Cuộc chiến bí mật của Giáo hoàng Pius XII chống lại trùm Phát xít

Thứ Ba, 10/10/2017, 11:06
Năm 1944 tại Tòa thánh Vatican, Roma, khi những đạo quân của đế chế Quốc xã thua tan tác trên hai mặt trận phía đông và tây, chỉ huy đội cận vệ Otto Wolff đến gặp đức Giáo hoàng Pius XII để tiết lộ chi tiết việc Hitler lên kế hoạch bắt cóc ngài.

Cha Peter Gumpel, nguyên phát ngôn viên của Giáo hoàng Pius XII cho biết: “Kế hoạch này Hitler đã không thực hiện được vì chúng sợ phản ứng của dư luận thế giới”.

Đây chỉ là một trong những câu chuyện được tiết lộ từ các tài liệu do Đài Truyền hình RAI, Italia, thu thập và thực hiện. Tài liệu này phản ánh một góc nhìn khác về vị Giáo hoàng lãnh đạo Giáo hội Roma trong Thế chiến thứ II và giải thích chiến lược của ông ngăn chặn việc truy bắt hàng ngàn người Do Thái.

Ba lần liên can đến các âm mưu loại trừ Hitler

Trước khi trở thành người đứng đầu Vatican vào năm 1939, Giáo hoàng Pius XII từng sống nhiều năm tại Đức trong vai trò khâm sai của Tòa thánh. Ông yêu nước Đức nhưng hoàn toàn không ủng hộ chính sách bá chủ của Đệ tam đế chế.

Lý giải về thái độ đối kháng thầm lặng của Giáo hoàng Pius XII, sử gia Mark Riebling viết trong cuốn sách của ông - có tựa đề “Church of Spies: The Popes Secret War Againt Hitler” (tạm dịch: Giáo hội điệp viên: Cuộc chiến bí mật của Giáo hoàng chống lại Hitler, nhà sách Basic Book xuất bản tháng 9-2015) - rằng, sở dĩ ông không lên án đích danh chế độ Đức Quốc xã trong tông thư đầu tiên trên cương vị giáo hoàng vào tháng 10-1939 là thể theo lời khẩn cầu của những người âm mưu chống Hitler, bởi họ có thể bị giám sát chặt chẽ hơn và ảnh hưởng đến đại sự.

Giáo hoàng Pius XII (1876-1958).

Năm 2016, sử gia Charles Gallegher, hiện đang giảng dạy tại Ðại học Saint Louis, bang Missouri, Mỹ, đã cho công bố nhiều tài liệu cho thấy, Ðức hồng y Pacelli, quốc vụ khanh Tòa thánh (sau này là Pius XII) đã chống lại Hitler một cách quyết liệt. Khi được bầu làm Giáo hoàng, ông lại càng có thái độ cương quyết hơn đối với Hitler.

Ngoài ra, nhiều tài liệu cũng cho thấy vị giáo hoàng này đã cứu thoát rất nhiều người Do Thái khỏi cuộc thảm sát. Ngày 2-3-1939, Giáo hoàng Pius XII đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tổ chức một hội nghị vào ngày 3-5 cùng năm để ngăn chặn âm mưu đẩy châu Âu vào chiến tranh nhưng lời kêu gọi của ông đã không được cộng đồng quốc tế lắng nghe. Và ngày 24-8 năm đó, trên làn sóng của Ðài Phát thanh Vatican, Giáo hoàng Pius XII đã một lần nữa khẩn khoản kêu gọi nguyên thủ các nước Anh, Pháp, Mỹ cần sớm có hành động để ngăn chặn bước tiến của Hitler và ủng hộ bất cứ cuộc đảo chính nào tại Ðức.

Một số sử gia nêu lên câu hỏi: Tại sao Giáo hoàng Pius XII không công khai dứt phép thông công của Hitler? Câu trả lời là: trong suốt những năm cầm quyền, Hitler chỉ vào nhà thờ đúng một lần, đó là lần ông ta dự tang lễ của Paul von Hindenburg - Tổng thống Đức - vào năm 1934. Hitler không theo bất cứ tôn giáo nào.

Ngay từ những ngày đầu cầm quyền, Hitler đã coi Giáo hội Công giáo Roma là một trong những kẻ thù lớn nhất. Trong một bài phát biểu đọc trước Quốc hội Đức, Hitler đã nói: “Giới linh mục là kẻ thù chính trị của người Đức mà chúng ta sẽ hủy diệt”. Còn các quan chức Đức Quốc xã từng nói rằng, một khi chủ nghĩa Bolsevich (Liên Xô) và Do Thái bị hủy diệt, Giáo hội Công giáo sẽ là kẻ thù duy nhất còn lại”.

Có người chỉ trích Giáo hoàng Pius XII đã “bạc nhược” không công khai lên án Ðức quốc xã, nhưng nếu dám công khai lên án Hitler, thì có lẽ Tòa thánh Vatican đã bị Ðức quốc xã đem quân chiếm đóng, giáo hoàng cũng sẽ bị cầm tù hoặc bị giết chết, tất cả mọi tòa khâm sai đều bị đóng cửa, các cơ sở giáo hội tại những nơi bị Ðức Quốc xã chiếm đóng sẽ bị tịch thu và những ai đang trú ẩn trong các cơ sở ấy không thể sống sót. Vào thời đó, ai cũng biết rằng, không có bất cứ một sức mạnh nào có thể chặn đứng được cuộc diệt chủng của Hitler và ngay cả khi các nước khác có biết được cuộc diệt chủng này, Hitler cũng không mảy may chùn tay.

Đương nhiên, rất nhiều người đã thất vọng về thái độ Giáo hoàng Pius XII, nhưng có ai biết được, ông mới chính là người đau khổ hơn bất cứ người nào. Năm 1941, ông viết rằng: “Mỗi lần tôi muốn lên tiếng một cách mạnh mẽ, thì tự nhiên tôi lại cảm thấy bị buộc phải giữ im lặng; mỗi lần tôi muốn làm một cái gì đó, thì tự nhiên lại cảm thấy cần phải kiên nhẫn chờ đợi”. Giáo hoàng biết rằng, ông hoàn toàn bất lực trước số phận của những người đã nằm trong tay Hitler.

Antonio Nogara - con trai của Cựu giám đốc Bảo tàng Vatican là Bartolomeo Nogara - đã viết về việc Hồng y Giovanni Battista Montini - người sau này trở thành Giáo hoàng Paul VI - đã đến thăm cha ông vào một đêm mùa đông cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2-1944.

Antonio Nogara tiết lộ: Hồng y Montini đã kể với cha mình về kế hoạch của Hitler định bắt cóc Giáo hoàng Pius XII. Kế hoạch này bị cơ quan tình báo Mỹ và Anh phát hiện. Để thực hiện kế hoạch đó, các sĩ quan Đức được phái đến sẽ giả vờ nói rằng, họ đang cố gắng bảo vệ Giáo hoàng Pius XII.

Kế đến, họ sẽ đưa Giáo hoàng này đến một nơi bí mật ở Thư viện Vatican, “giấu” ông ở đó trong 2 - 3 ngày trước khi giải ông về Đức. Đến đây, Riebling dẫn lời tướng Heinrich Himmler- kiến trúc sư trưởng của kế hoạch diệt chủng Holocaust - rằng, hắn “muốn mang Giáo hoàng ra xử tử công khai trong ngày khai trương một sân bóng đá mới”.

Để hoàn thành cuốn “Giáo hội điệp viên: Cuộc chiến bí mật của Giáo hoàng chống lại Hitler”, sử gia Mark Riebling tiết lộ “có vài nguồn cung cấp tư liệu giá trị tạo cho tôi niềm hứng khởi”. Nguồn hứng khởi đó đến từ câu chuyện của James Jesus Angleton, một điệp viên nổi tiếng của Mỹ, hoạt động cho The Office of Strategic Services (OSS- tiền thân của CIA hiện nay) thời Thế chiến thứ II với nhiệm vụ thâm nhập Tòa thánh Vatican.

Trong khi tìm tài liệu cho cuốn sách trước đây của mình - cuốn “The secret war between the FBI and CIA” (Cuộc chiến bí mật giữa FBI và CIA), Riebling đã khám phá các tài liệu liên quan đến Tòa thánh Vatican mà James Angleton cung cấp cho OSS. “Có ít nhất 10 tài liệu ám chỉ rằng Giáo hoàng Pius XII và các cố vấn thân cận nhất của ngài, đã không phải một lần, mà ba lần dính líu đến các âm mưu loại trừ Hitler - trải dài từ khoảng năm 1939 đến 1944.

Những tài liệu này được đánh máy bởi những người có biệt danh dễ nhận ra. Chẳng hạn, biệt danh “Rock” là của Ray Rocca, phụ tá cho James Angleton khi ông hoạt động ở Roma. Ray Rocca cũng là người chịu trách nhiệm lưu trữ các bản văn của CIA về vụ ám sát Tổng thống John F. Kenedy năm 1963.

Riebling phán đoán: “Ông ta có nhiệm vụ thâm nhập, moi tin từ Vatican; ông ta biết về các âm mưu bắt cóc và ám sát. Tôi nghĩ, nếu gặp được người này thế nào cũng moi ra lắm điều thú vị”. Tuy Rocca đã không vi phạm lời thề bí mật của mình, nhưng phần trả lời phỏng vấn mà ông thực hiện với Riebling đã trở thành những nguồn tư liệu cho cuốn sách. Theo Riebling, cuốn sách của ông không có ý khẳng định rằng Giáo hoàng “cố gắng ám sát Hitler.”

Đúng hơn, các bước đi, cách hành xử của vị giáo hoàng nhẹ nhàng hơn. “Giáo hoàng Pius XII đã trở thành một mắt xích cơ bản trong một cỗ máy nhằm loại bỏ một kẻ bạo quyền, một tên-phản-Kitô. Ngài đồng ý làm người trung gian cho những người chủ mưu- tức là trở thành một mật vụ cho họ-và như thế ngài đã trở thành người đồng thuận trong các mưu tính của họ”. Sử gia Riebling đã mô tả các hành động này là “một trong những sự kiện lạ lùng nhất trong lịch sử các triều giáo hoàng”.

Trong khi tìm hiểu, Riebling biết được Giáo hoàng Pius XII đã bí mật cho thu âm lại tất cả các cuộc chuyện trò, thảo luận được thực hiện trong văn phòng của ngài và theo ông, Giáo hoàng đã liên hệ tới ba âm mưu chống lại Hitler.

Vụ thứ nhất, diễn ra từ tháng 10-1939 đến tháng 5-1940, liên quan đến nhóm tạo phản thuộc giới quân sự người Đức. Từ cuối năm 1941 đến mùa xuân năm 1943 là một loạt các vụ việc do các tu sĩ dòng Tên người Đức mưu tính thực hiện, kết thúc với việc trái bom được đặt trên máy bay của Hitler không nổ như dự định.

Vụ thứ ba, cũng do các tu sĩ dòng Tên, và cũng do một người thuộc giới quân sự Đức là Đại tá Claus von Stauffenberg chủ mưu. Mặc dù viên đại tá này đã cài được một trái bom gần nơi Hitler sắp tiến hành cuộc họp với các tướng lĩnh, nhưng tên trùm phát xít do tính đa nghi và thói quen hay bất thần thay đổi lịch trình, địa điểm hiện diện vào phút cuối nên trái bom không giết được ông ta. Những ai liên quan đến vụ mưu sát bất thành đều bỏ trốn hoặc bị hành quyết ngay sau khi bị mật vụ Đức bắt lại.

Nhiệm vụ xã hội của Đài phát thanh Vatican

Ngày 10-10-1942, Giáo hoàng Pius XII đã nhận được một bản báo cáo về “những biện pháp nghiêm trọng của Ðức Quốc xã chống lại người Do Thái”. Năm 1943, Giáo hoàng đã ra lệnh cho khâm sai (sứ thần) của Tòa thánh tại Ðức là đức cha Cesare Orsenigo đến gặp thẳng Hitler để phản đối về việc bức hại, thảm sát người Do Thái tại Ðức và tại những vùng bị Ðức Quốc xã chiếm đóng.

Đài Phát thanh nằm trong khuôn viên Tòa thánh Vatican.

Cha Orsenigo kể lại rằng, khi ngài vừa đề cập đến vấn đề thì Hitler bất thần quay lưng lại, đi đến bên cửa sổ và đấm mạnh vào cửa kính. Sau đó, ông ta quay lại bàn làm việc, chộp lấy một cái ly và giận dữ ném xuống đất. Cha Orsenigo nói: “Trước một cử chỉ ngoại giao như thế, tôi nghĩ rằng tôi đã làm xong nhiệm vụ”.

Grazia DI Veroli, con gái của một gia đình người Do Thái cho biết: “Các dòng tu và tu viện lúc ấy đã mở cửa để cứu vớt rất nhiều người Do Thái. Chắc chắn chính quyền Hitler biết có ai đó đứng đằng sau vụ cứu người này”. Letizia Lanzetta nhớ lại: “Mẹ, bà và dì tôi là những người Do Thái được các sơ cưu mang. Ông và chú tôi thì được các cha dòng thánh Âu - Tinh chào đón và cho tá túc trong nhà dòng”.

Giáo sư sử học hiện đại Maximiliano Valente, tại Đại học châu Âu Roma, cũng đưa ra ánh sáng phần đóng góp của Đài Phát thanh Vatican trong giai đoạn này. Văn phòng liên lạc tìm tù nhân chiến tranh đã phối hợp hoạt động cùng Đài Phát thanh Vatican từ cuối năm 1942.

Theo thời gian và mức độ lan tràn của chiến tranh, Văn phòng phát triển và đạt tới số cao nhất là 600 nhân viên vào năm 1943, những tập hồ sơ cần giải quyết ngày càng dày lên. Văn phòng được sự trợ giúp của hàng giáo phẩm Công giáo hiện diện khắp nơi trên thế giới cũng như các vị khâm sai của Tòa thánh, nhờ thế có được những tin tức liên quan đến các tù nhân chiến tranh và đã liên hệ với nhiều nước để làm vơi nhẹ nỗi khổ đau của các tù nhân. Thời gian này, Đài Phát thanh Vatican đã “thực thi một nhiệm vụ xã hội đích thực”.

Trong các năm đầu của Thế chiến thứ II, Đài chỉ phát mỗi tuần hai lần nhưng ưu tiên thời lượng cho chương trình phát danh sách các tù nhân, và nhờ đó các thân nhân của tù nhân có thể biết họ còn sống hay đã chết hoặc bị giam trong các trại tù nào, các điều kiện và tình trạng của họ ra sao. Số người được Vatican trợ giúp theo “một cách nào đó” rất đông.

Cũng liên quan tới Giáo hoàng Pius XII, vào cuối tháng 5-2015, sử gia Pier Luigi Guiducci ấn hành cuốn sách của ông có tựa đề “The other side of the black legend” (Bên kia truyền thuyết đen). Tựa đề của cuốn sách, theo tác giả, hàm chứa nội dung những điều nói về cách hành xử âm thầm và khôn khéo của Giáo hoàng Pius XII “tựa như màn sương mù, các bí mật mà người ta không thể vén mở được”.

Với rất nhiều tài liệu lịch sử, tác giả chứng minh cho thấy sự dối trá của “truyền thuyết đen” khi đã cho rằng, Tòa thánh tiếp tay cho Đức Quốc xã. Trong một thế giới vốn không nhìn nhận bất cứ một vai trò nào của Giáo hội và của Giáo hoàng, thì chê trách và lên án Giáo hoàng Pius XII không dùng ảnh hưởng của mình để can thiệp vào việc cứu người Do Thái khỏi thảm họa diệt chủng là một bất công.

Quang Học (tổng hợp)
.
.