"Đế chế ma túy" phục vụ cỗ máy chiến tranh của Đế quốc Nhật

Chủ Nhật, 02/08/2020, 13:23
Từ cuối những năm 1800 đến giữa những năm 1900, đế quốc Nhật bắt đầu xúc tiến một tham vọng kéo dài hàng thập niên nhằm xây dựng một đế chế ở Thái Bình Dương. Sau khi “nuốt chửng” Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều hòn đảo xung quanh, đế quốc này đã sớm ngắm mục tiêu vào Trung Quốc.

Đến khoảng những năm 1920, Trung Quốc chìm trong một cuộc nội chiến khi các phe phái đối địch tranh giành quyền lực sau khi vị hoàng đế cuối cùng bị truất ngôi.

Tuy nhiên, việc duy trì quyền lực ở một vùng đất xa lạ luôn là điều không hề dễ dàng bởi các cuộc nổi loạn và chi phí đắt đỏ. Vì vậy, phát xít Nhật đã tìm đến một “kẻ thù” lâu đời của Trung Quốc, làm suy yếu khả năng chiến đấu của người dân, đồng thời thu về những đồng lợi nhuận để tài trợ cho quân đội của chính họ: thuốc phiện.

Đế chế thuốc phiện

Sau khi Lục Quân Đế quốc Nhật Bản chiếm được vùng Mãn Châu ở phía Đông Bắc Trung Quốc vào năm 1931, cuộc chinh phạt nước láng giềng đã chính thức bắt đầu. Nhiều cuộc xung đột nhỏ lẻ sau đó đã bùng lên khi Đế quốc Nhật bành trướng xuống phía Nam trong vài năm sau đó.

Kenji Doihara, “kiến trúc sư” đế chế ma túy của Đế quốc Nhật.

Năm 1937, Đế quốc Nhật phát động một cuộc xâm lược toàn diện tại Trung Quốc và chiếm được Bắc Kinh, Thượng Hải cùng một số thành phố lớn khác – những vùng lãnh thổ chỉ có được tự do khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc với thất bại cay đắng của phát xít Nhật. Tuy nhiên, Mãn Châu vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Đế quốc Nhật lâu hơn các khu vực khác.

Đế quốc Nhật đã xây dựng nhà nước bù nhìn Manchukuo ở Mãn Châu, kiểm soát và khai thác bằng nhiều phương pháp tàn bạo khác nhau. Trong đó đáng chú ý nhất là việc xây dựng một ngành công nghiệp thuốc phiện, morphine và heroin được lên kế hoạch bài bản nhằm biến người Trung Quốc thành các con nghiện và tạo ra lợi nhuận cho cỗ máy chiến tranh của Đế quốc Nhật.

Phương pháp này đã được Đế quốc Nhật thực hiện tại nhiều khu vực khác ở Thái Bình Dương. Nhiều tài liệu nhấn mạnh việc đế quốc Nhật lo ngại về “nền văn minh phương Tây” và có một thực tế là quân đội Đế quốc Nhật đi đến đâu, hoạt động mua bán-tiêu thụ ma túy diễn ra ở đó.

Tại Trung Quốc, đế quốc Nhật đã phát động một chiến dịch quảng bá và lôi kéo người dân nghiện ma túy, nhằm khuất phục và lệ thuộc hóa các cộng đồng. Trong khi đó, các nhân vật chủ chốt trong ngành công nghiệp thuốc phiện được bổ nhiệm vào nội các với địa vị quan trọng không kém Hoàng đế.

Người dân Mãn Châu thu hoạch hoa anh túc.

Lợi nhuận khổng lồ từ việc bán heroin và morphine từng có thời điểm bằng với toàn bộ ngân sách hàng năm của Trung Quốc - và Đế quốc Nhật đã dùng nguồn tiền khổng lồ này để đầu tư cho lực lượng quân đội. Đây có thể xem như một kế hoạch hoàn hảo để Đế quốc Nhật duy trì sự kiểm soát tàn bạo trên nền tảng ngành công nghiệp thuốc phiện.

Cây thuốc phiện là thành phần cơ bản để điều chế thuốc phiện cũng như các loại heroin và morphin. Nhựa từ hạt hoa anh túc qua chế biến còn có thể được sử dụng như một loại thuốc giảm đau mạnh.

Trên thực tế, thuốc phiện từng được trồng với mục đích giảm đau từ những năm 3400 trước Công nguyên. Tại Trung Quốc, ít nhất là đến thế kỷ thứ VII sau Công nguyên, loài cây này con được trồng để phục vụ y học và giải trí.

Tuy nhiên, mãi đến khi người Anh đem đến một “biến thể” đáng sợ trong Chiến tranh Nha phiến vào giữa những năm 1900, cây anh túc và những ảnh hưởng từ loại chất gây nghiện bào chế từ nó mới bắt đầu “vang danh” trên khắp Trung Quốc. Trong Chiến tranh Nha phiến, Anh đã thao túng hàng triệu công dân Trung Quốc bằng cách biến họ thành những con nghiện, vô hình trung tạo ra một thị trường hoàn toàn lệ thuộc.

Những năm 1920, thuốc phiện vẫn được xem là cách phổ biến nhất để các lãnh chúa Trung Quốc có nguồn thu nuôi sống đội quân của họ và mua lấy lòng trung thành. Zhang Xueliang, người cai trị Mãn Châu cho đến năm 1931, cũng là một người nghiện thuốc phiện, và ngay cả khi cai nghiện thành công vào năm 1928, Xueliang vẫn tiếp tục dùng tiền thu được từ các hoạt động buôn bán ma túy để hậu thuẫn chế độ mà mình cai trị.

Khi Đế quốc Nhật xâm lược Mãn Châu vào năm 1931, họ nhanh chóng tận dụng nguồn thu này.

Tham vọng của Đế quốc Nhật

Tướng Kenji Doihara là một trong số những người thuộc Đế quốc Nhật luôn xem Trung Quốc là không gian mà họ có thể thực hiện tất cả những tham vọng về bá quyền. Chính Doihara là người đã xây dựng một kế hoạch tổng thể để trợ cấp người nông dân Trung Quốc trồng và sản xuất thuốc phiện.

Khu cai nghiện tại một bệnh viện ở Thượng Hải năm 1924.

Thuốc phiện sau đó sẽ được chế biến thành morphin và heroin cao cấp trong các phòng thí nghiệm thuộc sở hữu của tập đoàn Mitsui để bán trên khắp các lãnh thổ Nhật Bản dưới dạng thuốc viên. Ý tưởng của Doihara được hưởng ứng nhiệt tình và tới năm 1937, 90% các loại thuốc phiện bất hợp pháp trên thế giới là được sản xuất trong các phòng thí nghiệm của đế quốc Nhật.

Nhưng Doihara thậm chí còn có kế hoạch lớn hơn.

Ngành công nghiệp ma túy của đế quốc Nhật được xây dựng nhằm 2 mục đích, đầu tiên là tạo ra số tiền lớn để chi trả các hóa đơn khổng lồ phát sinh từ việc duy trì một đế chế, và kế hoạch tiếp tục bành trướng ở Thái Bình Dương. Và tất nhiên, mục đích thứ hai là khuất phục ý chí của người dân Trung Quốc, ngăn chặn tinh thần chiến đấu chống lại cuộc xâm lược, tạo ra một cộng đồng phụ thuộc vào ma túy để dễ bề kiểm soát.

Một trong những bước đầu tiên Doihara thực hiện là sản xuất những lô thuốc lá “Golden Bat” có thuốc phiện đặc biệt, một thương hiệu xa xỉ cũng do Tập đoàn Mitsui sở hữu. Lô hàng này sau đó được chuyển đến Mãn Châu và phân phát miễn phí cho những người dân vốn hoàn toàn không hề hay biết chúng chứa những gì.

Những người sử dụng lao động thậm chí còn trả lương cho công nhân của họ bằng những viên thuốc màu đỏ, thực chất là những liều heroin được điều chế thành dạng viên.

Doihara nhanh chóng tạo ra một “đế chế nghiện ngập”. Tính đến năm 1937, các khu vực do đế quốc Nhật kiểm soát ở Mãn Châu và những vùng lân cận đã sản xuất 2.796.000 pound (hơn 1.200 tấn) thuốc phiện - trong khi khối lượng thuốc phiện hợp pháp được sử dụng để phục vụ nhu cầu y tế trên toàn thế giới chỉ là 500.000 pound (khoảng 226 tấn).

Hồi kết và di sản

Doihara đã bổ nhiệm Naoki Hoshino, một quan chức không có gì nổi bật tại Bộ Tài chính của đế quốc Nhật làm người đứng đầu Ủy ban Độc quyền Thuốc phiện Nhà nước. Sự hiện diện của Hoshino đã giúp kế hoạch hủy hoại người dân Trung Quốc bằng thuốc phiện của Doihara như “hổ mọc thêm cánh”.

Những viên thuốc màu đỏ được tập đoàn Mitsui sản xuất, thực chất là các viên ma túy.

Tính đến năm 1941, chỉ xét riêng một doanh nghiệp của đế quốc Nhật kinh doanh thuốc phiện cũng đã thu về khoảng 300 triệu Nhân dân tệ, gần bằng ngân sách thường niên của chính phủ Trung Quốc. Nguồn lợi nhuận khổng lồ khiến người Nhật ngày càng tự mãn. Một số tướng lĩnh thậm chí còn viết: “Những người sử dụng ma túy không xứng đáng là một chủng tộc siêu hạng như người Nhật. Chỉ những chủng tộc thấp kém, những chủng tộc suy đồi như người Trung Quốc, người châu Âu và người Đông Ấn mới nghiện ma túy. Đó là lý do tại sao số phận của chúng đã được định sẵn là phải làm kẻ hầu người hạ mãn kiếp cho người Nhật”.

Tất nhiên, những “ảo tưởng” này không thành hiện thực. Nhiều binh lính của đế quốc Nhật cũng lệ thuộc vào ma túy để giảm bớt các cú sốc vì chiến tranh và nỗi nhớ quê hương, gia đình. Bất chấp nguy cơ bị trừng phạt nghiêm khắc, binh lính Nhật thậm chí còn lạm dụng heroin và morphine. Vấn nạn nghiện ma túy trong quân đội của đế quốc Nhật nghiêm trọng đến nỗi có thời điểm hầu hết các bệnh viện phải được huy động làm các trại cai nghiện và điều trị cho binh sỹ.

Tuy nhiên, ngay cả với những người lính không nghiện ma túy, Đế quốc Nhật cuối cùng cũng đã thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ hai và “đế chế ma túy” mà họ dựng nên cũng nhanh chóng sụp đổ theo.

Sau khi đế quốc Nhật đầu hàng trong Chiến tranh thế giới thứ hai năm 1945 và để mất quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ chiếm đóng, quân Đồng minh đã thúc đẩy một Tòa án quân sự quốc tế ở Viễn Đông. Trong số những tên tội phạm bị bắt giữ có Kenji Doihara và Naoki Hoshino. Doihara trở thành tội phạm chiến tranh với mức án tử hình, và bị treo cổ vào năm 1948. Hoshino bị kết án tù chung thân nhưng chỉ ở trong tù 13 năm. Sau khi được trả tự do, Hoshino điều hành một doanh nghiệp tư nhân và qua đời năm 1978 ở tuổi 85.

Trên thực tế, những chi tiết về đế chế ma túy mà đế quốc Nhật xây dựng, cùng nguồn tiền khổng lồ thu được mà họ để chi cho quân đội trong Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn luôn là một câu chuyện mơ hồ gây nhiều tranh cãi. Rất nhiều tài liệu sau này đã được thu thập để người ta có thể có cái nhìn tổng thể hơn về những toan tính và tham vọng của đế quốc Nhật thời đó.

Năm 2007, một phóng viên của Thời báo Nhật Bản đã phục chế một tài liệu dài 21 trang trong kho lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Tokyo, để kể lại cho độc giả về đế chế ma túy được xây dựng tại Trung Quốc. Theo tài liệu, một doanh nghiệp có tên Hung Chi Shan Tang (hoặc Hong Ji Shan Tang tùy cách phát âm) đã bán 222 tấn thuốc phiện, thu về số tiền khoảng 300 triệu NDT, chỉ trong năm 1941.

Hung Chi Shan Tang là một doanh nghiệp có trụ sở tại Thượng Hải, do Hajime Satomi quản lý, nhà buôn thuốc phiện thống trị ở miền Trung Trung Quốc. Tài liệu kể trên đã nêu rõ chi phí hoạt động của doanh nghiệp, chi tiết các cấu trúc bán buôn thuốc phiện, tài sản và các khoản nợ cũng như mức lạm phát nhanh chóng của đồng nội tệ ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán ma túy. Hung Chi Shan Tang trên giấy tờ là một công ty tư nhân với giấy phép hoạt động được chính quyền bù nhìn do phát xít Nhật thành lập tại Nam Kinh năm 1938.

Theo các nhà sử học, lợi nhuận từ việc buôn bán thuốc phiện đã giúp đảm bảo nguồn tài chính cho các hoạt động gián điệp không chính thức của quân đội đế quốc Nhật, những chương trình không nằm trong kế hoạch chi ngân sách chính thức. Doanh thu từ việc buôn bán độc quyền thuốc phiện đã trở thành một nguồn tài chính lớn cho các chính quyền bù nhìn mà đế quốc Nhật dựng lên tại vùng Nội Mông, Nam Kinh và Mãn Châu.

Dù vậy, theo phóng viên của tờ Thời báo Nhật Bản, thực tế người ta “vẫn không biết Nhật Bản đã bán bao nhiêu thuốc phiện, bao nhiêu người Trung Quốc đã nghiện và chết, và Quân đội Hoàng gia đã thu về bao nhiêu tiền cho cỗ máy chiến tranh của mình”.

Thái Hân (tổng hợp)
.
.