Đường trường xương máu tiến về Berlin:

Cơn hấp hối của Đệ tam Đế chế

Thứ Năm, 11/05/2017, 16:20
Ngày 29-6-1944, cuộc tấn công lớn bắt đầu. Lực lượng của các Phương diện quân Belorussia 1, 2 và 3 cùng ba tập đoàn quân không quân của ba phương diện quân này chia thành 6 mũi tấn công toàn lực.

Chỉ sau 6 ngày tấn công, quân đội Liên Xô đã đánh tan Cụm Tập đoàn quân Trung tâm của Quân đội Đức Quốc xã, tiêu diệt 25 Sư đoàn Đức, giải phóng hoàn toàn lãnh thổ Belorussia cùng phần lớn lãnh thổ các nước cộng hòa Xôviết vùng Baltic và miền Đông Bắc Ba Lan.

 Thiếu tướng Alexei S. Burdeiny, chỉ huy Quân đoàn xe tăng cận vệ 2, đơn vị đầu tiên tiến vào giải phóng thủ đô Minsk của Belorussia hồi tưởng: "Ngày 5-7-1944, tôi tới Minsk.

Phần lớn thành phố đã bị bọn phát xít phá hủy. Một vài công trình lớn mà quân địch không có thời gian đặt mìn giật sập là trụ sở chính phủ Belorussia, trụ sở mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Belorussia, Nhà máy Radio PBC và Câu lạc bộ Hồng quân. Nhà máy điện, phần lớn các cơ sở công nghiệp và nghiên cứu đều bị phá tan tành". 22 giờ ngày 5-7, trên đài phát thanh Moscow phát đi bản tin quan trọng được đọc bởi phát thanh viên huyền thoại Levitan tuyên dương công trạng của các phương diện quân Belorussia trong chiến công giải phóng Minsk.

Hitler động viên các thiếu niên thuộc lực lượng Volkssturm (Dân quân tự vệ) trong trận đánh tử thủ Berlin.

Bầu trời Moscow bừng lên ánh sáng của 24 loạt pháo hoa được bắn lên từ 324 khẩu đại bác để chúc mừng thủ đô của Belarus được giải phóng, trong khi đó lực lượng công binh của Phương diện quân Belorussia số 3 phải làm việc liên tục suốt ngày đêm để nhanh chóng gỡ đi những quả mìn mà lính Đức cài đặt khắp nơi. Trên các con đường nhựa từ Minsk đi Rakov và Vologin ở phía tây thành phố ngổn ngang những xe cộ và phương tiện chiến tranh của quân Đức bỏ lại khi rút chạy.

Chiến dịch Bagration cùng với chiến dịch Lvov-Sandomir được các nhà nghiên cứu lịch sử coi là tiêu biểu cho nghệ thuật chiến dịch Xôviết, khi các hoạt động nghi binh liên tục làm quân đội Đức Quốc xã lúng túng, đồng thời các bài bản tấn công của học thuyết "Tác chiến chiều sâu" được thực hiện gần như hoàn hảo ở mọi cấp độ.

Về phía nước Đức Quốc xã, đây được xem là một trong những thất bại thảm hại nhất trong toàn bộ cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, vì khu vực phòng thủ phía Đông của Đức bị sụp đổ và vùng Đông Phổ bị trực tiếp đe dọa. Trong suốt mùa hè năm 1944, quân đội Đức trên hướng trung tâm mặt trận Xô - Đức không thể ổn định được các tuyến phòng ngự, phải rút chạy ở khắp nơi.

Từ thời điểm này, Hồng quân Liên Xô đã rộng đường tấn công sâu vào lãnh thổ Ba Lan cùng lúc với sự phối hợp từ quân Đồng minh tiến vào Pháp. Tấn công sâu vào trái tim của Đức quốc xã, Liên Xô hy vọng sẽ đạt được mục tiêu quan trọng về chiến lược, vì vậy, vào giữa tháng 8-1944, quân đội Liên Xô đã tiến đến vùng ngoại ô Warsaw, Ba Lan, phối hợp chiến đấu cùng phong trào kháng chiến ở Ba Lan. Chiến dịch Bagration đã lấy đi sinh mệnh của 350.000 lính Đức và 765.000 chiến sĩ Xôviết.

Đầu năm 1945, Đế chế Quốc xã bước vào cơn hấp hối thật sự. Nền kinh tế và công nghiệp chiến tranh Đức sụp đổ: người dân trong nước thiếu lương thực trầm trọng, các mục tiêu kinh tế, quốc phòng của Đức bị không quân Đồng Minh Anh-Mỹ đánh phá nặng nề đến mức không còn cơ hội khôi phục, lệnh tổng động viên đã khiến các nhà máy xí nghiệp Đức thiếu trầm trọng các nguồn nhân công có tay nghề và trình độ.

Khi các đồng minh của Đức tan rã và đất đai rơi vào tay đối phương thì các nguồn nguyên liệu, nhiên liệu cũng không còn, đặc biệt khi mất Romania thì nguồn dầu mỏ duy nhất nuôi sống quân đội và kinh tế Đức đã bị cắt hoàn toàn. Chất lượng của quân đội Đức Quốc xã trong năm cuối chiến tranh có thể gọi là thảm họa khi quân số phần nhiều là các lực lượng mới động viên cả người già và thiếu niên từ các tổ chức bán quân sự.

Thực trạng huấn luyện kém lại thêm tâm lý chán chường lây lan, trong quân đội ai cũng hiểu "Đế chế đã thua trận". Thiếu vũ khí, thiếu nhiên liệu, tinh thần chiến đấu như cỗ xe tụt dốc không phanh thì dù quân đội Đức nổi tiếng là đạo quân hùng hậu đến mấy, gan lì và kỷ luật đến mấy cũng tiêu hao dần khả năng kháng cự.

Vụ mưu sát trùm phát xít Hitler bất thành vào ngày 20-7-1944 càng khiến hàng ngũ sĩ quan tướng lĩnh cao cấp Đức bị xáo trộn, một bộ phận lớn tướng lĩnh Đức tuy không bị truy tố nhưng trong bầu không khí đậm đặc sự nghi kỵ nên họ bỗng dưng biến thành những kẻ hữu danh vô thực.

Mất sạch cái nhìn thiện cảm vào cánh chỉ huy quân đội, Hitler giờ đặt trọn niềm tin vào lực lượng SS, thế là thủ lĩnh SS Heinrich Himmler được bổ nhiệm làm Tư lệnh tập đoàn quân Wisla - giờ đây là "lực lượng chủ chốt bảo vệ đế chế" - mặc dù nhân vật này không hề có kiến thức và chưa từng kinh qua thực tiễn trận mạc.

Mâu thuẫn giữa SS và quân đội Đức càng ngày càng trầm trọng. Ngay bản thân quốc trưởng Hitler vì phải liên tiếp đón nhận những thông tin thất trận nên lâm vào khốn quẫn, luôn bị các cơn kích động thần kinh dày vò, trong những cơn mê sảng giữa ban ngày ông ta liên tiếp xuống các mệnh lệnh chiến đấu, phản công mà không cần biết có khả thi hay không.

Mùa hè năm 1944, Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng các nước vùng Baltic, đánh đuổi quân Phần Lan ra khỏi biên giới Liên Xô - Phần Lan và buộc Phần Lan phải ký hiệp định đình chiến với Liên Xô ngày 19-9-1944. Sau khi giải phóng hoàn toàn Tổ quốc, quân đội Liên Xô tiến vào giải phóng Ba Lan, Rumani, Bulgari, Nam Tư, Albani và một phần đáng kể lãnh thổ Tiệp Khắc, Hungary và Áo.

Đối với Liên Xô và quân Đồng minh, Berlin là mục tiêu chiến lược cuối cùng của chiến dịch mùa xuân năm 1945, chiến tranh sẽ chưa kết thúc nếu chưa chiếm được Berlin - trái tim của "Đệ tam đế chế" và tất cả các cơ quan đầu não phát xít Đức. Các nhân vật chóp bu của Đức Quốc xã bằng mọi cách cố gắng kéo dài chiến sự mong đạt một thỏa thuận riêng với Anh và Mỹ, chia rẽ khối liên minh chống Hitler, mưu đồ sâu xa ở đây là duy trì một mặt trận đối đầu với Liên Xô. Thực tế, sự chia rẽ trong khối Đồng minh đã manh nha xuất hiện.

Sử gia Nga Sergei Kudryashov nói: "Nổi lên một câu hỏi chính trị và ngoại giao - ai sẽ chiếm Berlin trước, các nước Đồng minh hay Liên Xô? Về mặt chiến lược người Mỹ không đặt ra nhiệm vụ này, nhưng Churchill mưu mô một cuộc chơi tinh vi hơn. Churchill dù nói với Stalin “đây là điều không quan trọng”, nhưng kỳ thực, bản thân ông ta đã chỉ thị giới quân sự tính toán cơ hội vào Berlin trước Hồng quân".

Người Mỹ đã vượt sông Rhine và lãnh tụ Liên Xô lo ngại quân Anh-Mỹ có thể chiếm được Berlin trước. Để đẩy nhanh tốc độ, ông chia quyền chỉ huy chiến dịch Berlin cho Nguyên soái Zukhov ở miền trung và Nguyên soái Ivan Stepanovich Konev ở miền nam. Hai viên chỉ huy cao cấp nhất cố gắng tiến về Berlin càng sớm càng tốt.

Tham gia Chiến dịch Berlin, Hồng quân Liên Xô huy động  ba phương diện quân, Phương diện quân Belarus 2 của Nguyên soái Konstantin  Rokossovsky, Phương diện quân Belarus 1 của Nguyên soái G.K. Zhukov - lực lượng chủ công đánh chiếm Berlin- và Phương diện quân Ukraina 1 của Nguyên soái I.S. Konev.  Hồng quân Liên Xô đã  huy động 2,5 triệu quân,  41.600 súng cối và đại bác, 3.255 dàn tên lửa Kachiusa, 6.250 xe tăng và pháo tự hành và 7.500 máy bay.

Tại hướng chính diện,  Phương diện quân Belarus 1 của Nguyên soái Zhukov tấn công dãy cứ điểm Đức tại điểm cao Seelow được bố phòng rất kiên cố, án ngữ phía tây sông Oder. Hồng quân Liên Xô thương vong rất lớn tại tuyến đầu Seelow và  không thể xuyên thủng tuyến phòng thủ Đức theo đúng kế hoạch.

Sử gia Sergei Kudryashov đánh giá: "Đến thời điểm này, Hồng quân sở hữu lực lượng hùng mạnh, chiếm ưu thế hoàn toàn về pháo binh và làm chủ bầu trời, nhưng hướng tấn công chủ đạo do Nguyên soái Zhukov vạch ra - con đường ngắn nhất đến Berlin qua điểm cao Seelow, đồng thời cũng là mũi nhọn khó khăn nhất, được quân Đức phòng ngự vô cùng kiên cố".

Để khích tướng, Tổng Tư lệnh tối cao Liên Xô Stalin nói với Nguyên soái Zhukov rằng, ông sẽ điều quân của Nguyên soái Konev chiếm Berlin nếu Phương diện quân Belarus 1 không thể xuyên thủng tuyến phòng thủ Seelow. Nguyên soái Zhukov đã dốc hết toàn lực xung trận và phải mất 3 ngày cận chiến ác liệt, vào ngày 19-4-1945 phương diện quân của ông mới phá vỡ được phòng tuyến của Đức, lâu khá nhiều so với dự kiến. Những cánh cửa dẫn đến Berlin đã mở toang.

Phía Hồng quân mất rất nhiều xe tăng vì chúng được sử dụng làm mũi nhọn nhằm vào các vị trí của Đức cùng 30.000 chiến sĩ hy sinh, phía Đức là 10.000 quân. Tại hướng nam, Phương diện quân Ukraina 1 của  Nguyên soái I.S. Konev đã nhanh chóng đập tan tuyến phòng ngự trên sông Neisse, ào ạt tiến về phía tây. Chính sự đột phá mãnh liệt của Phương diện quân Ukraina 1 đã tạo điều kiện cho  Phương diện quân Belarus 1 của Nguyên soái Zhukov đè bẹp sự kháng cự của Đức tại Seelow.

Theo chỉ đạo của Stalin, ngày 20-4, Phương diện quân Ukraina 1 đã chuyển hướng tấn công lên phía bắc, đánh tập hậu bao vây Berlin. Ngày 24-4-1945, hai phương diện quân  của Nguyên soái Zhukov và Nguyên soái Konev đã hội quân ở phía đông Berlin. Ngày hôm sau, hai phương diện quân này tiếp tục hợp quân ở  phía tây Berlin, hoàn thành việc bao vây quân Đức phòng thủ trong nội đô Berlin.

Vị Nguyên soái từng suýt phải ra Tòa án binh

Ivan Stepanovich Konev sinh ngày 28-12-1897 trong một gia đình nông dân tại làng Lodeynoye tỉnh Vologda, nay là huyện Podosinovsky tỉnh Kirov, Liên bang Nga. 15 tuổi ông mới học xong tiểu học.

Năm 1916, ông nhập ngũ, tốt nghiệp lớp hạ sĩ quan pháo binh, năm 1917 tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất trên mặt trận Tây Nam. Giải ngũ năm 1918, I. Konev gia nhập đảng Bolshevik và được bầu làm chính trị viên huyện đội, chiến đấu chống quân Bạch vệ trên mặt trận phía Đông rồi ở vùng Transbaikalia và Viễn Đông.

Nguyên soái I. Konev dẫn đầu đoàn quân của Phương diện quân Ukraina 1 diễu binh mừng chiến thắng trên Quảng trường Đỏ, ngày 24-6-1945.

Trong thời gian chiến đấu chống quân Bạch vệ, I. Konev đã qua các chức vụ chỉ huy binh đoàn, sư đoàn về chính trị. Sau đó, ông được cử đi học và tốt nghiệp Học viện Quân sự cao cấp mang tên Frunze vào năm 1934. Bắt đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc, trung tướng Konev là Tư lệnh Quân đoàn 19. Trong trận Smolensk, quân đoàn của ông bị quân Đức bao vây. Rất may, tướng Konev đưa được các cơ quan của quân đoàn cùng trung đoàn thông tin phá vây thành công trở về.Ngày 11-9-1941, I. Konev được bổ nhiệm Tư lệnh Phương diện quân phía Tây. Ông chỉ huy phương diện quân được hơn 1 tháng thì bị thất bại trong trận Vyazma, quân số bị thiệt hại hết sức nặng nề, theo các số liệu khác nhau, có tới 400.000-700.000 chiến sĩ hy sinh hoặc bị bắt làm tù binh. Sau thất bại này, tướng Konev bị cách chức, suýt bị đưa ra toà án binh.

Nhưng Nguyên soái G. K. Zhukov đã giữ ông lại làm phó tư lệnh phương diện quân cho mình rồi sau đó đề nghị ông chuyển sang chỉ huy Phương diện quân Kalinin. Tháng 7-1943, I.Konev được bổ nhiệm làm tư lệnh Phương diện quân Thảo nguyên, ông đã giành được thắng lợi trong trận Kursk nổi tiếng.

Đầu năm 1944, lần đầu tiên sau chiến dịch Stalingrad, đơn vị do ông chỉ huy đã bao vây và đánh bại cụm quân lớn của địch trong chiến dịch Korsun-Shevchenko. Nhờ chiến công này, ông được phong quân hàm Nguyên soái Liên Xô ngày 20-4-1944. Giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 4-1944, ông đã chỉ huy một trong những cuộc tấn công thành công nhất của Hồng quân- chiến dịch Uman - Botoshan. Từ tháng 5-1944, I.Konev chỉ huy Phương diện quân Ukraina 1.

Từ tháng 7 đến tháng 8-1944, dưới sự chỉ huy của ông, các đơn vị của phương diện quân đã đánh tan cụm Quân đoàn Bắc Ukraine của Thượng tướng Đức Josef Harpe trong chiến dịch Lvov - Sandomierz, chiếm được và giữ trong hai tháng liên tục đầu cầu Sandomierz - một trong những điểm xuất phát cho đòn đánh quyết định vào nước Đức phát xít.

Năm 1953, I. Konev là Chủ tọa tòa án đặc biệt xét xử và kết án tử hình Beria - người từng giữ chức Tư lệnh Lục quân, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Liên Xô.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.