Cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ: Những kết quả đầu tiên
- Cáo buộc Nga can dự bầu cử Mỹ: CEO của Facebook, Google và Twitter được yêu cầu điều trần
- Google, Facebook nói gì về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ?
Từ cuối tuần trước, trên báo chí và trong dư luận ở Washington đã rộ lên thông tin về việc Đại bồi thẩm liên bang Mỹ đã phê chuẩn các cáo buộc ban đầu do Công tố viên đặc biệt Robert Mueller trình lên, sau khi chính ông Mueller nói với báo chí rằng sẽ có “những cáo buộc ban đầu” đối với một số người có liên quan trong cuộc điều tra. Ngày 30-10, những cáo buộc đó đã chính thức được công bố trên truyền thông Mỹ và quốc tế.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller. |
Theo đó, ông Paul Manafort, cựu Chủ tịch chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng đối tác kinh doanh Rick Gates bị cáo buộc 12 tội, trong đó có tội âm mưu chống lại nước Mỹ bao gồm việc khai báo với chính phủ về các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, không kê khai, đăng ký hoạt động đại diện cho nước ngoài; và tội gian lận thuế và rửa tiền.
Chiều cùng ngày, hai ông Manafort và Gates đã ra trước Tòa án liên bang khu vực DC để nghe tuyên buộc tội và giải trình. Tại đây, hai ông đều không nhận tội. Bên cạnh Manafort và Gates, cựu cố vấn đối ngoại George Papadopoulos cũng bị tuyên buộc tội cản trở công lý do che giấu, không khai báo những mối quan hệ với một số người Nga có liên hệ với Điện Kremlin trong thời gian ông tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Từ tháng 9, đội điều tra của ông Mueller đã xoáy mạnh vào cá nhân ông Paul Manafort, để làm rõ những mối quan hệ chằng chịt của ông với các tổ chức, cá nhân Ukraine và Nga trong giai đoạn trước khi ông tham gia chiến dịch tranh cử.
Tuy không tìm được bằng chứng các mối quan hệ đó có liên quan đến chiến dịch tranh cử, nhưng những mối quan hệ với người Nga và thân Nga cũng đủ để ông Mueller đào sâu, nghiên cứu kỹ. Và những cáo buộc nhắm vào ông Manafort và đối tác Gates chủ yếu là các tội phạm về kinh tế.
Công tố viên đặc biệt cáo buộc rằng, trong gần một thập kỷ qua, hai ông Manafort và Gates đã “rửa” nhiều khoản tiền thông qua hàng chục tài khoản ngân hàng và công ty bình phong, đối tác làm ăn ở nước ngoài, với tổng trị giá lên đến 75 triệu USD.
Công tố viên đặc biệt cáo buộc ông Manafort đã rửa hơn 18 triệu USD, và sử dụng tài sản gian lận này để “hưởng thụ lối sống xa hoa” ở Mỹ, mua sắm bất động sản trị giá hàng triệu USD và sửa sang nhà cửa. Trong hồ sơ chuyển cho Tòa án, công tố viên đặc biệt Mueller đánh giá các sai phạm của Manafort và Gates là nghiêm trọng, có bằng chứng mạnh mẽ của tội phạm. Các cáo buộc không đề cập đến vai trò của hai người này trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, do không có bằng chứng.
Rick Gates (trái) và Paul Manafort, hai đối tác kinh doanh một thời cùng bị buộc tội. |
Trên dòng Twitter sáng 30-10, Tổng thống Trump đã viết rằng, những vụ việc của Manafort đã có rất lâu trước khi ông này gia nhập ban vận động tranh cử. Thật vậy, Manafort và Gates cùng hợp tác trong các thương vụ làm ăn ở châu Âu trong giai đoạn từ năm 2006 đến đầu năm 2016, đặc biệt là thương vụ làm cố vấn chính trị cho ông Viktor Yanukovych từ năm 2010 để chạy đua vào ghế Tổng thống Ukraine. Sau khi ông Yanukovych lên làm Tổng thống Ukraine, Panafort và Gates tiếp tục là những người đại diện vận động hành lang giúp Chính phủ Ukraine.
Theo hồ sơ công tố, các khoản thù lao cho hoạt động vận động hành lang này được chi trả thông qua các công ty bình phong ở hải ngoại, bao gồm các công ty đặt tại Cyprus, Grenadines, Seychelles và Anh. Hai ông Manafort và Gates đã cố tình che giấu số tiền kiếm được nêu trên trong các tài khoản nước ngoài, không khai báo với Chính phủ Mỹ (Manafort từ năm 2011 đến 2014, Gates từ năm 2012 đến 2014). Trong tờ khai thuế thu nhập cá nhân từ năm 2008 đến 2014, Manafort đã không khai báo các khoản thu nhập này.
Ngoài ra, hồ sơ công tố còn cho thấy những hoạt động kinh doanh của ông Manafort ở Ukraine với nhiều mối quan hệ với cả người Ukraine và người Nga. Trong đó, hồ sơ phát hiện Manafort có tới 3 hộ chiếu Mỹ khác nhau để sử dụng trong các chuyến đi nước ngoài thường xuyên. Đồng thời, ông cũng có quan hệ đối tác làm ăn với một số tài phiệt Nga, như thông tin báo chí đã đưa.
Tờ Washington Post hồi tháng 9-2017 cho rằng Manafort từng có quan hệ làm ăn với ông trùm ngành nhôm Nga Oleg Deripaska. Ty Cobb, luật sư của Tổng thống Trump cho báo chí biết: “Nhà Trắng không có gì phải lo lắng cả”. Manafort đã được cảnh báo từ trước là ông ta sẽ phải đối mặt với cáo buộc từ công tố viên đặc biệt Mueller. Luật sư Cobb nói với tờ New York Times rằng ông tin Manafort không có thông tin gì nguy hại liên quan đến chiến dịch của ông Trump để trao đổi trong thỏa thuận nhận tội.
George Papadopoulos. |
Người thứ ba bị cáo buộc nhưng là người duy nhất cho đến nay đã nhận tội là cựu cố vấn đối ngoại Papadopoulos. Ông này đã nhận tội vào ngày 5-10. Công tố viên đặc biệt Mueller cáo buộc Papadopoulos đã tiếp xúc với một người phụ nữ Nga không rõ danh tính tự xưng là “cháu gái của Tổng thống Putin” và một vị giáo sư tên là Joseph Mifsud tại London.
Thông qua vị giáo sư này, Papadopoulos tiếp cận với một người có quan hệ với Bộ Ngoại giao Nga là Ivan Timofeev qua email để thảo luận việc tạo một cơ hội tiếp xúc giữa Điện Kremlin và ban vận động tranh cử của ông Trump. Tuy nhiên, những email trao đổi giữa Papadopoulos với các quan chức ban vận động tranh cử, trong đó có Manafort, cho thấy ban vận động đã không đồng ý với đề xuất của Papadopoulos, vì nó quá mạo hiểm và không phù hợp với quy định.
Ngoài những cáo buộc đối với các ông Manafort, Gates và Papadopoulos, cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller được chờ đợi sẽ còn tiếp tục đưa ra thêm những cáo buộc mới nữa. Các nhà quan sát pháp luật ở Mỹ dự báo rằng, ông Mueller sẽ bắt đầu bằng những cáo buộc liên quan đến hoạt động kinh doanh và những sai phạm về tài chính để gây áp lực bước đầu nhằm buộc bị cáo khai ra thêm những thông tin mà họ có được liên quan đến các mối quan hệ của bộ sậu phụ tá ông Trump với nước Nga.
Việc công tố viên đặc biệt phải nghiên cứu thật sâu, cân nhắc thật kỹ các tình tiết trong cuộc điều tra trước khi đưa ra các cáo buộc không chỉ do tính chất quan trọng của cuộc điều tra, mà còn do những khó khăn, căng thẳng xuất phát từ sự giằng co giữa hai đảng phái trong các ủy ban điều tra của Quốc hội.
Tháng 7-2017, con rể Tổng thống Trump, Jared Kushner, ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện trong một căn phòng kín, được bảo đảm an ninh ở tầng hầm của tòa nhà Quốc hội Mỹ. Hàng loạt câu hỏi được các nghị sĩ của Ủy ban “phang” tới tấp nhằm tìm kiếm câu trả lời nào đó từ Kushner về các cuộc tiếp xúc giữa anh ta với một số người Nga năm 2016. Kushner đã thản nhiên trả lời tất cả các câu hỏi, không thiếu câu nào và không mắc sai sót. Mặc dù thời gian đặt câu hỏi đã hết, nhưng Kushner vẫn đề nghị tiếp tục ở lại giải trình nếu các nghị sĩ muốn.
Nhưng sau hai giờ điều trần, nghị sĩ đảng Cộng hòa Trey Gowdy, người từng điều tra bà Hillary Clinton sau vụ tấn công khủng bố ở Libya năm 2012, thì không hài lòng. Trey cho rằng, Kushner đang bị đẩy vào thế kẹt, đi không được, ở cũng không xong, nếu đi thì bị cho là chưa trả lời hết các câu hỏi, còn ở lại thì việc tra hỏi sẽ kéo dài chẳng biết bao giờ chấm dứt.
Đó là tình huống điển hình của sự giằng co chính trị đang diễn ra tại Ủy ban Tình báo Hạ viện xung quanh cuộc điều tra. Sau nhiều giờ “quay” Kushner, Ủy ban này cũng chẳng tìm thêm được gì để làm bằng chứng cho các cáo buộc nhắm vào ông Trump và các phụ tá của ông. Tình hình chung của các cuộc điều tra cũng thế.
Hiện tại, Quốc hội Mỹ có ba Ủy ban đang tiến hành điều tra về Nga can thiệp bầu cử và các mối quan hệ giữa ông Trump với người Nga, bao gồm hai của Thượng viện và một của Hạ viện. Cả ba ủy ban này đều đang gặp phải nhiều vấn đề, từ việc thiếu nhân sự tiến hành hoạt động điều tra cho đến tranh cãi về việc kết thúc cuộc điều tra như thế nào cho ổn thỏa.
Cuộc điều tra của Ủy ban Tư pháp chỉ mới bắt đầu nhưng đã phải tạm dừng, một phần do thương lượng kéo dài về quy mô cuộc điều tra. Các lãnh đạo của Ủy ban Tình báo Thượng viện, dù vẫn duy trì quan hệ tốt trong quá trình điều tra nhưng cũng đang tìm cách hạ thấp những yêu cầu về kết quả điều tra.
Chín tháng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền và những cáo buộc nhắm vào ông được tung ra ào ạt, nhưng ý niệm, hy vọng về việc Quốc hội Mỹ sẽ cung cấp một bức tranh toàn diện về những gì đã thật sự diễn ra trong cuộc bầu cử năm 2016 và các quan hệ bí mật giữa ông Trump và bộ sậu tranh cử của ông với người Nga dường như đang mờ dần đi. Ông Gawdy mô tả tình trạng phổ biến trong các cuộc điều tra của Quốc hội là “quá nặng tính chính trị”.
Mặc dù cho đến nay không có trở ngại nào ngăn cản cuộc điều tra của các ủy ban, và với tính chất điều tra “đóng cửa nghiên cứu” thì các ủy ban dễ dàng tung ra các “vấn đề” mới, chẳng hạn như cáo buộc Nga lợi dụng mạng xã hội để “gieo rắc” hỗn loạn và rối ren, có thể gây ảnh hưởng lên suy nghĩ chung của công chúng. Nhưng cả ba ủy ban điều tra đều đang chật vật chạy đua với thời gian khi các thành viên đảng Cộng hòa ở cả hai viện muốn kết thúc sớm các cuộc điều tra, không để kéo dài quá lâu.
Ở Hạ viện, đấu đá giữa hai đảng đang gây khó khăn cho việc đưa ra các kết luận điều tra. Một nghị sĩ đưa ra “sáng kiến” là ủy ban điều tra có lẽ sẽ tạo hai bản báo cáo song song. Báo cáo thứ nhất do các thành viên đảng Cộng hòa soạn thảo, sẽ đưa ra tuyên bố mạnh mẽ rằng không có bằng chứng cho thấy bất kỳ người nào xung quanh ông Trump hợp tác thông đồng với người Nga để thao túng cuộc bầu cử. Còn báo cáo của đảng Dân chủ có lẽ sẽ nêu lại các câu hỏi không có lời đáp và nói rằng ủy ban đã không toàn tâm toàn ý tìm câu trả lời.
Thực tế, Ủy ban Tình báo Hạ viện đã chao đảo trong nhiều tháng qua, trong đó tranh cãi chủ yếu xoay quanh chủ tịch của ủy ban này là nghị sĩ Devin Nunes (đảng Cộng hòa, bang California). Tháng 4-2017, ông Nunes đã buộc phải rời khỏi vị trí người dẫn đầu cuộc điều tra sau khi báo chí có thông tin rằng ông đã tiếp cận tài liệu mật của Nhà Trắng để can thiệp sâu vào nhằm “che chắn” cho người của ông Trump.
Chính vì thế mà ông Mueller mới được bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt để phụ trách các cuộc điều tra của Quốc hội. Mặc dù không còn dẫn dắt cuộc điều tra, nhưng ông Nunes vẫn có thể tác động đến tiến trình điều tra, bởi ông Mueller vẫn cần chữ ký của ông ban hành các trác lệnh phục vụ công tác điều tra hợp pháp.