Cộng đồng châu Âu tăng cường hoạt động tình báo kinh tế
Tình báo Tây Ban Nha bắt đầu tiến hành điều tra những nỗ lực được cho là đáng ngờ của những nhà đầu cơ nước ngoài nhằm gây mất ổn dịnh nền kinh tế của Tây Ban Nha. Theo tờ El Pais, trước đó chính quyền Tây Ban Nha đã yêu cầu Cơ quan tình báo trung ương quốc gia (CNI) nước này làm rõ mối quan hệ giữa những động thái đầu cơ trong các thị trường tài chính thế giới và một loạt những báo cáo tổn thất trong giới truyền thông Anh.
Tiết lộ của tờ El Pais nhanh chóng bị tạp chí Economist của Anh cho là "chuyện nhảm nhí" và thậm chí còn rêu rao là chính quyền Tây Ban Nha còn quá non nớt trong lĩnh vực kinh tế! Nhưng điều thú vị là trước đó đúng 1 năm, cũng chính tạp chí Economist đã giữ im lặng khi Washington cảnh báo Trung Quốc có ý định bán số lượng lớn trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ mà nước này sở hữu. Nếu Trung Quốc hành động như thế thì đồng USD sẽ mất giá chỉ sau một đêm, nhưng kinh tế Trung Quốc cũng sẽ chịu tổn thất tương tự.
Nhưng tình báo Mỹ không hành động liều lĩnh: vào ngày 19/2/2009, Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ công khai cảnh báo ý định bán trái phiếu tài chính Mỹ của Trung Quốc được coi là hành vi gây nên "cuộc chiến tranh tài chính".
Mỹ biết rất rõ về cuộc chiến tài chính bởi vì nước này nằm trong số những nước đầu tiên sử dụng đến nó sau Chiến tranh thế giới lần 2. Vào mùa thu năm 1956, hai đồng minh thân thiết nhất của Washington là Anh và Pháp đã phát động cuộc chiến tranh chống Ai Cập để giành quyền kiểm soát kênh đào Suez.
Mối quan tâm hàng đầu của Washington là ngăn chặn khả năng xảy ra sự dính líu quân sự của Liên Xô lúc đó vì nước này đe dọa đứng về phía Ai Cập. Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower nhiều lần thúc giục Paris và London rút lại tuyên bố của họ đối với kênh đào Suez.
Khi những lời kêu gọi này không được lắng nghe, Washington buộc phải sử dụng đến cuộc chiến tài chính làm mất giá đồng bảng Anh. Biết rõ hậu quả không nhỏ của cuộc chiến tài chính nên trong vòng vài tuần sau đó, lực lượng Anh và Pháp buộc phải từ bỏ khu vực Suez, đánh dấu sự kết thúc của chủ nghĩa thực dân châu Âu ở Trung Đông và mở ra kỷ nguyên thống trị của Mỹ trong khu vực giàu dầu mỏ này.
Sự phụ thuộc kinh tế của Mỹ vào Trung Quốc đã đặt nước Mỹ vào tình thế tương tự như nước Anh trong suốt cuộc khủng hoảng kênh đào Suez trong quá khứ. Hơn nữa, các nhà chiến lược ở Washington hiểu rằng, sức mạnh quân sự không thể chối cãi của nước Mỹ buộc các quốc gia khác phải tìm kiếm những phương cách khác để thách thức ưu thế nước này, trong đó bao gồm cuộc chiến tranh tài chính.
Thậm chí Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ (DNI) cũng nhận định cuộc chiến tranh tài chính nguy hiểm không kém sự phổ biến vũ khí hạt nhân hay cuộc chiến chống khủng bố. Do đó mà ngay từ năm 1947, CIA đã thành lập bộ phận tình báo kinh tế với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về kinh tế và luôn có báo cáo tình báo về kinh tế hàng ngày cho tổng thống, và DNI cũng tăng cường tuyển mộ những cựu giám đốc ngân hàng đầu tư ở Wall Street.
Thậm chí Washington cũng cho thành lập Hội đồng Kinh tế quốc gia tương đương với Hội đồng An ninh quốc gia, rồi ban hành Luật Tình báo kinh tế để đối đầu với hoạt động tình báo đang phát triển mạnh trong lĩnh vực này. Theo FBI, có ít nhất 23 quốc gia dính líu đến gián điệp kinh tế nhằm vào Mỹ và ngày càng có nhiều vụ gián điệp kinh tế nước ngoài ở Mỹ được phát hiện.
Các quốc gia thành viên EU cũng dần nhận thức tầm quan trọng của hoạt động tình báo kinh tế như Mỹ nhằm bảo đảm an ninh kinh tế cho khu vực châu Âu. Do đó tình báo một số nước như Hà lan, Bỉ và Đức đã thành lập bộ phận chuyên trách về vấn đề kinh tế.
Năm 2006, Cơ quan Tình báo Đức BND đã tiêu tốn khoảng gần 6 triệu USD để tiến hành chiến dịch gián điệp kinh tế làm bùng nổ vụ bê bối trốn thuế lớn nhất ngày nay. Cuộc điều tra của BND hiện đã mở rộng đến hàng ngàn cá nhân trốn thuế tại ít nhất một chục quốc gia.
Ông Robert Zoellick - Chủ tịch World Bank. |
Có những dấu hiệu cho thấy Cơ quan Tình báo quốc gia Hy Lạp (EYP) đang theo bước của BND. Trong tháng 2/2011, khi Athens và Brussels bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của cuộc khủng hoảng tài chính đe dọa đồng tiền chung châu Âu, vài phương tiện truyền thông đưa tin EYP đang hợp tác với các cơ quan tình báo Tây Ban Nha, Ireland và Bồ Đào Nha để điều tra một loạt những cuộc đầu tư phối hợp tấn công vào thị trường tiền tệ.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp từ chối bình luận về các báo cáo đề cập đến sự dính líu của EYP, song người ta thấy rõ là lần lượt từng quốc gia ở châu Âu đang sử dụng đến bộ máy tình báo để chống lại những cuộc tấn công tài chính liên tục nhằm vào khu vực đồng euro.
Người ta không thể phủ nhận rằng những tai họa kinh tế liên tục hiện nay ở châu Âu là hậu quả trực tiếp của sự quản lý yếu kém, nạn trốn thuế trên diện rộng và sự mở rộng về phía đông quá nhanh của EU. Tuy nhiên, dù hiếm khi được thừa nhận công khai, các nhà quan sát đều hiểu rằng, những tai họa kinh tế này không phải là không liên quan đến cuộc cạnh tranh tài chính khốc liệt giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới - EU và Mỹ.
Năm 2003,khi bình luận về cuộc chiến tranh kinh tế căng thẳng này giữa EU và Mỹ, Robert Zoellick (hiện là lãnh đạo World Bank) nói nó giống như một sự "đối đầu hạt nhân". Nghĩa là, khi mà sự phụ thuộc về chính trị và kinh tế lẫn nhau giữa các quốc gia châu Âu ngày càng sâu thêm, và vị thế kinh tế của EU trên thế giới được mở rộng thì cuộc "đối đầu hạt nhân" giữa Brussels và Washington chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục.
Các quốc gia châu Âu hiện nay đang nỗ lực củng cố hoạt động tình báo kinh tế về lượng và chất để giải quyết những vấn đề tài chính liên quan đến Mỹ. Và bắt đầu là trong năm 2011 ở Mỹ đã xuất hiện văn phòng liên lạc của Nghị viện châu Âu được cho là dấu hiệu cảnh báo các nhà lập pháp Mỹ, nên nhận thức về sức mạnh đang tăng của 27 quốc gia và một nghị viện bao gồm 736 thành viên đại diện cho thị trường lớn nhất thế giới với khoảng 500 triệu công dân. Trong lĩnh vực tình báo kinh tế, đối thủ đáng gờm nhất của châu Âu chính là Mỹ