Dò rỉ thông tin về dự án tốn kém nhất của Lầu Năm Góc

Thứ Năm, 14/05/2009, 06:10
Ngày 21/4 vừa qua, tờ The Wall Street Journal (WSJ) đã cho đăng tải một bài báo gây quan tâm đặc biệt về một cuộc tấn công của các tin tặc vào mạng máy tính nội bộ của Lầu Năm Góc. Những tên gián điệp trên mạng đã biết cách xâm nhập vào các dữ liệu trong khuôn khổ dự án vũ khí tốn kém nhất của cơ quan quốc phòng Mỹ - dự án chế tạo loại máy bay tiêm kích - ném bom đa chức năng thuộc thế hệ thứ năm F-35.

Dự án tên gọi Joint Strike Fighter (JSF) có tổng trị giá tới 300 tỉ USD được xây dựng và phát triển với tham vọng trong tương lai có thể giúp thay thế một loạt những kiểu máy bay đã cũ đang có trong trang bị của quân đội Mỹ và nhiều nước đồng minh. Nhà thiết kế hàng đầu loại máy bay F-35 Lightning II này là Tập đoàn Lockheed Martin, cùng với sự hợp tác đáng kể của hai tập đoàn công nghiệp quân sự khác là Northrop Grumman và BAE Systems.

Trên thực tế, JSF là một dự án quốc tế, ngoài quốc gia cung cấp tài chính chủ yếu là Mỹ, còn có sự tham gia của Anh, Italia, Hà Lan và một số quốc gia khác. Theo những thông tin được tiết lộ, các tin tặc đã tiếp cận được với các tài liệu qua các "lỗ hổng" trong hệ thống an ninh máy tính của vài công ty là nhà thầu trong dự án này. Những gián điệp trên mạng đã kịp sao chép tới vài tetrabyte dữ liệu về thiết kế và những hệ thống điện tử của máy bay.

Theo đánh giá, những thông tin bị đánh cắp trên có thể giúp những quốc gia là đối thủ tiềm tàng của Mỹ tìm ra điểm yếu để chống lại loại máy bay F-35 trong tương lai. Dù sao vẫn còn may mắn là nhiều tài liệu quan trọng hơn về thiết kế của F-35 đã không bị rơi vào tay các tin tặc, do chúng được lưu trong các máy tính riêng lẻ không nối mạng.

Mới hôm 7/4 vừa rồi, công chúng Mỹ mới được biết rằng, Bộ Quốc phòng chỉ trong nửa năm gần đây đã chi phí ít nhất 100 triệu USD cho lĩnh vực an ninh điều khiển học. Tầm mức đầu tư đó gia tăng tỉ lệ thuận với hoạt động của các tin tặc trong nửa năm gần đây. Mối đe dọa này còn được đánh giá là "chưa từng có trong quá khứ", và đối tượng của nó không chỉ có Lầu Năm Góc mà còn một loạt các cơ quan quân sự và dân sự khác có vai trò điều hành hoạt động của nước Mỹ. Một trong những nguồn gốc hàng đầu của mối đe dọa này được người Mỹ nhắc tới là các tin tặc từ Trung Quốc. Một báo cáo của Lầu Năm Góc trình lên Quốc hội hồi tháng 3 vừa qua đã khẳng định, các hacker Trung Quốc đã đạt được kỹ năng rất cao trong việc tiến hành những "cuộc chiến trên mạng".

Ngoài Trung Quốc, mối đe dọa từ trên mạng đối với Mỹ có thể tới từ nước Nga. Như hồi tháng 11/2008, Tổng thống Bush đã nhận được một báo cáo về một vụ tấn công vào mạng máy tính của Lầu Năm Góc với thủ phạm được cho là các tin tặc từ nước Nga. Đó là chưa kể mối đe dọa từ các tin tặc đơn lẻ, điển hình là vụ đột nhập của hacker người Anh Gary McKinnon.

Theo dữ liệu của Bộ An ninh quốc gia Mỹ cũng do tờ WSJ công bố, chỉ riêng trong năm tài chính 2008 đã ghi nhận hơn 18 ngàn vụ vi phạm các quy định an ninh điều khiển học của chính phủ. Tại Mỹ hiện nay chưa có một cơ quan chính phủ hay quân sự thống nhất nào chịu trách nhiệm về việc bảo vệ an ninh cho các mạng máy tính. Vì vậy, nhiều khả năng sẽ có một vị trí tương tự như vậy trong bộ máy của Nhà Trắng, kèm theo đó là việc xây dựng một cơ cấu chỉ huy đặc biệt về an ninh mạng trong lực lượng vũ trang.

Khi các cuộc tấn công điều khiển học đã được thừa nhận là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh của Mỹ, nhu cầu hiện đại hóa khả năng của quốc gia trong lĩnh vực "chiến tranh máy tính" đã được nhắc tới khá nhiều ngay từ thời George Bush. Chính phủ tiền nhiệm tại Nhà Trắng khi đó đã từng tính toán rằng, sẽ phải chi phí ít nhất 17 tỉ USD cho việc phát triển an ninh trên mạng trong vài năm tới. Chi phí này dự tính sẽ tăng thêm nhiều nữa dưới thời Obama.

Cụ thể theo thông tin mới nhất, chính quyền Barack Obama đã hoàn tất việc lên kế hoạch thành lập một bộ tư lệnh mới trong thành phần của Lầu Năm Góc chuyên trách về phối hợp các nỗ lực bảo đảm an ninh cho các mạng máy tính quân sự, đồng thời nghiên cứu "các hình thức vũ khí tấn công điều khiển học mới".

Theo đánh giá của các chuyên gia, thì ngoài khả năng bảo vệ an toàn cho các mạng máy tính, việc sở hữu một loại "vũ khí tấn công điều khiển học mới" sẽ là điều không thể thiếu trong tương lai. Một cuộc chiến điều khiển học trong tương lai không xa hoàn toàn có thể rẻ tiền và hiệu quả hơn những vụ xung đột quân sự cổ điển trong quá khứ. Chẳng hạn như thay cho việc phá hủy các hệ thống điều hành và liên lạc của đối phương, có thể giành quyền kiểm soát bản thân những hệ thống này và sử dụng chúng để chống lại chính đối phương

Linh Nga (tổng hợp)
.
.