng không được phép do thám, nghe lén đối thủ chính trị của mình. Thẩm phán Napolitano cho rằng, trong trường hợp này cựu Tổng thống Obama đã "vượt ra ngoài chuỗi mệnh lệnh" của chính mình.
Cựu Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Donald Trump. |
Napolitano cho rằng ông Obama đã không sử dụng các công cụ tình báo trong nước như NSA, CIA hay FBI, kể cả Bộ Tư pháp để do thám, mà lại sử dụng GCHQ, cơ quan tình báo tín hiệu của đồng minh Anh để thực hiện mục đích của mình. GCHQ vốn là một đối tác thân cận của NSA, là thành viên trong hệ thống "Năm con mắt" (Five Eyes), có quyền truy nhập vào cơ sở dữ liệu tình báo của NSA 24/24 giờ, suốt 7 ngày trong tuần.
Phát biểu của thẩm phán Napolitano được hiểu là để ông biện luận cho lời cáo buộc của Tổng thống Trump đưa ra hôm 4-3. Tuy nhiên, phát biểu này sau đó đã được người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer "ngây thơ" lặp lại hôm 16-3 với ý nghĩa khẳng định những điều thẩm phán Napolitano nói là "thật".
Dư luận báo chí cho rằng "phát đạn" được Spicer bắn ra có thể làm tan rã liên minh tình báo lớn nhất hành tinh "Five Eyes". Trước tiên, lời cáo buộc gây nên tình thế khó xử cho cả GCHQ và NSA, vốn là hai đối tác cật ruột của nhau. Lời cáo buộc này mang hàm ý rằng GCHQ đã can thiệp vào chính trị nội bộ của nước Mỹ, vì thế về lý mà nói GCHQ không còn tư cách để tiếp tục hợp tác sâu rộng với NSA nữa.
Ngày 20-3, Giám đốc NSA Michael Rogers đã lên tiếng phá vỡ im lặng để thông tin cho dư luận hiểu rõ hơn sự thật cơ quan này có "yêu cầu" GCHQ thực hiện do thám Tổng thống Trump hay không. Trả lời câu hỏi của các nghị sĩ Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, ông Rogers khẳng định, NSA không hề yêu cầu GCHQ do thám ông Trump hay bất cứ người nào thân thuộc với ông.
Theo Rogers, việc yêu cầu một cơ quan tình báo Anh tiến hành hoạt động do thám như thế là vi phạm các quy định của pháp luật Mỹ. Hơn nữa, việc sử dụng GCHQ như một công cụ để do thám chính người Mỹ là "đi ngược lại nguyên tắc Five Eyes".
Giám đốc NSA Michael Rogers. |
Tuy nhiên, sự việc có thể chưa đến mức nghiêm trọng như một số báo chí đưa tin. Người phát ngôn Spicer đã đọc lời phát biểu của thẩm phán Napolitano khi ông điểm thông tin báo chí nói về tình hình do thám đối với Tổng thống Trump. Hàm ý của Spicer là nếu ông Trump sai (khi cáo buộc ông Obama do thám), thì đó là bởi vì báo chí đang muốn tập trung chú ý vào tính chân thực trong lời cáo buộc do thám của ông. Hầu hết các thông tin điểm báo của Spicer đều không ủng hộ cáo buộc của ông Trump.
Bối cảnh khi ông Trump đưa ra lời tố cáo cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Ông Trump cáo buộc Obama do thám vượt quá giới hạn cho phép nhằm mục đích làm mất tính hợp pháp của những bằng chứng mà chính quyền Obama thu thập được về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử, theo đó giúp Trump giành chiến thắng.
Bằng chứng can thiệp đã được ít nhất 3 cơ quan tình báo Mỹ đứng ra "bảo chứng", và chính nó đã khiến Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức. Nó làm cho Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus nổi cáu yêu cầu FBI vào cuộc điều tra các báo đã đưa tin, và nó khiến Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions phải né tránh các câu hỏi của báo chí. Ý nghĩa quan trọng nhất của việc ông Trump cáo buộc ông Obama do thám mình chính là nhằm vô hiệu hóa tất cả những gì gọi là "bằng chứng" sự can thiệp của nước Nga do các đối thủ chính trị tung ra.
Dĩ nhiên, GCHQ và số 10 Phố Downing đã có phản ứng giận dữ trước cáo buộc "vô cớ" của Nhà Trắng, nhưng Nhà Trắng cho đến nay vẫn chưa đưa ra lời xin lỗi, và Tổng thống Trump thì nhất quyết không chấp nhận mình sai và không xin lỗi.
Ngày 17-3, số 10 Phố Downing thông báo đã nhận được lời bảo đảm từ Nhà Trắng rằng những "sự cố" tương tự sẽ không tái diễn trong tương lai. Như vậy, có thể xem đây là sự cố trong phát ngôn của người phát ngôn Nhà Trắng Spicer hơn là câu chuyện tình báo thật sự. Nhưng biết đâu được.
Cho đến nay Tổng thống Trump vẫn cương quyết không từ bỏ lời cáo buộc Obama do thám mình, cũng không bình luận gì thêm về việc NSA có "nhờ" GCHQ do thám mình hay không. Trong chuyến thăm châu Âu mới đây ông còn nói đùa rằng ông và bà Thủ tướng Đức Angela Merkel có điểm giống nhau là "đều bị NSA do thám". Những lời nói kiểu nửa đùa nửa thật trong bối cảnh câu chuyện tình báo đang ồn ào thế này hoàn toàn có dụng ý - không có lửa sao có khói.