FINTRAC – Cơ quan Tình báo tài chính của Canada trong cuộc chiến chống IS

Thứ Bảy, 27/12/2014, 10:00
Chưa từng được báo chí hay truyền thông nhắc đến, lại ít người nghe nói đến, nhưng Trung tâm Phân tích các Giao dịch và Báo cáo tài chính Canada (FinTRAC) đang được xem là trung tâm cung cấp các thông tin tình báo liên quan đến các giao dịch tài chính của các phần tử người Canada khả nghi tham gia chiến đấu cho IS ở Iraq và Syria.

FinTRAC có trụ sở tại thành phố Ottawa, thủ đô Canada, kinh phí hoạt động khá khiêm tốn là 53 triệu USD. Thành lập vào năm 2000 theo luật pháp về chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố, FinTRAC là đơn vị tình báo độc lập chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Tài chính Canada. Gerald Cossette, Giám đốc FinTRAC cho biết, nhiệm vụ chính của trung tâm này là theo dõi các giao dịch, báo cáo tài chính, đưa ra các phân tích chi tiết về các giao dịch đó.

Nhiệm vụ trọng tâm của FINTRAC hiện nay là cung cấp thông tin tình báo về hoạt động tài trợ cho ISIS.

Mục tiêu theo dõi của FinTRAC tập trung vào các giao dịch tiền mặt liên quan đến các hoạt động khủng bố, rửa tiền và các tội phạm khác. Sứ mệnh của FinTRAC là hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan tình báo, an ninh, cảnh sát Canada trong các hoạt động truy lùng tội phạm tài chính, khủng bố, nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cao nhất là đảm bảo an ninh cho đất nước Canada, an toàn cho người dân Canada.

FinTRAC thực hiện việc theo dõi bằng cách rà soát dữ liệu cung cấp bởi các ngân hàng, công ty bảo hiểm, các nhà môi giới chứng khoán, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính, các nhà môi giới bất động sản, các sòng bạc và nhiều đơn vị khác.

Các tổ chức, đơn vị này phải cung cấp dữ liệu giao dịch tiền mặt hoặc chuyển khoản có giá trị từ 10.000 USD trở lên, cũng như các giao dịch khác có đủ cơ sở để nghi ngờ là hoạt động rửa tiền hoặc cung cấp tài chính cho khủng bố. Nhờ được tiếp cận các kho dữ liệu đó, FinTRAC có thể nhận ra được mối liên hệ giữa những người và các nhóm ủng hộ khủng bố ở Canada với các nhóm ở nước ngoài, kể cả thành phần Canada cấp tiến bị thu hút bởi cuộc chiến của IS ở Iraq và Syria.

Cossette cho biết thêm, hiện tại thông tin tình báo tài chính đang là một phần cốt yếu của hoạt động chống khủng bố, do đó, FinTRAC đóng vai trò quan trọng là trung tâm đầu mối cung cấp thông tin tình báo về hoạt động tài chính của các phần tử khủng bố IS hoạt động trong nước Canada và nước ngoài. Sau khi phân tích dữ liệu và có được thông tin, FinTRAC có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho các đơn vị tình báo khác, đặc biệt là Cảnh sát Hoàng gia Canada và Cục Tình báo an ninh Canada (CSIS) khi các đơn vị này có yêu cầu nhằm phục vụ cho công tác điều tra về nguồn gốc, đối tượng giao dịch, các thoả thuận tài chính mờ ám, bất hợp pháp.

Theo thống kê, năm 2013, FinTRAC đã cung cấp 234 thông tin tình báo tài chính liên quan đến hoạt động tài trợ khủng bố và đe dọa an ninh quốc gia Canada, tăng 450% so với năm 2008. Tuy nhiên, ông Cossette cũng nhìn nhận rằng không thể xác định được một cách chính xác có bao nhiêu phần thông tin cung cấp đó có liên quan đến những kẻ có khả năng là khủng bố đang di chuyển đến Iraq, Syria và ngược lại. Lý do, theo Cossette là khi đặt yêu cầu cung cấp thông tin, CSIS hay Cảnh sát Hoàng gia Canada đều không nhất thiết nêu chi tiết yêu cầu đó liên quan đến nhân vật nào muốn đi ra nước ngoài. "Có thể đó là ai đó hoạt động ngay tại Canada, có thể là ai đó hoạt động ở nước ngoài, ai đó đang quay trở về, ai đó đang đi. Nhưng không thể vì lý do ai đó đi hay về mà phải theo dõi thông tin về anh ta" - Cossette phân tích.

Trong một số trường hợp, các ngân hàng bắt đầu sử dụng các thông tin nguồn mở - như tin tức báo chí chẳng hạn - để tạo dựng vụ việc và nhờ đó trở thành thông tin tình báo hữu ích cho các cơ quan tình báo. Trong một vụ việc gần đây, một tổ chức tài chính để ý thấy một cái tên khách hàng có vẻ trùng khớp với ai đó từng được đề cập trong một bài báo là có liên quan đến khủng bố. Tổ chức này sau đó đưa thông tin lên mạng xã hội Facebook để xác minh mối nghi ngờ của mình, đồng thời chuyển các thông tin chi tiết về giao dịch của vị khách hàng đó cho FinTRAC. Ngay sau đó, FinTRAC chuyển giao thông tin này cho CSIS và cơ quan tình báo này ngay lập tức xác định được đó là "đối tượng đáng quan tâm". Đó là một ví dụ điển hình của việc tận dụng thông tin nguồn mở thành công của các tổ chức tài chính cung cấp thông tin, dữ liệu cho FinTRAC.

Trong một số trường hợp khác, CSIS hay Cảnh sát Hoàng gia Canada sẽ trực tiếp đến liên hệ với FinTRAC để tìm kiếm thông tin cần thiết về một nhóm hay một cá nhân nào đó. Đa phần các yêu cầu thông tin là của các cơ quan an ninh. Thông tin phân tích bởi FinTRAC cung cấp một bức tranh toàn cảnh về các mô thức, xu hướng di chuyển của đồng tiền khác nhau qua các giai đoạn khác nhau. Chẳng hạn, cách thức luân chuyển đồng tiền hiện tại khác với trước khi xảy ra cuộc chiến tại Syria.

Trước cuộc chiến tại Syria, một tổ chức thường chuyển tiền qua một quốc gia X nào đó, nhưng hiện nay lại chuyển tiền qua quốc gia Y, sau đó quốc gia Y này mới chuyển tiền vòng trở lại quốc gia X. Cách chuyển tiền lòng vòng này phần nào gây khó khăn cho các nhà điều tra chống tội phạm rửa tiền hay chống tài trợ cho khủng bố, nhưng rốt cuộc, mọi lắt léo của hoạt động tài chính bất hợp pháp cũng không thể thoát được "con mắt" theo dõi của các cơ quan tình báo chuyên nghiệp như FinTRAC.

Tiểu Khang (theo National Post)
.
.