Hồ sơ một sĩ quan KGB đào tẩu

Thứ Tư, 06/01/2021, 07:53
Ngày 29 tháng 1 năm 2004, Chính phủ Anh thông báo rằng Vasily Mitrokhin, một điệp viên cao cấp của Liên Xô đào tẩu sang Anh năm 1992 đã chết vì bệnh viêm phổi vào ngày 23 tháng 1 năm 2004 ở tuổi 81.

Cái chết của ông Vasily Mitrokhin gây ra sự phản ứng mạnh mẽ ở Anh và nước ngoài. Các cơ quan tình báo và truyền thông của các nước có liên quan đã coi Vasily Mitrokhin là “Kẻ đào tẩu lớn nhất thế kỷ 20”. Cuốn sách “Hồ sơ Vasily Mitrokhin” do ông viết đã tiết lộ những gì mà Cục an ninh quốc gia Liên Xô (KGB) đã làm trên toàn thế giới, cuốn sách được Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) gọi là “Thông tin tình báo chi tiết nhất về KGB”.

Vasily Mitrokhin là một quan chức cấp cao của KGB, khi đào tẩu sang Vương quốc Anh, ông mang theo rất nhiều tài liệu tình báo bí mật như kiểu “bách khoa toàn thư” mà ông đã dày công thu thập, bao gồm danh sách các điệp viên Liên Xô và địa điểm cất giấu vũ khí của KBG.

Thông tin này được các nước phương Tây coi là “báu vật” đồng thời họ đã phanh phui một số lượng lớn các điệp viên “chuột chũi” của Liên Xô từ thông tin của Mitrokhin. Những con “chuột chũi” này với danh tính đa dạng, từ những người thường “say xỉn” có vẻ không đáng tin cậy đến những cụ bà hơn 80 tuổi tốt bụng.

Vụ việc này có thể được gọi là một trong những vụ rò rỉ thông tin tình báo lớn nhất trong lịch sử. Sau hơn 20 năm, Trung tâm lưu trữ Churchill của Đại học Cambridge, Vương quốc Anh mới công khai thông tin bí mật này.

Hiện nay Trung tâm lưu trữ Churchill của Đại học Cambridge cho phép các học giả tham khảo hàng nghìn tài liệu in bằng tiếng Nga của ông Mitrokhin, tổng cộng có 19 hộp, trong những tài liệu này có nhiều bản bút tích gốc vẫn chưa được giải mã.

Vasily Mitrokhin.

Đánh cắp 25.000 trang hồ sơ bí mật trong 12 năm

Vasily Mitrokin sinh năm 1922 trong một gia đình lao động bình thường ở miền trung nước Nga. Ông được nhận vào Học viện Ngoại giao cao cấp Moscow năm 1945 và gia nhập KI (Ủy ban tình báo, năm 1954 được sáp nhập vào KGB). 

Sự nghiệp tình báo của ông Mitrokhin bắt đầu từ năm 1948 sau khi tốt nghiệp. Ông được cử đến Trung Đông, Úc và Đông Đức để làm công tác tình báo. Vì những thành tích xuất sắc của mình, ông được giao giữ chức Trưởng phòng kho lưu trữ tài liệu của KGB từ 1972 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1984.

Ông Mitrokhin bắt đầu sao chép những tài liệu bí mật trong kho lưu trữ của KGB từ năm 1972. Với tư cách là Trưởng phòng, ông Mitrokhin có quyền truy cập vào tất cả các tệp tài liệu trong kho lưu trữ. Thời gian đầu, ông Mitrokhin dùng những tờ giấy nhỏ bí mật sao chép các tập tin mà hàng ngày người ta gửi đến kho lưu trữ.

Để tránh bị cấp dưới nghi ngờ, bao giờ ông Mitrokhin cũng đợi cho nhân viên rời khỏi kho lưu trữ rồi mới nhét tờ giấy vào đế giày hoặc tất và thản nhiên bước ra ngoài dưới con mắt của các nhân viên bảo vệ. Khi về đến nhà, ông Mitrokhin giấu các tờ giấy sao chép tài liệu ở dưới nệm giường và đến cuối tuần chuyển tài liệu về ngôi biệt thự ở nông thôn giấu dưới sàn nhà.

Quá trình đánh cắp bí mật kéo dài 12 năm, ngày nào Mitrokhin cũng sao chép tài liệu và ông đã đánh cắp được hơn 25.000 trang hồ sơ bí mật. Sau khi nghỉ hưu, ông Mitrokhin đã sử dụng máy đánh chữ để đánh máy và in thành từng tập tổng cộng mất 8 năm ở trong biệt thự ở nông thôn. Mitrokhin đã đóng gói các tập tài liệu vào sáu hộp nhôm lớn và chôn chúng ở khu vườn sau nhà. Để giữ bí mật, ông Mitrokhin không những lừa được cả KGB mà còn giấu được người vợ ngày đêm ở bên mình.

Vasily Mitrokhin được đưa làm hình đại diện cho tệp hồ sơ điệp viên đào tẩu sang phương Tây.

Mang theo hồ sơ bỏ trốn 

Năm 1999, trả lời trong một cuộc phỏng vấn của BBC, ông Mitrokhin cho biết lý do tại sao ông sao lại chép tài liệu bí mật và đào tẩu ra nước ngoài là vì ông không hài lòng với những việc làm của KGB và cho rằng những việc làm của KGB làm tổn hại đến lợi ích của đất nước.

Vào cuối những năm 1980, tình hình Liên Xô có nhiều biến động và nhân cơ hội này ông Mitrokhin đã đưa một phần tài liệu lưu trữ đến đảo Sakhalin ở Viễn Đông, với dự định từ đây tìm cách trốn sang Nhật nhưng không thành công. Sau đó, ông lại đi đến cực tây bắc của Liên Xô để đi sang Phần Lan nhưng cũng không thành công.

Tháng 3 năm 1992, Vasily Mitrokhin chạy vào Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Latvia để xin tị nạn chính trị nhưng một quan chức CIA cho rằng ông chỉ là một nhân viên lưu trữ bình thường. "Kẻ đào tẩu" Mitrokhin không nản lòng, bởi ông biết giá trị những tài liệu ở trong tay mình và tìm đến Đại sứ quán Anh tại Latvia nhờ sự giúp đỡ của họ.

Một nhà ngoại giao nữ đã gặp ông, khi vừa gặp nhà ngoại giao này, Mitrokhin vội rút ra vài tờ giấy từ cái hộp đựng bánh mì. Nhà ngoại giao nữ đã đọc nội dung ghi trên những tờ giấy rồi hỏi ông một số vấn đề, sau đó nhà ngoại giao lập tức liên lạc với MI-6 và MI-6 đã rất nhạy bén nhận thức được giá trị tình báo của con người này là rất quan trọng và đã ngay lập tức giữ ông ở lại Đại sứ quán.

Sau khi điều tra kỹ lưỡng, MI-6 nhận thấy giá trị của tài liệu đã cử đặc nhiệm lẻn vào ngôi nhà ở nông thôn của ông Mitrokhin đào lấy 6 hộp lớn tài liệu lưu trữ chôn trong vườn và vận chuyển chúng đến Đại sứ quán Anh ở Moscow bằng xe tải với danh nghĩa vận chuyển tài liệu ngoại giao về nước Anh.  

Một trang tài liệu của Vasily Mitrokhin.

Nhiều tài liệu tuyệt mật bị công khai và hàng trăm điệp viên bị lộ

Cơ quan tình báo Anh MI-6 đối xử với Mitrokhin không tệ. Đầu tiên, ông ta được phát triển thành một thành viên có tên mã là “Kebu” để nhận được một khoản trợ cấp hậu hĩnh; thứ hai, trong vòng 8 tháng MI-6 hứa sẽ bí mật tìm cách đưa vợ con ông đến Vương quốc Anh, đồng thời cấp cho ông một ngôi nhà được cảnh sát bảo vệ và một khoản tiền thù lao cho phép ông an hưởng tuổi già.

Sau khi đến Vương quốc Anh, Mitrokhin hiếm khi đi ra ngoài và hàng xóm gọi ông là một ông già trầm lặng, tốt bụng. Năm 1995, ông Mitrokhin quyết định tiết lộ một số bí mật cao cấp của KGB và MI-6 đã sắp xếp để nhà sử học người Anh, Giáo sư Andrew nghiên cứu sắp xếp và chỉnh lý số tài liệu của ông Mitrokhin. Năm 1999, ông Mitrokhin viết và cho xuất bản cuốn sách gây chấn động thế giới “Hồ sơ Vasily Mitrokhin” và thân phận của ông Mitrokhin cũng từ đó được đưa ra ánh sáng.

Cuốn sách tổng cộng có 700 trang nội dung trình bày về tiền thân của KGB và các hoạt động của KGB trong 70 năm cũng như các hoạt động và kế hoạch khác nhau của KGB. Trong số đó các mục tiêu tuyển dụng đặc biệt của KGB cũng được nhắc đến, bao gồm cả những nhân vật cực kỳ quan trọng về vai trò cũng như tầm ảnh hưởng cũng được tiết lộ...

Bìa cuốn sách "Điệp viên bất tử" viết về Vasily Mitrogin bản tiếng Trung.

Những thông tin tình báo do Vasily Mitrokhin cung cấp được đánh giá là “nguồn thông tin tình báo quan trọng nhất” từ trước đến nay của Vương quốc Anh và Mỹ.

Thông tin ghi lại chi tiết những hành động của các cơ quan đặc biệt của Liên Xô, và tệ hơn nữa nó còn ghi lại danh sách các điệp viên KGB ở nhiều quốc gia khác nhau. Chỉ riêng ở Hoa Kỳ, danh sách các điệp viên trong vài thập kỷ, chiếm trọn 40 trang trong những ghi chép của Mitrokhin.

Danh tính của những điệp viên này rất đa dạng và sẽ rất khó để tiết lộ nếu không có ghi chép của Mitrokhin. Những thông tin này là “vô cùng quý giá” nhưng nó lại là một cú sốc lớn nhất đối với phương Tây là việc hàng trăm điệp viên KGB bị lộ: Riêng tại Anh có 4 điệp viên KGB đã bị lộ diện, bao gồm 2 cựu nghị sĩ Đảng lao động, một cựu thám tử Scotland Yard và “Điệp viên cấp bà nội” Norwood.

Khi cuốn sách được xuất bản thì bà Norwood đã 87 tuổi. Bà này làm việc cho KGB từ năm 1932 và cung cấp cho Liên Xô hàng loạt thông tin tình báo về quá trình phát triển quả bom nguyên tử đầu tiên ở Anh. Bà cũng là nữ điệp viên người Anh đã phục vụ KGB lâu nhất, thế nhưng cục tình báo Anh không hề biết gì về bà cho đến khi nhận được tài liệu từ Mitrokhin. 

Trong tài liệu của mình, Mitrokhin đã viết rằng bà Norwood “Trung thành, đáng tin cậy và có kỷ luật” và đã được trao tặng huy chương.

Tài liệu của Vasily Mitrokhin đang được lưu giữ tại Anh.

Robert Lipka cũng là một điệp viên KGB ẩn nấp trong Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, với mật danh “Dan”. Ông này đã cung cấp nhiều thông tin tình báo của Mỹ cho Liên Xô trong những năm 1960 và được Liên Xô trả 27.000 đôla. 

Sau khi cuốn sách được xuất bản, một quan chức tình báo cấp cao của Anh cho biết: “Cuốn sách của Mitrokhin cho thấy hoạt động của KGB bằng các tài liệu thực tế. Các tài liệu của ông ấy cho chúng tôi biết đối thủ của chúng tôi đang làm gì trong những năm qua”.

Giờ đây, cựu điệp viên KGB Mitrokhin đã không còn, nhưng những cơn sóng lớn mà ông này gây ra ở thế giới phương Tây đến nay vẫn chưa thể yên lặng.

Nguyễn Đình Thiêm (theo “Xinhuanet.com”)
.
.