“Kế hoạch Colombia” chống lại phiến quân FARC
Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) một thời được coi là tổ chức phiến quân hùng mạnh trên thế giới, tuy nhiên FARC hiện nay chỉ là lực lượng nhỏ và yếu đuối, một phần nhờ vào chương trình hành động bí mật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) - gọi là “Kế hoạch Colombia” bắt đầu từ năm 2000 - giúp quân đội Colombia tiêu diệt ít nhất 20 thủ lĩnh của họ - theo tiết lộ của các quan chức Colombia và Mỹ.
Cùng với sự hỗ trợ tình báo nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), CIA sử dụng quỹ đen tài trợ cho chính quyền Colombia hàng tỉ USD. Chương trình mật được Tổng thống George W. Bush phê chuẩn và tiếp tục dưới thời tổng thống Barack Obama.
“Kế hoạch Colombia” cung cấp 2 sự hỗ trợ chủ yếu cho cuộc chiến của chính quyền Colombia chống lại FARC và lực lượng Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN) - đó là tình báo thời gian thực cho phép quân đội chính phủ săn lùng các thủ lĩnh phiến quân và bắt đầu từ năm 2006 với vũ khí đặc biệt hiệu quả trong chiến đấu.
Chương trình bí mật của CIA ở Colombia là một trong số nhỏ những hoạt động tình báo ở nước ngoài che mắt được công chúng Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn của tờ Washington Post đối với tổng thống Juan Manuel Santos khi ông đến Mỹ, ông chỉ trả lời: “Một phần các chiến dịch hiệu quả của chúng tôi là kết quả của sự huấn luyện và kiến thức mà chúng tôi có được từ nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ”.
Thu thập thông tin về các mục tiêu FARC
FARC là phong trào nông dân cánh tả thành lập năm 1964 với mục đích tìm kiếm đất đai và công lý cho người nghèo. Năm 1998, Tổng thống Combia lúc đó là Andres Pastrana trao cho FARC một vùng đất rộng hơn 40 nghìn km2 nhằm mở đường cho những cuộc đàm phán hòa bình nhưng những cuộc tấn công bạo lực vẫn diễn ra lan tràn khi phiến quân dính líu đến buôn lậu ma túy.
Một hỗn hợp nguy hiểm giữa FARC, các cartel ma túy, tổ chức bán quân sự và lực lượng an ninh tham nhũng đã tạo nên cơn bão bạo lực chưa từng có trong khu vực Mỹ Latinh hiện đại. Hơn 20 triệu người thiệt mạng trong cuộc chiến tranh kéo dài và nhiều ngàn người mất tích. Chính quyền Mỹ đã tuyên bố FARC là tổ chức khủng bố vì những vụ giết người và buôn lậu ma túy của nó.
Tổng thống Juan Manuel Santos. |
Năm 2000, phiến quân bắt đầu nhắm mục tiêu vào các lãnh đạo chính trị Colombia, ám sát các ứng cử viên địa phương cũng như mưu sát ứng cử viên tổng thống Alvaro Uribe. Do lo sợ Colombia trở thành nhà nước suy yếu dẫn đến sự lớn mạnh của tội phạm ma túy tấn công vào nước Mỹ cho nên chính quyền Tổng thống G.Bush và Quốc hội Mỹ bắt đầu chương trình trợ giúp quân đội Colombia thông qua "Kế hoạch Colombia".
Năm 2003, sự dính líu của Mỹ ở Colombia lên đến 40 cơ quan và 4.500 người làm việc quanh Đại sứ quán Mỹ ở Bogota, lúc đó được coi là cơ quan ngoại giao lớn nhất của Mỹ trên thế giới. Theo “Kế họach Colombia”, CIA không được phép tham gia trực tiếp vào các chiến dịch. Quốc hội Mỹ cũng không cho phép quân đội nước này dính líu vào Coombia nhằm tránh sự leo thang chiến tranh như từng xảy ra ở Nicaragua, El Salvador, Honduras và Panama trong thập niên 80 của thế kỷ trước.
Một sĩ quan được Giám đốc CIA George Tenet biệt phái đến thủ đô Bogota của Colombia để thành lập một phòng tình báo bên trong Đại sứ quán Mỹ gọi là "Bunker". Đó là căn phòng chật chội có diện tích chỉ khoảng 20m2, trần thấp và được trang bị 3 dãy máy tính với 8 người ngồi ở mỗi dãy - một số miệt mài nghiên cứu các bản đồ vệ tinh về rừng rậm, còn số khác lùng sục những vị trí ẩn náu ngầm dưới đất của phiến quân FARC. Những giao tiếp qua điện thoại di động và radio của phiến quân bị chặn bắt được NSA giải mã và dịch ra tiếng Anh.
Các chuyên gia phân tích của Bunker tìm kiếm mối liên kết giữa các cá nhân với đường dây vận chuyển ma túy, vũ khí và tiền bạc của phiến quân. Bunker cũng giúp Colombia xây dựng mạng lưới tình báo tín hiệu trên cả nước. Bên ngoài Bunker, các sĩ quan CIA cùng với nhân viên hợp đồng huấn luyện, tuyển mộ người chỉ điểm cho những người Colombia đã qua xem xét lý lịch và kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối một cách chặt chẽ.
CIA cũng huấn luyện các nhà thẩm vấn Colombia cách đặt ra nhiều câu hỏi hiệu quả để khai thác thông tin từ những phần tử đào ngũ khỏi lực lượng FARC mà không cần dùng đến những kỹ thuật gọi là "thẩm vấn tăng cường" được chính quyền Mỹ cho phép sử dụng đối với Al-Qaeda và về sau bị Quốc hội Mỹ hủy bỏ.--PageBreak--
CIA cũng tạo ra các cơ sở dữ liệu phục vụ cho cuộc tìm kiếm và lập nên một bức tranh hoàn hảo hơn về tổ chức vũ trang FARC. Về phía mình, chính quyền Colombia thưởng tiền cho những phần tử phiến quân đào ngũ và cho phép họ tái hội nhập xã hội. Sau đó, một số phần tử này tự nguyện cung cấp nhiều thông tin giá trị về FARC bao gồm: hệ thống chỉ huy, những con đường hành quân, những khu trại, mạng lưới hậu cần và các nguồn ma túy và tài chính của tổ chức. Ngoài ra, họ còn giúp NSA nhận diện những giọng nói thường sử dụng những từ ngữ mã hóa.
Đôi khi, CIA còn sử dụng phiến quân đào ngũ thâm nhập vào các khu trại FARC để lắp đặt những thiết bị nghe lén hoặc các thiết bị dẫn đường phát tín hiệu cho máy bay ném bom thông minh. Nhưng, CIA nhanh chóng nhận ra rằng việc xác định vị trí của các thủ lĩnh FARC còn dễ hơn việc bắt giữ hoặc tiêu diệt. Khoảng 60 lần, quân đội Colombia nhận được thông tin tình báo. Tuy nhiên, việc thực hiện các vụ bắt giữ, ám sát các thủ lĩnh của FARC không hề dễ dàng, bởi FARC có hệ thống cảnh báo từ xa.
Thủ lĩnh FARC Raul Reyes năm 2002 ở Los Pozos, Colombia. |
Cuộc chiến tranh tiêu diệt mục tiêu bằng vũ khí thông minh
Tomas Medina Caracas - thủ lĩnh Mặt trận thứ 16 của FARC và cũng được gọi là Negro Acacio - là nhân vật đầu tiên mà Bunker quyết định tiêu diệt bằng cuộc tấn công bom thông minh hay PGM. Khoảng 4h30 sáng ngày 1/9/2007, máy bay thả vài quả bom thông minh "Enhanced Paveway II" xuống khu trại của Negro Acacio nằm ở miền Tây Colombia và xét nghiệm ADN cái chân duy nhất còn lại trên trận địa sau đó chứng minh thủ lĩnh này đã chết.
Khoảng 6 tuần sau, những quả bom PGM của Mỹ tiếp tục tiêu diệt Gustavo Rueda Diaz, tức Martin Caballero, thủ lĩnh Mặt trận thứ 37 của FARC trong khi hắn đang nói chuyện qua điện thoại di động. Sau khi tiêu diệt được Negro Acacio và Caballero, hai thủ lĩnh hàng đầu của phiến quân, 2 mặt trận 16 và 37 tan rã hoàn toàn. Cái chết của hai thủ lĩnh FARC cũng gây ra làn sóng đào ngũ lan rộng trong hàng ngũ phiến quân - theo mật thư Bộ Ngoại giao Mỹ đề ngày 6/3/2008 và được Wikileaks tiết lộ vào năm 2010.
Lực lượng FARC. |
Tháng 3/2008, với sự đồng ý ngầm của Mỹ, không quân Colombia ném những quả bom thông minh PGM qua biên giới Ecuador giết chết thủ lĩnh Raul Reyes. Vào mùa xuân năm 2009, mục tiêu kế tiếp của CIA là trùm buôn lậu ma túy Daniel Herrera, hay còn gọi là Don Mario, lúc đó là phần tử truy nã đặc biệt ở Colombia và là người chịu trách nhiệm về 3.000 vụ ám sát trong thời gian hơn 18 tháng. Nhưng, đây chỉ mới là bước đầu trong kế hoạch đánh tan tổ chức vũ trang FARC của CIA.
Sau các trận ném bom PGM, binh sĩ Colombia sẽ tiến vào khu vực để tuy bắt những người còn sống sót, thu dọn xác chết cũng như điện thoại di động, máy tính và các ổ cứng. Các sĩ quan CIA cũng trải qua 3 năm huấn luyện cho phi công Colombia sử dụng những quả bom thông minh dẫn hướng bằng laser tấn công các mục tiêu. Mỗi một chiến dịch như thế đều phụ thuộc rất lớn vào nguồn tình báo tín hiệu của NSA. Nhưng, đây mới là bước đầu trong kế hoạch đánh tan tổ chức vũ trang FARC của CIA