Một góc nhìn khác về cuộc chiến chống khủng bố vùng hạ Sahara
- Cảnh sát Czech căng mình chống khủng bố
- Venezuela thành lập cơ quan an ninh mới chống khủng bố từ...Colombia
Tiếp sau sự sụp đổ của Taliban tại Afghanistan năm 2001, giả thuyết về một sự chuyển dịch của những chiến binh Hồi giáo cực đoan từ Trung Đông sang Somalia và các nước khu vực Sahel đã khiến người Mỹ quan ngại. Những nhà chiến lược của Lầu Năm Góc đã điều chỉnh hành động cho phù hơp hơn. Theo đó, trong mười năm trở lại đây, sự tham chiến của quân đội và cảnh sát Mỹ tại các quốc gia vùng Sahel đã bùng nổ theo nghĩa đen, trong khi sự hiện diện của họ tại Afghanistan đang giảm đi.
“Thánh chiến”
Sau những cuộc đụng độ khiến 4 binh sỹ Mỹ thiệt mạng tại biên giới Mali hồi tháng 10-2017, Mỹ đã vũ trang cho căn cứ máy bay không người lái mà họ xây dựng tại Agadez, Bắc Niger. Căn cứ này từ đó có thể tiếp nhận khoảng 1.000 người và được đánh giá có tầm quan trọng cực cao vì nó phục vụ cùng một lúc việc giám sát Dải Sahel – Sahara; hỗ trợ các hoạt động của lực lượng đặc biệt tại Libya; đào tạo các lực lượng vũ trang địa phương và bảo vệ chính quyền của Tổng thống Mahamadou Issoufou tại Niamey. Liên minh châu Âu cũng muốn sử dụng nơi này như một căn cứ hậu cần giữa các căn cứ khác để điều tiết những dòng người nhập cư hướng về Địa Trung Hải.
Thành viên Al-shabaab ra hàng đại diện lực lượng gìn giữ hòa bình tại Somali. |
Về mối đe dọa khủng bố, mọi chú ý tập trung vào ba sào huyệt chính của các phong trào Hồi giáo cực đoan nổi dậy ở vùng hạ Sahara. Đó là tổ chức “Phong trào chiến binh thanh niên” (Al-Shabaab) tại vùng Sừng châu Phi; các chi nhánh của phong trào Boko Haram (Nhà nước Hồi giáo ở Tây Phi) xung quanh hồ Chad; và phong trào Al-Qaeda tại khu vực Hồi giáo maghreb (AQMI), khởi phát từ phía Bắc Mali. Tuy nhiên rất khó đánh giá được tình hình ở những khu vực hẻo lánh thường xuyên bị nhiễu loạn bởi tin đồn này.
Việc sử dụng từ “thánh chiến” để gọi các tổ chức khó nhận biết như AQMI, Boko Haram hay Al-Shabaab cũng gây tranh cãi. Những “kẻ khủng bố” cùng tồn tại với những “chiến binh Hồi giáo chính thống”, kế thừa từ các chiến binh thánh chiến vĩ đại vùng Sahara và các thầy tu khổ hạnh từ thế kỷ XIX.
Hòa nhập vào trật tự thuộc địa rồi vào giới tinh hoa của các nhà nước Hồi giáo sau độc lập tại châu Phi, họ hợp tác với các nước phương Tây và bị chỉ trích bởi các tu sỹ dòng Salafi (phong trào Hồi giáo tôn thờ Mohammad) mà một thiểu số chủ trương bạo loạn vũ trang nhân danh Kinh Coran. Bản thân từ “thánh chiến” mang nhiều nghĩa, hòa bình hay hiếu chiến có thể được giải thích như là một nỗ lực tinh thần nội tại, thậm chí là một cuộc “chiến tranh chính nghĩa” hay “phòng vệ” chống lại sự tấn công của những người ngoại đạo.
Định nghĩa chiến tranh “phòng vệ”, tức là cuộc đấu tranh quân sự do một nhà nước Hồi giáo tiến hành, chỉ hoàn toàn đúng vào thời điểm trước khi nhà lãnh đạo Kemalie và lực lượng cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ xóa sổ đế quốc Ottoman năm 1924. Sau này, từ “thánh chiến” đã có thể chuyển sang nghĩa tấn công chứ không chỉ là phòng thủ. Nó cũng được sử dụng để chỉ các cuộc chiến tranh chinh phục hoặc nổi dậy chống lại các bạo chúa bị coi là nghịch đạo vì tách ra khỏi con đường Hồi giáo.
Nhưng đại đa số các nhà thần học Hồi giáo nhìn nhận thánh chiến như một cách thức huy động và tập hợp mà không có những cam kết cá nhân và không tuyển mộ các thiếu nữ dưới 15 tuổi, khác với những nhóm như Boko Haram thu nạp cả phụ nữ và trẻ em vào trong hàng ngũ của mình.
Những từ ngữ được sử dụng phân biệt thánh chiến nhà nước với phiến loạn cũng rối rắm như việc các nhóm nổi dậy thường mang những cái tên tương tự nhau. Điều đó khiến ta nghĩ rằng những cái tên như “Al-Shabaab; AQMI; Boko Haram” và những phiên bản địa phương của chúng dường như thống nhất với nhau mà không để ý đến những sự bất đồng khiến chúng chống đối lẫn nhau đôi khi rất tàn bạo.
Hiển nhiên, những chiến binh Hồi giáo cực đoan tại vùng Sahara cùng chia sẻ những “giá trị” chung giữa họ với nhau và với những chiến binh Hồi giáo tại Arab và châu Á. Từ Mongadisco qua Bamako hay Maidiguri, đến Nouakchott, chúng có một số điểm tương đồng về các kế hoạch tác chiến, cách tuyên truyền, biểu tượng và hệ tư tưởng.
Cụ thể là tiến hành những vụ đánh bom liều chết, kêu gọi một cuộc cách mạng toàn cầu, quan điểm cuồng tín về xã hội, ý chí tái Hồi giáo hóa cộng đồng các tín đồ, mong muốn trở lại cội nguồn của các môn đồ của Đảng tiên tri Mohammad, đòi hỏi về Nhà nước Hồi giáo và đòi áp dụng luật Hồi giáo một cách chặt chẽ hơn.
Khác biệt và tương đồng
Vì thế việc xác định một kẻ thù chung và ở tận phương Tây không hề chứng tỏ rằng các nhóm này chia sẻ cùng một học thuyết cũng như định hướng chính trị. Tại châu Phi, người ta không tìm thấy dấu vết của một sự hợp tác thực sự nào giữa các phong trào được gọi là “thánh chiến”.
Người ta cũng không thể tìm thấy một bộ chỉ huy trung tâm và tưởng tượng đặt ở Tây Iraq hay Nam Lybia, từ đó ra lệnh khi thì cho Al-Shabaab tấn công Kenya, khi thì cho AQMI tràn xuống Burkina Faso, khi thì cho Boko Haram tổ chức các vụ mưu sát ở Tchad. Như vậy sẽ phù hợp hơn khi nghĩ đến tính không đồng nhất của các nhóm tuyên bố chiến đấu dưới danh nghĩa Kinh Coran.
Dù cùng thuộc dòng Sunni, họ cho thấy có nhiều điểm khác biệt cũng như bấy nhiêu sự tương đồng. Trong khu vực Bắc Phi Hồi giáo, Ai Cập đã từng là cái nôi của tư tưởng thánh chiến cực đoan và giờ đây họ tiếp tục có những căng thẳng tại Sinai. Còn nước láng giềng Lybia đang rơi vào tình trạng hỗn loạn và đã tiếp nhận các chiến binh IS sau cuộc can thiệp quân sự của liên quân Anh – Pháp năm 2011.
Tình hình ở vùng hạ Sahara cũng không thuần nhất. Những nước Hồi giáo như Chat, Niger, hay ở mức độ thấp như Cộng hòa Hồi giáo Mauritania và Sudan tương đối được yên ổn. Đặc biệt tại Senegal không thấy nổi lên các tổ chức thánh chiến. Ngược lại tại Somalia rồi Ethiopia và Kenya, cũng như Nigeria, Mali và mới đây nhất là Burkina Faso đã bị ảnh hưởng nhiều. Vả lại, hoạt động của lực lượng thánh chiến tại những quốc gia này khiến người ta nghĩ đến các phong trào du kích hơn là các tổ chức khủng bố.
Chúng có một cơ sở xã hội, đôi khi kiểm soát một phần lãnh thổ và thậm chí học cách cai trị dân chúng nằm dưới sự “bảo hộ” nhưng không thành công. Chẳng hạn cả Al-Shabaab lẫn Boko Haram hoặc AQMI đã có lúc vừa giáo dục dân chúng vừa đồng thời bố trí các ổ mai phục ở nông thôn và thực hiện các vụ khủng bố các thành phố nằm trong tay chính phủ.
Và sự khác biệt về đặc thù giữa các quốc gia cũng là một vấn đề cần phải đề cập khi xét đến hoạt động của các tổ chức này. Nếu như ở Somalia và Mali người Hồi giáo chiếm đa số thì ở Nigieria khoảng một nửa dân chúng theo đạo Thiên Chúa. Ở đâu thì những nhóm Hồi giáo cực đoan cũng đều lợi dụng các lỗ hổng trên các đường biên giới, sự yếu kém của các nhà nước và quân đội châu Phi để hoạt động.
Nhưng hoàn cảnh thì không hề giống nhau. Ở Nam Somalia, các tiền bối của Al-Shabaab phát triển trước hết trong một tình trạng chính trị bỏ trống và sụp đổ hoàn toàn của nhà nước sau khi nền độc tài Siad Barre bị lật đổ năm 1991. Tiếp đó, các hậu duệ của họ chiếm đóng thủ đô Mogadishu trước khi bị quân đội Ethiopia đánh đuổi năm 2006.
Ở bắc Mali, AQMI không bao giờ có thể giành được quyền lực tại thủ đô Bamako, nơi mà bộ máy hành chính vẫn hoạt động liên tục, ngay cả trong lúc tồi tệ nhất khi đại úy Amadou Sanogo, người đã đánh đuổi các chiến binh thánh chiến khỏi Tombouctou năm 2012, tiến hành đảo chính. Cuối cùng, nằm cách xa trong vùng cằn cỗi của sa mạc Sahara, Boko Haram cũng không thể vươn ra ngoài lãnh địa của chúng, là Borno, vùng ngoại vi của đất nước đông dân nhất châu Phi.
Thành viên Boko Haram bị bắt tại Nigeria. |
Những khác biệt giữa các nhóm khủng bố cũng thể hiện trong những liên kết quốc tế. Al-Shabaab chắc chắn là nhóm mang tính chất “toàn cầu” nhất do gần gũi với các quốc gia vùng Vịnh và có liên hệ với cộng đồng người Somalia ở hải ngoại. Để so sánh, AQMI dường như mang nhiều tính lục địa hơn và ít tính quốc tế hơn mặc dù có gốc rễ ở Algeria, và các mạng lưới ở Libya đồng thời hoạt động trải dài từ Bắc Mali cho tới Mauritania, Burkina Faso và Côte dIvoire.
Còn Boko Haram, là một giáo phái chuyển sang hành động bạo lực khủng bố sau khi người sáng lập chúng bị cảnh sát Nigeria hành quyết mà không xét xử năm 2009. Tình trạng rò rỉ các đường biên giới của 4 nước ven hồ Chad không được tận dụng: Nhóm này vẫn co mình trong những tranh chấp trong địa phương của chúng. Khác với AQMI và Al-Shabab, chúng không thể trông cậy vào sự ủng hộ của cộng đồng hải ngoại hay những người tị nạn Touareg lưu vong tại Libya.
Từ góc nhìn này, không nên đánh giá cao những mối liên hệ mà các phần tử thánh chiến châu Phi duy trì với các nước Arab và Trung Đông. Trong thực tế có rất ít người vùng hạ Sahara chiến đấu trong hàng ngũ của IS ở Iraq và Syria, vì tổ chức này thường tuyển mộ các chiến binh tại Libya và Tunisia. Sở dĩ một phe phái thuộc Boko Haram, một vài thành viên Al-Shabab hay một số hiếm hoi thành viên ly khai khỏi AQMI gia nhập hàng ngũ IS là do bị cuộc chiến truyền thông quốc tế tác động mà thôi.
Bản chất cuộc chiến
Một cách tổng thể, cần xem xét lại vai trò của sự cuồng tín tôn giáo và tuyên truyền hồi giáo trong tương lai. Từ Somalia qua Nigeria đến Mali, các nghiên cứu chỉ ra rằng những thanh niên châu Phi đầu quân vào các nhóm thánh chiến nhằm để có cái ăn, tránh khỏi sự bắt bớ tùy tiện, do sợ bị tra tấn, để trả thù cho người thân bị giết hại bởi lực lượng an ninh, vì cộng đồng của họ cảm thấy bị truy hại, hay còn để bảo vệ lợi ích kinh tế của họ và thanh toán lẫn nhau.
Những sự diễn giải cấp tiến của Kinh Coran – tinh thần Salafi ngày nay, giáo lý khổ hạnh hôm qua, của thời kỳ những chiến binh thánh chiến Sahara thế kỷ XIX – cuối cùng chỉ để phục vụ cho việc biện hộ và hợp pháp hóa cho những cuộc nổi dậy.
Cần phân tích các nhóm Hồi giáo cực đoan tại châu Phi hạ Sahara dựa trên những nét đặc thù, riêng biệt của họ. Việc các chính sách chống khủng bố trong khu vực gặp phải nhiều khó khăn phản ánh một cái nhìn què quặt và quá chung chung về các cuộc nổi dậy.
Sai lầm thứ nhất, và không phải nhỏ nhất, chính là quá trình tập trung vào sự cuồng tín và sự tẩy não tín ngưỡng mà không xét đến các hoàn cảnh chính trị và kinh tế - xã hội đã dẫn tới các cuộc nổi dậy nhân danh Kinh Coran. Nhiều người ủng hộ chủ nghĩa chống khủng bố không chịu thừa nhận rằng các nhóm Hồi giáo cực đoan tại châu Phi vùng hạ Sahara có một cơ sở xã hội.
Vì vậy họ phản đối việc vận dụng các chiến lược chống nổi dậy trước đây nhằm thu phục tình cảm và ý chí của người dân để ngăn chặn ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh du kích. Thay vì chấm dứt những sự quấy nhiễu của các quân đội châu Phi gây nên các cuộc xung đột, họ lại đặt cược vào thành công của chương trình phi cấp tiến hóa không nhằm giải giáp các chiến binh cũng như ngăn chặn sự tuyên truyền chủ nghĩa Hồi giáo.
Một phân tích như thế hẳn là đúng về mặt chính trị. Nhưng nó che giấu những nguyên nhân thực sự của hiện tượng: tình trạng rối loạn chức năng của các nhà nước và sự tham nhũng của tầng lớp lãnh đạo khiến những người bị gạt ra ngoài sự tăng trưởng có cảm giác bị tước đoạt và hợp pháp hóa cho một luận điệu phản kháng cực đoan nhắm vào công lý xã hội và sự tàn nhẫn của chủ nghĩa đế quốc phương Tây.
Sai lầm thứ hai: các chính sách đấu tranh chống khủng bố hoàn toàn “bị ô nhiễm” bởi học thuyết Maltus rất giáo điều về “lục địa đen”. Những lý lẽ quen thuộc nhấn mạnh vai trò của sự nghèo đói, sự khan hiếm các nguồn tài nguyên và sự tàn phá môi trường để giải thích cho những cuộc nổi dậy của họ, theo nhiều chuyên gia, được cho là nguyên nhân của các cuộc nổi loạn. Họ đặt cược vào mối quan hệ cơ học giữa nghèo đói và thiên hướng bạo lực, đánh đồng cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố với cuộc đấu tranh chống nghèo đói và nhập cư bất hợp pháp.
Hơn nữa, ý tưởng cho rằng sự viện trợ quốc tế, bằng cách góp phần phát triển các khu vực gặp khó khăn, có thể cho phép “mua” sự bình yên xã hội, đã bị tình hình của các nước như Somalia, Sudan hay Cộng hòa dân chủ Congo phủ nhận. Còn xa mới đem lại lợi ích, những viện trợ cũng có thể gây nên những cuộc xung đột và phát động lại sự tranh giành giữa những kẻ hiếu chiến mong muốn chiếm hữu những nguồn tài nguyên mới. Thay vì tiếp tục đổ thêm tiền cứu trợ vô ích, sẽ là khôn ngoan hơn khi thực hiện những chương trình giải giáp và tái hòa nhập xã hội cho các chiến binh.