FBI giám sát nhà ngoại giao nước ngoài trên đất Mỹ

Thứ Năm, 05/12/2013, 06:45

Theo nhà sử học quân sự Mỹ Matthew Aid, từ lâu trước khi Cơ Quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) được thành lập, Cục Điều tra liên bang (FBI) đã tiến hành các chiến dịch giám sát hoạt động của các nhà ngoại giao nước ngoài trên đất Mỹ. FBI còn dựa vào sự hợp tác chặt chẽ với các công ty viễn thông lớn của Mỹ trong nỗ lực khai thác cáp viễn thông trên lục địa và nghe lén các cuộc gọi điện thoại cá nhân cũng như đọc lén email của các nhà ngoại giao, đánh cắp các tín hiệu mã hóa, cài đặt những thiết bị nghe lén bên trong các tòa nhà ngoại giao.

Hiện ở Mỹ có trên 600 đại sứ quán, lãnh sự quán và tòa nhà mang sứ mệnh ngoại giao của 176 quốc gia, chỉ riêng tại New York đã có trên 100 sứ mạng ngoại giao thường xuyên tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Từ năm 2006 đến 2009, những chiếc máy bay trực thăng do thám của FBI bay lượn phía trên đại sứ quán mới của Trung Quốc đang xây dựng trên đường Van Ness ở Washington để chụp những bức ảnh có "độ phân giải cao" với mục đích tìm kiếm vị trí khu giao tiếp liên lạc của trụ sở đại diện ngoại giao tương lai. Nhưng các công nhân xây dựng người Trung Quốc đã khôn khéo dùng vải bạt che chắn khu vực nhạy cảm này trước cặp mắt dò xét của FBI.

Không dừng lại ở đó, đặc vụ FBI còn theo dõi mọi sự đi lại và sinh hoạt của công nhân Trung Quốc với hy vọng tuyển mộ được vài người trong số đó.

Theo một nhà ngoại giao Trung Quốc giấu tên, một số đặc vụ FBI còn bí mật theo dõi cả vật liệu xây dựng và trang thiết bị được sử dụng để xây dựng đại sứ quán. Nhà ngoại giao này còn cam đoan: đặc vụ FBI cố tìm cách cài thiết bị nghe lén vào vật liệu xây dựng. Hoạt động do thám khu xây dựng đại sứ quán Trung Quốc chỉ là một phần nhỏ trong chiến dịch gián điệp rộng lớn hơn nhằm vào giới quan chức ngoại giao nước ngoài.

Thực ra, Cục Điều tra (BOI) - tiền thân của FBI ngày nay - đã bắt đầu gián điệp các nhà ngoại giao trên đất Mỹ ít nhất từ năm 1910.

Trụ sở FBI ở Washington D.C.

Tháng 6/1916, đặc vụ BOI lấy được mật mã của tân lãnh sự Mexico sau khi lén lút móc túi một nhân viên liên lạc ngoại giao nước này đang vui vẻ với gái mại dâm trong khu nhà thổ nằm dọc biên giới. Mặc dù NSA được thành lập năm 1952 nhằm mục đích tập trung nỗ lực thu thập thông tin tình báo tín hiệu (SIGINT) và phân tích dữ liệu đánh cắp được vào một cơ quan duy nhất, FBI vẫn âm thầm tiếp tục duy trì hoạt động gián điệp mật mã của mình nhằm vào các nhà ngoại giao trên đất Mỹ.

Một số quốc gia nhận được sự “quan tâm đặc biệt” nhất của FBI bao gồm: Nga, Trung Quốc, Libya, Israel, Syria, Ai Cập, Jordan, Liban, Arập Xêút, Iraq, Afghanistan, Ấn Độ, Pakistan và Venezuela.

Với sự trợ giúp đáng kể của NSA cũng như 3 công ty viễn thông hàng đầu của Mỹ (AT&T, Verizon và Sprint), FBI dễ dàng nghe lén điện thoại cố định lẫn di động của mỗi đại sứ quán và lãnh sự quán ở Mỹ. Ngoài ra, FBI cũng giám sát cả điện thoại nhà riêng và email của nhiều nhà ngoại giao nước ngoài. Các văn phòng FBI ở Washington và New York đều có trung tâm nghe lén tập trung thu thập thông tin từ điện thoại, tin nhắn của các nhà ngoại giao nước ngoài suốt ngày đêm.

Máy bay trực thăng của FBI.

Theo một cựu quan chức Bộ Tư pháp Mỹ giấu tên, trong hơn một thập niên qua, hoạt động giám sát của FBI đã giúp phát hiện nhiều gián điệp làm việc cho chính quyền nước ngoài, đánh cắp các bí mật của chính quyền cũng như các công ty công nghệ Mỹ. Từ năm 1978, mọi giao tiếp điện tử giữa các đại sứ quán và quê nhà của họ đều bị NSA giám sát chặt chẽ với chương trình đánh chặn tín hiệu cáp sợi quang  BLARNEY. Sau đó, NSA cung cấp toàn bộ bản sao các dữ liệu đánh cắp đến cho Ban Công nghệ chặn bắt dữ liệu (DITU) của FBI đặt tại căn cứ Hải quân Quantico ở Northern Virginia và các trung tâm nghe lén điện tử của họ ở Washington và New York.

FBI cũng sử dụng rất nhiều ôtô, máy bay hạng nhẹ và máy bay trực thăng được trang bị đầy đủ thiết bị gián điệp để theo dõi mọi sự đi lại cũng như sinh hoạt của các nhà ngoại giao nước ngoài ở hai thành phố lớn này. Nếu hoạt động gián điệp điện tử gặp trở ngại, FBI sẽ sử dụng đội ngũ riêng đột nhập các tòa nhà ngoại giao.

FBI còn có cả một thư viện khổng lồ bao gồm các bản vẽ xây dựng, sơ đồ các tầng tòa nhà, giấy phép xây dựng và bất cứ tài liệu nào khác liên quan đến các công trình xây dựng đại sứ quán và lãnh sự quán nước ngoài ở Mỹ.

Nhiều tài liệu quan trọng mà FBI có được nhờ sự liên kết chặt chẽ với các nhân viên an ninh ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như một tiểu ban không chính thức của Sở Mật vụ có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ an ninh cho các cơ sở ngoại giao nước ngoài. 

Trong nhiều điệp vụ quan trọng, các chiến dịch của FBI cho phép các chuyên gia phá mã của NSA xâm nhập vào các hệ thống mã hóa nước ngoài. Ví dụ, FBI có thể cung cấp cho NSA những thay đổi hằng ngày trong chìa khóa hệ thống mã được một quốc gia đang phát triển sử dụng.

Trong trường hợp khác, FBI bí mật cài phần mềm độc hại vào hệ thống máy tính của một cơ quan ngoại giao nước ngoài ở New York, giúp NSA đọc được các tài liệu trước khi chúng được mã hóa. Một chương trình nghe lén điện tử phối hợp FBI - NSA gọi là Close Access SIGINT giúp cho hai cơ quan lắng nghe được những cuộc nói chuyện diễn ra bên trong các tòa nhà ngoại giao nước ngoài

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.