Kẻ ám sát Kennedy là điệp viên của tổ chức nào?

Thứ Tư, 10/12/2008, 09:00
Cho tới giờ vẫn có rất nhiều giả thuyết và tranh cãi khác nhau về thủ phạm thực sự đứng đằng sau vụ ám sát trên, trong đó có cả “dấu vết từ nước Nga”.

Theo những kẻ ủng hộ giả thuyết này, Oswald là một điệp viên của KGB, được Cơ quan Tình báo Xôviết sử dụng cho mục đích ám sát Kennedy.

Đúng 45 năm sau, các phóng viên của Nga đã có dịp gặp gỡ với cựu Đại tá tình báo Xôviết Oleg Nechiporenko, người đã trực tiếp gặp gỡ Oswald chỉ hai tháng trước khi xảy ra vụ ám sát. Sau khi về hưu, ông Nechiporenko còn bỏ ra rất nhiều thời gian nghiên cứu các tài liệu lưu trữ của KGB, các tài liệu chính thức và không chính thức của phương Tây liên quan đến Lee Harvey Oswald. Những tiết lộ cũng như kết quả nghiên cứu của Nechiporenko có thể giúp trả lời được câu hỏi: Liệu Lee Harvey Oswald có phải là điệp viên của KGB?

Cựu đại tá KGB Oleg Nechiporenko, người đã trực tiếp gặp gỡ Oswald.
Theo Đại tá Nechiporenko, Oswald là một cựu chiến binh thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ. Anh ta đã đăng ký một chuyến du lịch tới Phần Lan, sau đó xin thị thực để sang thăm Liên Xô. Trong khi tham quan Moskva, Oswald đã nói với hướng dẫn viên du lịch rằng, anh ta muốn xin ở lại Liên Xô để góp sức xây dựng chủ nghĩa Cộng sản. Thông tin trên ngay lập tức được báo lên Cơ quan an ninh. Sau khi điều tra cho thấy, ngay từ thời còn phục vụ trong lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, Oswald đã tỏ ra say mê chủ nghĩa Mác. Khi đề nghị của Oswald được chuyển tới các cấp cao hơn, các cơ quan tình báo và phản gián đã được lệnh phải tìm hiểu kỹ trường hợp này.

Ban đầu, các nhân viên tình báo Xôviết tiếp cận với Oswald thông qua vỏ bọc của cơ quan du lịch “Intourism”. Quá trình này cho thấy, Oswald là loại người khó có thể chỉ đạo, cũng như dự tính về phản ứng của anh ta trong mọi trường hợp. Nói cách khác, Oswald thuộc loại người có tâm lý không ổn định, dễ dàng cáu bẳn và giận dữ. Dù ban đầu chính quyền Xôviết đã khước từ đề nghị xin được cư trú của Oswald, nhưng anh ta vẫn tìm đủ mọi cách để đạt được điều này. Trong một lần với tâm lý thiếu kiềm chế, Oswald đã tự cắt ven tay mình và được đưa vào bệnh viện. Các cấp chính quyền đến mức này đã phải suy tính lại: họ không muốn mang tiếng đồn về một người bị từ chối cho ở lại cùng xây dựng chủ nghĩa Cộng sản nên phải tìm cách tự sát.

Cuối cùng, Oswald được cho phép đến sống tại Minsk, tất nhiên dưới sự giám sát bí mật và thường xuyên của các nhân viên an ninh. Anh ta còn được giúp xin vào làm việc tại một nhà máy sản xuất điện tử, được cấp căn hộ và có mức lương đủ sống. Một năm sau, Oswald cưới một nữ công dân Xôviết và  có một con gái. Quan hệ của Oswald với vợ cũng gặp nhiều mâu thuẫn, và anh ta không ít lần thể hiện sự nóng giận bằng cách dùng vũ lực.

Sau khoảng 2 năm rưỡi sống và làm việc tại Minsk, Oswald bỗng dưng đổi ý, nằng nặc đòi được trở về Mỹ. Khi gặp khó khăn về việc cấp thị thực cho vợ, anh ta còn viết thư gửi cho một vài thượng nghị sĩ tại quê nhà, đề nghị họ giúp đỡ. Tương tự như khi mới tới Liên Xô, Oswald ban đầu cũng nằm dưới sự giám sát của FBI và CIA vì nghi ngờ anh ta có thể đã được KGB tuyển mộ. Ngay từ trước khi sang Liên Xô, nhiều người quen biết Oswald tại Mỹ đã từng nhận xét về những hành vi khác thường của anh ta. Đến khi trở về Mỹ, khoảng một năm trước vụ ám sát Kennedy, Oswald đã dùng chính khẩu súng trường đã dùng ám sát Tổng thống để bắn một viên tướng về hưu, khi đó đang đứng đầu một tổ chức thân phát xít. Nhưng vào thời điểm đó, các nhà chức trách đã không lần ra thủ phạm.

Sự kiện này chỉ được biết khi cô vợ góa Marina của Oswald kể lại. Cũng theo Marina, anh ta có lần còn bàn với vợ: “Hay là anh mua cho em một khẩu súng lục, và chúng ta hãy cùng cướp máy bay chạy sang Cuba”. Rõ ràng với những tính cách thất thường kiểu trên, không có gì là quá bất ngờ nếu như Oswald nghĩ tới chuyện ám sát Tổng thống Kennedy.

Theo Đại tá Nechiporenko, ông đã có tới hai lần gặp gỡ Oswald, khi còn là một điệp viên KGB, hoạt động dưới vỏ bọc của một nhân viên ngoại giao trong Đại sứ quán Liên Xô tại Mexico.  Trong lần đầu tiên, Oswald tới Đại sứ quán để xin thị thực vào Liên Xô, nơi anh ta đã sống trước đó. Oswald còn nói rằng anh ta đang bị mật vụ Mỹ săn đuổi.

Trong thời gian chờ đợi để xác minh, Oswald lại đến Đại sứ quán Cuba để xin sang sống tại nước này. Những gì Oswald nhận được cũng chỉ là những lời hứa hẹn xem xét. Anh ta quay trở lại Đại sứ quán Liên Xô, còn mang theo một khẩu súng lục. Oswald nói với Nechiporenko rằng, anh ta cần có một khẩu súng để tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị FBI săn đuổi.

Về sau, Đại tá Nechiporenko còn nhìn thấy khẩu súng trên từ bức ảnh trong báo cáo của Ủy ban điều tra Warren hồi tháng 9/1964. Rất có khả năng Oswald đã dùng chính khẩu súng lục này để bắn viên cảnh sát đang cố gắng bắt giữ anh ta không bao lâu sau vụ ám sát Kennedy.

Trong giai đoạn đầu tiên khi điều tra vụ ám sát Kennedy, đã có rất nhiều giả thuyết cho rằng Oswald có thể là điệp viên của CIA hay FBI. Còn về chuyện anh ta từng sống tại Liên Xô, nên giả thuyết về một điệp viên KGB là chuyện chắc chắn phải được tính đến. Tuy nhiên nếu hiểu rõ chân dung tâm lý và tính cách phức tạp của nhân vật này, có lẽ chẳng có cơ quan mật vụ nào dám sử dụng anh ta

Linh Nga (tổng hợp)
.
.