Công bố vụ CIA tra tấn tù nhân: “Lệ” vẫn trên “luật”?
Ngày 29/12/2014, tờ The New Yorker đã có một bài phân tích, đánh giá về những vấn đề liên quan đến CIA xoay quanh bản phúc trình này…
1. Đến bây giờ, người ta mới biết rõ là ngay từ năm 2002, khi chương trình tra tấn tù nhân được "bật đèn xanh" thì những người làm công tác này đã ý thức rằng theo luật Mỹ, họ có thể phạm tội hình sự.
Một văn bản cho thấy các nhân viên CIA phụ trách thẩm vấn muốn được bảo đảm rằng những tù nhân bị họ tra tấn, hỏi cung sẽ bị cô lập, biệt giam vĩnh viễn, không bao giờ có cơ hội ra trước tòa án để khai những gì đã xảy ra trong lúc bị thẩm vấn. Cũng theo văn bản ấy, các điều tra viên muốn "tù nhân sẽ vĩnh viễn biến mất". Dựa vào lôgíc đó, một số tù nhân "ngoại hạng" bị Chính phủ Mỹ giam giữ ở Guantanamo chưa bao giờ được đưa ra xét xử công khai.
Bản phúc trình cũng cho thấy CIA nhân danh lợi ích an ninh tối cần thiết của quốc gia, đã lừa dối cả chính quyền của Tổng thống Bush lẫn Quốc hội Mỹ. Chính quyền Bush cho phép CIA tiến hành thẩm vấn, còn Quốc hội Mỹ là ngành có quyền giám sát hoạt động của CIA.
Tuy nhiên, khi vụ việc đổ bể, CIA chối bai bải, rằng họ không hề thực hiện hành vi tra tấn tù nhân, mà họ "chỉ tìm đủ mọi cách để khai thác tin tức tình báo nhằm bảo vệ an ninh quốc gia mà thôi". Chưa hết, bản phúc trình còn chứng minh một điều là dùng cực hình tra tấn chẳng có ích lợi gì. Người ta có thể lấy tin tức tình báo bằng những phương pháp khác mà không cần phải hành hạ thân thể tù nhân. Hơn nữa, thẩm vấn bằng cực hình thường đưa đến những hậu quả đau thương, làm cho tù nhân sợ quá, bịa chuyện khai láo để khỏi bị đánh đập, gí điện, trấn nước….
Sau khi bản phúc trình được Thượng viện Mỹ công bố, còn có những tài liệu khác cho thấy CIA đã nói dối quanh, đánh lạc hướng các cơ quan chủ quản. Tháng 6/2003, cố vấn tư pháp của Văn phòng Phó tổng thống Mỹ hỏi CIA rằng họ có quay video hành vi trấn nước tù nhân hay không. Cố vấn pháp lý của CIA trả lời là "không". Về mặt kỹ thuật thì điều này đúng vì CIA không hề quay video lúc tra tấn tù nhân nhưng trước đó, họ có làm video về vấn đề này và đoạn băng ghi hình vẫn còn đó.
Bruce Jessen (trái) và James Elmer Mitchell, "cha đẻ" chương trình thẩm vấn tàn bạo của CIA. |
Không chỉ chối cãi, CIA còn quanh co khi trả lời những câu hỏi của Thượng viện. Ở nhiều đoạn trong bản phúc trình, CIA vừa nói láo, vừa xiên xẹo khiến người đọc thắc mắc không hiểu các quan chức của CIA nghĩ thế nào mà lại dám cả gan đánh lừa, dối gạt cả những cơ quan chủ quản của mình. Họ choàng lên mình một tấm áo che phủ mọi hoạt động bí mật vì họ cho rằng không ai có quyền kiểm soát hoạt động của CIA. Chỉ CIA mới là nơi duy nhất chịu trách nhiệm về hành động của chính họ.
2. Tuy nhiên, vẫn chưa có gì để khẳng định việc công bố bản phúc trình rồi đây sẽ đem lại một sự cải tổ lâu dài. Giáo sư Darius Rejali, giảng viên Khoa Chính trị học ở Trường Reed College, chuyên gia về các vấn đề tra tấn thì nghi ngờ rằng "không chắc gì bản phúc trình sẽ đem lại thay đổi theo hướng tích cực".
Còn nhớ năm 1988, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã ký vào Công ước Quốc tế chống tra tấn (Convention Against Torture) do Liên Hiệp Quốc soạn thảo. Ông Reagan là người thuộc đảng Cộng hòa, ký vào công ước nhưng lập trường của đảng Cộng hòa không phải là như vậy. Một thống kê thăm dò dư luận cho thấy số người đồng ý cho phép tra tấn ngày càng tăng trong cả hai đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ, và mỗi đảng có một lập trường riêng về vấn đề này. Giáo sư Rejali nói: "Quan điểm về tra tấn cũng nên tương tự như vấn đề nên hay không nên duy trì án tử hình, và sự dị biệt giữa hai đảng là điều khó tránh khỏi".
Không chỉ bây giờ CIA mới bị đưa lên "bàn mổ" xung quanh chuyện tra tấn tù nhân. Năm 1975, Thượng nghị sĩ Frank Church đã đệ trình Thượng viện một bản phúc trình sau khi có báo cáo về việc CIA bí mật tổ chức ám sát một số nhà lãnh đạo nước ngoài cùng nhiều vụ động trời khác. Giáo sư Lock K. Johnson, Khoa Chính trị học Trường University of Georgia, lúc đó làm phụ tá cho Thượng nghị sĩ Frank Church nói rằng bản phúc trình của Frank Church gây tiếng vang rất lớn và được mọi người ủng hộ: "Không một ai dám lên tiếng chỉ trích hay phản bác những thông tin trong bản phúc trình này".
Thế nhưng, bản phúc trình của Thượng viện mới đây lại bị đảng Cộng hòa phản công ngay từ trước khi được công bố. Phó Tổng thống Dick Cheney chưa hề đọc nó song cũng lên tiếng cho rằng nó chỉ gồm "những chuyện rác rưởi, không đáng nói". Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh tụ khối đa số trong Thượng viện gọi bản phúc trình là "bóp méo sự thật, được làm ra vì khác biệt ý thức hệ". Chưa hết, Thượng nghị sĩ John Cornyn, nhân vật số hai của đảng Cộng hòa ở Thượng viện mạnh miệng hơn: "Đừng chỉ trích CIA mà hãy nên cảm ơn họ mới đúng".
Riêng với Tổng thống Obama, ông đưa ra lời tuyên bố công khai về vấn đề tra tấn tù nhân, gọi đó là lề lối làm việc không thể chấp nhận được nhưng đồng thời ông cũng muốn để Thượng viện đem ra bàn cãi thêm. Tuy nhiên sau đó, Tổng thống Obama lại làm cho vấn đề thêm phức tạp khi ông bổ nhiệm John Brennan làm Giám đốc CIA. Là quan chức cao cấp của CIA, John Brennan từng làm việc sát cánh với ông George Tenet, cựu Giám đốc CIA trong giai đoạn mà việc tra tấn tù nhân được CIA xem là việc bình thường nhằm bảo vệ nước Mỹ.
Trước đó - năm 2009, trong một phiên họp cao cấp ở Nhà Trắng, ông Greg Craig, cố vấn của Tổng thống Obama đề nghị nên thành lập một ủy ban độc lập để nghiên cứu vấn đề tra tấn tù nhân. Tất cả các viên chức cao cấp trong chính phủ có mặt tại phiên họp đều đồng ý với đề nghị này, kể cả một số nhân vật "diều hâu" trong Hội đồng An ninh Quốc gia như Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng An ninh nội địa là bà Janet Napolitano, Chánh Văn phòng Nhà Trắng - ông Rahm Emanuel. Leon Panetta, Giám đốc CIA lúc bấy giờ cũng đồng ý nhưng Tổng thống Obama khước từ vì ông không muốn bị mang tiếng là đứng ra tìm cách trừng phạt người tiền nhiệm. Giới quan sát viên cho rằng qua sự việc trên, ông Obama hy vọng đạt được sự đồng thuận của hai đảng Dân chủ, Cộng hòa trong chuyện tế nhị này, giống như việc đóng cửa nhà tù Guantanamo.
Mới đây, tại một buổi họp báo, ông Brennan, Giám đốc CIA gọi hành vi của CIA trong quá khứ là "những việc làm đáng trách" nhưng ông từ chối không nói rõ chương trình tra tấn tù nhân có làm hại uy tín của nước Mỹ hay không. Một số Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đòi ông Brennan và một vài quan chức cao cấp của CIA phải từ chức. Thượng nghị sĩ Mark Udall, một thành viên trong Ủy ban Tình báo Thượng viện chỉ trích: "Nếu sự lãnh đạo của Nhà Trắng thiếu đạo đức thì rồi đây sẽ còn ai để ngăn chặn? Hay là giám đốc CIA ủng hộ việc tra tấn?".
3. Nói gì thì nói, việc tra tấn tù nhân của CIA đã gây ra sự phẫn nộ trong lòng nước Mỹ và với cả những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Nó là "tác phẩm" của hai chuyên gia tâm lý James Elmer Mitchell và Bruce Jessen, những người đã ký hợp đồng với CIA để xây dựng "chương trình thẩm vấn tăng cường" mặc dù họ không hề có kinh nghiệm thẩm vấn nào trong thực tế. Trước đó, James Elmer Mitchell và Bruce Jessen là giảng viên trong một chương trình mang tên SERE của không quân Mỹ, chuyên huấn luyện cho các phi công cách đối phó với các cuộc thẩm vấn nếu rơi vào tay đối phương. Thế nhưng, theo báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ thì: "Cả hai nhà tâm lý nói trên đều không có kinh nghiệm thẩm vấn, cũng không có kiến thức chuyên sâu về Al-Qaeda. Họ chưa từng làm việc trong lĩnh vực chống khủng bố và không am hiểu về ngôn ngữ, văn hóa của kẻ thù".
Báo cáo của Thượng viện Mỹ nhấn mạnh cặp đôi này kiếm được bộn tiền nhờ đã phát triển "nghệ thuật tra tấn" cho CIA để họ áp dụng một cách bừa bãi và liên tục dối trá về hiệu quả của chúng. Là người nghiên cứu sâu rộng về hành vi tra tấn và thể chế dân chủ ở nhiều nơi trên thế giới, giáo sư Rejali cho biết, đã có một khoảng thời gian chừng 5 hay 6 năm để có thể quy kết trách nhiệm cho những nhân vật có thẩm quyền trong vấn đề này nhưng thời điểm đó đã bị bỏ qua, dẫn đến cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều bị "mắc nghẹn".
Theo Giáo sư Rejali, nếu không thành thật nhận lỗi vì đã làm những điều tàn ác trong quá khứ thì tương lai sẽ còn xảy ra việc tra tấn hành hạ tù nhân theo cách khác, rất khó ngăn ngừa. Giáo sư Rejali cảnh báo: "Không có gì để có thể tiên đoán trước rằng hành vi sai trái trong tương lai, lại vẫn sẽ được khoan dung như trong quá khứ".