FBI bị cáo buộc lạm dụng quyền lực trong điều tra chống khủng bố

Thứ Sáu, 08/10/2010, 21:45
Tháng 3/2007, Phó Giám đốc FBI Timothy Murphy nói cơ quan đã không tạo được sự giám sát đầy đủ trong nhiệm vụ săn lùng những phần tử khủng bố trong nước dẫn đến việc lạm dụng quyền lực để thu thập số điện thoại, e-mail, số liệu tài chính và những ghi chép đi lại của các cá nhân và tổ chức.

Trong một báo cáo được tiết lộ vào ngày 20/9/2010, Tổng thanh tra Glenn Fine của Bộ Tư pháp Mỹ - người chịu trách nhiệm tiến hành những cuộc điều tra về nhân viên và những chương trình của Bộ Tư pháp - tuyên bố FBI đã lạm dụng quyền lực khi tiến hành gián điệp Tổ chức quốc tế về môi trường Hòa bình Xanh của Mỹ (Greenpeace USA), Tổ chức Bảo vệ động vật PETA và 2 nhóm chống chiến tranh trong những cuộc điều tra chống khủng bố nội địa giữa các năm 2001 và 2006.

Theo Glenn Fine, FBI đã "ít hoặc không có cơ sở" để đưa những tổ chức nói trên vào diện điều tra chống khủng bố. Theo báo cáo, ít nhất 2 cuộc điều tra "vô lý" của FBI  đã dẫn đến việc đưa người vô tội vào danh sách theo dõi khủng bố nội địa trong suốt nhiều năm, và một cuộc điều tra cho phép Giám đốc FBI Robert Mueller cung cấp cho Quốc hội Mỹ "thông tin sai lệch và không đúng sự thật". Đồng thời PETA cũng kịch liệt phê phán FBI đã sử dụng những "chiến thuật của McCarthy" (chính sách chống cộng điên cuồng của McCarthy) .

Ngoài Tổ chức Hòa bình xanh USA và PETA, FBI còn hướng đến 3 mục tiêu khác là Trung tâm Thomas Merton, một tổ chức chống chiến tranh ở Pittsburgh; Catholic Worker, một nhóm chống chiến tranh khác; và Glenn Milner, nhà hoạt động hòa bình của Quaker.

Cuộc điều tra nhằm vào PETA bắt đầu từ văn phòng FBI ở Norfolk, bang Virginia, vào mùa xuân năm 2001, khi một trong những thành viên của tổ chức bị nghi ngờ cung cấp tài chính cho các thành viên của ALF (Mặt trận giải phóng động vật, một nhóm cực đoan bảo vệ quyền động vật) và những nhà bảo vệ quyền động vật cực đoan khác để tiến hành những hành động khủng bố - như là, phá hoại tài sản hay những dự án nghiên cứu liên quan đến động vật.

Cuộc điều tra sơ bộ của FBI dần trở thành chiến dịch gián điệp quy mô nhằm vào PETA và nhiều tổ chức hội viên của nó kéo dài liên tục trong 6 năm. Nhưng cuối cùng FBI vẫn không thể ghi nhận bất cứ một hành vi tội phạm nào của PETA. Tuy nhiên, 2 thành viên bị điều tra vẫn nằm trong danh sách khủng bố cho đến năm 2006.

Cuộc điều tra Trung tâm Merton bắt đầu với việc FBI gửi một đặc vụ đến cuộc mít tinh chống chiến tranh trong tháng 11/2002 do Trung tâm Merton tổ chức để tìm kiếm những đối tượng khủng bố quốc tế. Đặc vụ này đã chụp ảnh một phụ nữ gốc Trung Đông để "có cái trình lên cho thượng cấp" của anh ta.

Và 4 năm sau đó, Giám đốc FBI là Robert Mueller - căn cứ theo thông tin do nhân viên của mình cung cấp - trình với Quốc hội rằng sự theo dõi là "kết quả tự nhiên của cuộc điều tra của FBI". Nhưng tổng thanh tra Glenn Fine nhận định FBI không có cơ sở vững chắc cho chiến dịch gián điệp của họ.

Michael Drohan, Chủ tịch ban giám đốc Trung tâm Thomas Merton nói: "FBI đã nhân danh chống khủng bố mà tấn công vào một trung tâm hòa bình không bạo lực. Chúng tôi hy vọng câu chuyện này sẽ củng cố thêm phong trào vì hòa bình".

Trong vụ việc liên quan đến Greenpeace USA, Tổng thanh tra Glenn Fine cũng kết luận FBI không có cơ sở để nghi ngờ tổ chức này vi phạm luật pháp liên bang. Cuộc điều tra bắt đầu khi FBI nghi ngờ các  nhà hoạt động của Greenpeace USA có lẽ đang cố gắng ngăn chặn những cuộc họp cổ đông của hai công ty năng lượng Exxon Mobil và Kimberly-Clark. Nhưng trên thực tế, những hành vi chống đối bị nghi ngờ đã không bao giờ xảy ra, tuy vậy FBI vẫn tiếp tục cuộc điều tra "không có cơ sở" của họ trong 3 năm.

Mark Floegel, nhà điều tra của Greenpeace USA, nói, tổ chức "rất thất vọng nhưng không ngạc nhiên" và việc đánh đồng tổ chức với bọn khủng bố là "hoang tưởng và mù quáng". Còn nhóm chống chiến tranh Catholic Worker bị FBI điều tra sau khi các thành viên của nhóm xâm phạm một cơ sở quân sự và tiến hành cuộc chống đối trong hòa bình. Glenn Fine nhắc lại rằng, FBI không có quyền xử lý sự bất phục tùng dân sự.

Tháng 3/2007, Phó giám đốc FBI Timothy Murphy nói cơ quan đã không tạo được sự giám sát đầy đủ trong nhiệm vụ săn lùng những phần tử khủng bố trong nước dẫn đến việc lạm dụng quyền lực để thu thập số điện thoại, e-mail, số liệu tài chính và những ghi chép đi lại của các cá nhân và tổ chức.

Nhưng, một năm sau đó, bất chấp sự cam đoan của Giám đốc Robert Mueller rằng FBI đã có những biện pháp cải tổ để tránh tình trạng tiếp tục lạm dụng quyền lực của cơ quan này, các quan chức cao cấp của FBI vẫn bí mật thu thập 3.860 số điện thoại của các cá nhân và tổ chức

T.T.P. (tổng hợp)
.
.