George Koval – “Điệp viên nguyên tử”

Thứ Sáu, 01/02/2019, 11:17
Mười ba năm trước đây, đúng vào dịp khánh thành một tòa nhà mới của Tổng cục tình báo quân đội Nga vào năm 2006, Tổng thống Vladimir Putin có ghé thăm một bảo tàng nội bộ của tình báo quân sự. Nguyên thủ quốc gia Nga dừng lại trước phần giá trưng bày về một điệp viên gần như không mấy người biết đến có mật danh Delma, có tên thật là George Abramovich Koval.

Ông Putin yêu cầu thuyết minh tỉ mỉ hơn về nhân vật này. Nhờ đó, mọi người xung quanh mới biết được, trong suốt chiến dịch săn lùng thông tin về bom nguyên tử của tình báo Xôviết, chỉ duy nhất có Koval là người có thể lọt vào làm việc tại các phòng thí nghiệm chế tạo bom nguyên tử siêu bí mật của Mỹ.

Khi Tổng thống Putin ngỏ ý muốn làm quen với “điệp viên nguyên tử” này thì được biết, ông vừa mới qua đời không lâu trước đó vào ngày 31-1-2006. Phải nhờ đến sự kiện trên, một điều đáng ra đã phải diễn ra từ rất lâu mới có thể trở thành sự thật: George Koval được truy tặng danh hiệu Anh hùng nước Nga vào năm 2007.

Thời niên thiếu

Việc Koval sinh ra tại Mỹ bắt nguồn từ một câu chuyện tình đẹp của cha mẹ ông. Cha của ông vốn là một thợ mộc nghèo lại yêu cô con gái của một thủ lĩnh Do thái giáo tại Belarus. Năm 1910, ông quyết định sang nước Mỹ tìm kiếm cơ hội kiếm tiền mua nhà, trước khi đón người yêu sang sum họp. Chỉ hai năm sau, ông đã mua được một căn nhà gỗ nhỏ có 5 buồng tại Sioux City (bang Iowa). Tình yêu của họ đã kết trái tại miền đất mới với thành quả là 3 đứa con, George là con thứ hai.

Điệp viên George Koval.

Ngay tại trường phổ thông, Koval đã thể hiện là một học sinh xuất sắc cả về học lực và thể thao. Cậu còn tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, ủng hộ và bênh vực người nghèo khó. Koval đã từng bị cảnh sát Mỹ bắt giữ, cũng như ghi vào sổ đen vì nghi ngờ là thành viên của Liên đoàn cộng sản trẻ (YCL - Young Communist League). Có thông tin còn cho biết, chàng thanh niên này còn tham dự một hội nghị của những người cộng sản tại bang Iowa. Tất cả những thông tin trên sau này được moi ra vào năm 1954, khi Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Edgar Hoover bắt đầu nghi ngờ về việc Koval hoạt động cho tình báo Xôviết.

Khi cuộc đại suy thoái nổ ra, gia đình Koval quyết định lên một chiếc tàu của Liên Xô, rời khỏi nước Mỹ về định cư tại Birobidzhan, một tỉnh tự trị của người Do Thái tại Nga. Với học lực xuất sắc của mình, Koval đã được nhận vào Trường đại học công nghệ hóa mang tên Mendeleev tại Moscow vào năm 1934. Ông lập gia đình và có được một cô con gái. Cuộc sống của Koval có lẽ sẽ yên bình trôi qua như vậy, nếu như cơ quan tình báo Xôviết không để mắt tới ông.

Con đường thành điệp viên

Có thể nói, Koval lọt vào tầm ngắm của cơ quan tình báo không chỉ nhờ vào học lực xuất sắc, lòng trung thành với lý tưởng của CNXH và nhờ có tiểu sử đặc biệt – ông từng sinh ra, lớn lên và học tập tại nước Mỹ, nói tiếng Anh tốt và nắm rõ những tập quán tại đây. Rất nhanh chóng nhận lời sau khi được đề nghị, Koval trải qua một thời gian đào tạo về nghiệp vụ trước khi quay trở lại nước Mỹ.

Bất cứ ai ra vào khu vực Oak Ridge đều bị người Mỹ kiểm soát nghiêm ngặt.

Koval đã được tính toán đến hai phương án đặt chân tới Mỹ. Đầu tiên là với một cái tên hoàn toàn mới, tất nhiên với giấy tờ giả do cơ quan tình báo chuẩn bị. Phương án thứ hai là quay trở lại đây với chính tên thật của mình. Vào thời điểm trước chiến tranh, Liên Xô chưa hề có khái niệm gì về việc chế tạo bom nguyên tử. Chính vì vậy, Koval chỉ được dự tính sẽ tìm kiếm việc làm tại một cơ sở chuyên về hóa học nào đó, thích hợp với chuyên môn của ông. Thế là nghiên cứu sinh xuất sắc được nhiều người quen biết tại Trường Mendeleev được gọi nhập ngũ vào năm 1939. Ngoài người vợ, cả cha mẹ Koval cũng không biết chính xác ông đang ở đâu. Tháng 10-1940, Koval đặt chân lên đất Mỹ.

Koval ban đầu đã may mắn khi làm quen với thuyền trưởng một chiếc tàu chở dầu cập bến tại San-Francisco, nhờ đó mà qua được cửa kiểm soát nhập cảnh mà không bị hỏi han gì. Từ thành phố này, ông tìm đường tới New York theo kế hoạch để gặp một điệp viên tình báo quân sự, trước khi bắt tay vào tìm cách hoạt động tại đây. Koval quyết định dùng giấy tờ với tên thật để xin vào làm việc tại một nhà máy chế tạo vũ khí hóa học tại Mỹ. Moscow đã nhận được một loạt những thông tin mật đầu tiên về các nguyên liệu từ nhà máy hóa học của quân đội này.

Thành công bất ngờ của điệp viên Delma

Cũng không phải mất nhiều thời gian, Koval đã nhận ra rằng, người Mỹ không coi vũ khí hóa học của quân Đức là mối đe dọa chính trong chiến tranh tương lai. Ông báo cáo về cho các lãnh đạo tại Moscow rằng, người Đức và chính xác hơn là cả người Mỹ đang tập trung nghiên cứu chế tạo một loại vũ khí mới có sức hủy diệt lớn hơn rất nhiều.

Trước yêu cầu của chiến tranh, Koval chính thức được gọi nhập ngũ vào năm 1942. Với kiến thức cơ bản rất tốt của mình, ông còn được quân đội Mỹ cử đi hoàn thiện trình độ về kỹ thuật điện tử tại City College (Manhattan). Koval còn rất ngạc nhiên khi thấy mình được đào tạo thêm về khả năng làm việc với các nguyên liệu phóng xạ.

Cho đến thời điểm năm 1944, dự án chế tạo bom hạt nhân của Mỹ đã bước sang giai đoạn cao điểm, khi mục đích cuối cùng đã gần cận kề. Tuy nhiên những rào cản cuối cùng chỉ có thể vượt qua bằng cách huy động không chỉ càng nhiều các nhà khoa học, mà còn cả những chuyên gia kỹ thuật xuất sắc. George Koval với trình độ và chuyên môn tốt của mình nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên của dự án. Tháng 8-1944, ông chính thức được lệnh tới làm việc tại thành phố Oak Ridge (bang Tennessee).

Dù đã được nhắc nhở trước về việc sẽ phải làm việc với một số loại chất phóng xạ, Koval và cấp trên của mình vẫn không thể hình dung đã được chọn vào một cơ sở tuyệt mật như vậy. Cần nói thêm, nếu như phòng thí nghiệm Los Alamos đang nghiên cứu thiết kế bom nguyên tử, thì một số địa điểm bí mật khác, trong đó có Oak Ridge đang tập trung sản xuất uranium và plutonium làm giàu dành cho loại bom này.

Nhiệm vụ cụ thể của Koval tại đây là một chuyên gia đo và theo dõi mức độ phóng xạ. Do đặc thù của công việc, ông có thể đi lại tự do tại tất cả 3 địa điểm bí mật nhất tại đây, theo dõi mức độ phóng xạ có vượt quá giới hạn cho phép đối với các nhân viên.

Nhờ những thông tin từ điệp viên Delma (mật danh của Koval), Moscow biết được đang có gần 1.500 nhà khoa học và kỹ sư đang miệt mài làm việc tại Oak Ridge, phần nào lường được mức độ quan trọng của dự án. Cũng theo Koval, các chuyến bay quân sự được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt đã thường xuyên chở uranium và plutonium làm giàu từ Oak Ridge tới Los Alamos.

Vào thời điểm đó, mọi nhân viên làm việc tại Oak Ridge đều phải tuân thủ những nguyên tắc hết sức nghiêm ngặt. Họ luôn bị giám sát chặt chẽ, kể cả các cuộc điện thoại, không được giao tiếp với nhau nếu không cần thiết. Nói một cách chính xác, điều kiện sống của họ chẳng khác gì trong các trại lính bí mật, chỉ có điều các điều kiện sinh hoạt tại đây rất đầy đủ và tiện nghi.

Trung tướng Leslie Groves – lãnh đạo bộ phận quân sự của dự án Manhattan – là người khi đó đảm trách về an ninh và bí mật tại các cơ sở nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân của Mỹ khi đó. Groves sau này đã cho phát hành cuốn sách “Now It Can Be Told: The Story of the Manhattan Project” (Giờ đây có thể kể: Câu chuyện về dự án Manhattan), trong đó mô tả chi tiết về các biện pháp đảm bảo an ninh cho dự án.

Cũng theo viên tướng này, ông ta tự hào đã xây dựng được một bức rào sắt thực sự giữa các nhân viên trong dự án của mình với thế giới bên ngoài. Có điều “bức rào sắt” của Groves đã bị thủng lỗ chỗ trước những nỗ lực của tình báo Xôviết. Có không ít các nhà khoa học trong dự án này đã chủ động và tình nguyện tìm cách liên hệ và hợp tác với tình báo Xôviết.

Điển hình như nhà vật lý Theodore Hall đã trao cho điệp viên Leotine Cohen một loạt các bản vẽ thiết kế lấy từ Albuquerque. Nhà vật lý gốc Đức Klaus Fuchs khai thác thông tin từ Los Alamos, và sau đó là từ Anh để chuyển cho Moscow. Nhà khoa học Italy Bruno Pontecorvo, là người đã chủ động tìm cách hợp tác với tình báo Xôviết, đóng vai trò lớn trong việc chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô.

So với những người trên, vai trò của Koval lại có phần đặc biệt. Ông là người duy nhất mà số phận đưa đẩy trực tiếp có mặt tại một cơ sở bí mật, tận tay tận mắt tìm hiểu tất cả trước khi chuyển cho Moscow những dữ liệu vô giá. Một thời gian sau, Koval còn may mắn xin được nghỉ phép để có dịp gặp trực tiếp chỉ huy có mật danh “Faraday” của mình.

Ông đã chuyển cho người này tất cả thông tin về việc sản xuất nguyên liệu hạt nhân, cũng như cả thiết kế ngòi nổ trong quả bom nguyên tử tương lai. Tất cả những tài liệu quý giá trên được “Faraday” tìm cách chuyển gấp về Moscow, là nơi có Igor Kurchatov – cha đẻ của bom nguyên tử Xôviết đang nóng lòng chờ đợi.

Sự thừa nhận muộn màng

Sau chiến tranh, Koval được đề nghị tiếp tục ở lại làm việc tại cơ sở hạt nhân trên với tư cách một chuyên gia dân sự. Trước sự ngạc nhiên của những ông chủ cũ, Koval đã thẳng thừng từ chối với dự định sẽ trở về New York để tiếp tục học tập. Năm 1946, trung sĩ-kỹ sư George Koval của quân đội Mỹ quyết định xuất ngũ. Koval có vẻ như đã rất may mắn khi đánh hơi thấy mối nguy hiểm đang tới gần. 

Thật ra, đây cũng là kết quả của một sự phân tích kỹ lưỡng tình hình tại Mỹ lúc bấy giờ, sau sự kiện nhân viên mật mã Igor Guzenko tại Canada của Cơ quan tình báo quân đội (GRU) phản bội. Mật vụ Mỹ từ những thông tin thu được đã triển khai một chiến dịch săn lùng gián điệp trên khắp đất nước. Koval cuối cùng đã quyết định phải rời khỏi nước Mỹ. Cũng theo Koval thổ lộ với người thân, ông còn nhận được một đề xuất làm việc hậu hĩnh nữa tại châu Âu và đã nhận được hộ chiếu để tới Pháp. Nhưng đến cuối năm 1948, Koval đã có mặt tại Moscow.

Thật ra, George Koval đã được người Mỹ để ý tới một cách khá tình cờ. Câu chuyện bắt đầu từ một tấm ảnh tuyên truyền đăng trên một tạp chí Xôviết mà phản gián Mỹ có được, trong đó chụp một gia đình Do Thái hạnh phúc vừa chạy trốn khỏi cái gọi là “thiên đường tư bản tại nước Mỹ” để tới được Birobidzhan. Cậu con trai có mặt trong bức ảnh chính là Koval. Có điều mãi cho đến tận năm 1950, người Mỹ mới biết được chân tướng thực sự của George Koval.

Quay trở lại với cuộc sống tại Liên Xô, Koval đã chính thức rời khỏi quân đội vào tháng 6-1949, dù trong suốt cả chục năm phục vụ cho GRU, ông chưa bao giờ khoác lên mình một bộ đồng phục nào. Một năm sau, ông quay trở lại Trường Mendeleev để tiếp tục sự nghiệp học hành, bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ. Cuộc sống của Koval từ đó về sau chỉ có thể gói gọn trong vài từ: yên bình và hạnh phúc, dù có đôi chút trắc trở. Có lần do gặp khó khăn trong chuyện tìm kiếm việc làm để nuôi vợ con, ông cực chẳng đã phải nhờ tới GRU. 

Thế là chỉ huy GRU khi đó là Trung tướng Mikhail Shalin đã phải viết một lá thư cho Bộ trưởng Giáo dục, khẳng định ông đã có nhiều công lao đối với quân đội và đề nghị giúp đỡ cho ông. Nhờ đó, Koval tiếp tục được giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại trường đại học trong suốt 40 năm sau đó.

Phải đến đầu thế kỷ XXI, cơ quan tình báo quân sự bắt đầu nhớ tới cựu điệp viên xuất sắc của mình. Ông thường xuyên được mời tới các buổi gặp gỡ của cựu chiến binh, nhận hỗ trợ tiền bạc, được tặng thưởng huy chương “Vì những công lao cho tình báo quân sự” và cuối cùng là một tấm ảnh chú thích về điệp viên “Delma” trong bảo tàng nội bộ của GRU. Nhưng phải nhờ tới mối quan tâm bất ngờ của Tổng thống Putin, công lao của Koval mới được ghi nhận xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng nước Nga”.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.