Cuộc đối đầu giữa Lầu Năm Góc và các tập đoàn công nghiệp Quốc phòng

Thứ Ba, 07/07/2009, 16:25
Những ngày cuối tháng 6 vừa qua là mốc đỉnh điểm trong cuộc đối đầu nhiều tháng qua giữa giới lãnh đạo Lầu Năm Góc và các tập đoàn công nghiệp quốc phòng về số phận tiếp theo của loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm F-22 Raptor.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, nổi danh là "nhà cải cách quân sự cấp tiến nhất" trong vài năm gần đây, đã nhiều lần lên tiếng đòi phải chấm dứt kế hoạch mua loại máy bay này. Tuy nhiên, ý định của người đứng đầu Lầu Năm Góc ngay lập tức đã nhận phải sự phản đối kịch liệt của các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ đứng đầu là Lockheed Martin.

Robert Gates là thành viên duy nhất trong chính quyền tiền nhiệm của George Bush được mời ở lại trong nội các của Tổng thống Barack Obama. Khi gia nhập hàng ngũ mới, ông Gates cũng cho thấy sự thích ứng nhanh chóng của mình khi ngay từ cuối năm 2008 đã cho công bố những định hướng chiến lược của ông về tương lai của quân đội Mỹ.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí The Foreign Affairs, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã phê phán khá gay gắt về chính sách mua vũ khí cho quân đội Mỹ. Theo ông Gates, chính sách này không nên tập trung quá nhiều vào những công nghệ siêu mạnh của tương lai, mà tốt nhất nên đầu tư cho những loại vũ khí cơ bản hơn, cần thiết cho quân đội trong những cuộc xung đột vừa qua. Nói một cách đơn giản hơn, cần đầu tư vào các  trang bị cho những cuộc chiến thông thường, chứ không phải vũ khí hạt nhân hay những loại máy bay tiêm kích đa chức năng mới nhất, từ trước vẫn được coi là niềm tự hào của quân đội Mỹ.

Những tuyên bố khi đó của ông chủ Lầu Năm Góc đã khiến giới công nghiệp quốc phòng Mỹ bắt đầu e ngại. Những nghi ngờ về tính chất thực tế của các kế hoạch trên đã hoàn toàn bị xóa tan khi Robert Gates công bố các đề xuất của mình nhằm giảm bớt ngân sách cho quân sự vào năm 2010, trong đó có dự định cắt giảm nhiều chương trình quốc phòng tốn kém. "Nạn nhân" từ chính sách mới của Lầu Năm Góc còn có cả loại máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-22 Raptor, từng nổi danh không chỉ bởi những tính năng hoàn thiện nhất theo quảng cáo, mà còn về giá thành cao nhất.

Thế là số phận của chiếc F-22 ngay lập tức trở thành nguyên nhân của một cuộc chiến tuyên truyền thực sự giữa hai phe quyền lợi liên quan. Gates cùng những người ủng hộ ông đều đòi phải chấm dứt việc mua F-22 cho quân đội Mỹ, do việc xuất khẩu loại máy bay này bị cấm vì lo ngại rò rỉ về công nghệ, dẫn tới quá trình sản xuất gần như đã bị ngừng trệ.

Mặt khác, dự án trên cũng bị một vài tướng lĩnh cao cấp không quân phản đối khi họ cho rằng, phải cần tới hàng trăm máy bay loại này mới có thể đảm bảo được ưu thế trên không, đồng nghĩa với một khoản tiền đầu tư khổng lồ.

Phe công nghiệp quốc phòng cũng vận động không kém phần tích cực với những lý do chủ yếu về xã hội và kinh tế. Chẳng hạn như báo chí Mỹ trong thời gian gần đây đã xuất hiện không ít thông tin khẳng định rằng, trường hợp ngừng sản xuất F-22 có thể sẽ dẫn tới làm mất hàng chục ngàn việc làm.

Máy bay tiêm kích F-22 Raptor.

Ngoài ra, Washington sẽ còn được hưởng nhiều lợi nhuận sau này từ khả năng bán máy bay. Tất nhiên phe này đã cố tình lờ đi những khoản đầu tư khổng lồ cho việc đặt hàng chế tạo hàng loạt máy bay đắt đỏ trên. Dù vậy phe chống đối quan điểm của Gates vẫn đạt được mục tiêu chính - đó là thuyết phục đa số các thượng nghị sĩ rằng, việc ngừng sản xuất F-22 sẽ gây thiệt hại cho các khu vực cụ thể mà họ đang đại diện quyền lợi. Chính sách vận động hành lang dù có phần "hơi thô" này cuối cùng vẫn đạt được kết quả.

Ngày 17/6 vừa qua, Ủy ban Quốc phòng của Thượng viện Mỹ sau khi bàn bạc về ngân sách quân sự năm 2010 đã thông qua quyết định phân bổ 369 triệu USD để sản xuất thêm 12 chiếc tiêm kích thế hệ mới nữa.

Như vậy, giá thành chung của lô hàng này đã lên tới 2,8 tỉ USD, khiến Chính phủ Mỹ cũng không thể chi trả ngay một lần do nó vượt quá các khoản chi đã lập kế hoạch trước đó. Chiến thắng của phe công nghiệp quốc phòng không thể gọi là dễ dàng - đó là kết quả của các cuộc tranh luận nảy lửa kéo dài tổng cộng 16 giờ, kết quả bỏ phiếu sau đó cũng hết sức căng thẳng với 31 người đồng ý tiếp tục dự án so với 30 người phản đối. 

Quyết định trên là một cú sốc thực sự đối với vị bộ trưởng theo đường lối cải cách Robert Gates. Còn trên phạm vi rộng hơn, chính sách tái trang bị mới của Lầu Năm Góc đã phải hứng chịu một đòn nặng nề.

Theo đa số các chuyên gia độc lập, đề xuất của Robert Gates xem ra có vẻ hợp lý hơn. Chiếc tiêm kích thế hệ mới F-22 dù đã ngốn rất nhiều tiền, nhưng cho tới thời điểm này vẫn chưa được đưa vào trang bị của quân đội. Trên cương vị của một tổng chỉ huy, ông Gates được đánh giá là quan tâm và nhanh nhạy trong việc đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của quân đội.

Chẳng hạn như quân Mỹ tại Iraq và Afghanistan từ vài năm trước đã rất khẩn thiết yêu cầu Bộ Quốc phòng trang bị cho họ những chiếc xe bọc thép có khả năng chống chịu cao hơn với mìn và các loại chất nổ tự tạo khác, do những chiếc Hummer cũ đã tỏ ra quá dễ bị tổn thương. Sau khi Gates lên nắm quyền, các đơn vị quân đội tại đây đã nhận được hàng ngàn xe bọc thép mới.

Cũng theo quyết định của Gates, quân Mỹ đã sử dụng nhiều hơn các loại máy bay không người lái tại Iraq và Afghanistan, không chỉ được đánh giá là có chi phí thấp hơn nhiều, mà trên một số phương diện khác còn tỏ ra hiệu quả hơn các máy bay chiến đấu thông thường.

Có lẽ chính từ những thành công và hiệu quả ban đầu như vậy, Robert Gates đã quyết định phải có những thay đổi triệt để hơn về chính sách quốc phòng. Nhưng tham vọng mới của ông chủ Lầu Năm Góc giờ đây lại gặp thử thách nghiêm trọng từ sau vụ tranh cãi liên quan tới số phận của dự án F-22

Quỳnh Lai (tổng hợp)
.
.