Karel Koecher, điệp viên nằm vùng lâu nhất thời Chiến tranh lạnh (bài cuối)
Cuộc đối đầu với tướng Oleg Kalugin
Khi Koecher từ bên trong CIA gửi báo cáo về cho Prague, giữa ông với lãnh đạo tình báo Tiệp Khắc lại xảy ra vấn đề mâu thuẫn, bởi các lãnh đạo StB lúc đó có vẻ lúng túng không biết sử dụng quân bài chiến lược quan trọng này sao cho hiệu quả. Họ đưa nhiều yêu cầu thông tin vặt vãnh, kiểu như ghi biển số xe của tất cả nhân viên CIA,... khiến Koecher bực mình.
Năm 1975, những yêu cầu kiểu vụn vặt đó đã khiến cho Koecher mất hết kiên nhẫn. Hồ sơ StB ghi nhận sự mất kiên nhẫn này của Koecher diễn ra ngày càng tăng. Koecher đã gửi một thông điệp về Prague trong đó ông phê phán các hoạt động kém hiệu quả, mang nặng tính vụn vặt của StB. Lúng túng không biết phải xử trí tình huống này thế nào, lãnh đạo StB bèn chuyển thẳng bức thông điệp của Koecher cho KGB. Bức thông điệp đã được chuyển đến đặt trên bàn làm việc của ông Yuri Andropov, Chủ tịch KGB (người sau này làm Tổng Bí thư Liên Xô).
Karel Koecher trong căn nhà hiện nay ở ngoại ô Prague. |
Không như mong đợi của Cơ quan tình báo Tiệp Khắc, ông Andropov không những không phê bình hay khiển trách Koecher, mà ngược lại còn khen ngợi, biểu dương tinh thần làm việc tích cực của Koecher và ra lệnh thưởng ngay cho ông 40.000 USD. Số tiền thưởng đủ để cặp đôi điệp viên mua một căn hộ sang trọng ở khu Manhattan, New York và một chiếc ôtô hiệu BMW màu xanh.
Bị ghét bỏ ở Tiệp Khắc, nhưng Koecher lại được Moskva đánh giá cao. Hồ sơ StB ghi nhận: KGB đánh giá những ghi chép của Koecher gửi về tuy hơi khó diễn giải nhưng lại có giá trị thông tin rất cao, có thể giúp lật tẩy nhiều điệp viên của Mỹ.
Tháng 9-1976, Koecher bị triệu hồi về Prague với lý do mà ông nghĩ là để gặp mặt thường lệ với các lãnh đạo. Nhưng thực tế không phải như thế. Do ông đã ở nước ngoài hơn một thập kỷ nên cả KGB lẫn StB đều nghi ngờ ông có thể đã "đổi màu áo" sang làm việc cho người Mỹ.
Thế là các cuộc gặp thường lệ với các lãnh đạo tình báo Liên Xô và Tiệp Khắc trở thành cuộc thẩm vấn kéo dài suốt 7 ngày liên tục. Địa điểm của cuộc thẩm vấn là ngôi biệt thự cao ba tầng thuộc sở hữu của StB nằm trong thị trấn hẻo lánh Ctyrkoly, từng là nơi trú ẩn của kẻ khủng bố quốc tế Carlos the Jackal.
Điều trớ trêu là kẻ chủ trì cuộc thẩm vấn Koecher lại là Oleg Kalugin, vị tướng tình báo trẻ tuổi nhất trong lịch sử tình báo KGB, Chỉ huy trưởng Cơ quan tình báo phản gián đối ngoại Xôviết, một trong những nhân vật tình báo bí ẩn nhất thời kỳ cuối Chiến tranh lạnh. Cuộc trao đổi giữa họ được ghi âm và ghi chép thành văn bản, nó bộc lộ một cuộc đối đầu gay gắt giữa họ.
Sau này, Koecher kể lại: "Họ đã cố bẻ gãy tôi. Họ đã ép tôi xuất hiện trước báo chí tố cáo ông Havel và đồng bọn làm gián điệp cho Mỹ, nhưng tôi không chịu." Sau đó Kalugin kết luận, "không loại trừ khả năng Koecher đã hợp tác với CIA".
Nhiều năm sau này, các tài liệu lưu trữ từ năm 1985 đã ghi nhận đánh giá của Kalugin về việc Koecher nhảy sang phe địch là hoàn toàn sai. Nhưng thời đó, quyền lực của Kalugin rất mạnh, và ý kiến của ông ta luôn được lắng nghe, và chính Kalugin đề nghị loại Koecher ra khỏi ngành tình báo.
Cuộc thẩm vấn căng thẳng đối với Koecher kết thúc vào ngày 16-9-1976. Sau đó, StB ra lệnh cho Koecher thôi làm việc trong CIA nếu không sẽ đối mặt với "một hình thức cực hình về thể chất". Theo hồ sơ StB, Koecher đã bị đưa vào danh sách "những người không mong muốn" và StB theo dõi, kiểm soát các vị trí công tác của Koecher và vợ liên tục trong 6 năm.
Những bí ẩn quanh vụ án Aleksandr Ogorodnik
Koecher tự hào cho rằng, cống hiến đáng kể nhất của mình cho tình báo Xôviết là việc tham gia phá hỏng các nỗ lực của tình báo Mỹ trong việc chiêu mộ các quan chức tình báo và ngoại giao Liên Xô ở Mỹ Latinh, trong đó có vụ việc khá nổi tiếng ở Bogota, Colombia. Koecher khi đó làm việc trong một dự án của CIA, dự án tìm kiếm các quan chức Xôviết làm việc ở Mỹ Latinh và có khả năng tuyển mộ họ.
Koecher được giao nhiệm vụ nghe lén các đại sứ quán Liên Xô tại nhiều nước khác nhau để tìm kiếm kẻ đào tẩu. Koecher kể: ông đã liên tục cảnh báo tình báo Liên Xô về những mục tiêu mà CIA đang nhắm đến ở Mỹ Latinh, sau đó Moskva đưa ra lời cảnh báo, giám sát chặt chẽ hoặc điều chuyển đi nơi khác để tránh cho người của mình rơi vào tay đối phương.
Koecher bị cáo buộc có liên quan đến cái chết của nhà ngoại giao Xôviết Aleksandr Ogorodnik vào năm 1977. Đây là một vụ án chứa đựng nhiều bí ẩn. Đã có nhiều câu chuyện kể mâu thuẫn nhau xoay quanh vụ án này, đặc biệt là những câu chuyện của các cựu điệp viên CIA và Xôviết.
Một cựu điệp viên CIA kể rằng, Ogorodnik đã bắt đầu làm việc cho CIA từ năm 1973 với mật danh Trigon. Câu chuyện của CIA cho rằng khi Ogorodnik trở về Moskva vào năm 1975, Koecher đã báo cho KGB biết ông ta là điệp viên của Mỹ.
Cây cầu Glienicke, nơi Koecher được trao trả về Tiệp Khắc năm 1986. |
Năm 1977, Ogorodnik bị bắt. Koecher bác bỏ câu chuyện của cựu điệp viên CIA nói trên, cho rằng việc Ogorodnik bị lật tẩy và bị bắt không hoàn toàn do mình mật báo. Koecher kể, khi làm việc trong dự án của CIA, ông quả thực đã có cảnh báo với KGB về việc CIA đang nhắm đến mục tiêu chiêu mộ Ogorodnik làm "tài sản" của họ. Koecher khẳng định, Ogorodnik không hề phản bội Tổ quốc, mà toàn bộ câu chuyện ông này làm gián điệp cho Mỹ đều do một người bí mật đứng đằng sau đạo diễn: Đó là Oleg Kalugin, người mà Koecher gọi là "ác quỷ", "kẻ hạ đẳng", "kẻ giết người".
Koecher và một số điệp viên KGB cùng thời đã nghi ngờ Kalugin là một điệp viên hai mang, đã bí mật làm việc cho CIA từ lâu. Mối nghi ngờ này đã được giải mã phần nào trong hồ sơ lưu trữ của StB, trong đó bao gồm chi tiết cuộc đối đầu giữa Koecher và Kalugin, và kết luận sau này của giới chức tình báo StB rằng Kalugin lúc đó đã bí mật cộng tác với CIA.
Theo Koecher, Kalugin khi đó đã biết việc CIA nhắm đến Ogorodnik và đã ra lệnh cho Ogorodnik cứ "tương kế tựu kế", rồi sau đó điều chuyển ông này trở về Moskva với một nhiệm vụ thông tin giả. Koecher cho rằng, Kalugin đã hy sinh Ogorodnik để bảo vệ địa vị của mình trong bộ máy tình báo Xôviết nhằm tiếp tục cung cấp thông tin cho CIA.
Trong một quyển hồi ký phát hành cách đây không lâu, cựu điệp viên KGB Igor Peretruchin, người đã bắt giữ Ogorodnik, kể rằng sau khi ông bắt giữ Ogorodnik, có một toán sĩ quan KGB thứ hai đến, uy hiếp và ra lệnh ông cùng đồng đội rời khỏi hiện trường. Lúc đó Ogorodnik còn sống, Nhưng sau đó, một báo cáo của KGB lại nói rằng Ogorodnik chết do bị suy tim, và ông này lại có tiền sử bệnh tim. Người ta nghi ngờ còn bàn tay của Kalugin trong chuyện này.
Ngay cả các chỉ huy tình báo Xôviết khi đó cũng đã bắt đầu nghi ngờ Kalugin làm việc cho CIA. Ông Vladimir Kryuchkov, sếp tình báo KGB thời kỳ cuối Chiến tranh Lạnh đã đặt vấn đề rằng: "Tại sao dưới thời Kalugin làm sếp phản gián, chúng tôi không hề phát hiện, bóc trần điệp viên Mỹ nào hết vậy?"
Thế nhưng, rốt cuộc KGB đã không thể lật tẩy được Kalugin. Sau sự kiện Liên Xô tan rã năm 1991, Kalugin đã âm thầm chạy sang Mỹ sinh sống. Năm 1994, Kalugin đã bị cảnh sát Anh bắt tại sân bay Heathrow vì nghi ngờ dính líu đến cái chết của một phóng viên Đài BBC vào năm 1978, nhưng sau đó được thả do không có bằng chứng. Ngày nay, Kalugin là một công dân Mỹ, sinh sống ở vùng ngoại ô Washington DC và sở hữu một căn nhà thứ hai ở khu nghỉ mát Ocean City, bang Maryland.
Trở lại, bị phản bội và bị bắt
Về phần Koecher, sau cuộc đối đầu với Kalugin ở Prague, ông quay trở lại New York chuyển sang giảng dạy môn triết học. Còn vợ ông, bà Hana vẫn làm ăn trong ngành kinh doanh kim cương. Do những lời đe dọa từ StB, Koecher đã phải rời khỏi công việc ở CIA. Cuộc sống ở Manhattan cứ thế lặng lẽ trôi, khiến Koecher tưởng rằng mình có thể sống ở Mỹ suốt đời.
Thế nhưng, lại một lần nữa, duyên nợ của ngành tình báo lại tìm đến ông. Năm 1982, một người đàn ông đã thả vào hộp thư văn phòng công ty của bà Hana một bức thư, với nội dung yêu cầu Koecher hãy đến gặp ông ta tại một góc phố vào buổi chiều cùng ngày.
Người đã đề nghị gặp Koecher tên là Jan Fila, mật danh Sturma, một điệp viên Tiệp Khắc hoạt động ở Liên Hiệp Quốc. StB lúc này đang muốn kích hoạt Koecher trở lại, và Fila đã thay mặt tình báo Tiệp Khắc xin lỗi Koecher và yêu cầu ông quay trở lại.
Hồ sơ StB cho biết thời đó giới lãnh đạo tình báo Tiệp Khắc đã tin tưởng Koecher trở lại, nhờ sự hậu thuẫn lớn từ Moskva. Sự hồi sinh bất ngờ này của Koecher diễn ra cùng lúc với sự đi xuống của Kalugin, lúc này đã mất chức sếp phản gián đối ngoại, chuyển về làm Phó chi nhánh KGB tại Leningrad từ năm 1980.
Thế là Koecher lại bắt đầu làm điệp viên trở lại, kết nối lại các mối quan hệ cũ trước đây. Vợ ông, bà Hana cũng tham gia làm điệp viên trở lại, nhận nhiệm vụ chuyển giao các mẩu tin tức bí mật thay ông. Mỗi chuyến giao nhận tin tức như thế bà được nhận "thù lao" 500 USD hoặc nhiều hơn. Các cuộc gặp gỡ, chuyển tin tức đều do người của KGB sắp xếp.
Vào tháng 12-1983, Koecher và Fila có một "cuộc họp" bên trong một nhà tắm hơi ở Vienna, Áo. Koecher đề xuất thành lập các tổ chức phi chính phủ làm vỏ bọc thực hiện công việc tình báo. Thời đó, đây là một ý tưởng kỳ quặc (nhưng là ý tưởng hay của tình báo trong thế kỷ XXI). Năm 1983 trôi qua một cách tốt đẹp.
Nhưng năm 1984, tình hình bắt đầu xấu đi. Không biết từ nguồn tin nào, FBI đã đánh hơi được và theo dõi vợ chồng Koecher từ 3 năm trước đó. Họ cài bọ nghe lén nhà ở của Koecher và cả chiếc xe ông đi, cả văn phòng làm việc của bà Hana.
4 giờ 15 phút chiều ngày 27-11-1984, bên ngoài Khách sạn Barbizon Plaza, Koecher bị bắt giữ với cáo buộc làm gián điệp. Trước khi bắt Koecher, FBI đã đưa ra lời đề nghị ông quay trở lại làm việc cho CIA chống lại Liên Xô. Có nghĩa là Koecher sẽ phải làm điệp viên hai mang cho CIA, nhưng ông đã từ chối.
Ở trong nhà tạm giam, Koecher đối mặt mức án tù chung thân, đồng thời tính mạng có thể bị đe dọa do đụng độ với bọn đầu gấu trong tù. Ông viết một lá thư và yêu cầu luật sư của mình chuyển về Moskva cầu cứu. Lá thư được đặt trên bàn làm việc của Chủ tịch KGB Kryuchkov.
Trong thư, Koecher đề nghị trao đổi ông với tên tù phản động Anatoly Sharansky. Vài tháng sau, đầu năm 1986, Koecher gọi điện thoại cho vợ, và được báo là sẽ gặp một luật sư tên là Wolfgang Vogel. Vài tuần sau, qua sự dàn xếp của Vogel, Koecher được ngồi trong chiếc xe Mercedes màu vàng, người cầm lái là Helga, vợ của Vogel. Họ hướng về phía biên giới giữa Đông và Tây Đức, đi qua cây cầu nổi tiếng mang tên Glienicke - cây cầu Điệp viên.
Ai đã bí mật chỉ điểm để FBI theo dõi và bắt Koecher cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng năm 2004, cựu điệp viên KGB Sokolov đã không ngần ngại nói thẳng: "Chính Kalugin đã cộng tác với CIA và bán đứng Koecher". Tuy nhiên, một số cựu điệp viên CIA cùng thời lại cho rằng chính Fila chứ không phải Kalugin đã "bán đứng" Koecher.
Sử gia về CIA Benjamin Fischer khẳng định rằng Chính phủ Mỹ thời đó đã nhận được thông tin mật báo về Koecher từ một sĩ quan tình báo Tiệp Khắc. Và tháng 12-1989, một tháng sau sự kiện "Cách mạng nhung", Fila đột ngột biến mất. Người ta nghi ngờ ông này đã sang Mỹ với một tên họ hoàn toàn khác.