Cuộc sống bí mật của cặp đôi điệp viên CIA - nguyên mẫu của “Ông bà Smith”

Thứ Ba, 31/10/2017, 19:14
Là “cặp bài trùng” của CIA đúng nghĩa trong công việc cũng như trong đời tư, vợ chồng nhà Matthews là nguồn cảm hứng để các nhà làm phim làm nên bộ phim bom tấn mang tựa đề “Ông bà Smith” do hai diễn viên hàng đầu Hollywood là Brad Pitt và Angelina Jolie thủ vai chính hồi năm 2005.

Jason Matthews, điệp viên về hưu nay đã 64 tuổi, làm việc cho Phòng Chiến dịch Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) thời Chiến tranh lạnh. Ông còn được xem là điệp viên thực thụ ngoài đời lại thành công trong vai trò nhà văn chuyên về thể loại trinh thám. Người vợ tên Suzanne của ông cũng là điệp viên sát cánh với ông trong mọi chiến dịch bí mật.

Hiện nay ông cùng vợ sống ở bang California miền tây nước Mỹ. Là “cặp bài trùng” của CIA đúng nghĩa trong công việc cũng như trong đời tư, vợ chồng nhà Matthews là nguồn cảm hứng để các nhà làm phim làm nên bộ phim bom tấn mang tựa đề “Ông bà Smith” do hai diễn viên hàng đầu Hollywood là Brad Pitt và Angelina Jolie thủ vai chính hồi năm 2005.

Trong thời gian hơn 30 năm, Jason Matthews hoạt động bí mật trong vai trò Trưởng trạm CIA tại nhiều nơi trên thế giới như Đông Âu, Đông Á, Trung Đông và vùng Caribe. Ông từng đương đầu với đội ngũ điệp viên đáng gờm của KGB (Liên Xô), Stasi (Đông Đức) và cả Darzhavna Sigumost - lực lượng cảnh sát mật khét tiếng của Bulgaria. Suzanne, vợ ông, gia nhập CIA năm 1975, trước Matthews 1 năm.

Matthews và Suzanne ở Địa Trung Hải trong thập niên 1970.

Ở một số nước, Jason Matthews hoạt động ngầm dưới lốt đại diện ngoại giao làm việc trong các đại sứ quán Mỹ. Nơi vợ chồng Jason sống là khu căn hộ nằm tại một quốc gia Đông Âu trong lúc Chiến tranh Lạnh vẫn đang tiếp diễn. Họ liên tục nhận nhiệm vụ, lên đường thực thi các sứ mạng nguy hiểm, truy lùng và bắt giữ những nhân vật cộm cán trong hàng ngũ điệp viên đối phương. Vì lý do bảo mật, cặp đôi này luôn từ chối tiết lộ những nơi họ đã từng hoạt động.

Jason Matthews được CIA huấn luyện rất kỹ về mọi tình huống sẽ xảy ra trong thực tế cũng như những cách che giấu mọi hành tung như khi bị người của cơ quan tình báo KGB lục soát căn nhà. Jason Matthews mô tả, ông được huấn luyện giống như đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ, đặc biệt trong giai đoạn đáng sợ nhất được gọi là “tuần địa ngục” (Hell Week) của lực lượng.

Bởi vì, CIA muốn “nhìn thấy ai có khả năng đảm đương nhiệm vụ và ai không có khả năng”. Như một lần về nhà, cánh cửa vừa đóng sau lưng, Jason và Suzanne biết có chuyện gì đó vừa xảy ra. Con chó cưng không chạy ra đón mừng chủ, những món đồ đeo trên mình nó văng khắp nơi. Cặp đôi điệp viên CIA lập tức nháy mắt nhìn nhau, tự trấn an mình “vô phòng nói chuyện” – tiếng lóng mà giới tình báo dùng để tán gẫu với nhau khi họ thấy nhà của họ vừa có người đột nhập.

Vợ chồng nhà Matthews và 2 đứa con.

Giờ đây, ngồi trong một khách sạn ở khu West End (London, Anh), ông bà Jason và Suzanne cùng nhớ lại một thời cùng hoạt động tình báo. Cựu sĩ quan Suzanne, 62 tuổi, nhớ lại: “Chúng tôi vào nhà, chẳng thấy con chó Buckley đâu. May quá, chúng tôi thấy nó bị nhốt trong tủ quần áo. Thông điệp khá rõ ràng, ai đó cố tình gây chú ý!”.

Jason, nay đã 64 tuổi, bổ sung vào câu chuyện của vợ: “Cũng may Buckley không phải là con chó dữ mà lại có phần khù khờ, chứ không thì đã bị xử lâu rồi. Chuyện xảy ra ở một nước Đông Âu. Chúng tôi được huấn luyện để luôn bình tĩnh trong hầu hết mọi tình huống, biết khi nào cần ra dấu thay vì nói chuyện, hoặc đánh trống lảng kiểu như “Lạy Chúa, họ đã đối xử nhẹ tay với nó”.

Hai vợ chồng Jason và Suzanne sau khi kết hôn 5 năm đã bước chân vào nghề tình báo, rồi họ có 2 con. Trong cái nghề đầy nguy hiểm và căng thẳng với những đòn đấu cân não này, thường thì tổ chức tình báo chuộng các điệp viên hoạt động đơn lẻ, nhưng trong trường hợp của cặp vợ chồng danh chính ngôn thuận này, đó lại là một thứ vỏ bọc hoàn hảo.

Khi được hỏi làm cách nào để có thể trở thành một “cặp bài trùng” cho CIA, cũng như làm thế nào để cả hai vợ chồng cùng ăn ý tác chiến, Suzanne Matthew đáp: “Dễ thôi, khi bạn gia nhập hàng ngũ CIA, lúc đó bạn hãy còn trẻ, và đây đúng là duyên số, khi gặp được người bạn đời cũng đồng tuổi với bạn trong các khóa huấn luyện”.

Cặp vợ chồng tiếp cận đối tượng tình nghi.

Bà Suzanne nói tiếp: “Bạn sẽ một mình ra nước ngoài thực thi nhiệm vụ như cách mà chúng tôi đã làm. Có thể 25% các điệp viên CIA cũng làm tương tự như thế. Và đó là một thách thức lớn khi cấp trên đặt niềm tin vào bạn”.

Hai vợ chồng Matthews phải dùng mọi chiêu thức để lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng, vượt qua các ứng viên  khác. “Chúng tôi học các khóa ngoại ngữ, còn anh Jason học chơi cả đàn dương cầm, hiểu biết về những bài quốc ca ở những nước mà chúng tôi lui tới. Khi tiếp những vị khách đặc biệt, chúng tôi sẽ chơi đàn dương cầm. Ông nhà tôi biết 5-6 bài quốc ca đấy”.

Ban ngày, vợ chồng Matthews không khác nào những nhân viên mẫn cán làm việc tại các đại sứ quán, nhưng khi màn đêm buông xuống, họ chia nhau thu thập các nguồn tin tình báo đắt giá. Công việc chính của Jason là bí mật tuyển mộ những người muốn làm việc cho CIA. Ông thường gặp gỡ những “tân binh” vừa tuyển mộ vào nửa đêm tại một công viên hay sân vận động bóng đá và thường xem báo Pravda của Nga vào mỗi buổi sáng để nắm bắt thông tin.

Jason Matthews cho biết: “Để hoạt động gián điệp tốt, cần phải tạo ra một vỏ bọc hoàn hảo. Mỗi điệp viên có một thế giới riêng của họ. Suốt ngày bạn có mặt ở đại sứ quán, đóng dấu thị thực. Ban đêm bạn phải lượn các nơi, đánh giá từng nhân vật, thiết lập ra các mục tiêu khả thi”.

Cuốn “Palace of Treason”.

Jason Matthews tiết lộ một trong những kỹ thuật tiếp xúc với những nguồn tin tình báo tiềm năng: “Một số nhân viên CIA thường hay bắt tay ai đó. Sau khi thiết lập thành công mối quan hệ, họ thích khám phá người khác một cách kín đáo. Chúng tôi đi khắp mọi nơi, có một cơ chế quan hệ thân mật với các nhóm giám sát đối tượng”.

Khi được hỏi về khả năng tóm con mồi, ông Jason giải thích: “Sau 6 tháng liên tục theo dõi đối tượng nghi vấn, chúng tôi sẽ lợi dụng thời tiết bất lợi để chớp nhoáng ra tay trấn áp họ. Bạn phải đi quanh một góc cố định và trong vòng 5 giây, giả vờ làm rơi một tờ giấy, đối tượng không để ý đâu”.

Jason Matthews đã có nhiều trải nghiệm thú vị khi họ làm việc cùng “những cái bóng”. Một lần nọ, Jason tỉnh giấc, nhìn thấy dấu vết của một “tín hiệu lạ” từ trong phòng khách sạn: Một điếu thuốc lá đặt trong gạt tàn thuốc ngay dưới chân ông: “Họ chơi trò tâm lý khiến chúng tôi không bao giờ được đánh giá thấp họ. Có ai đó đột nhập khách sạn vào ban đêm, để lại mẩu thuốc lá nhằm báo cho chúng tôi biết sự có mặt của họ”.

Matthews và vợ về hưu sống ở California.

Cũng có lần Jason phản ứng theo linh cảm, lao nhanh ra đường tìm cách bảo vệ vợ mình đang bị những “cái đuôi” bám theo. Bà Suzanne nhớ lại: “Tôi đang lái xe về nhà và thấy họ cũng đang lái xe về phía mình. Lúc đầu, tôi thấy cũng bình thường, nhưng xe họ bỗng nhiên như lao thẳng về phía tôi như một đòn thử tâm lý. Quả là rất nguy hiểm!”.

Ông Jason nói tiếp: “Tôi chạy như tên bắn trên đường. Phát hiện ra họ, tôi tăng tốc vọt lên chặn đầu họ: “Này, đừng làm mấy chuyện vớ vẩn đó với vợ và con tôi. Đừng lái xe nguy hiểm như thế! Điệp viên ai lại làm thế!”. Cái đuôi biết là sẽ không làm được chuyện gì, bỏ đi thẳng”.

Vào cuối thập niên 1970, các đối tượng người Nga hay Trung Quốc - được mô tả là “cá lớn” - là mục tiêu tuyển mộ mà CIA rất thèm muốn hướng đến và sau đó là thành viên các nhóm bán quân sự cánh tả.

Theo Jason Matthews, những người như ông thường thu nạp khoảng chục điệp viên bao gồm mọi thành phần – tùy viên nước ngoài, phóng viên báo chí, nhân viên khách sạn. Sau khi tuyển chọn được người, Jason Matthews có trách nhiệm huấn luyện để họ làm nội gián hoạt động sau chiến tuyến đối phương.

Bước vào thập niên 1980, Jason Matthews được giao nhiệm vụ thu thập thông tin về cuộc chiến tranh Nam Tư và Cuba. Vào đầu thập niên 1990, hai vợ chồng tuy đã có 2 cô con gái nhưng vẫn tiếp tục hoạt động ở hải ngoại. Ông kể, trong thời gian làm trưởng trạm CIA ở một quốc gia Trung Đông, ông buộc phải nói dối khi 2 cô con gái nhìn thấy vệ sĩ của ông kiểm tra xem chiếc xe có bị gài bom hay không rằng “họ đang tìm con mèo nhồi bông”.

Chỉ sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc chiến tranh Kosovo cuối thập niên 1990 và trở về Mỹ, hai vợ chồng mới tiết lộ sự thật về cuộc đời điệp viên của họ với 2 con gái.

Công việc cuối cùng của Jason Matthews trước khi chính thức về hưu là trưởng trạm CIA ở thành phố Los Angeles. Sau khi về hưu, hai vợ chồng chuyển đến sống ở California và đó cũng là lúc Jason Mathews tìm thú vui với việc viết sách. Công việc đầy áp lực nhưng nhiều cung bậc cảm xúc cùng bề dày hoạt động hơn 30 năm giúp ông hoàn thành 2 cuốn tiểu thuyết trinh thám gián điệp.

Cuốn đầu tiên có tựa đề “Red Sparrow” (tạm dịch: Chim sẻ Đỏ) xuất bản năm 2010, được tờ New York Times xếp loại best-seller và nhận được giải thưởng uy tín cho tác phẩm đầu tay “Edgar Award for Best Debut Novel”. Nội dung cuốn tiểu thuyết này đã được Hollywood dựng thành phim.

Cuốn tiểu thuyết thứ 2 xuất bản năm 2015 cũng được xếp loại best-seller, có tựa đề “Palace of Treason” (tạm dịch: Điện Phản bội), trong đó Jason Matthews mô tả âm mưu của CIA phá hoại cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Đây là thế giới mà Matthews biết rất rõ bởi vì khi trở về làm việc tại trụ sở CIA ở Langley, ông trải qua 5 năm giúp CIA thu thập thông tin về vũ khí hạt nhân cũng như sinh-hóa học trên toàn cầu.

Giai đoạn này, Matthews mô tả công việc của ông khá đơn giản, đó là “tuyển mộ các nguồn có khả năng tiếp cận những đối tượng có thể cung cấp thông tin cho các nhà quyết định chính sách để cứu thế giới khỏi thảm họa hạt nhân”. Trong cuốn “Palace of Treason”, một tân binh CIA phải đi bộ suốt 13 giờ để chắc chắn không có cái đuôi nào theo sau và Mattthews cho biết, đó cũng là một chi tiết có thật trong đời hoạt động ngầm của ông.

Colin Harrison, biên tập viên Nhà xuất bản Scribner, mô tả Jason Matthews là người “biết nhiều thứ tiếng và rất thông minh” cũng như “có kỹ năng viết truyện trinh thám và đọc rất nhiều, nhất là các nhà văn viết về Chiến tranh Lạnh như John le Carré và Charles McCarry. Có lẽ vì vậy mà văn phong của ông vừa mượt mà vừa khốc liệt”.

Quang Hiếu - Diên San (tổng hợp)
.
.