Hầm mộ Tần Thủy Hoàng và chuyện tranh giành chưa có hồi kết
Ngày 29/3/1974, một số nông dân ở thôn Tây Dương, huyện Lâm Đồng, thành phố Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc cùng đào giếng lấy nước chống hạn tại một bãi đất hoang cách làng không xa. Ở độ sâu chừng vài mét họ thấy lẫn trong đất cát đưa lên có những bộ phận của tượng người bằng gốm. Mọi người đều chỉ coi chúng là thứ gạch đá bỏ đi nên đã vứt ra xung quanh. Họ không biết rằng ngày mà họ vứt những mảnh sành sứ ấy sau này đã đi vào lịch sử thế giới hiện đại: Ngày phát hiện ra một trong những "kỳ quan thế giới" - quần thể tượng binh mã dõng thuộc khu mộ Tần Thủy Hoàng (năm 134 đến năm 171 trước Công nguyên), vị hoàng đế đã có công thống nhất Trung Quốc thời cổ đại.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi được phát hiện, binh mã dõng trong hầm mộ Tần Thủy Hoàng đã trở nên nổi tiếng không những ở Trung Quốc mà cả thế giới. Tổng thống Pháp Sarkozy trong một lần tới thăm đã phải thốt lên: "Thế giới có 7 kỳ quan, hầm mộ Tần Thủy Hoàng xứng đáng được gọi là kỳ quan thứ 8".
Các nhà khoa học của Trung Quốc và thế giới cùng có chung nhận xét rằng: Nếu đặt bên cạnh các tác phẩm tượng điêu khắc cổ Hy Lạp hoặc cổ La Mã thì có thể binh mã dõng không tinh xảo bằng. Nhưng cái tạo cho binh mã dõng vị thế nổi trội là sự "kỳ lạ" của nó. Theo Viện trưởng Viện Bảo tàng Trung Quốc Viên Trung Nhất, cái "kỳ lạ" của binh mã dõng nằm ở 3 chữ "Đại, Đa, Chân" (to, nhiều, chân thực).
Lối vào chính của khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng. |
Còn về tính chân thực của binh mã dõng thì Viện trưởng Viên Trung Nhất cho biết: Binh mã dõng được tạo ra từng tượng một, chứ không phải dùng khuôn đúc hàng loạt. Theo các nhà nghiên cứu chỉ tính riêng số thợ cả tham gia nặn tượng đã là 870 người với những thành phần và phong cách khác nhau: Có người là thợ cung đình, có người là thợ tài tử, cũng có người là thợ dân gian đến từ khắp các địa phương trong toàn quốc. Vì thế các binh mã dõng được tạo ra đều mang phong cách, thần thái khác nhau.
Ngay từ khi "xuất đầu lộ diện", binh mã dõng khiến cả thế giới phải thán phục. Tuy nhiên, từ đó cũng nảy sinh một vấn đề tưởng như đơn giản nhưng lại làm đau đầu các giới chức ngành khảo cổ Trung Quốc.
Thời điểm mà sự cố phát sinh là vào năm 1998. Trong lần đầu tiên tới thăm khu binh mã dõng, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton, đã phát biểu: "Binh mã dõng thật quá tuyệt vời. Người phát hiện ra binh mã dõng cũng quá tuyệt vời". Và Tổng thống B.Clinton đề nghị được gặp người đầu tiên đã phát hiện ra binh mã dõng.
Tượng binh sĩ và ngựa chiến trong lăng mộ. |
Đã có rất nhiều nguyên thủ quốc gia đến tham quan binh mã dõng, nhưng việc đặt vấn đề muốn gặp người phát hiện ra binh mã dõng đến thời điểm đó, chỉ duy nhất có Tổng thống B. Clinton. Để đáp ứng yêu cầu này, những người phụ trách khu bảo tàng đã "rất hồn nhiên" cho gọi Dương Chí Phát, xã viên công xã, một trong những người tham gia công việc đào giếng vào ngày 29/3/1974. Cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ với một nông dân Trung Quốc vô danh đã được giới truyền thông của Trung Quốc và thế giới đưa tin rất rầm rộ.
Về phần mình, Dương Chí Phát không thể tưởng tượng được buổi gặp "ngẫu nhiên" đó lại khiến cuộc đời của mình bước ra "vùng ánh sáng chói lòa". Với cái "giấy chứng nhận" là người đầu tiên phát hiện binh mã dõng", chỉ sau một đêm, từ một nông dân vô danh, Dương Chí Phát bỗng trở thành người nổi tiếng, được nhiều tờ báo, nhiều đài truyền hình phỏng vấn, được mời đi nước ngoài, đăng đàn nói chuyện về việc phát hiện binh mã dõng... Hãng truyền hình Nhật NHK cũng mời Dương Chí Phát sang Nhật, phỏng vấn trực tiếp trên đài truyền hình của họ.
Tại các cửa hàng bán đồ lưu niệm trong khu mộ Tần Thủy Hoàng, nếu các đồ lưu niệm có chữ ký của Dương Chí Phát thì được bán với giá rất cao. Những khách tham quan muốn chụp ảnh với Dương Chí Phát cũng phải trả cho ông ta 50 tệ. Các khoản thu nhập này có "nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được" đối với một xã viên nông nghiệp.
Sự nổi tiếng của Dương Chí Phát đã làm bùng lên cuộc chiến "vô tiền khoáng hậu" giữa những người đào giếng năm xưa. "Ai đã phát hiện ra binh mã dõng?”. Kết quả rất nhiều người đều khăng khăng rằng "chính tôi mới là người đầu tiên". Vậy đâu là sự thực?
Theo các cơ quan chức năng địa phương, trong cái ngày nông dân thôn Tây Dương cùng nhau đào giếng, tại hiện trường có 3 nhóm, mỗi nhóm có 2 xã viên do Dương Tân Mãn, "đội trưởng chính trị" của thôn, phụ trách chung. Khi tượng gốm binh mã dõng được đào lên, họ đều không biết đó là cái gì, liền vứt lung tung ra xung quanh. Lúc đó Triệu Khang Dân, cán bộ Phòng Văn hóa huyện Lâm Đồng, tình cờ có mặt, thấy các mảnh gốm lạ, đã nhặt nhạnh những thứ bị vứt đi cho lên xe cút kít rồi nhờ những người xã viên, trong đó có Dương Tân Mãn, mang về xếp ở góc sân trụ sở huyện.
Cũng theo các cơ quan chức năng, trước khi việc này xảy ra, đã có đến gần 40 người dân ở Tây Dương từng nhìn thấy các mảnh tượng và những tượng tương tự. Họ không biết những mảnh tượng và những bức tượng nằm rải rác ở góc vườn, bờ ruộng có từ bao giờ và là tượng gì mà không ít người cho rằng những tượng đó là do bọn đào trộm mộ vứt ra.
Phục chế binh mã dõng từ những mảnh vỡ. |
Đến giữa năm 1974, người dân ở đây vẫn coi các tượng này là "ôn thần". Khi gặp tượng, họ dùng hương đốt vía, đập vỡ đầu để tránh ôn dịch. Có người thì mang tượng ra ngoài ruộng dùng làm "bù nhìn" để đuổi chim chóc tới phá cây trồng. Chính Viện trưởng Viên Trung Nhất trên đường đi công tác đã nhặt được rất nhiều mảnh vỡ từ các binh mã dõng bị vứt ở hai bên đường. Vì thế việc ai là người đầu tiên phát hiện ra binh mã dõng đã không được đặt ra. Vấn đề chỉ trở nên gay cấn sau khi có cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Clinton với Dương Chí Phát như trên đã nói.
Bây giờ, cứ mỗi lần phóng viên tìm cách tiếp xúc với nông dân Dương Chí Phát để tìm hiểu xem ai là người đầu tiên phát hiện ra binh mã dõng đều bị Dương Chí Phát từ chối với lý do "phiền phức lắm".
Đi sâu tìm hiểu, người ta mới vỡ lẽ ra rằng: từ khi được gặp Tổng thống Clinton với danh nghĩa "người đầu tiên phát hiện ra binh mã dõng", rồi kèm theo đó là những món vật chất thu được, Dương Chí Phát đã phải hứng chịu nhiều sự chỉ trích nặng nề của người trong thôn. Rất nhiều người cùng đưa ra bằng chứng chính mình mới là người đầu tiên phát hiện ra binh mã dõng chứ không phải Dương Chí Phát.
Nhiều phóng viên cũng tiến hành các cuộc tiếp xúc với Dương Tân Mãn. Hiện Dương Tân Mãn đã 68 tuổi, đang làm thuê cho một cửa hàng bán đồ lưu niệm tại khu Lăng Tần Thủy Hoàng với mức lương 1.000 tệ/tháng. Tại nơi bán hàng, Tân Mãn treo một bức ảnh lớn chụp mình và rất nhiều tượng binh mã dõng. Ngoài ra còn treo thêm một giấy chứng nhận là người phát hiện ra binh mã dõng.
Dương Tân Mãn tỏ ra rất bức xúc: "Năm đó có tới 9 người phát hiện ra binh mã dõng, đến nay 5 người đã mất, chỉ còn lại 4, trong đó có tôi và Dương Chí Phát, mà ai cũng già cả rồi. Thế mà vẫn chưa có một quyết định chính thức nào về vấn đề này. Còn nếu chỉ coi Dương Chí Phát là người đầu tiên và duy nhất phát hiện ra binh mã dõng thì quá bất công". Dương Tân Mãn hy vọng vấn đề sẽ được cấp có thẩm quyền giải quyết khi mình chưa "sang thế giới bên kia".
Sở dĩ, Tân Mãn đặt vấn đề người phát hiện ra binh mã dõng to tát như vậy, vì theo Cục Văn vật tỉnh Thiểm Tây, thì đây thuộc về lĩnh vực "quyền lợi và danh tiếng". Những người này đòi được gắn biển đề tên mình là người "phát hiện ra binh mã dõng" trên đường vào hầm số 1. Đồng thời phải cho họ giấy chứng nhận, cũng như phải "thưởng" cho họ một món tiền tương đối. Nhưng vì điều này chưa từng có tiền lệ ở Trung Quốc nên Cục Văn vật không thể thỏa mãn những yêu cầu của họ. Cục chỉ đồng ý việc phát hiện ra binh mã dõng là của một tập thể xã viên chứ không là của riêng ai cả.
Sự việc càng trở nên phức tạp khi những người phát hiện tự đứng ra ký tên vào các món hàng lưu niệm và chụp ảnh cùng du khách có thu phí. Rồi ai cũng giới thiệu mình chính là người đầu tiên phát hiện ra binh mã dõng nhằm mục đích kinh doanh. Thí dụ khi vào thăm và mua hàng ở cửa hàng của Dương Tân Mãn, ai muốn được chữ ký của ông thì phải có phụ phí. Còn Dương Chí Phát thì cũng thường xuyên ăn cánh với hướng dẫn viên du lịch để bán đồ lưu niệm. Những kiểu làm ăn này nhiều khi gây ra cãi cọ giữa khách với nhân viên bán hàng, làm xấu hình ảnh của khu lăng mộ, gây ra những phản cảm với khách tham quan. Nhưng cho tới nay các cơ quan hữu trách của Trung Quốc cũng như của khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn chưa tìm ra phương pháp giải quyết hợp lý cho vấn đề này