Cựu sĩ quan tình báo Ba Lan bị buộc tội hợp tác với CIA
Theo tiết lộ của nhật báo hàng đầu Ba Lan Gazeta Wyborcza, cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo Ba Lan (AW, hay ABW) Zbigniew Siemiatkowski bị buộc tội vi phạm luật pháp quốc tế khi giúp đỡ CIA xây dựng nhà tù bí mật ở nước này để giam giữ và tra tấn những nghi can Al-Qaeda. Theo tờ báo, cựu sĩ quan tình báo Ba Lan đã có hành vi "tước đoạt tự do của các tù nhân một cách bất hợp pháp". Ngoài ra, Andrzej Derlatka - cựu Phó giám đốc AW và người có liên quan trực tiếp với CIA - có thể sẽ đối mặt với cáo buộc tương tự.
Khi nhậm chức năm 2009, Tổng thống Barack Obama tuyên bố ông muốn "nhìn về phía trước hơn là nhìn lại phía sau" đồng thời từ chối mọi lời kêu gọi mở cuộc điều tra toàn diện về hoạt động thẩm vấn của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cũng như những chương trình chống khủng bố khác được tiến hành dưới thời chính quyền George W. Bush.
Leszek Miller, cựu Thủ tướng Ba Lan nắm quyền trong giai đoạn các nghi can khủng bố của Al-Qaeda bị tra tấn trong nhà tù bí mật ở nước này, cũng có thể bị Tòa án Tối cao Ba Lan buộc tội. Riêng Adam Bodnar, Phó chủ tịch Quỹ Nhân quyền Helsinki (HFHR) đặt trụ sở tại Warsaw, khẳng định người dân Ba Lan không thể bỏ qua sự vi phạm Hiến pháp Ba Lan ngay trên lãnh thổ nước này.
Adam Bodnar lập luận rằng sự buộc tội không đơn giản chỉ là vấn đề "nhìn lại phía sau" như Tổng thống Obama từng nói, mà cũng là sự cảnh báo đến các lãnh đạo và quan chức tương lai rằng họ không thể hành động sai quấy mà không bị trừng phạt. Về phần mình, giới quan chức CIA tỏ ra hết sức lo ngại trước việc bùng nổ những cuộc tranh cãi xoay quanh chương trình giam giữ và tra tấn nghi can khủng bố bất hợp pháp ở Ba Lan cũng như tại các quốc gia khác, những nơi mà người ta tin CIA vẫn còn duy trì hệ thống nhà tù bí mật.
Trong khi chính quyền của ông Obama cố tránh né những cáo buộc tra tấn tù nhân, thì tại Ba Lan vụ việc được xử lý một cách nghiêm minh. Theo tiết lộ của tờ Gazeta Wyborcza, lãnh đạo tình báo Ba Lan Siemiatkowski bị buộc tội vào tháng 1/2012, nhưng vụ việc được giữ bí mật cho đến nay. Trong khi đó, Piotr Kosmaty, người phát ngôn của Cơ quan Công tố ở Krakow, tuyên bố cuộc điều tra đang tiến hành trong bí mật và từ chối xác nhận thông tin của tờ báo. Còn người phát ngôn của CIA từ chối bình luận vấn đề này.
Cựu lãnh đạo Tình báo Ba Lan, Zbigniew Siemiatkowski. |
CIA chưa bao giờ chính thức tiết lộ địa điểm của những nhà tù bí mật ở hải ngoại, nhưng một số sĩ quan tình báo và báo cáo lịch trình bay cũng như thông tin từ báo chí khẳng định tình báo Mỹ xây dựng nhiều "điểm đen" ở Afghanistan, Thái Lan, Romania, Jordan, Ba Lan và một số các quốc gia khác. Trong số hơn 100 tù nhân bị giam giữ bất hợp pháp, khoảng 30 người là đối tượng của những gì mà CIA gọi là kỹ thuật tra tấn "nâng cao".
Ở Ba Lan, nghi can khủng bố bị giam cầm trong một nhà tù tạm thời tại căn cứ bí mật gần sân bay Szymany, cách thủ đô Warsaw chừng 160km về phía bắc. Người ta tin rằng 3 tù nhân ở Ba Lan bị nhân viên CIA tra tấn bằng kỹ thuật gọi là "waterboard" (dội nước) bao gồm: Khalid Shaikh Mohammed, người tổ chức cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001; Abd al-Rahimal-Nashiri, người liên can vụ đánh bom tàu khu trục Mỹ USS Cole năm 2000; và Abu Zubaydah, người quản lý một trại huấn luyện khủng bố và tổ chức xuất ngoại cho các phần tử khủng bố. Hai luật sư bảo vệ cho Abu Zubaydah và Abd Nashiri năm 2010 đã chính thức yêu cầu chính quyền Ba Lan tiến hành vụ kiện hình sự đối với chương trình tra tấn của CIA.
Joseph Margulies, luật sư của Abu Zubaydah, cho biết ông hết sức phấn khởi trước thông tin về vụ buộc tội cựu lãnh đạo tình báo Siemiatkowski và nhận định đây là lần đầu tiên chương trình nhà tù bí mật của CIA được công khai ở Ba Lan. Để đối phó, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric H. Holder cũng đã ra lệnh mở một cuộc điều tra "giới hạn" về chương trình tra tấn bất hợp pháp của CIA.
Tháng 7/2011, Eric Holder thông báo không có cáo buộc nào đối với những "điểm đen" của CIA được thành lập, còn về cái chết của 2 tù nhân bị Mỹ giam giữ - một ở Iraq và một ở Afghanistan - còn đang trong vòng điều tra! Từ lâu, giới quan chức Ba Lan luôn phủ nhận mọi cáo buộc của các nhóm nhân quyền cho rằng nước này cho phép CIA xây dựng nhà tù bí mật trong chiến dịch chống khủng bố toàn cầu.
Trong khi đó, Leszek Miller - lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ cánh tả (SLD) trong Quốc hội Ba Lan và Thủ tướng Ba Lan từ năm 2001 đến 2004 - tiếp tục phủ nhận cáo buộc Ba Lan từng là nơi xuất hiện nhà tù bí mật của CIA. Leszek Miller tuyên bố từ chối trả lời mọi câu hỏi của công tố viên ở bất cứ giai đoạn điều tra nào, cho dù trước tòa án.
Những cáo buộc được tiết lộ vừa qua liên quan đến một cuộc điều tra bắt đầu năm 2008 về "điểm đen" của CIA tồn tại từ giữa tháng 12-2002 đến tháng 9/2003 tại căn cứ quân sự Stare Kiejkuty ở miền Bắc Ba Lan. Waledmar Tyl, công tố viên lãnh đạo cuộc điều tra, cho biết, kết quả điều tra có lẽ sẽ được công bố trước tháng 8 năm nay. Theo tờ Gazeta Wyborcza, Viện Công tố chỉ hành động sau khi nhận được toàn bộ tài liệu từ Cơ quan Tình báo Ba Lan về sự hợp tác với CIA trong những năm đầu tiên của cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu.
Những cáo buộc chống các cựu quan chức Ba Lan được tiết lộ trong bối cảnh Nghị viện châu Âu ở Brussels tiếp tục nghe điều trần về các "điểm đen" của CIA ở Ba Lan, Lithuania và Romania, vào ngày 26/3 vừa qua. Chính quyền Ba Lan từ chối gửi bất cứ đại diện nhà nước nào đến Brussels để dự cuộc họp. Mặc dù trước đó, Tổng thống đương nhiệm Ba Lan Bronislaw Komorowski tuyên bố ông muốn "tìm hiểu ngọn nguồn vấn đề về sự tồn tại của những nhà tù CIA ở Ba Lan". Các "điểm đen" này được tờ báo Mỹ Washington Post công bố lần đầu tiên năm 2005