Khi Washington và Bắc King cùng muốn “xoay trục”:

Hiệp định TPP hay Con đường tơ lụa kiểu mới?

Thứ Năm, 15/01/2015, 14:30
Hiện nay, thế giới đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh ngầm giữa các hiệp định thương mại tự do của Mỹ và Trung Quốc. Washington muốn thúc đẩy sự hình thành của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với sự tham gia của 12 nước, nhưng không bao gồm Trung Quốc.

Trong khi đó, "Con đường tơ lụa kiểu mới" - một tổ hợp các điều khoản liên quan tới thương mại và xây dựng cơ sở hạ tầng - được coi là con át chủ bài của Bắc Kinh nhằm đối chọi lại chính sách tái cân bằng châu Á (hay còn gọi là "xoay trục" về châu Á) của Washington.

Đây là chiến lược do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất với mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do và củng cố quyền lực mềm của Trung Quốc. Chiến lược này dựa trên nền tảng tuyến giao thương nổi tiếng nối Trung Quốc với châu Âu qua Trung Á, từ thế kỷ VII đến thế kỷ X.

Washington quyết bảo vệ vị thế và quyền lực tại châu Á - Thái Bình Dương

Trong thời gian Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh chống Iraq, các nước thân Mỹ và đồng minh trên thế giới đều có chung một lo ngại vì họ thấy vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ có xu thế yếu dần. Cho nên khi tiếp nhận di sản của Tổng thống Geogre W. Bush để lại, Tổng thống Barack Obama cùng các cộng sự đã phải tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ, và đưa ra một đường lối lãnh đạo theo hướng khác, chứ không phải đi vào "những vết xe cũ".

Theo cách mới này, Mỹ chỉ tập trung vào những giá trị quan trọng nhất, đem lại lợi ích quốc gia và sẽ sử dụng sức mạnh một cách thận trọng nhằm xây dựng một mạng lưới liên kết vững bền hơn.

Mỹ đặc biệt quan tâm tới việc gia tăng mức độ "chăm sóc" châu Á - Thái Bình Dương vì coi đây là một vùng đất của cơ hội, và đồng thời cũng là vùng đất bị đe dọa. Chính quyền Obama tuyên bố muốn bảo vệ công pháp quốc tế, luật biển và những quy tắc tiêu chuẩn cần phải được duy trì cho giao thông hàng hải khi chuyển nội lực từ Trung Đông sang khu vực này. Tuy nhiên, phía sau cách nói mang tính ngoại giao này, nước Mỹ đã đề ra chiến lược bao vây Trung Quốc ở Thái Bình Dương về cả bốn mặt ngoại giao, kinh tế, chính trị và quân sự.

Thực tế cho thấy Mỹ chưa bao giờ rời khỏi châu Á - Thái Bình Dương kể từ sau Thế chiến II. Mỹ vẫn duy trì các căn cứ tại Okinawa (Nhật), Guam, Utapao (Thái Lan) và vẫn hiện đại hóa các căn cứ quân sự đó. Trung Quốc từng đề nghị "chia đôi" mặt biển Thái Bình Dương nhưng đã bị Mỹ bác bỏ. Ngoài ra, Mỹ còn ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày 12/11/2011.
Hiện nay, thế giới đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh ngầm giữa Mỹ và Trung Quốc về kinh tế và chính trị.

TPP có tầm quan trọng như G8, G20, EU và BRIC. Hiệp định này bảo vệ quyền lợi trí tuệ, luật đầu tư, luật cạnh tranh và chống xí nghiệp quốc doanh - những rào cản Mỹ đưa ra để gạn lọc không cho Trung Quốc tham gia. Nó chứng tỏ Washington quyết tâm bảo vệ vị thế của mình và quyền lực tại châu Á - Thái Bình Dương.

Washington tin rằng TPP sẽ khiến Trung Quốc có động thái phản ứng và đều có lợi cho Mỹ. Những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn lao động và điều kiện môi trường của TPP sẽ tạo thế khó cho Trung Quốc, loại họ ra khỏi một khối thương mại lớn và đầy tiềm năng ngay trên chính sân sau của mình. Hoặc có thể Trung Quốc sẽ nhiệt tình tham gia và trở thành một quốc gia cởi mở hơn về kinh tế. Trong khi đó, các nước khu vực châu Á lại hy vọng TPP sẽ khiến Trung Quốc thay đổi thái độ, nhiệt tình hơn với các cuộc đàm phán, từ đó có sự kiềm chế trong các xung đột lãnh thổ.

Cùng với học thuyết Obama, Mỹ đã được Australia chấp nhận cho triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ vào năm 2016-2017 ở căn cứ Darwin - một nước cờ lớn trên bàn cờ Đông Á - nhằm "bóp nghẹt" Trung Quốc trên biển Đông. Căn cứ này nằm ngoài tầm phi đạn của Trung Quốc, là địa thế chiến lược thuận lợi cho không quân và tên lửa tầm xa khi lực lượng quân sự Mỹ có thể tỏa ra như hình nan quạt.

Do vị trí địa lý nằm ngay sát eo biển Malacca, kề cận biển Đông, đóng quân tại quân cảng Darwin rất có lợi cho Mỹ khi cục diện khu vực có những biến động phức tạp trong tương lai. Lúc đó, Mỹ sẽ nhanh chóng phong tỏa khu vực biển phụ cận Indonesia và Philippines, đặc biệt là eo biển huyết mạch Malacca, gây áp lực rất lớn cho Bắc Kinh. Bởi có tới 90% lượng dầu mỏ nhập khẩu và lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc đi qua eo biển này vào biển Đông về Đại lục.
Hai nhánh trong chiến lược "Con đường tơ lụa kiểu mới" được coi là con át chủ bài của Bắc Kinh nhằm đối chọi lại chính sách tái cân bằng châu Á của Washington.

Gọng kìm cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ

Trung Quốc vẫn rất miệt mài tổ chức những kế hoạch để tạo thế đối trọng và tranh giành ảnh hưởng với Hiệp định TPP hay căn cứ Darwin của Mỹ. Bắc Kinh đang manh nha xây dựng và hiện đại hóa "Con đường tơ lụa kiểu mới", theo hai nhánh: trên bộ và dưới biển.

Nhánh trên bộ là vành đai kinh tế xuất phát từ Trung Quốc qua Trung Á xuyên qua Nga và sang châu Âu. Nhánh trên biển từ Trung Quốc qua eo biển Malacca đến Ấn Độ, Trung Đông và Đông Phi. Trên thực tế, hai con đường đó đã được Bắc Kinh thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng mới chỉ vào mùa xuân 2014 Bắc Kinh mới công khai hóa chiến lược này.

Theo đó, Bắc Kinh muốn làm sống lại "Con đường tơ lụa lịch sử", vốn là tuyến đường thương mại chạy từ Trung Quốc qua Đông Nam Á và Ấn Độ Dương đến châu Âu trước đây. Từ đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất các nước kết nối mạng lưới giao thông để mở một con đường chiến lược nối Thái Bình Dương với biển Baltic, đồng thời dần tiến tới thiết lập mạng lưới giao thông liên kết các khu vực Đông, Tây và Nam Á.

Ông đề ra 5 mục tiêu chính để hiện thực hóa ý tưởng này là tăng cường hợp tác kinh tế, nâng cao khả năng kết nối giao thông, thúc đẩy thương mại và đầu tư, chuyển đổi tiền tệ và thắt chặt hơn nữa quan hệ ngoại giao. Bắc Kinh cho biết, việc triển khai "Con đường tơ lụa kiểu mới" có thể được hoàn tất vào năm 2049, trở thành huyết mạch kinh tế của thời đại toàn cầu hóa mới.

Tờ báo Daily Times cho rằng, mục tiêu của Trung Quốc là thông qua hai con đường tơ lụa nhằm củng cố vai trò mới nổi của mình, trở thành trung tâm của nền kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI và hoàn thiện triệt để bước đầu của chiến lược "Tây tiến". Trên hết, "Con đường tơ lụa kiểu mới" là một trong những gọng kìm cạnh tranh kinh tế, chính trị và quân sự quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ, nhất là với Hiệp định TPP.
Vị trí chiến lược quan trọng của căn cứ Darwin.

Tờ báo này thậm chí đã so sánh "Con đường tơ lụa kiểu mới" của Trung Quốc như kế hoạch Marshall của Mỹ thời kỳ hậu Thế chiến II nhằm rót hàng tỉ USD vào việc giúp các nước Tây Âu xây dựng lại kinh tế để đổi lấy lòng trung thành của họ chống lại Cộng sản ở Đông Âu.

Để hiện thực hóa, Trung Quốc đã cùng một số nước lập Ngân hàng Đầu tư châu Á cạnh tranh với cả Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)  và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với số vốn ban đầu 50 tỉ USD dành cho xây dựng cảng, đường giao thông, các dự án điện và cơ sở hạ tầng khác trong khu vực.

Với áp lực từ Mỹ, nhiều quốc gia (trong đó có Australia và Hàn Quốc) đều từ chối tham gia góp vốn vào Ngân hàng Đầu tư châu Á. Cũng do áp lực mạnh mẽ từ Mỹ, WB và ADB sẽ không còn tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện do lo ngại về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Mỹ lo ngại rằng các tổ chức mới của Trung Quốc sẽ vào cuộc.

Sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đã lan sang vũ đài kinh tế và thể chế. Mỹ đang dẫn đầu việc thúc đẩy TPP không bao gồm Trung Quốc. Và Bắc Kinh cũng đang thực hiện một chiến lược mới để chuyển đổi sức mạnh kinh tế của mình vào vai trò lãnh đạo trong khu vực.

Trung Quốc đã nhận ra rằng nước này không thể thay thế vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á mà không thông qua những hợp tác đa phương. Tuy nhiên, trước mắt, Trung Quốc cũng sẽ không phủ nhận mọi vai trò của WB, IMF hay ADB vì họ muốn tiếp tục tranh thủ hàng tỉ USD viện trợ phát triển.

TPP hay Con đường tơ lụa kiểu mới?

Hiện Trung Quốc đang ra sức tìm cách để trở thành một nền kinh tế và thể chế tương đương với Mỹ. Thế giới đang chứng kiến một cuộc chiến thật sự nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu giữa Hiệp định TPP và "Con đường tơ lụa kiểu mới".

Nhiều nhà nghiên cứu chính trị hàng đầu Trung Quốc nhìn nhận TPP có thể khiến Bắc Kinh suy yếu. Đó là một chính sách "thay đổi hiện trạng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới", trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với hệ thống chính trị xã hội hiện tại của Trung Quốc.

Tuy vậy, có rất ít bằng chứng cho thấy Bắc Kinh sẽ chịu chi phối bởi các yêu cầu từ TPP. Giới phân tích nhận định "Con đường tơ lụa kiểu mới" có khả năng đem lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích hơn khi đem ra so sánh với TPP. Chiến lược này không đề ra bất kỳ tiêu chuẩn nào ngoại trừ ý tưởng không rõ ràng về một lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia.

Trong khi TPP tìm cách giảm thiểu vai trò của chính phủ trong hoạt động của thị trường và hạn chế tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế thành viên, thì "Con đường tơ lụa kiểu mới" chủ yếu dựa vào sự phối hợp của chính quyền cấp cao nhất; đồng thời, gia tăng quyền lực của công ty nhà nước và chính phủ.

TPP tập trung vào mảng dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ và quy tắc trong từng quốc gia. Chiến lược "đối trọng" của Bắc Kinh thì nhắm vào việc tạo dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn, giao dịch trong lĩnh vực năng lượng và vận tải, cũng như tái phân bổ các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa.

Tờ Daily Times ghi nhận lâu nay Mỹ đã tạo dựng ảnh hưởng trong các thể chế tài chính và thương mại lâu đời (như IMF hay WB), và đưa ra Hiệp định TPP. Trung Quốc đã đáp trả lại bằng dự án "Con đường tơ lụa kiểu mới" hay ADB. Phía Bắc Kinh coi "Con đường tơ lụa kiểu mới" có quy mô và vị thế cùng tham vọng như TPP.

Đây đơn giản chỉ là một động thái tiến hành các chiến lược cạnh tranh về kinh tế, chính trị và quân sự với Mỹ, đồng thời gia tăng sức mạnh ngoại giao và quyền lực mềm. Giả định nếu hai con đường tơ lụa thời hiện đại được xây dựng thành công thì ngoài vấn đề kinh tế, Trung Quốc còn nâng cao được uy tín siêu cường quốc như kế hoạch Marshall đã mang lại uy tín cho Mỹ.

Trần Quân (tổng hợp)
.
.