Hiểm họa có thật từ tổ chức khủng bố AQIM

Thứ Năm, 31/01/2013, 14:00

Sáng sớm ngày 16/1/2013, một nhóm chiến binh Hồi giáo vũ trang đã đột nhập vào tổ hợp sản xuất khí đốt In Amenas nằm ở phía đông nam Algeria, bắt giữ hơn 40 người nước ngoài thuộc nhiều quốc tịch khác nhau làm con tin ngay tại chỗ. Trong đêm 17/1, các lực lượng an ninh Algeria đã mở cuộc tấn công giải cứu, nhưng không thành.

Nhóm bắt con tin, có liên hệ với Al-Qaeda, yêu cầu “Pháp chấm dứt xâm lược vào Mali”. Nhiều cường quốc phương Tây lẫn các nước châu Phi lân cận sợ rằng quân khủng bố Al-Qaeda và nhiều lực lượng xưng danh “Thánh chiến” có thể gây loạn vào đến tâm điểm của châu Phi.

Bài toán sinh tử của Mali

Mali là một nước cực nghèo của châu Phi, với dân số gần 15 triệu người sống trên một lãnh thổ rộng 1 triệu 400 nghìn km2. Lãnh thổ ấy thành hình từ năm 1960 khi các thuộc địa của Pháp tại Tây Phi được độc lập. Quốc gia bát ngát này có hai vùng Nam - Bắc khác biệt do sự phân chia của sông Niger.

Miền Nam tương đối trù phú về nông nghiệp, có thủ đô là Bakamo, là khu vực sinh hoạt truyền thống của dân Bambara, cùng sắc tộc với các nước láng giềng miền Nam như Burkina Faso, Bờ Biển Ngà, Guinea và Senegal. Miền Bắc là sa mạc Sahara khô cằn và trắng toát bên rặng Hoggar và là đất cũ của các bộ tộc du mục Tuareg, thuộc sắc tộc Berber có liên hệ với người dân các nước ở phía bắc là Niger, Mauritania và Algeria.

Xưa kia, dân du mục Tuareg tại miền Bắc giữ vai trò giao lưu buôn bán, kể cả buôn lậu nên hai thành phố lớn tại miền Bắc Mali là Timbuktu và Gao trên sông Niger đã thành trung tâm thương mại nối liền hai khu vực Bắc - Nam. Nhưng khi các nước châu Âu tiến vào đây và mở ra những ngả hàng hải khác thì miền Bắc mất dần tầm quan trọng, đường buôn bán qua sa mạc Sahara trở thành con đường hiu quạnh.

Bài toán sinh tử của Mali là làm sao nối liền và hội nhập hai vùng quá khác biệt như vậy, trước sự bất mãn của các lãnh đạo Tuareg.

Chính là sự bất cập của chính quyền Mali tại miền Bắc trù phú đối với phản ứng nổi loạn của dân Tuareg đã khiến một số sĩ quan trẻ tiến hành một cuộc đảo chính vào tháng 3-2012 và tổng thống đương nhiệm phải bỏ chạy. Nhưng các nước lân bang trong Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi lập tức can thiệp và gây áp lực cấm vận với phe đảo chính để thành lập chính quyền lâm thời, do Chủ tịch Quốc hội Dioncounda Traoré tạm nắm vai trò tổng thống.

Ông Traoré hiện vẫn cầm quyền dù đã bị mưu sát nhiều lần. Khi Mali có loạn như vậy thì các nhóm khủng bố Hồi giáo mượn danh “Thánh chiến” tất nhiên là tìm cách xâm nhập để xây dựng hậu cứ. Trong số này, lực lượng khủng bố "Al-Qaeda trong khu vực Maghreb Hồi giáo" (Al-Qaeda in Islamic Maghreb hay AQIM) là đáng kể nhất.

AQIM là ai và muốn gì?

Al-Qaeda là lực lượng khủng bố Hồi giáo đã can dự vào nhiều vụ tấn công quyền lợi Mỹ từ năm 1993, trước khi tiến hành vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Vụ khủng bố khiến Mỹ tấn công Afghanistan vào tháng 10/2001 và mở ra một cuộc chiến lâu dài nhất lịch sử nước Mỹ, từ đó cho đến nay.

Cơ sở dầu khí bị Mokhtar Belmokhtar, thủ lĩnh một nhóm khủng bố trong vùng sa mạc Sahara (ảnh nhỏ) chiếm và giam giữ 41 con tin người nước ngoài hôm 16/1.

Lập hậu cứ tại Afghanistan nhờ sự chứa chấp và yểm trợ của chế độ Taliban, lực lượng Al-Qaeda bị tê liệt dần, bộ phận đầu não bị Mỹ tiêu diệt. Ngày nay, Al-Qaeda nguyên thủy chỉ còn uy tín trong các nhóm Hồi giáo quá khích cực đoan chứ hết khả năng mở ra những vụ tấn công lớn hay chiến lược lâu dài. Nhưng trong thế giới Hồi giáo quá khích, "tinh thần Al-Qaeda" vẫn còn.

Nhiều nhóm khủng bố đã lập ra loại "Al-Qaeda tự phát", "Al-Qaeda nội hóa" hay "Al-Qaeda địa phương". Các nhóm này có thể đã liên lạc móc nối với tàn dư của lực lượng Al-Qaeda đầu não, nguyên thủy, để học hỏi kỹ thuật khủng bố và tổ chức, hoặc đã được yểm trợ về huấn luyện trong các căn cứ thu hẹp tại Afghanistan và Pakistan, nhưng đây là trường hợp hãn hữu.

Đa số các nhóm "Al-Qaeda tự phát" đều xuất hiện độc lập, đôi khi dưới tên khác và hiện hữu từ trước vụ khủng bố 11-9 và chỉ xưng danh Al-Qaeda về sau để tìm lợi thế tuyên truyền. Đó là trường hợp tổ chức AQIM, một nhóm Hồi giáo quá khích, muốn thiết lập chế độ cai trị của đạo Hồi theo lối suy diễn cực đoan và lạc hậu nhất. Địa bàn hoạt động của chúng là tại Bắc Phi.

AQIM xuất hiện từ cuộc nội chiến 20 năm trước tại Algeria, dưới tên gọi ban đầu là Nhóm nguyện cầu và tác chiến Salafist (SGPC). Mười năm sau, chính quyền Algeria áp dụng chính sách chiêu hồi và ban lệnh ân xá nên nhóm SGPC này tan rã vì các thủ lĩnh theo nhau quy hàng.

Năm 2006, một số lãnh đạo còn lại mới cải tên thành "Al-Qaeda trong vùng Hồi giáo Maghreb" để khai thác "hào khí" Al-Qaeda từ vụ khủng bố 11-9 tại Mỹ. Maghreb có nghĩa là "miền Tây", hàm ý khu vực Bắc Phi trải rộng tại phía tây của Ai Cập, từ Libya qua Algeria, Tunisia và Morocco.

Ban đầu, địa bàn của AQIM chỉ có tính chất địa phương. Nhưng từ năm 2012, tình hình đã đổi khác. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố rằng "AQIM trở thành mối đe dọa cho khu vực và toàn cầu". Đấy là một hậu quả bất ngờ và bất lường của "mùa Xuân Arập" và vì những phân hóa nội bộ, Mali là thỏi nam châm thu hút bạo lực, mà không chỉ từ lực lượng AQIM.

AQIM và kỹ nghệ bắt cóc con tin

Phương tiện vũ trang của lực lượng AQIM quả là không thiếu sau khi lãnh thổ Libya được tràn ngập vũ khí đủ loại do chính các nước NATO (và Mỹ) đổ vào cho các nhóm nổi dậy chống Gaddafi. Nhưng AQIM lấy tiền ở đâu để nuôi quân và mua súng?

Từ năm 2008, người ta đã nói đến kỹ nghệ bắt cóc con tin để đòi tiền chuộc. AQIM huy động được cả trăm triệu USD nhờ hoạt động này. Nạn nhân là du khách hay dân phương Tây làm việc trong các doanh nghiệp quốc tế. Đối tượng được họ "chiếu cố" nhất là dân châu Âu, ngoài nước Anh. Mỹ và Anh có chủ trương không nộp tiền để chuộc con tin - vì sẽ chỉ khuyến khích quân khủng bố bắt cóc kiều dân của mình. Các nước châu Âu khác thì không theo chính sách đó nên kiều dân của họ được (hay bị) AQIM chú ý nhất.

Các con tin bị AQIM bắt cóc đòi tiền chuộc.

Ký giả Serge Daniel có viết cuốn sách về kỹ nghệ bắt cóc của AQIM “AQIM: The Kidnapping Industry” và cho biết rằng trong nhiều năm qua các chính quyền Đức, Tây Ban Nha hay Áo đã trả cả chục triệu USD để chuộc lại kiều dân của họ. Chính vì vậy mà AQIM càng khai thác hình thái kinh tế hắc ám này. Cho nên từ năm 2010 đến năm 2012, giá biểu trung bình cho mỗi con tin đã tăng gần 25%, từ 4 triệu rưỡi lên 5 triệu rưỡi USD cho một người!

Các nhóm Thánh chiến tự trị và buôn lậu tại Mali

Sau vụ đảo chính tháng 3/2012 tại Mali, nhiều nhóm vũ trang đã khai thác khoảng trống chính trị và an ninh tại miền Bắc để lập cơ sở và làm bàn đạp để xuống tới miền Nam. Trong các nhóm này, có ảnh hưởng nhất là 3 lực lượng khủng bố gọi là AQIM, Ansar Dine và Phong trào Thống nhất và Thánh chiến tại Tây Phi (vẫn thường được gọi tắt là MUJAO).

Các nhóm khủng bố Hồi giáo thường mượn danh Jihad, (Thánh chiến), và phong trào Jihad thực tế là phong trào khủng bố, nhưng nên viết "Thánh chiến" trong ngoặc kép để xác định rằng đấy là mượn danh, chứ không hàm nghĩa coi hành động của họ là "thánh chiến" vì động lực thiêng liêng.

Hiện nay, lực lượng AQIM tại Mali xuất phát từ khu vực đông nam của Algeria bên vùng rừng núi hiểm trở Kabilie và còn có nhiều lữ đoàn tác chiến tại khu vực Sahara-Sahem của Bắc Phi. Các nhóm vũ trang này tương đối biệt lập, với nhiều viên chỉ huy trưởng được đào luyện và cầm quyền ở tại chỗ và thường xuyên di chuyển. Yếu tố đặc biệt này là một trở ngại về tình báo cho các lực lượng chống khủng bố.

Bên cạnh đó, lực lượng MUJAO dưới sự chỉ huy của Oumar Ould Hamama (có nhiều bí danh khác) lại liên kết với nhiều nhóm "Thánh chiến" lẻ tẻ ở miền Bắc Mali. MUJAO là lực lượng khủng bố vừa hợp tác nhưng cũng vừa cạnh tranh với AQIM, có nhiều lãnh đạo là đặc công ly khai của AQIM. Quan hệ rất phức tạp và thay đổi giữa hai tổ chức này là một vấn đề khác về tình báo.

Điểm tương đồng thường gặp là cả hai tổ chức đều luân phiên tấn công đồn bót của Mali và bắt cóc các kiều dân phương Tây để đòi tiền chuộc. Trong các vụ xung đột bùng nổ từ hôm 11/1 vừa qua, đã có 150 kiều dân Âu-Mỹ bị bắt, trong số này có 7 người Mỹ.

Nhưng tình hình không chỉ có vậy. Ngoài các nhóm khủng bố xưng danh "Thánh chiến" như AQIM hay MUJAO còn có nhóm vũ trang của bộ tộc Tuareg. Với khẩu hiệu có vẻ quốc gia dân tộc, họ muốn bảo vệ đường dây liên lạc và buôn lậu của dân Tuareg và cứ như vậy mà luồn lách trong những khu vực có đầy vũ khí, bạo lực mà không có chính quyền.

Đã vậy, còn có lực lượng Ansar Dine. Theo tên gọi thì đây là những người "yểm trợ tôn giáo", đa số thuộc thị tộc Ifoghas, đã từng cộng tác rồi ly khai khỏi lực lượng AQIM và đạt nhiều chiến công đáng kể khi đánh úp các đồn bốt của chính quyền Mali. Địa bàn hoạt động của họ nằm tại khu vực Kidal, đông bắc của Mali, mục tiêu là gây loạn, bắt bí để hợp tác hay tấn công chính quyền Mali và tạo ra không gian sinh hoạt tự trị. Một loại lãnh chúa giao du với khủng bố.

Đối diện với các lực lượng "Thánh chiến" lẫn vũ trang buôn lậu và ly khai, chính quyền Mali tại Bamako có một quân đội nghèo yếu (7.000 lính) và sự yểm trợ của 4 nhóm vũ trang là Phong trào Quốc gia giải phóng Azawad (MNLA), Phong trào Cộng hòa và Phục hưng Azawad, Mặt trận Quốc gia giải phóng Azawad và Phong trào Nhân dân giải phóng Azawad. Awawad là khu vực địa dư bao trùm lên cả miền Bắc Mali, gồm các vùng Timbuktu, Kidal, Gao và một phần của vùng Mopti. Tất nhiên là các nhóm thân chính quyền này yểm trợ nhưng với điều kiện. Vì hoàn cảnh phân hóa và bất ổn như vậy trong lãnh thổ, Mali được các quốc gia lân bang cực kỳ quan tâm và chính quyền Bamako được các nước phương Tây yểm trợ.

Sự can thiệp của phương Tây

Mali là một thuộc địa cũ của Pháp tại khu vực Tây châu Phi nên chính quyền Paris rất quan tâm theo dõi và dẫn đầu việc đổ quân can thiệp vào nước này. Từ con số 800 binh lính, Pháp vừa quyết định tăng gấp ba là 2.500 quân. Nhưng ngoài nước Pháp, nhiều quốc gia khác cũng trực tiếp hay gián tiếp yểm trợ Bamako để đẩy lui quân khủng bố, đó là Đức, Anh, Canada trong vai trò quân vận và nhất là Mỹ về mặt tiếp liệu và thông tin tình báo. Song song, các nước phương Tây huy động được sự hợp tác rất cần thiết về ngoại giao của các quốc gia châu Phi trong khu vực.

Các quốc gia này rất e sợ sự tan rã của Mali, một quốc gia cực rộng, với lãnh thổ sẽ trở thành hậu cứ cho khủng bố. Đấy là kịch bản "Afghanistan tại châu Phi", với sự khác biệt là Mali không cô lập nằm trơ trên núi mà ở giữa châu Phi.

AQIM hay Al-Qaeda có thể là một loại u bướu ung thư rất khó trị. Nhưng tại Mali, tình hình còn phức tạp hơn vì sự hiện hữu của thị tộc Tuareg. Họ là thổ dân, du mục thiện chiến, buôn lậu và ăn cướp, xưa kia là lãnh chúa nguyên thủy trên cả một vùng Bắc Phi rộng lớn. Vai trò của họ trong nội tình Mali, và quan hệ chiến hòa với quân khủng bố là những gì cần theo dõi.

Trước sự bành trướng và lớn mạnh của lực lượng AQIM, ban đầu Mỹ và Pháp đã gia tăng viện trợ quân sự cho Mali. Sau khi đã bị Pháp "xúi dại" và phỏng tay tại Lybia rồi tổn thất tại Benghazi, lần này Mỹ rất hài lòng đứng sau hậu trường để chi tiền và yểm trợ cho nước Pháp thủ vai "sen đầm quốc tế" tại Mali...

Một liên minh kinh tế gồm 15 quốc gia là Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi cũng đã đồng ý tăng phái hơn 3.000 binh lính cho quân đội Mali để tiễu trừ quân khủng bố Hồi giáo.

Trên lãnh thổ rộng lớn trong một vùng châu Phi nhiệt đới, Mali chỉ có một quân đội rất nhỏ và nghèo. Theo giới bình luận, quân viện của Pháp và Mỹ sẽ khó huấn luyện và trang bị cho một lực lượng quân sự sơ sài như vậy. Dù Mỹ có dự tính tăng máy bay không người lái để canh chừng quân khủng bố AQIM, việc này thật ra không dễ vì địa thế rừng già và nhất là vì Mỹ chưa có mạng lưới tình báo nhân sự tại chỗ để xác định mục tiêu tấn công như đã thấy tại Afghanistan, Pakistan hay Yemen.

Các quốc gia phương Tây đều ý thức được những khó khăn này và trông đợi vào sự trưởng thành và lớn mạnh của các đơn vị tác chiến châu Phi để có thể đảm nhiệm lấy vai trò bảo vệ an ninh và ngăn ngừa khủng bố. Nhưng đây chỉ là hy vọng

Mộc Thạch - Đan Kô (tổng hợp)
.
.