Thêm một nguyên mẫu của Đại tá Stierlitz trong "17 khoảnh khắc mùa xuân"

Thứ Sáu, 24/03/2017, 11:20
Điệp viên Liên Xô Maxim Isayev trong vỏ bọc Đại tá SS Max Otto von Stierlitz là nhân vật văn học lừng danh trong nhiều tác phẩm viết về đề tài tình báo của nhà văn Liên Xô gạo cội Yulian Semenov.

Stierlitz đã được "bất tử hóa" qua bộ phim truyền hình nhiều tập "17 khoảnh khắc mùa xuân" của nữ đạo diễn Tachiana Lioznova, với diễn xuất của NSND Liên Xô Vyacheslav Tikhonov. Từng có nhiều giả thuyết về nguyên bản ngoài đời thật của Stierlitz, và một trong số này là viên bá tước, có quan hệ huyết thống với đại văn hào Nga Lev Tolstoy.

Chuyện xảy ra trước chiến tranh khá lâu. Mọi người tại một nhà hàng sang trọng bên hồ Zurich, Thụy Sĩ, đã lập tức chú ý đến một đôi tình nhân như những nhân vật bước xuống đời từ màn bạc Hollywood: Cô gái tóc nâu sóng sánh như suối đổ mặc chiếc áo dài dạ hội với đường xẻ táo bạo, tuy có vẻ cứng tuổi hơn bạn trai mình, nhưng dù sao họ vẫn rất đẹp đôi. Anh ta điển trai, dáng người cân đối mặc chiếc áo đuôi tôm quý phái.

Chân dung điệp viên Dmitri Aleksandrovich Bystrolyotov.

Đôi tình nhân này càng thu hút sự chú ý bởi họ được chính người đầu bếp đích thân dẫn ra sân hiên đến chiếc bàn đẹp nhất, có góc nhìn tuyệt vời trông ra mặt hồ, nơi những con thiên nga trắng lộng lẫy đang bơi lặng lẽ. Sai khi cùng dìu nhau một điệu nhảy, quý cô duyên dáng ngả đầu lên vai chàng trai, khẽ thầm thì điều gì đó vào tai người tình. Còn chàng trai thì cười dịu dàng đáp lại cũng bằng kiểu cách lãng mạn như thế.

Không ai trong những người đang mục kích cảnh ấy có thể tin vào tai mình nếu họ nghe thấy cô gái nói: "Nếu anh mà phản bội em, anh yêu, thì anh sẽ bị giết chết ngay khi anh thò mặt khỏi Thuỵ Sĩ!". Chàng trai nở nụ cười ngọt ngào thì thào đáp lại: "Còn nếu như em phản bội anh, em yêu, em sẽ không bị giết chết ngay tại đây, ở Zurich này, mà là ngay tại mái hiên này, trên làn nước xanh với những con thiên nga trắng!".

Thật ra, cả hai là các điệp viên của các cơ quan tình báo khác nhau. Cô gái quyến rũ là điệp viên của tình báo Rumani và một vài cơ quan tình báo khác vốn quan tâm đến các tài liệu mật mà cô ta có nhiệm vụ mang từ Bucarest về Paris và ngược lại với tư cách một giao thông viên.

Chàng trai hào hoa, người có những cử chỉ phớt đời kiểu một tay chơi Mỹ, đã thú nhận mình là… một tên găngxtơ, hiện nay đang làm cho tình báo Nhật. Chàng trai đẹp mã này không chỉ quan tâm đến những tài liệu mật mà cô gái được giao phó mà cả những mối quan hệ rộng lớn của cô ta có thể cho phép anh ta thâm nhập vào giới tai to mặt lớn cực kỳ cần thiết cho công việc.

Nhờ cô ấy, anh ta đã đạt được tất cả những điều đó, giống như anh ta đã đạt được mục đích của mình trong vô số các điệp vụ khác trong suốt những năm tháng lăn lộn hoạt động tình báo của mình.

Lần nào anh ta cũng xuất hiện dưới một bộ mặt mới - lúc thì là một huân tước Anh hoặc một bá tước Hungary, lúc thì là một kỹ sư Canada hoặc một doanh nhân Hà Lan... Tên thật của tay Don Juan xuyên lục địa này trong nhiều năm dài chỉ có một ít người ở OGPU (Tổng cục Chính trị đặc biệt - một trong những tên gọi của cơ quan tình báo Liên Xô, sau này là KGB) đóng trên phố Lubyanka biết đến.

Anh tên là Dmitri Aleksandrovich Bystrolyotov, mặc dù khi sinh ra và theo huyết thống, họ của anh là Tolstoy. Một bá tước thừa kế, cháu trực hệ của huân tước Tolstoy, người thân tín của Sa hoàng Nga Pyotr Đại đế, và là họ hàng của Lev Nikolaievich Tolstoy, đại văn hào Nga, một trong những tiểu thuyết gia hiện thực vĩ đại nhất mọi thời đại.

Dmitri Aleksandrovich Bystrolyotov được thụ hưởng nền giáo dục gia đình quý tộc, học tại trường thiếu sinh quân hải quân ở St. Petersburg, sau đó phục vụ trên các con tàu. Cách mạng Tháng Mười đã đẩy anh vào cảnh lưu vong. Sau đó, anh vào học tại Đại học Tổng hợp Praha, say mê nghiên cứu ngoại ngữ. Với tài năng thiên bẩm, anh đã học hội họa một thời gian ở Berlin và Paris. Anh còn tốt nghiệp cả Đại học Tổng hợp Zurich.

Số phận của anh bỗng đột nhiên thay đổi. Đánh giá cao vẻ ngoài tuyệt vời và tài năng đa dạng của con người này, các nhân viên Cheka Liên Xô (Cơ quan tình báo đầu tiên của nhà nước Nga Xôviết) đã thuyết phục được anh rằng, trong bối cảnh chiến tranh và nguy cơ chủ nghĩa phát xít sẽ thôn tính toàn Châu Âu thì nghĩa vụ thiêng liêng của anh là cống hiến cho tổ quốc mình.

Từ đó, Dmitri tích cực hoạt động tình báo, anh đã thực hiện thành công những nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm nhất như tuyển mộ điệp viên, thu thập những thông tin cực kỳ quý giá, mà trước hết là các mật mã ngoại giao của nước ngoài. Anh đã làm tất cả những việc đó vì anh tin tưởng chân thành là mình đang phụng sự tổ quốc và nhân dân mình.

Vào năm 1940, anh cũng như nhiều "chiến sĩ anh hùng trên mặt trận vô hình" khác đã bị triệu về Moskva, nghe nói là để nhận huân chương và nhiệm vụ mới, nhưng thay vào điều đó, anh đã bị bắt và bị tống vào trại lao động cải tạo. Một thế lực nhiều ảnh hưởng từ cấp trên đã chối bỏ anh, loại bỏ và quên những cống hiến của anh. Phải rất lâu sau, vào thời Andropov lãnh đạo KGB thì những người ở Lubyanka đã thật sự kinh ngạc khi biết rằng, Bystrolyotov vẫn sống sót. Người ta tình cờ biết được điều này là do một vị tướng chịu trách nhiệm quyết định số phận các bản thảo mà các nhà xuất bản gửi đến để KGB kiểm duyệt: Họ phát hiện thấy cái họ quen thuộc - Bystrolyotov - trên trang đầu một bản thảo.

Có phải chính Dmitri Aleksandrovich Bystrolyotov đó không? Họ đã kiểm tra và phát hiện ra là đúng người ấy. Sau những đau đớn tận cùng trong các trại giam, nhà tù, ông đã sống cho đến khi được phục hồi danh dự và trở về Moskva khi đã là một ông già ốm yếu. Thì ra "bá tước Tolstoy" và người cựu điệp viên-anh hùng ấy đã sống rất lặng lẽ và nghèo khổ trong một căn phòng tập thể chật hẹp, lúi húi dịch sách để kiếm tiền. Mặc dù đã được phục hồi danh dự, nhưng không ai dám nhận ông vào làm việc chính thức vì quá khứ "nhiều nghi vấn" của ông.

Dmitri Aleksandrovich Bystrolyotov còn có năng khiếu của một nhà văn. Bắt đầu từ hồi còn trong trại và tiếp tục khi về sống trong khu nhà tập thể, ông đã viết được 11 cuốn sách về những gì đã trải qua và đặt cho chúng một cái tên chung "Bữa tiệc của những người bất tử".

Đáng tiếc là toàn bộ tác phẩm này (D.A. Bystrolyotov mất vào năm 1975) đã ra đời trong những năm mà người ta chỉ dám thì thầm về sự thật hoạt động của Lubyanka và mảng tình báo đối ngoại của cơ quan tình báo huyền thoại này. Vì thế, ông đã phải rất thận trọng,  chỉ đưa ra những mẩu rất ngắn trong cuộc đời hoạt động tình báo của mình với những thêm thắt rời rạc trong cuốn sách về cuộc sống riêng và cuộc sống gia đình của mình. 

Sau này, một phần nội dung trong các sáng tác của ông đã được dựng thành phim "Người đàn ông mặc thường phục", và chỉ qua bộ phim này, phần lớn công chúng mới biết đến các chiến công thầm lặng của Dmitri Bystrolyotov.

M.Q. (theo Sovereny Sekret)
.
.