Isaac Shoshan - điệp viên huyền thoại của Israel

Thứ Ba, 09/03/2021, 10:35
Là một người Do Thái gốc Syria, Isaac Shoshan tham gia vào các hoạt động bí mật ban đầu, bao gồm cả các vụ đánh bom, và sau đó đã trở thành bậc thầy của “các thế hệ” đặc vụ Israel.

Sự nghiệp đáng nể

Isaac Shoshan, điệp viên bí mật Israel gốc Syria, người trong vai là một người Arab ngay từ đầu trong sự nghiệp của mình, đã từng tham gia vào các vụ đánh bom và ám sát, trước khi có những đóng góp lớn cho các phương pháp gián điệp của đất nước, đã qua đời cuối tháng 12-2020 tại Tel Aviv, thọ 96 tuổi. Con gái ông, Eti đã xác nhận cái chết của cha tại bệnh viện Ichilov. Eti cho biết ông mất do đột quỵ.

Trong lời bày tỏ trên Twitter, cựu Thủ tướng Ehud Barak, người từng phục vụ trong một đơn vị tình báo Israel mà ông Shoshan đã tham gia đặt nền móng, cho biết Shoshan đã “liều mạng hết lần này đến lần khác”, vì đất nước Israel. Ehud Barak nói thêm: “Nhiều thế hệ chiến binh đã học nghề từ ông. Và, tôi cũng vậy”.

Isaac Shoshan sinh ra tên Zaki Shasho tại Aleppo, Syria, năm 1924 trong một gia đình Do Thái nói tiếng Arab. Shoshan học tại một trường dạy tiếng Pháp, học tiếng Do Thái tại các trường Do Thái Chính thống giáo và khi còn trẻ thuộc Đội hướng đạo Do Thái theo chủ nghĩa Zionist.

Năm 18 tuổi, được thúc đẩy bởi chủ nghĩa Zionism, Shoshan đi đến vùng đất khi đó là Palestine do Anh cai trị và trong vòng 2 năm được Palmach, lực lượng chiến đấu ngầm của người Do Thái, tuyển mộ. Trong thời gian huấn luyện, Shoshan được tuyển vào một đơn vị bí mật gọi là Trung đội Arab.

Shoshan vào sinh nhật lần thứ 80 năm 2004. Sau khi nghỉ hưu, ông thi thoảng được gọi trở lại hoạt động đào tạo.

Được đào tạo từ những người Do Thái để trở thành người Arab, Shoshan được giao nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo và thực hiện các vụ phá hoại và ám sát có chủ đích. Yoav Gelber, Giáo sư và nhà sử học thời kỳ này cho biết: “Đơn vị được thành lập với kỳ vọng về “một cuộc nội chiến ở Palestine giữa người Do Thái và người Arab”. 

Các thành viên của đơn vị, hầu hết là người nhập cư từ các vùng đất Arab, được đào tạo về thu thập thông tin tình báo và liên lạc bí mật - ví dụ như mã Morse - cũng như về chiến thuật biệt kích và sử dụng chất nổ. Họ cũng trải qua quá trình nghiên cứu chuyên sâu về Hồi giáo và các phong tục Arab để có thể sống như những người Arab thực thụ mà không bị nghi ngờ.

Isaac Shoshan bắt đầu tham gia các hoạt động thu thập thông tin tình báo sau khi Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu vào năm 1947 để phân chia Palestine thành các quốc gia Do Thái và Arab riêng biệt, gây ra hàng loạt cuộc đụng độ biến thành xung đột vũ trang. 

Nhưng vào tháng 2-1948, Shoshan được đề cử thực hiện một nhiệm vụ trong quá trình huấn luyện của mình: giúp ám sát một nhà lãnh đạo Palestine là Sheikh Nimr al-Khatib, người được cho là đang trên đường đến Palestine từ Liban với vũ khí. 

Các tay súng nổ súng vào xe của Sheikh, và Shoshan, có vẻ là người Arab đứng ngoài cuộc, được hướng dẫn “chạy lại và có vẻ như để giúp đỡ, nhưng thực sự để đảm bảo rằng Sheikh đã chết, và nếu không, hãy hoàn thành công việc”, Shoshan tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2002. 

Sheikh thực sự đã bị bắn trong xe của mình - những kẻ ám sát đã “phun lửa từ súng tiểu liên”, Shoshan nói. Tuy nhiên đối tượng vẫn sống sót sau khi binh lính Anh ngăn cản Shoshan tiếp cận chiếc xe.

Bị thương nặng, Sheikh rời Palestine và ngừng đóng vai trò tích cực trong cuộc chiến. Ngay sau đó, Shoshan và một thành viên khác của Trung đội Arab được điều động đến một gara ở Haifa, Israel, nơi được lệnh cài một quả bom xe. 

Shoshan kể: “Các chủ sở hữu không bao giờ nghi ngờ chúng tôi cả. Tất nhiên là họ không muốn cho xe của chúng tôi vào, nhưng đồng ý cho phép chúng tôi vào trong một lát để sử dụng phòng tắm”. 

Khoảng thời gian đó đủ lâu để kích hoạt cầu chì hẹn giờ trên một thiết bị nổ và chạy trốn. Vài phút sau, một vụ nổ lớn làm rung chuyển toàn bộ khu vực, phá hủy nhà để xe và một số tòa nhà liền kề, giết chết ít nhất 5 người và nhiều người khác bị thương.

Isaac Shoshan (trái), lúc 13 tuổi ở Aleppo, Syria, năm 1937.

Du thuyền của Hitler

Năm 1948, sau khi lực lượng Anh rút khỏi Palestine và Israel tuyên bố độc lập, các đặc vụ của Trung đội Arab được phái đến các quốc gia láng giềng với mục tiêu kép là thu thập thông tin và ngăn chặn các mối đe dọa đã nhận thấy. Shoshan nói: “Mặc dù chúng tôi được cử đi thu thập thông tin tình báo, nhưng chúng tôi cũng coi mình là những người lính, và chúng tôi tìm kiếm cơ hội để hành động”.

Được gửi đến Beirut, Shoshan và các đồng nghiệp mua một kios và một chiếc Oldsmobile dùng làm taxi để sử dụng cho các hoạt động gián điệp. Trong một lần, đơn vị được lệnh đặt một quả bom trong một chiếc du thuyền sang trọng của một người giàu có ở Liban. 

Du thuyền có tên Aviso Grille, chở các sĩ quan cao cấp của Đức trong suốt cuộc Chiến tranh thế giới lần 2 và, vào năm 1940, dường như được dự định đưa Hitler nếu giành chiến thắng đến London sau cuộc chinh phục nước Anh theo kế hoạch của Đức Quốc xã. Tình báo cho rằng con tàu được chuyển đổi thành một tàu chở súng để sử dụng chống lại người Do Thái.

Sau khi thực hiện nhiệm vụ đặt bom, họ chờ đợi một tiếng nổ lớn từ hướng cảng. Nhưng, không có gì. Đến một hoặc hai ngày sau - Isaac không còn nhớ chính xác thời gian đã trôi qua là bao nhiêu - họ đã bỏ cuộc, đó là khi một vụ nổ cuối cùng làm rung chuyển bến cảng. Các quả mìn đã làm thủng một lỗ trên thân tàu, nhưng con tàu đã được sửa chữa trước khi có thể chìm. 

Vụ nổ du thuyền Aviso Grille được gán trách nhiệm cho những kẻ phá hoại không xác định. Con tàu sau đó đã đến New York, nơi nó thu hút khách du lịch trong thời gian ngắn. Du thuyền của Hitler được bán để làm phế liệu vào năm 1951. Vụ nổ tuy không đánh đắm được du thuyền nhưng làm nó hư hại đủ nặng để đảm bảo không thể được sử dụng cho các hoạt động quân sự.

Du thuyền Aviso Grille, năm 1935.

Hoạt động quan trọng nhất của đội - một nhiệm vụ ám sát Thủ tướng Riad al-Solh của Liban - được cho là diễn ra vào tháng 12-1948. Isaac Shoshan và đồng đội nghĩ ra một kế hoạch để giết thủ tướng khi họ theo dõi các động thái của ông. 

Tuy nhiên, hoạt động đã bị các nhà lãnh đạo cấp cao của Israel hoãn lại vào thời điểm cuối cùng trước sự thất vọng lớn lao của ông Shoshan. Trong hai năm ở Beirut, Shoshan gặp phải người thân của những người thiệt mạng trong vụ đánh bom nhà để xe Haifa. Họ nói chuyện với Shoshan một cách thoải mái, nghĩ rằng ông chỉ là một người Palestine. 

“Trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ về những người đã bị giết ở đó”, Shoshan nhớ lại trong cuốn sách “Những người đàn ông bí mật, những người đàn ông bí ẩn” (“Men of Secrets, Men of Mystery”, 1990), mà ông viết cùng Rafi Sutton, một cựu đồng nghiệp tình báo. “Và ở Beirut, một người Arab già ngồi đối diện với tôi và khóc thương cho hai người con trai của ông đã thiệt mạng trong vụ nổ mà tôi đã tham gia thực hiện”. 

Cuộc gặp gỡ đó là một trong những sự kiện gây ra sự thay đổi trong suy nghĩ của Shoshan. Con trai ông là Yaakov sau này cho biết. “Bố luôn biết rằng nếu chúng ta chỉ sử dụng vũ lực thì điều đó sẽ chỉ dẫn đến nhiều cuộc chiến hơn và bố luôn ủng hộ giải pháp“ hai nhà nước vì hai dân tộc”.

Đóng góp cuối đời

Việc bắt giữ và hành quyết một số thành viên Trung đội Arab cuối cùng đã khiến Israel từ bỏ việc sử dụng gián điệp Do Thái mang vỏ bọc người Arab. Isaac Shoshan chuyển sang tuyển dụng và quản lý các đặc vụ Arab, một vai trò giúp ông biến họ thành những “kẻ xoay chiều”. Sutton, đồng tác giả, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Shoshan cũng được trời phú cho một tài năng cho công việc này. 

Đặc vụ là một vấn đề nan giải, và bạn phải biết khi nào họ đang nói dối bạn hoặc nói sự thật, và làm thế nào để không cho phép họ tống tiền bạn và kiểm soát mối quan hệ giữa bạn, mà không làm ảnh hưởng đến sự sẵn sàng làm việc với bạn”.

Isaac Shoshan với chiếc xe dùng làm taxi ở Beirut, Lebanon, để hoạt động gián điệp .

Shoshan sau đó thúc giục Israel nối lại chương trình “vỏ bọc” người Arab, dẫn đến việc thành lập Sayeret Matkal, một đơn vị gián điệp hoạt động đặc biệt của quân đội. Đơn vị được thành lập để thực hiện việc thu thập thông tin tình báo ngay trong lòng các nước đối phương, một phần bằng cách sử dụng các chiến binh được huấn luyện để sử dụng vỏ bọc Arab. 

Trong số các thành viên đơn vị Sayeret Matkal có một thanh niên tên Benjamin Netanyahu, hiện là thủ tướng Israel. Isaac Shoshan được giao trách nhiệm đào tạo các thành viên đóng giả là người Arab. 

Shoshan đóng một vai trò trong việc xây dựng vỏ bọc cho Eli Cohen, điệp viên Israel, người đã thâm nhập vào giới chóp bu của chế độ Syria vào thập niên 1960 nhưng cuối cùng đã bị vạch mặt và hành quyết.

(Câu chuyện của Cohen gần đây được dựng thành phim trong series “The Spy” của Netflix, với sự tham gia của Sacha Baron Cohen). Isaac Shoshan nghỉ hưu năm 1982 nhưng thi thoảng vẫn được cơ quan tình báo Israel Mossad điều động trở lại để đào tạo các điệp viên trẻ và đôi khi tự mình tham gia hoạt động. 

Trong hoạt động bí mật, Shoshan thường vào vai một ông già Arab, người có thể giả vờ cần được giúp đỡ - chẳng hạn như bước vào một tòa nhà để gọi điện thoại khẩn cấp hoặc liên lạc bình thường với mục tiêu tuyển dụng. Bởi vì, một người đàn ông lớn tuổi sẽ ít có khả năng khơi dậy sự nghi ngờ.

Trang Thuần (Tổng hợp)
.
.