Giải mã đám mây giết người năm 1948

Thứ Ba, 27/11/2018, 09:40
Các ngành công nghiệp sắt và kẽm đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho cư dân Donora (tiểu bang Pennsylvania, Mỹ), song cũng cướp đi sức khỏe và trong một số trường hợp là cả tính mạng của họ. Sau nhiều năm, những bí ẩn đe dọa tính mạng của người dân Donora đã gây nên nỗi lo sợ cho người dân Mỹ vì sự phát triển công nghiệp không được kiểm soát phù hợp mới được phát hiện.


Màn sương mù tử thần

Vào năm 1948, chỉ 5 ngày trước lễ Halloween bỗng đột nhiên xuất hiện một đám sương mù màu vàng phủ chụp lấy thành phố Donora của tiểu bang Pennsylvania (Mỹ) và cả ngôi làng Webster gần đó cũng bị quấn bởi một đám mây tưởng như không thể xuyên thủng.

Cư dân tham dự lễ Halloween phải nheo mắt để nhìn thấy nhau. Dân Donora chơi bóng đá theo thông lệ vào tối thứ sáu, nhưng sương khói đã hạn chế tầm nhìn. Họ vất vả chạy theo trái bóng hơn là ném nó. Và khi dân tình bắt đầu nháo nhào gọi bác sĩ và các bệnh viện liên tục đón nhiều bệnh nhân có triệu chứng khó thở, thì bác sĩ William Rongaus mới cấp tốc xách lồng đèn và đi bộ đến chỗ xe cứu thương. Chiếc xe lao qua những con phố tối lờ mờâ.

Thứ bảy, ngày 30 tháng 10 năm 1948, lúc khoảng 2 giờ sáng, cái chết đầu tiên được báo cáo. Chỉ vài ngày ngắn ngủi, thêm 19 cư dân khác cũng đã qua đời từ Donora và ngôi làng Webster. Các nhà đòn vắt hết công suất chuẩn bị quan tài; người trang trí hoa tang bận túi bụi. Hàng trăm người đổ xô tới các bệnh viện, ngắc ngoải hít không khí, trong khi hàng trăm người khác mệt mỏi với các chứng hô hấp và tim mạch cũng được khuyên cần phải di tản khỏi thành phố.

Sự kiện Donora năm 1948, sương khói ô nhiễm phủ kín cả thành phố. Ảnh: Bettmann / Contributor.

Chuyện tồi tệ chỉ chấm dứt khi xuất hiện cơn mưa bất chợt vào giữa ngày chủ nhật, khi đó trận sương khói độc ác mới chịu tan biến. Bác sĩ William tin rằng danh sách thương vong có thể là 1.000 chứ không phải là 20. Trận sương khói Donora năm 1948 là thảm kịch ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ. Nó đã khởi động các lĩnh vực môi trường và sức khỏe công cộng, thu hút sự quan tâm tới việc phải đưa ra quy định công nghiệp và phát động cuộc đối thoại quốc gia về các tác động của ô nhiễm.

Sự cố ô nhiễm đã chọc thẳng vào ngành công nghiệp chống lại sức khỏe con người và môi trường sống của họ. Cuộc chiến đã tiếp diễn trong suốt thế kỷ 20 và chuyển sang thế kỷ 21, với các lợi ích kinh tế ngắn hạn thường để lại hậu quả lâu dài. Người Donora đã dạy người Mỹ một bài học nặng ký về cái giá không thể dự báo của tiến trình công nghiệp. Giờ đây câu hỏi được đặt ra là bài học liệu có bị mắc kẹt hay không? Trước khi Tập đoàn Thép Carnegie (Carnegie Steel) lên đường đến Donora, thành phố này khi đó làm một cộng đồng nông nghiệp nhỏ bé. Tọa lạc bên sông Monongahela, cách thành phố Pittsburgh khoảng 30 dặm về phía nam, Donora nằm nép mình trong một thung lũng hẹp với những vách núi dựng đứng cao 121m.

Lộ diện nguồn cơn

Trong khi đó làng Webster nằm lân cận Donora, ở phía bên kia sông Monongahela. Vào năm 1902, Carnegie Steel đã xây dựng một nhà máy với hơn 1 tá lò đốt. Năm 1908, Donora có lượng giao thông vận tải hàng hóa bằng đường sắt lớn nhất trong vùng. Năm 1915, Zinc Works bắt đầu sản xuất kẽm.

Một y tá địa phương đang cung cấp ôxy cho bệnh nhân trong bệnh viện hồi sức ở Donora. Ảnh: Bettmann/ Contributor.

Đến năm 1918, Công ty Dây thép & Thép Mỹ (American Steel & Wire Plant) đã phải trả tiền phạt đầu tiên vì đã gây ô nhiễm không khí, tàn phá sức khỏe người dân. Sử gia Lynne Page Snyder viết: “Bắt đầu vào đầu thập niên 1920, các chủ đất, nông dân và người thuê nhà đã bắt đầu kiện cáo các công ty do nước thải của họ đã tàn phá cuộc sống của người dân: mùa màng thất bát, các vườn trái cây giảm năng suất, gia súc bị chết, hàng rào và nhà cửa của người dân bị ảnh hưởng. Lúc cao điểm của thời kỳ đại suy thoái, hàng tá gia đình ở làng Webster đã cùng nộp đơn chống lại việc sản xuất kẽm của Công ty Zinc Works, tuyên bố rằng ô nhiễm không khí do công ty này gây ra đã hủy hoại sức khỏe của họ”.

Nhưng Tập đoàn Thép Mỹ đã bác bỏ những đơn tố cáo này. Họ lên kế hoạch nâng cấp các lò nung của Công ty Zinc Works để tạo ra ít khói hơn, và đến tháng 9 năm 1948 việc sản xuất đã bị đặt sang một bên do kinh tế không khả thi.

Bất chấp những lo âu của cư dân về khói độc tỏa ra từ các nhà máy và phủ xuống thung lũng, thì dẫu sao họ vẫn là thành phần thấp cổ bé họng: phần lớn trong số 14.000 cư dân ở làng Webster làm cùng các nhà máy, vì thế khi diễn ra sự cố khói độc thì các ông chủ nhà máy cùng nhân viên của họ cố gắng nói tránh đi thủ phạm là do khói độc gây ra (thời điểm đó, Công ty Zinc Works đã tỏ ra nhượng bộ bằng việc đóng cửa nhà máy 1 tuần).

Bà Devra Davis, nhà sáng lập Quỹ Sức khỏe môi trường (EHT) và là tác giả quyển sách “Khi sương khói hóa nước”, phát biểu: “Những nhà điều tra ban đầu đã phải chạy khỏi thành phố bởi những người cầm súng ngắn. Phần lớn hội đồng thành phố Donora đều làm việc trong các nhà máy, và một số người còn giữ vai trò điều hành. Bất kỳ đề xuất nào cũng có thể gây hại cho bản thân nhà máy, làm giảm sút tài chính, một hành động chống lại họ chỉ đơn giản là tổn thất kinh tế”.

Nhưng dù có mối quan hệ liên đới thì sau rốt mọi người từ lãnh đạo thành phố tới chủ các nhà máy đều thống nhất rằng họ cần các câu trả lời và cách để ngăn ngừa một thảm họa mới lại có thể xảy ra. Vào những tuần sau màn sương khói độc hại, Hội đồng thành phố Donora, các công nhân United Steel, công ty American Steel & Wire đã kêu gọi chính quyền liên bang triển khai một cuộc điều tra được dẫn đầu bởi Sở Y tế công cộng Hoa Kỳ (PHS).

Ông Leif Fredrickson, một sử gia của Đại học Virginia và đồng thời còn là một thành viên của Tổ chức Sáng kiến quản trị và dữ liệu môi trường, phát biểu: “Trong suốt hàng thập kỷ, nạn ô nhiễm đã được tạo ra bởi các ngành công nghiệp lớn, và những cuộc điều tra cấp nhà nước đều tỏ ra hữu nghị với những ngành công nghiệp này. Nhận thức rõ điều này, người dân Donora rất muốn chính quyền liên bang tham gia. Nhưng hóa ra PHS đã tỏ ra rất quan tâm tới các nhà nghiên cứu tiểu bang, và thực tế này đã diễn ra trước khi chính quyền liên bang đả động tới chuyện kiểm soát ô nhiễm cấp tiểu bang và các khu vực dân cư”.

Bao che và thông đồng

Cơ quan liên bang đã phái đi 25 điều tra viên đến Donora và Webster. Tại những nơi này họ đã tiến hành các khảo sát y tế từ cư dân địa phương, thanh sát cây trồng và gia súc, đo lường các nguồn ô nhiễm không khí khác nhau và giám sát tốc độ gió cùng các điều kiện khí tượng học.

Họ khám phá ra rằng có hơn 5.000 cư dân trong số 14.000 người đang nhiễm các triệu chứng bệnh khác nhau từ trung bình đến nặng, và rằng 2 công ty American Steel & Wire Plant và Donora Zinc Works đã cùng thải ra những loại khí độc hại, kim loại nặng và các hạt mịn. Bà Devra Davis dẫn giải: “Nếu quý vị xem các phim chụp X-quang phổi của bệnh nhân, có vẻ như họ đã sống sót từ một cuộc chiến tranh khí độc”.

Một báo cáo sơ bộ đã được công bố vào tháng 10 năm 1949 với các kết quả không thuyết phục. Thay vì chọn ra các nhà máy và nước thải do họ sản xuất, các nhà nghiên cứu lại chỉ chăm chăm chỉ ra sự kết hợp của các nhân tố là ô nhiễm nhà máy, cũng như sự đảo ngược nhiệt độ bị kẹt ở khói trong thung lũng Donora suốt mấy ngày. Ngoài ra là các nguồn ô nhiễm khác như giao thông tàu bè và sử dụng than đá để sưởi ấm trong các gia đình.

Một số cư dân địa phương đã chỉ ra rằng một số thành phố khác cùng trải qua kiểu thời tiết như thế nhưng lại không có thương vong cao. Viết thư cho Thống đốc Pennsylvania-James Duff, công dân Lois Bainbridge bức xúc nói: “Có một cái gì đó trong nhà máy Zinc Works đã khiến nhiều người dân tử vong. Tôi không ám chỉ người dân sẽ bị mất việc làm nếu tố cáo ông chủ của họ, nhưng mạng sống quý giá hơn công việc”.

Những cư dân khác tỏ vẻ giận dữ với kết quả điều tra không minh bạch cũng như sự giải trình lập lờ của giới chủ nhà máy, vì thế họ cùng nộp đơn chống lại “đại gia” American Steel & Wire Company. Sử gia Lynne Page Snyder viết: “Đáp lại sự chống đối của người dân, Công ty American Steel & Wire đã công bố lời giải thích ban đầu: sương khói là hành động của Chúa”.

Siết chặt kiểm soát môi trường

Cuối cùng, Công ty American Steel & Wire cũng chấp nhận ra tuyên bố giải thích, song vẫn cứng đầu không chịu nhận lỗi. Mặc dù không có nghiên cứu xa hơn được thực hiện nhằm trả lời rốt ráo về sự kiện vào những năm sau khi xảy ra sự cố, nhưng nghiên cứu vào năm 1961 đã chỉ ra rằng tỷ lệ người dân chết vì bệnh ung thư và tim mạch ở thành phố Donora từ năm 1948 đến năm 1957 đã tăng đáng kể. Bà Devra Davis tin rằng, vào những tháng và các năm sau sự cố, đã có hàng ngàn cái chết do liên quan đến sương khói độc.

Thành phố Donora, nơi khói độc làm chết ít nhất 19 người. Ảnh: Alfred Eisenstaedt/ The LIFE Picture Collection/Getty Images.

Bà Devra Davis nói rằng cũng “nhờ có sự cố khói độc giết người” mà đã làm nảy sinh một số tín hiệu tích cực mới: nó cũng làm kích hoạt mối bận tâm về một loại nghiên cứu sức khỏe cộng đồng mới mẻ. Các cư dân của Donora đã góp phần nâng cao nhận thức quốc gia về những hiểm họa của ô nhiễm không khí.

Vào năm 1950, sau khi diễn ra sự cố sương khói độc chết người, Tổng thống Truman đã triệu tập Hội nghị ô nhiễm không khí quốc gia đầu tiên trong lịch sử. Nhưng mãi đến năm 1963, và lần đầu tiên, hội nghị mới thông qua Luật khí sạch, và giữ vững tiến độ ổn định vào các năm sau đó; Tổng thống Nixon đã sáng lập ra Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) vào năm 1970 (cùng năm hội nghị thông qua Luật khí sạch toàn diện). 

Nhưng công tác bảo vệ môi trường chưa khi nào kết thúc khi mà các ngành công nghiệp mới cùng công nghệ mới liên tục ra đời để thay thế cho những thứ cũ kỹ và lạc hậu. Bà Elizabeth Jacobs, GS về sức khỏe cộng đồng, người từng viết về sự cố Donora trên Tạp chí sức khỏe công cộng Mỹ, ngậm ngùi nói: “Ô nhiễm vẫn khiến người Mỹ mất mạng, xu hướng báo động này đang diễn ra ở những cư dân không có tiền để ở nhà tốt hay những thứ đại loại thế. Bây giờ đây là một sự phơi nhiễm lâu dài và mãn tính”.

Thông điệp này đã được các bác sĩ y khoa nhắc lại trên tờ Thời báo y học New England. Các tác giả viết: “Mặc dù có dữ liệu tốt nhưng chính quyền ông Trump lại làm ngược lại. Sự gia tăng ô nhiễm không khí với việc nới lỏng những hạn chế hiện tại đang tàn phá các tác động đối với sức khỏe công cộng”. 

Kể từ năm 2017, khi công bố bài viết của các tác giả trên, chính phủ ông Trump đã nới lỏng việc thực thi khí thải nhà máy, nới lỏng luật lệ về lượng khí thải mà các nhà máy than được phép xả thải, và ngưng sử dụng Bảng đánh giá chất lượng hạt của EPA – giúp thiết lập mức độ hạt được cho là an toàn để hít thở. Đối với sử gia Leif Fredrickson, trong khi Luật không khí sạch không được gỡ bỏ thì nó cũng không được chỉnh sửa cho phù hợp với những nguồn ô nhiễm mới.

Sử gia Fredrickson nhấn mạnh “Những quy luật hạn chế từ sự cố Donora đang ngày một nới lỏng và khiến cho các ngành công nghiệp tóm lấy chỗ sơ hở để lèo lái theo hướng có lợi cho họ. Theo thời gian các ngành công nghiệp sẽ tự điều chỉnh sang một quy tắc mới mà họ không lo sợ phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hậu quả nào. Nếu mà như thế thì trong tương lai, nhân loại sẽ còn chứng kiến những thảm họa môi trường hay sức khỏe có mức độ tàn phá hơn rất nhiều so với sự cố Donora năm 1948”.


Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.