Hiện tượng kỳ thị chủng tộc trong học đường Mỹ liệu có trở lại?

Thứ Ba, 17/07/2018, 11:21
Các trường công lập thuộc tiểu bang Arkansas, nơi cựu Tổng thống Bill Clinton từng là Thống đốc lại đang le lói một làn sóng kỳ thị chủng tộc mới. Theo thống kê tại thành phố Little Rock, thủ phủ của bang Arkansas, tỷ lệ giữa học sinh da màu và da trắng là 4/1, tuy rằng đa phần dân chúng thành phố là người da trắng.

Giới lãnh đạo sư phạm địa phương đã lên tiếng cảnh báo, rằng sau vài năm nữa hệ thống trường công ở Arkansas sẽ rặt học sinh da đen mà thôi; còn học sinh da trắng chỉ đăng ký học trường tư, tuy học phí cao nhưng "không phải ngồi chung bàn với học sinh khác màu da". "Mạng lưới các trường công tại Little Rock đã đạt tới mức thật đáng chê trách trong việc phân biệt màu da học sinh", ông Henry Woods, Thẩm phán cao cấp thuộc Tòa án Liên bang tại Arkansas nhận định.

Hình ảnh về nạn kỳ thị màu da giữa giới nữ sinh Little Rock 6 thập niên trước.

Hẳn cũng cần nhớ lại, là chính nạn kỳ thị chủng tộc đã biến Little Rock thành biểu tượng của cuộc đấu tranh đòi bình quyền cho mọi sắc dân Mỹ vào đầu thập niên 50 thế kỷ trước, để tới năm 1954 buộc Tòa án Tối cao Liên bang Hoa Kỳ phải ra sắc lệnh xóa bỏ sự phân biệt màu da trong các học đường Mỹ. Nhưng vấn đề này bây giờ lại le lói ngay chính ở Little Rock, cũng như tại nhiều thành phố có đông người da màu ngụ cư  khác, nhất là ở các tiểu bang phía nam.

Theo một kết quả nghiên cứu ở thành phố Atlanta, thủ phủ tiểu bang Georgia thì hiện tượng này gắn liền với sự phát triển các đô thị miền nam, với nguyên nhân trực tiếp là sự phân biệt chỗ cư ngụ giữa các quần thể thuộc 2 sắc dân gồm da trắng và các nhóm còn lại. Con trẻ da trắng trong các khu này thường theo học các trường tư thục, trong khi con trẻ da màu hầu hết ghi danh vào các trường công lập do học phí rẻ hơn hẳn.

Tỷ lệ học sinh da màu tại các trường công ở Atlanta là trên 90%. Một nguyên nhân khác nữa là các bậc phụ huynh da trắng không muốn con em mình phải đi học xa bằng xe bus, nếu như chúng muốn học tại các trường công cùng chung với học sinh da đen… Nhưng theo các nhà xã hội học Georgia, thì việc đi lại chỉ là cái "cớ" ẩn giấu điều chính yếu: nạn kỳ thị chủng tộc.

Vệ binh Quốc gia tháp tùng sinh viên da màu khỏi sự tấn công của người da trắng vào năm 1957.

Còn ông Perlesta Hollingsworth, cựu Thẩm phán Tối cao của tiểu bang Arkansas lý giải: "Học sinh da đen cần phải được hòa nhập với đa số người da trắng. Nhưng chúng vẫn bị coi là sắc dân thiểu số và không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của tệ phân biệt chủng tộc. Những người da màu thành đạt trong xã hội Mỹ thường phải có một nghị lực phi thường".

Không một gia đình da trắng nào tại Little Rock có hàng xóm là người da đen. Dân da trắng sống tách biệt hẳn trên phần phía tây thành phố, còn người da màu - phía đông. Đường giới tuyến "bất thành văn" giữa họ thường là tuyến đường sắt hay rặng cây cao cách trở. Đầu năm 1957 tại Trường Trung học công lập Little Rock (LRCHS) bắt đầu những cuộc xung đột chủng tộc giữa các học sinh, rồi phát triển trầm trọng tới mức buộc Tổng thống đương nhiệm khi ấy Dwight D. Eisenhower (1890-1969) phải đưa lực lượng Vệ binh Quốc gia từ thủ đô Washington tới, đảm nhiệm vai trò giữ gìn trật tự suốt cả năm ròng.

Người dân thủ đô Washington biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc trong giáo dục.

Gần 100 học sinh da màu thuộc trường luôn được canh chừng khỏi sự phỉ báng của người da trắng - cả từ lời nói đến hành động… Sang niên khóa sau cả 4 trường trung học công lập ở Little Rock đều bị đóng cửa, khiến 34.000 học sinh hoặc là nghỉ học, hoặc chuyển qua các trường học tư tại các thành phố khác.

Theo uật sư David Hofman, vị đại diện pháp lý kỳ cựu của Sở Cảnh sát Atlanta: "Nạn kỳ thị chủng tộc trong các học đường Mỹ giống như một đại dịch âm ỉ, luôn sẵn sàng đợi dịp bùng lên khi có cơ hội!".

Xuân Hiếu (theo Morning Star)
.
.