Dennis Rodman – “Chuyên gia ngoại giao bóng rổ”

Thứ Hai, 21/01/2019, 14:48
Những tiến triển đáng kể trong việc giảm căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên trong thời gian vừa qua đã được ghi nhận không chỉ nhờ những nỗ lực của hai nguyên thủ Donald Trump và Kim Jong-un cũng như các nhà ngoại giao của hai nước, mà còn nhờ vào công lao của cựu cầu thủ bóng rổ Dennis Rodman.

Vì sao một ngôi sao bóng rổ có tính cách phá bĩnh cùng với không ít bê bối trong đời tư lại có thể trở thành một “người hùng” được nhắc tới trên các diễn đàn quốc tế gần đây?

Ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman sinh ra tại New Jersey vào ngày 13-5-1961. Cha của ông, từng phục vụ trong không quân Mỹ, đã rời bỏ gia đình từ sớm, tới định cư tại Philippines. Theo khẳng định của chính Rodman, anh ta có tới 44 anh chị em cùng cha khác mẹ. Trong khi người mẹ đẻ của Rodman để có thể nuôi ông và hai chị gái đã phải làm tới 4 công việc cùng lúc.

Nhà lãnh đạo triều tiên Kim Jong-un trò chuyện cùng Rodman.

Ban đầu, Rodman phải sống dưới cái bóng của hai người chị, vốn được coi là những nữ vận động viên bóng rổ tài năng, về sau cũng đạt được những thành công lớn. Trong trường phổ thông, Rodman đã rất nỗ lực để có thể lọt vào đội bóng rổ, cũng như môn bóng đá Mỹ của nhà trường nhưng đều không thành công vì có chiều cao khiêm tốn.

Tốt nghiệp phổ thông, ông có thời gian làm nhân viên dọn dẹp ban đêm tại sân bay Dallas, Texas. Cũng trong thời gian này, chiều cao của Rodman phát triển khá nhanh, giúp cho giấc mơ trở thành cầu thủ bóng rổ dần trở thành hiện thực. Tại ngôi trường đại học đầu tiên ở Texas, Rodman nhanh chóng có được những thành tích ấn tượng về thể thao, nhưng lại bị loại ngay sau học kỳ đầu tiên vì kết quả học tập quá kém.

Đến khi gia nhập Trường Đại học Tổng hợp Oklahoma, không ai còn có thể ngăn chặn sự thăng tiến của ngôi sao bóng rổ tương lai: Rodman ba lần lọt vào danh sách những vận động viên nghiệp dư xuất sắc nhất nước Mỹ. Tài năng của Rodman ngay lập tức lọt vào mắt xanh của Câu lạc bộ Detroit Pistons.

Rodman đã có tổng cộng 9 năm chơi trong màu áo của câu lạc bộ này, sau đó là 2 năm tại San Antonio Spurs, 3 năm tại Chicago Bulls và năm cuối tại Dallas Mavericks, trước khi kết thúc sự nghiệp huy hoàng của mình tại Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA). Về sau, Rodman còn tham gia vào môn đấu vật chuyên nghiệp (wrestling), thậm chí từng lên võ đài thi đấu với đô vật huyền thoại Hulk Hogan.

Kẻ gàn dở nổi loạn

Năm 1992 có thể coi là một bước ngoặt đáng nhớ trong cuộc đời Rodman, khi huấn luyện viên được anh coi như người cha thứ hai rời khỏi Detroit Pistons. Cuộc hôn nhân có chung một cô con gái của ông với Annie Bakes tan vỡ. Vào tháng 2-1993, ngôi sao bóng rổ được phát hiện đang ngủ trong chiếc xe hơi của mình bên cạnh một khẩu súng đã nạp đạn. Rodman thừa nhận có ý định tự sát nhưng đã nghĩ lại.

Rodman quả thật sau đó đã hành xử theo một phong cách nổi loạn khác hẳn trước đó – tự ý bỏ tập, không chịu ra sân ngay cả khi bị đuổi hay thậm chí đánh cả trọng tài. Ông cắt tóc ngắn, nhuộm tóc đủ các màu, có một mối tình trong hai tháng với Madonna, đồng thời quả quyết nữ ca sĩ này muốn có con với mình. Chưa hết, Rodman còn diện một chiếc… váy cưới trong buổi giới thiệu cuốn sách của mình và tuyên bố, giờ đây anh ta là kẻ lưỡng tính, cũng như sẽ cưới chính mình.

Cuốn sách thứ hai của Rodman được giới thiệu trong cảnh đang ngồi trong quan tài. Rodman cũng là người đàn ông đầu tiên dám khỏa thân hoàn toàn khi quảng cáo cho những nhà bảo vệ động vật với khẩu hiệu: “Thà khỏa thân còn hơn mặc đồ lông thú”.

Sự nghiệp diễn viên mà Rodman thử sức ban đầu không hề suôn sẻ. Bộ phim đầu tay “Double Team” của ông giành một lúc ba giải thưởng: vai diễn đầu tiên tồi nhất, diễn viên phụ tồi nhất và cặp diễn viên tồi nhất (Rodman chia sẻ giải này với Jean-Claude Van Damme). Nói chung, Rodman chỉ thành công khi tự đóng chính mình, ngay cả trong loạt phim nhiều tập “The Simpsons”.

Đáng chú ý là ông còn tham gia vào chương trình truyền hình thực tế Celebrity Apprentice do chính nhà tỉ phú Donald Trump dẫn dắt. Chính tính cách nổi loạn của ông lại thu hút sự yêu thích của công chúng của chương trình, dù cuối cùng vẫn bị sa thải vì những hành vi xấu và thói nghiện rượu. Cần nói thêm, Rodman cũng đã không ít lần gặp rắc rối vì nghiện rượu: bị phạt vì lái xe trong tình trạng say rượu, vài lần bị bắt vì những hành vi bạo lực, trong đó có cả đối với cô vợ mà ông thiếu nợ hàng trăm ngàn đôla sau khi ly hôn.

Về sau, Rodman còn được mời quay trở lại với Celebrity Apprentice nhờ yêu cầu của khán giả, rồi lại bị ông Trump sa thải vì lỗi viết sai tên bà vợ Melania của nhà tỉ phú trong một cuộc thi. “Cám ơn Denis Rodman! Đã đến lúc làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại! Hy vọng anh sẽ luôn gặp mọi điều tốt đẹp” – ông Trump đã viết như vậy trên Twitter, sau khi cựu ngôi sao bóng rổ bày tỏ sự ủng hộ ông chạy đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ.

Khi thể thao song hành cùng chính trị

Vai trò ngoại giao bất ngờ của Rodman thực ra cũng bắt đầu từ việc các nguyên thủ hàng đầu của CHDCND Triều Tiên cũng rất yêu thích bóng rổ. Sự say mê này bắt nguồn từ thời của Chủ tịch Kim Jong-il. Sở thích đặc biệt này được biết đến từ đầu những năm 1990, khi một nhóm các quan chức đàm phán cao cấp của CHDCND Triều Tiên đặt chân tới Mỹ.

Rodman chụp ảnh cùng ông Donald Trump vào năm 2009.

“Khi công việc đàm phán đang diễn ra suôn sẻ, người đứng đầu đoàn đại biểu nhìn đồng hồ và nói: “Nghỉ giải lao một lúc. Michael Jordan và Chicago Bulls đang chơi, tôi cần phải xem liệu Scottie Pippen có kịp phục hồi sau chấn thương hay không” – tờ San Diego Union Tribune đã thuật lại lời kể của một quan chức ngoại giao Mỹ như vậy. Theo khẳng định của ông này, tất cả sau đó cùng xem trận đấu của NBA. Nhà ngoại giao CHDCND Triều Tiên còn cho biết, vẫn thường xuyên cùng với lãnh tụ của mình xem các trận đấu của NBA.

Nhà Trắng tất nhiên đã ghi nhớ ngay điều này. Đó là lý do khi Ngoại trưởng Madeleine Albright đặt chân tới Bình Nhưỡng vào tháng 10-2000, bà đã mang tới cho ông Kim Jong-il một món quà đặc biệt: một trái bóng rổ có chữ ký của huyền thoại Michael Jordan từ Chicago Bulls. Chuyên gia từ Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Bob Carlin trong thành phần phái đoàn nhớ lại, lãnh tụ CHDCND Triều Tiên rất ngạc nhiên và không giấu được sự vui mừng trước món quà này.

Ông Kim Jong-il về sau còn gửi tới Canada cầu thủ bóng chuyền Lee Myeong-hoon (cùng với huấn luyện viên, quan chức ngoại giao và vệ sĩ) để thi đấu nâng cao trình độ. Ngôi sao khổng lồ của CHDCND Triều Tiên này (cao tới 2,3m) khi đó đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của các tuyển trạch viên. Tuy nhiên Bộ ngoại giao Canada sau đó đã thông báo, việc thuê cầu thủ trên sẽ vi phạm lệnh cấm vận đối với Bình Nhưỡng. Đến khi người Mỹ hiểu ra rằng, Lee chính là một hình thức “ngoại giao bóng rổ” của Bình Nhưỡng thì mọi chuyện đã muộn – anh ta đã bay về quê hương từ trước đó. Đề xuất gửi các cầu thủ bóng rổ và huấn luyện viên tới Triều Tiên sau đó đã không được đáp ứng.

Được biết, ông Kim Jong-un thừa hưởng niềm say mê bóng rổ từ cha mình. Người đầu bếp riêng của gia đình ông Kim kể lại cả hai con trai của ông Kim Jong-il là Kim Jong-un và Kim Jong-chul thường xuyên luyện ném bóng vào rổ mỗi khi rảnh rỗi. Khi họ còn đang học tại Thụy Sĩ, bóng rổ là một trò chơi quan trọng nhất trong cuộc sống hàng ngày tại đây.

“Ông ấy (tức Kim Jong-un) hãnh diện khoe những tấm ảnh chụp cùng với Toni Kukoc từ Chicago Bulls và Kobe Bryant từ Los Angeles Lakers” – một trong những người bạn khi đó của ông Kim đã kể cho tờ báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc như vậy. Cũng theo ông này, nhà lãnh đạo Kim có thể ngồi hàng giờ vẽ chân dung Michael Jordan bằng bút chì. Xe hơi của đại sứ quán đã từng chở ông Kim tới xem một trận đấu giao hữu của NBA tại Thụy Sĩ.

Nhà ngoại giao bóng rổ

Từ trước tới giờ, gặp gỡ với nhà lãnh đạo trẻ tuổi của CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un hoàn toàn không phải chuyện đơn giản, ngay cả khi có cơ hội cũng không thể dễ trò chuyện dù chỉ vài lời.

Các đại diện cao cấp của Tổng thống Barack Obama trước đây khi tới Bình Nhưỡng để đàm phán về đề tài thử nghiệm hạt nhân và tên lửa cũng chỉ được gặp gỡ với các quan chức cấp dưới. Chủ tịch Hội đồng thành viên Google là Eric Schmidt đến CHDCND Triều Tiên cùng cựu thống đốc bang New Mexico cũng không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên vào tháng 2-2013, các phóng viên của Tạp chí VICE, vốn nổi tiếng với những bài phóng sự sắc sảo từ khắp nơi trên thế giới, đã quyết định tới CHDCND Triều Tiên với hy vọng cho độc giả thấy được hình ảnh thực sự từ quốc gia có tiếng là kín đáo này. Sự tự tin của họ có được là nhờ một vũ khí đặc biệt – đó là tổ chức một trận đấu giao hữu bóng rổ. Chiếc máy bay chở các phóng viên của VICE đã hạ cánh xuống Bình Nhưỡng cùng với 3 cầu thủ của câu lạc bộ Harlem Globetrotters, và đặc biệt là Dennis Rodman, ngôi sao của Chicago Bulls.

Các vị khách đã tham gia huấn luyện cho đội bóng rổ trẻ của địa phương, xem biểu diễn tại hồ nuôi cá heo và được mời tới một cửa hàng sang trọng đặc biệt trong thành phố. Nhưng sự kiện lớn nhất và được chờ đợi nhất vẫn là trận giao hữu bóng rổ mà các vị khách đã không thể hình dung được quy mô lớn như thế nào.

Hàng ngàn khán giả đã đồng loạt đứng lên tung hô chào đón khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un xuất hiện trên khán đài. Còn các vị khách tới từ Mỹ đã không thể tin vào mắt mình khi thấy Rodman ngồi ngay bên trái vị lãnh tụ CHDCND Triều Tiên. Trận giao hữu theo một số điều luật khác biệt so với thông thường đã kết thúc với tỉ số không thể đẹp hơn - 110:110.

Cuối trận, Rodman đã đứng lên cảm ơn nước chủ nhà vì sự tiếp đãi trọng thị và mến khách. “Thưa ngài, tôi sẽ là người bạn của ngài cho đến cuối đời” – ông quay về phía nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói những lời cuối như vậy, trước khi bắt tay người bạn mới của mình. Các vị khách sau đó được mời tham dự yến tiệc trọng thể, trong đó đoàn văn công CHDCND Triều Tiên còn biểu diễn một bài nhạc từ bộ phim “Rocky”. Rodman cũng hát tặng ông Kim Jong-un bài “My Way” của Frank Sinatra.

Nhờ tình bạn đặc biệt này, Rodman vào tháng 5-2013 đã công khai đề nghị ông Kim Jong-un trả tự do cho Kenneth Bae, một mục sư người Mỹ gốc Hàn, bị kết án 15 năm tù vì âm mưu lật đổ chính quyền. “Mục tiêu của tôi là làm tan băng trong quan hệ giữa các quốc gia thù địch” – Rodman tuyên bố như vậy, dù nhấn mạnh ông không phải là một nhà ngoại giao, mà chỉ muốn phát triển môn bóng rổ tại CHDCND Triều Tiên. Ngôi sao bóng rổ quay trở lại Bình Nhưỡng vào tháng 9, thăm cô con gái mới sinh của ông Kim Jong-un.

Đến tháng 12, ông tham gia huấn luyện cho đội bóng rổ CHDCND Triều Tiên để chuẩn bị cho trận đấu giao hữu được ấn định vào đúng sinh nhật của lãnh tụ nước này vào năm 2014, trong đó ông hứa với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ mang theo một vài ngôi sao của NBA tới đây. Trận đấu đã diễn ra đúng theo kế hoạch: 6 cựu binh bóng rổ của NBA thi đấu với đội tuyển CHDCND Triều Tiên và thua với tỉ số 47:39.

Sau chuyến thăm, Rodman thừa nhận đã có khoảng thời gian tuyệt vời với lãnh tụ CHDCND Triều Tiên: cùng đi trượt tuyết, cưỡi ngựa và hát karaoke. Cần nói thêm, sau khi Rodman gửi một lá thư cho Chủ tịch Kim đề nghị trả tự do cho Kenneth Bae, nhà truyền giáo này đã được thả chỉ sau một tuần.

Lần đặt chân tới Bình Nhưỡng tiếp theo của Rodman là vào năm 2017, sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông mang tặng lãnh tụ CHDCND Triều Tiên cuốn sách có nhan đề “Nghệ thuật đàm phán” của tân tổng thống. “Tôi nghĩ rằng ông ấy (tức Kim Jong-un) khi đó chưa hiểu ông Trump là người như thế nào, nhưng cho rằng sau khi đọc sách sẽ bắt đầu hiểu ra” – ngôi sao bóng rổ giải thích như vậy.

Lần cuối Rodman gây sự chú ý trên báo chí là vào ngày 12-6 vừa qua, khi ông Trump và ông Kim đích thân gặp gỡ nhau. Ông vừa khóc vừa trả lời phỏng vấn của CNN, trong đó cho biết đã nhận được không ít lời đe dọa tại Mỹ sau khi từ CHDCND Triều Tiên trở về. “Giờ đây tất cả đang nằm trong tay của ông Trump và Nhà Trắng. Còn tôi đã buông bỏ tất cả”. Cho dù tiến trình hòa giải Mỹ - Triều vẫn còn có nhiều chông gai – cựu ngôi sao bóng rổ có tính cách nổi loạn này vẫn sẽ đi vào lịch sử quan hệ hai nước với tư cách một nhà ngoại giao bất ngờ và kỳ lạ nhất.

Kim Lai (Tổng hợp)
.
.