Con đường tìm vaccine trị COVID-19: Hy vọng song cần cẩn trọng
Bài học từ quá khứ
Chính những mối lo ngại về việc những nhà sáng chế hiệu quả nhất không nhận được tài trợ đầy đủ đã thúc đẩy việc thành lập Liên minh Đổi mới phòng chống dịch bệnh (CEPI) sau phản ứng mờ nhạt trước dịch bệnh Ebola bùng phát ở Tây Phi khiến hơn 11.000 người tử vong vào năm 2014-2016. Mặc dù virus Ebola được biết tới từ cuối những năm 1970, song khi khủng hoảng dịch bệnh lên đến đỉnh điểm mà vẫn không có vaccine.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây tranh cãi khi tuyên bố Hydroxychloroquine như một phương pháp điều trị SARS-CoV-2. Ảnh: Reuters. |
Do dịch bệnh truyền nhiễm thường suy giảm theo thời gian hoặc được ngăn chặn trước khi lây nhiễm cho số lượng lớn người, nên việc khuyến khích đầu tư tài chính để phát triển vaccine không mấy được chú trọng cho đến khi nó bùng phát gây ra một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng như dịch COVID-19 đang diễn ra. Đặc biệt, ở những khu vực nghèo hơn, triển vọng thu được lợi nhuận lớn từ đây là rất mong manh.
Nhìn hậu quả từ việc phản ứng chậm chạp trước dịch Ebola ở Tây Phi, Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ - hồi giữa tháng 2 đã than thở rằng, những “ông lớn” về dược phẩm vẫn chưa đưa ra quyết định sản xuất vaccine điều trị COVID-19.
Còn các viện nghiên cứu nhận được tài trợ công thì không bị thôi thúc bởi lợi nhuận song lại phải nỗ lực để thu hút thêm tài trợ một khi dịch bệnh bùng phát. Năm 2016, các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Baylor ở Houston, Texas (Mỹ) đã phát triển một loại vaccine điều trị hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) nhưng lại không thể thu hút tài trợ cho các thử nghiệm trên người vì vào thời điểm đó, không có thêm ca mắc mới nào.
Tính đến nay, đã hơn một thập niên và những nhà nghiên cứu này đang một lần nữa tìm kiếm nguồn tài trợ để tiếp tục nghiên cứu loại vaccine mà họ phát triển sau khi nó được tin rằng có thể có hiệu quả chống lại virus Corona chủng mới - còn gọi là SARS-CoV-2. Virus Corona chủng mới này có trên 80% cấu trúc di truyền giống với SARS - loại virus đã khiến gần 800 người ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong tử vong vào giữa năm 2002 và 2003.
"Thông thường vào thời điểm vaccine đạt được thử nghiệm lâm sàng trên người thì dịch bệnh đã giảm. Nguồn tài trợ theo đó biến mất, dù mối đe dọa dịch bệnh bởi cùng loại mầm bệnh này vẫn sẽ xảy ra trong tương lai" – Tiến sĩ Jerome Kim cho biết.
Nhiều lý do để hy vọng
Được thành lập năm 2016 bởi chính phủ Na Uy, Quỹ Bill & Melinda Gates, Wellcome Trust, Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Cục Công nghệ sinh học Ấn Độ, Liên minh Đổi mới phòng chống dịch bệnh (CEPI) đang huy động tiền từ các chính phủ và các tổ chức từ thiện để nhanh chóng tài trợ cho việc phát triển và sản xuất vaccine đặc trị COVID-19 bởi việc này đang khó thu hút đầu tư tư nhân. Hiện tại, CEPI đã ghi nhận có sự phát triển một số loại vaccine tiềm năng điều trị SARS-CoV-2 đang được tiến hành với tốc độ chưa từng thấy.
Rất nhiều nhà khoa học trên thế giới đang nỗ lực tìm ra vaccine để điều trị căn bệnh COVID-19. Ảnh: SCMP. |
Cho đến nay, liên minh có trụ sở tại Oslo (Na Uy) đã cam kết tài trợ cho 8 dự án liên quan đến vaccine với các đối tác bao gồm Đại học Queensland (Australia), Đại học Hong Kong (Trung Quốc) và Công ty Công nghệ Sinh học Inovio của Mỹ. Không thể xác định được bất kỳ sáng chế nào cuối cùng có thể thành công trong giai đoạn này, song CEPI đang nhắm đến việc sản xuất ít nhất 3 vaccine khả thi có thể được cấp phép sử dụng. Một loại do Moderna - một công ty công nghệ sinh học ở Cambridge, Massachusetts (Mỹ) - phát triển, chưa thương mại hóa bất kỳ sản phẩm nào và đã có 1 tháng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I. Công ty này trước đây từng nghiên cứu vaccine điều trị MERS và đang phát triển một loại vaccine mới có tên là RNA thông tin (mRNA). Công ty này tin tưởng vaccine của họ có thể sẵn sàng sử dụng trong cấp cứu vào cuối năm nay, mặc dù loại để dùng rộng rãi thì vẫn dự kiến phải từ 12-18 tháng mới có.
Tuy nhiên, chỉ mình CEPI thực hiện vai trò này là không đủ. Bởi cứ 10 vaccine được chế tạo trong phòng thí nghiệm thì có đến 9 loại thất bại trong giai đoạn phê duyệt. Do đó, các chuyên gia cho rằng, dự án sáng chế nào hiệu quả nhất thì cần phải có nhiều phương pháp tiếp cận để kêu gọi tài trợ, thuyết phục các công ty lớn sản xuất với số lượng "khủng".
"Tôi không nghĩ rằng chúng ta đủ hiểu biết về SARS-CoV-2 để có thể dự đoán loại vaccine tiềm năng nào sẽ được sản xuất. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng đối với chúng ta là phải 'bắn nhiều phát vào mục tiêu' để đảm bảo ít nhất 1 loại vaccine sẽ đi được đến đích và hiệu quả trong việc ngăn chặn COVID-19. Theo tôi, có nhiều nhóm nghiên cứu vaccine là điều tốt" - Ooi Eng Oong, Phó Giám đốc Chương trình Bệnh truyền nhiễm mới tại Trường Y khoa Duke-NUS ở Singapore, nói.
CEPI có những thách thức tài trợ của riêng mình, ngay cả sau khi nhận được khoản tiền lớn trong những tuần gần đây từ các nhà tài trợ bao gồm Anh, Đức, Canada, Đan Mạch và Na Uy. Cho đến nay, liên minh mới chỉ huy động được hơn 1/3 trong số 2 tỉ USD mà tổ chức này đề nghị trong lời kêu gọi tài trợ khẩn vào ngày 14/3. Các thực thể khác ngoài CEPI, cả công cộng và tư nhân, cũng đã chuyển sang các cách tiếp cận bên ngoài quy trình phát triển và tài trợ vaccine truyền thống.
Tỉ phú, nhà từ thiện Bill Gates đã công bố kế hoạch tài trợ cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất cho 7 trong số các loại vaccine tiềm năng nhất dù chưa biết rõ đó là vaccine nào hay các vaccine đó có an toàn và hiệu quả đến đâu. Động thái này có thể sẽ chứng kiến hàng tỉ USD bị lãng phí. Chính phủ Mỹ cũng đã ký thỏa thuận với Công ty Johnson & Johnson và Moderna để sản xuất số lượng lớn vaccine trước khi thấy được hiệu quả của bất kỳ loại vaccine nào.
"Dịch bệnh COVID-19 bùng phát rõ ràng không giống với bất cứ loại nào mà chúng ta từng gặp. Và những nỗ lực đang kích thích việc tìm ra những 'ứng viên' vaccine hứa hẹn nhất", Giáo sư Robin May - Giám đốc Viện Vi trùng học và Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Birmingham (Anh) - cho hay.
Giới hạn an toàn
Đại dịch này đã gây ra tranh cãi khi sử dụng vô số phương pháp điều trị thử nghiệm để cố gắng chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 càng nhấn mạnh sự cấp bách tìm ra vaccine đặc trị. Các phương pháp điều trị chưa được chứng minh hiệu quả rõ rệt song các bác sĩ đang áp dụng bao gồm Hydroxychloroquine - thuốc phòng ngừa và điều trị sốt rét mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, và Remdesivir - thuốc kháng virus. Cả hai thuốc này đều chưa qua thử nghiệm lâm sàng để chứng minh tính an toàn và hiệu quả sử dụng của chúng.
Một nhà nghiên cứu đang tìm hiểu về cách virus nhân bản để tìm ra vaccine điều trị virus SARS-CoV-2. Ảnh: AFP. |
Nhưng ngay cả với sự tập trung chưa từng thấy cả về mức độ chú ý và nguồn lực, vẫn có những giới hạn về phạm vi phát triển vaccine. "Dưới áp lực của đại dịch, chúng ta vẫn phải xem xét cẩn trọng sự cân bằng giữa tính an toàn và tốc độ" - Jerome Kim, Tổng Giám đốc IVI (tổ chức đang hợp tác với một số công ty và cơ quan công về vaccine), cảnh báo.
"Vaccine để dùng cho những người khỏe mạnh giúp cho họ có thể kháng được bệnh tật, vì vậy các nhà phát triển vaccine phải đảm bảo sự an toàn. Việc không rõ về SARS-CoV-2 hay COVID-19 càng nêu bật thêm trách nhiệm này" - ông Kim nói.
Sự cân nhắc về độ an toàn như vậy không phải là không có căn cứ. Vào cuối những năm 1970, chính phủ Mỹ đã cho gấp rút triển khai chương trình tiêm chủng để giúp người dân chống lại một chủng virus cúm lợn mới, dẫn tới hậu quả hơn 450 người mắc hội chứng Guillain-Barré - một loại rối loạn hiếm gặp gây tê liệt tứ chi.
Người già có nguy cơ đặc biệt cao mắc SARS-CoV-2. Ảnh: Dickson Lee. |
Theo một nhà khoa học tại một viện nghiên cứu vaccine đa quốc gia, vaccine đặc trị SARS-CoV-2 sẽ phải đối mặt với một "rào cản về an toàn", vì cách thức của loại virus này ảnh hưởng đến người già nghiêm trọng hơn so với người trẻ tuổi. Những câu hỏi chưa có lời đáp về bản chất của SARS-CoV-2, bao gồm bằng chứng dứt khoát rằng những người đã mắc COVID-19 thì có miễn dịch không - cũng có thể làm phức tạp thêm việc phát triển vaccine. Tuy nhiên, "về mặt tích cực, đây có vẻ là loại virus tương đối ổn định, không giống virus cúm hay HIV vốn biến hóa nhanh chóng" - Giáo sư Ian Frazer cho biết.
Trong một bước có thể là đột phá, một nhóm các nhà khoa học Hàn Quốc hôm 10/4 tuyên bố rằng họ lần đầu tiên đã chỉ ra thành công cấu trúc bộ gene RNA của virus này. Điều đó có khả năng hỗ trợ việc phát triển vaccine. Mặc dù vậy, hầu hết chuyên gia tin rằng, phải mất ít nhất từ 12 đến 18 tháng để một loại vaccine có thể được đưa vào sử dụng. Nhiều ý kiến còn cho rằng, ngay cả khung thời gian này cũng là rất lạc quan và không thực tế.
Paul Offit - nhà đồng sáng chế ra vaccine phòng tiêu chảy cấp do virus Rota - cho rằng, nhiều người đánh giá thấp thách thức to lớn của việc sản xuất vaccine trên quy mô lớn. "Nghiên cứu là phần việc dễ dàng. Phần khó là nghiên cứu sự phát triển (vaccine) bởi vì bạn phải chứng minh tính khả thi của các nghiên cứu. Bạn phải có chất đệm, chất ổn định đúng. Bất cập trong hệ thống này nữa là ngày càng ít công ty sẽ sản xuất vaccine. Năm 1955, có 27 công ty sản xuất vaccine. Đến năm 1980, có 18 công ty. Tới nay, chỉ còn 4 công ty" - ông Offit cho hay.
Giáo sư Gilbert thì tin rằng, nhóm của bà có thể là nhóm tiềm năng, mang lại kỳ vọng nhiều nhất, đồng thời sẵn sàng với các thử nghiệm lâm sàng. Song bà đau đáu về việc tìm kiếm nguồn tài trợ nhanh chóng và linh hoạt cho việc nghiên cứu giống như nhóm của bà.
"Chúng ta không có một tổ chức nào sẵn sàng chung tay (tài trợ) đối phó với đại dịch. Bây giờ, chúng ta cần suy nghĩ về sự linh hoạt trong tài trợ ở quy mô lớn hơn nhiều bởi vì chúng ta cần phải tiến hành nhanh" - Giáo sư Gilbert nói.
* Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có 52 ứng cử viên vaccine đang được đánh giá tiền lâm sàng.