Cuộc chiến quanh báo cáo tra tấn của CIA: Cuộc chiến bắt đầu

Thứ Ba, 27/09/2016, 06:35
Ủy ban bí mật của bà Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein được thành lập với tên gọi là Ủy ban Tuyển chọn của Thượng viện để xem xét lại hoạt động tình báo (SSCI) đã thay thế Ủy ban Tình báo Thượng viện với mục đích tiến hành cuộc điều tra về chương trình giam giữ, tra tấn nghi can khủng bố của CIA.

Daniel Jones và các cộng sự vẫn tiếp tục đóng vai trò chính trong cuộc điều tra, nhưng có sự hỗ trợ thêm của bà Feinstein và vị công tố viên độc lập. Tuy nhiên, tiến trình điều tra đã diễn ra không hề suôn sẻ, nhất là khi soạn thảo báo cáo. CIA đã dùng nhiều thủ đoạn nhằm gây khó khăn, cản trở công việc của các nhà điều tra, kể cả việc tự mình đưa ra bản báo cáo riêng, trong đó ém nhẹm nhiều thông tin quan trọng nhằm né tránh trách nhiệm.

Nghiên cứu hồ sơ CIA tại một cơ sở vệ tinh của… CIA

Thường thì khi tiến hành điều tra các cơ quan tình báo, các ủy ban điều tra của Thượng viện tiến hành trong phạm vi lãnh hạt của mình. Công việc điều tra của ủy ban này thường chỉ diễn ra trong các căn phòng bí mật, được khóa trái cẩn thận ở tòa nhà Hart. Các thành viên Ủy ban buộc phải để điện thoại di động ở bên ngoài, còn nhân viên nếu không đủ điều kiện về an ninh thì không được vào.

Tòa nhà được xây dựng từ những năm 70 thế kỷ trước, được thiết kế phù hợp cho công việc xử lý các tài liệu mật của Ủy ban Tình báo từ đó đến nay nhằm kiểm tra trách nhiệm các cơ quan bí mật.

Giám đốc CIA Leon Panetta muốn có sự dàn xếp khác so với truyền thống trên. Các phụ tá của ông Panetta bày tỏ quan ngại về cơ quan này rằng, họ không thể giao nộp hàng triệu trang tài liệu liên quan đến chương trình tra tấn cho Quốc hội, vì việc đó có thể khiến cho việc bảo mật tên tuổi điệp viên, vị trí các "điểm đen" và các quốc gia hợp tác trong chương trình tra tấn của CIA bị lộ.

Giám đốc CIA Leon Panetta, người quyết liệt ngăn cản việc phỏng vấn nhân viên CIA liên quan đến chương trình tra tấn.

CIA đưa ra phương án: Hoặc là ủy ban điều tra của Quốc hội phải đợi CIA "biên tập lại" các tài liệu của họ xong rồi mới cho tiếp cận, mà quá trình này có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm, hoặc là ủy ban điều tra phải nghiên cứu tài liệu tại một trong các địa điểm vệ tinh của CIA ở Bắc Virginia. 

Đề xuất của CIA đã đánh bại ủy ban điều tra. Theo dự kiến ban đầu của Jones và cộng sự là Louis Tucker, một điều tra viên thuộc đảng Cộng hòa, hoạt động điều tra, nghiên cứu tài liệu CIA, phải được tiến hành bên trong tòa nhà Hart như vẫn thường làm trước tới nay.

Yêu cầu của họ nhận được sự hậu thuẫn của bà Feinstein. Bà Feinstein đã có nhiều cuộc họp kín với ông Panetta vào đầu tháng 6-2008 và những cuộc họp này thường diễn ra rất căng thẳng. Feinstein đã thúc ép ông Panetta sớm cho phép các nhà điều tra tiếp cận hồ sơ mật. Panetta kháng cự, cho rằng chưa từng có ai được phép làm điều bà Feinstein yêu cầu. Bà Feinstein bắt đầu tấn công, dọa sẽ tống trát điều tra đến CIA. Một cuộc đôi co giữa hai chính khách quyền lực để tranh ai áp đảo được ai.

Trên thực tế, khi tiến hành điều tra vụ hủy băng video chỉ 2 cuộc hỏi cung nghi can khủng bố mà Ủy ban Tình báo của Quốc hội phải mất đến hơn một năm. Vậy nếu chờ cho CIA biên tập lại kho hồ sơ ít nhất 3 triệu trang liên quan đến hơn 100 tù nhân bị tra tấn thì phải mất bao lâu?

Đề xuất của CIA có vẻ chấp nhận được. Jones và nhóm điều tra của mình chỉ cần lái xe đến cơ sở vệ tinh của CIA để làm nhiệm vụ. Họ sẽ có một văn phòng nằm ở tầng hầm, không cửa sổ nhưng đèn đuốc sáng trưng và tường sơn trắng toát. Tại đây, Jones và các cộng sự sẽ được truy cập vào một mạng máy tính có tên gọi là RDINet - viết tắt của Rendition, Detention and Interrogation (luân chuyển, giam giữ và thẩm vấn).

Đó là mạng máy tính nội bộ, không kết nối Internet, chỉ có Jones và người của mình được truy cập, và CIA sẽ lưu giữ các hồ sơ trên đó để họ xem. Trông không được bình thường, nhưng so với các phương án khác Jones thấy vẫn tạm chấp nhận được. Thế là nhóm của Jones bắt đầu làm việc từ ngày 18-5-2008.

Ông Panetta và bà Feinstein đi đến một thỏa thuận về cách thức truy cập vào ngày 12-6, theo đó CIA sẽ thiết lập một "ổ đĩa chia sẻ qua mạng đã được ngắt khỏi mạng toàn cầu" để người của Thượng viện có thể truy cập, và "việc truy cập vào ổ đĩa chia sẻ này chỉ giới hạn ở nhân viên công nghệ thông tin của CIA", nghĩa là những bộ phận khác không được phép vào.

Trước đó, một thỏa thuận khác - mang tên Bản ghi nhớ hiểu biết của SSCI về Chương trình Giam giữ và Thẩm vấn của CIA - đạt được vào ngày 28-5 giữa SSCI và CIA trong đó chỉ cho phép SSCI và các quản trị viên công nghệ thông tin của CIA truy cập vào ổ đĩa, trường hợp khác thì phải được sự cho phép của SSCI. Bản ghi nhớ này sau đó đã bị CIA chối bỏ.

Bộ trưởng Tư pháp ra đòn nhưng… phản đòn

Đầu tiên, CIA bắt đầu cố tình lách thỏa thuận bằng cách không dùng người của mình mà đi thuê các nhà thầu công nghệ để tạo lập mạng máy tính cho SSCI. Thỏa thuận cung cấp tài liệu có từ ngày 12-6, nhưng mãi đến ngày 22-6 tài liệu mới được tải vào ổ đĩa lưu trữ, và sau đó, phải vất vả lắm đội điều tra của Jones mới tìm kiếm được tài liệu cần nghiên cứu vì CIA sử dụng một công cụ tìm kiếm vừa lỗi thời vừa yếu.

Còn đội ngũ nhân viên được giao nhiệm vụ làm liên lạc viên với ủy ban điều tra thì luôn tỏ ra hung hăng và thường ì ạch trong giải quyết các yêu cầu của Jones.

Thế rồi CIA nhận một cú giáng cực lớn, như bị dội bom. Tháng 8-2009, Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder mở rộng thẩm quyền cho công tố viên John Durham, người tiến hành tố tụng vụ hủy các video tra tấn, theo đó ông Durham sẽ phụ trách luôn chương trình tra tấn.

Tình huống này khiến CIA đối mặt với nỗi lo sợ lớn nhất kể từ khi triển khai chương trình tra tấn: khả năng bị truy tố trước pháp luật. Thực chất, quyết định này của ông Holder hóa ra lại gây cản trở ủy ban điều tra hơn là uy hiếp CIA, và dư luận đã chỉ trích ông là đã trao "vũ khí" để CIA dùng chống lại Thượng viện.

Cuộc điều tra của ông Durham đã diễn ra trùng lặp với cuộc điều tra của SSCI, khi đó quy ước bắt buộc hai bên phải trao đổi với nhau để tránh mâu thuẫn trong thực thi nhiệm vụ và truy cập tài liệu.

Nhóm điều tra của Durham gặp thuận lợi lớn khi có sẵn ổ đĩa được tạo lập cho nhóm của Jones, và họ dễ dàng truy cập vào ổ đĩa mà nhóm của Jones đang sử dụng. Tuy nhiên, khi Jones cố gắng liên lạc để trao đổi thì Durham từ chối, không giao tiếp. Việc thiếu giao tiếp này đã để lại một số hậu quả.

Do không trao đổi thông tin được với Durham, Jones không thể biết được cần phải phỏng vấn ai trong CIA để lấy thông tin điều tra, vì CIA sẽ không dễ dàng đưa người của mình ra cho ủy ban của Thượng viện để rồi họ có khả năng bị truy tố hình sự.

Khi nhóm điều tra của Jones phát hiện có sự không nhất quán giữa những gì họ đọc được trong tài liệu và những gì họ nghe, thấy các quan chức CIA trình bày trước công chúng, họ cũng không được giải đáp thỏa đáng. Rốt cuộc, hành động điều tra của ông Durham đã dẫn đến việc tất cả nhân sự thuộc đảng Cộng hòa đều rút khỏi ủy ban điều tra, và đảng Cộng hòa ngày càng không còn ủng hộ cuộc điều tra nữa.

Tháng 4-2010, bực tức với việc thiếu hợp tác của CIA, bà Feinstein đã viết thư cho ông Panetta yêu cầu phỏng vấn. Mục đích của bà chủ yếu chỉ là muốn ông Panetta xử lý các cuộc phỏng vấn giúp SSCI. Phó chủ tịch SSCI Kit Bond, người của đảng Cộng hòa, không chỉ từ chối yêu cầu của bà Feinstein mà còn viết thư can ông Panetta không được đưa người của CIA cho ủy ban điều tra.

Panetta đã nghe theo Bond, và ông, cũng như những Giám đốc CIA sau ông, đều không đồng ý SSCI phỏng vấn bất kỳ quan chức nào của CIA có liên quan đến chương trình tra tấn nhằm tránh cho họ bị dính tội hình sự.

Chính sách này đã khiến cho hoạt động điều tra của Jones trở nên khó khăn hơn, vì không phỏng vấn được người trong cuộc thì sẽ rất khó làm sáng tỏ những gút mắc không thể giải thích được trong các trang tài liệu. Đến đây, cuộc chiến của SSCI với CIA mới chỉ bắt đầu.

Có vẻ như những nhân viên công nghệ thông tin mà CIA thuê hỗ trợ công việc lục tìm tài liệu cho SSCI đang trở thành những người "gác cổng" cho CIA. Họ thường xem xét các tài liệu liên quan đến tra tấn 3 lần trước khi phân phát chúng cho các nhà điều tra. Mục đích quan trọng của việc này là nhằm xác định liệu có cần báo cáo xin ý kiến các cấp trong Chính phủ hay không.

Tòa nhà Hart, nơi thường được Ủy ban Tình báo Thượng viện dùng để nghiên cứu tài liệu mật trong các cuộc điều tra tình báo.

Có một số trường hợp phải xin ý kiến đến Nhà Trắng. Luật sư Nhà Trắng Greg Craig, người kế nhiệm là Bob Bauer và đồng nghiệp Don Verilli là những người tham gia xem xét các tài liệu tại Nhà Trắng, còn đồng nghiệp Kate Shaw thì đến tận nơi các nhà điều tra đang làm việc để xem xét. Nhóm luật sư này thường sẽ mô tả tính chất các tài liệu đó cho Jones và các cộng sự điều tra hiểu, và hỏi họ có quan tâm xem xét chúng hay không.

Sự can dự của Nhà Trắng giúp bà Feinstein giải quyết được những khó khăn ban đầu trong cuộc điều tra. Tuy nhiên, CIA lại giở những thủ đoạn mới, lợi dụng sự can dự của Nhà Trắng để cản trở đội điều tra của Jones. Tháng 3-2010, Jones và các đồng sự bắt đầu để ý thấy khó khăn khi tìm kiếm những tài liệu mà họ đã tìm kiếm và đọc trước đó.

Các điều kiện tìm kiếm đơn giản không còn cho kết quả truy xuất nội dung cần tìm nữa. Jones đoán là các tài liệu đó đã bị lấy ra khỏi ổ đĩa. Thực tế, việc này rất dễ thực hiện. CIA đã thiết lập mạng truy cập tài liệu cho SSCI thì họ cũng không dại gì không tạo cho mình một ngõ truy cập vào, bất kể SSCI có cho phép hay không, vì SSCI không hề hay biết là CIA đã truy cập vào.

Khi Jones và nhóm điều tra báo cáo việc này lên SSCI và bà Feinstein trực tiếp nêu vấn đề than phiền với Giám đốc CIA, cơ quan này lập tức đổ lỗi cho các chuyên viên công nghệ thông tin mà họ thuê.

Sau đó, cơ quan này tiếp tục đổ thừa cho Nhà Trắng, bảo rằng các luật sư của ông Obama đã ra lệnh cho họ lấy các tài liệu đó ra khỏi ổ đĩa. Lời "đổ vạ" này có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Bà Feinstein sau đó đã lên tiếng than phiền Nhà Trắng. Jones đến gặp các luật sư Nhà Trắng, nhưng họ đều chối không có ra lệnh gỡ bỏ bất cứ tài liệu nào.

Trong khi mọi người chưa biết đầu đuôi gốc ngọn sự cố từ đâu, thì CIA lại âm thầm tiến hành cuộc điều tra nội bộ, và sau vài tháng họ đã xác định được họ đã gỡ bỏ hết 900 tài liệu đã cung cấp vào ổ đĩa cho SSCI. Việc gỡ bỏ tài liệu xảy ra 3 lần, 2 lần vào tháng 3 và 1 lần vào tháng 5-2010. Đó là một sự vi phạm rõ ràng thỏa thuận đã ký giữa SSCI và CIA. Cuối cùng, luật sư Bauer của Nhà Trắng báo cho bà Feinstein biết CIA sẽ không gỡ bỏ tài liệu điều tra nữa. Ngày 17-5, CIA xin lỗi bà Feinstein về vụ việc này.

Năm 2012, ông Panetta rời CIA để làm ông chủ Lầu Năm Góc. Người thay thế là tướng về hưu David Petraeus. Ông Petraeus tỏ ra hợp tác tốt, hỗ trợ nhiều hơn cho công tác điều tra của Jones và các đồng sự. Nhờ thế, công việc nghiên cứu tài liệu diễn ra trôi chảy hơn và kết thúc sớm hơn dự định. Jones đã có thể bắt tay vào thực hiện bản báo cáo.

Nội dung báo cáo chứa đựng rất nhiều thông tin nhạy cảm, thuộc dạng bí mật liên quan đến các hoạt động luân chuyển tù nhân, tra tấn và hoạt động của các nhà tù đen trên khắp thế giới.

Tháng 12-2012, Jones hoàn tất báo cáo dày 6.200 trang và giữ hoàn toàn bí mật. Ngày 9-6-2013, Quốc hội Mỹ tổ chức bỏ phiếu để chính thức thông qua báo cáo. Chỉ có một nghị sĩ duy nhất không công nhận báo cáo. Nhưng cũng từ thời điểm đó, một cuộc chiến mới đã chính thức bắt đầu: Cuộc chiến để công bố công khai bản báo cáo.

Nguyên Khang (theo The Guardian)
.
.