Điệp viên nội gián Frantisek Doskocil

Thứ Năm, 24/08/2006, 08:15

Một ngày đầu tháng 7/1968, khi sinh viên 21 tuổi người Tiệp Khắc Frantisek Doskocil đang chiêm ngưỡng các bức tranh nghệ thuật cổ trưng bày tại Viện bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Áo ở thủ đô Vienna, thì có một người đàn ông trung niên tự xưng là phóng viên một tờ báo Mỹ đến bắt chuyện.

Ban đầu, cả hai chỉ bình phẩm về các bức tranh, sau đó chủ đề lại chuyển sang vấn đề thời sự. Và chỉ sau 3 lần gặp gỡ, người đàn ông tự xưng là nhà báo Mỹ và lộ nguyên hình là điệp viên của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đang làm việc tại chi nhánh CIA ở Vienna, tên Bill O'Relly.

Sau khi thuyết phục được Doskocil chấp thuận làm việc cho CIA, O'Relly đề nghị Doskoci, một khi quay về lại Tiệp Khắc tìm mọi cách để luồn sâu vào bộ máy chính trị, công quyền và cả tình báo Tiệp Khắc để thu thập và chuyển giao thông tin cho CIA. Sau khi được huấn luyện các kỹ năng căn bản cần có của một điệp viên nội gián, Doskocil trở về lại Tiệp Khắc sau kỳ nghỉ hè và bắt đầu thực hiện những yêu cầu mà CIA đề nghị.

Năm 1970, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Praha, Doskocil được nhận vào làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu thuốc thú y có tên gọi Velaz mà không biết đó là một trong những bình phong hoạt động của Cơ quan Tình báo Tiệp Khắc (STB). Cũng trong thời gian này, Doskocil được bầu vào Ban lãnh đạo Đoàn thanh niên Cộng sản Tiệp Khắc khu vực thủ đô Praha. Năm 1974, trở thành một trưởng phòng trẻ của Công ty Velaz, Doskocil được StB tuyển dụng và thường được phái đến công tác tại các quốc gia phương Tây.

Vị trí của Doskocil càng củng cố hơn khi lập gia đình với một nữ đồng nghiệp tại StB tên Marta có cha là lãnh đạo cấp vụ của StB. Phần CIA, tuy không liên hệ với Doskocil, nhưng vẫn cử người theo dõi mọi hoạt động của anh ta đợi thời cơ chín muồi sẽ bắt liên lạc.

Mãi đến tháng 10/1975, tức 7 năm sau lần gặp gỡ với điệp viên CIA Bill O'Relly tại thủ đô Vienna, CIA mới nối liên lạc với Doskocil trong một lần anh ta được phái đến thành phố Munich, Tây Đức, trong vai đại diện thương mại của Công ty Velaz, để hoạt động điệp báo. Trong lần gặp gỡ này, CIA giao nhiệm vụ cho Doskocil phải thu thập thông tin về tình hình hoạt động của quân đội các quốc gia khối XHCN Đông Âu tại Tiệp Khắc, hoạt động của mạng lưới điệp viên StB ở nước ngoài và diễn biến phản ứng của dư luận Tiệp Khắc trước sự hiện diện của quân đội Liên Xô tại quốc gia này.

Cũng trong lần gặp gỡ này, Doskocil còn được huấn luyện cách nhận biết dấu hiệu các hộp thư chết, các hướng dẫn cho Doskocil được mã hóa của CIA phát trên Đài Phát thanh châu Âu tự do. CIA còn hứa hẹn sẽ trả cho Doskocil 650 USD tiền lương hàng tháng và số tiền này sẽ được chuyển vào một tài khoản bí mật mở tại một ngân hàng ở Thụy Sĩ.

Trở về Tiệp Khắc, Doskocil bắt đầu cuộc đời của một kẻ phản bội Tổ quốc khi tiến hành thu thập thông tin tình báo có được từ quyền hạn của mình để chuyển giao cho CIA. Hơn thế nữa, Doskocil còn moi thông tin về hoạt động của STB từ vợ và cha vợ, đều là nhân viên STB, rồi bí mật chuyển giao cho CIA.

Từ thông tin cung cấp bởi Doskocil mà CIA đã nắm bắt được mạng lưới bố phòng của quân đội Liên Xô trên lãnh thổ Tiệp Khắc, sự phối hợp giữa tình báo Liên Xô và StB trong thực hiện các điệp vụ ngoại biên và cả sự phối hợp giữa hai cơ quan tình báo này trong lĩnh vực phản gián.

Không những chuyển giao tài liệu cho điệp viên nằm vùng của CIA thông qua các hộp thư chết ở Praha mà Doskocil còn cả gan chuyển giao tài liệu trực tiếp cho điệp viên CIA khi đến công tác tại nhiều quốc gia phương Tây dưới danh nghĩa đại diện Công ty Velaz.

Từ năm 1980, Doskocil trượt dài trên con đường phản bội của mình khi chuyển giao cho CIA danh tính các điệp viên STB hoạt động ở nước ngoài dưới lốt nhân viên ngoại giao, đại diện thương mại và cả danh tính điệp viên nội ứng của tình báo phương Tây làm việc cho STB.

Chính từ hành động phản bội của Doskocil mà Alfred Frenzel, một điệp viên tầm cỡ của STB hoạt động trên lãnh thổ Tây Đức đã bị bắt giữ. Từ năm 1985, CIA còn trang bị thiết bị thu và phát tín hiệu qua vệ tinh được lắp đặt bí mật bên trong chiếc ôtô hiệu Lada của Doskocil. Thường thì Doskocil hay đánh xe đến các địa điểm xa các trung tâm thu phát tín hiệu của StB để gửi một lần đến 9 trang tài liệu cho CIA qua vệ tinh chỉ trong vòng vài phút.

Năm 1989, đánh hơi được hoạt động bội phản của một điệp viên của mình tên Aldrich Ames, nguyên Trưởng chi nhánh CIA tại Praha, có thể làm lộ hoạt động nội gián của Doskocil, CIA lên phương án để Doskocil thú nhận với STB về hành vi hoạt động nội gián của mình và đề nghị cho hoạt động hai mang nhằm tái thâm nhập vào CIA để lập công chuộc tội. Tuy nhiên, phương án này chưa kịp triển khai thì Doskocil đã bị các nhân viên phản gián STB bắt giữ tại thành phố Kolin vào ngày 17/4/1989 trên chiếc Lada của mình khi đang bí mật liên lạc với CIA.

Trong khi Doskocil đang bị giam giữ tại nhà tù Pancrac để chờ đợi xét xử về tội phản bội Tổ quốc thì thể chế chính trị Tiệp Khắc sụp đổ. Tuy nhiên, chính quyền mới tại Tiệp Khắc lại không đoái hoài đến số phận của Doskocil. Bởi vì trong buổi giao thời giữa hai chế độ, chẳng ai quan tâm đến công hay tội của một điệp viên nội gián như Doskocil. Và phải đợi đến năm 1994, Tổng thống Vaclav Havel mới quyết định ân xá cho Doskocil, lúc đó y luôn miệng kêu ca rằng mình là người có công chứ không phải có tội.

Sau khi được trả tự do, Doskocil bị xa lánh bởi các đồng nghiệp cũ ở STB vì bị coi là một kẻ phản bội, không được đoái hoài bởi chế độ mới và bị cả CIA bỏ rơi. Đến năm 1996, Doskocil mới tìm được việc làm tại khách sạn Diplomat ở thủ đô Praha. Vào tháng 10/2005, Doskocil cho phát hành một cuốn sách có nhan đề “Tự truyện của một điệp viên nội gián CIA trong lòng Đảng Cộng sản Tiệp Khắc”. Trong cuốn sách của mình, Doskocil phân minh nguyên nhân phải làm việc cho CIA và cho rằng mình có góp công trong việc làm sụp đổ chính thể ở Tiệp Khắc và y cũng đề cập đến việc hình thành các đảng phái chính trị tại nhiều địa phương, như tổ chức của Đảng Cộng sản tại vùng Moravie. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng viết ra cuốn sách này, Doskocil tỏ ý muốn nhắc nhở với CIA đừng quên công lao của ông ta và nhất là số tiền lương mà CIA còn nợ ông ta lên đến 300.000 USD

Văn Hòa (Theo Spy Eyes)
.
.