Kế hoạch “chôn” tàu ngầm hạt nhân của Anh ở Scotland

Thứ Hai, 31/08/2020, 12:01
Chính phủ Anh từng lên một kế hoạch tuyệt mật mà mãi gần đây mới được giải mật một phần bởi Lưu trữ quốc gia Anh, đó là nước này từng có ý định sẽ chôn lớp vỏ nhiễm phóng xạ của 22 tàu ngầm hạt nhân xuống vùng biển ở ngoài khơi phía Tây Bắc Scotland. Thực hư của ý đồ này là như thế nào?


Kho tàu ngầm “quá đát” của Anh

Một cuộc khảo sát được tiến hành bởi Bộ Quốc phòng Anh (MoD) vào thời điểm năm 1989 đã định vị được 6 địa điểm “lưu trữ dưới đáy biển” của các tàu ngầm hải quân từ lâu không còn tồn tại nằm gần 3 hòn đảo Skye, Mull và Barra trong suốt 60 năm qua – hoặc có lẽ là lâu hơn nữa. Những nghiên cứu chi tiết và có tính bảo mật cao của MoD đã kết luận rằng kế hoạch là “khả thi” và sẽ “xóa đi những bận tâm của quốc tế về thứ mà người Anh phải đối mặt trong việc xử lý các tàu ngầm trong vùng biển quốc tế”. 

Theo một quan chức giấu tên của MoD thì mục đích chính là “loại bỏ tàu ngầm khỏi sự để tâm của dư luận”, hay còn một hy vọng khác đó là “người ta sẽ nhanh quên đi chúng (các tàu ngầm), đồng nghĩa chúng sẽ dần mục nát vô thời hạn”.

Những tiết lộ chấn động đã làm dấy lên sự tức giận và la ó từ phía giới chính trị gia và các nhà thực hiện chiến dịch khi họ cáo buộc MoD coi Scotland như cái “thùng rác hạt nhân” đúng theo nghĩa đen. Phía MoD phản pháo rằng các kế hoạch chôn tàu ngầm hiện tại đều đáp ứng với những tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất về an toàn và an ninh. Kế hoạch chôn dưới biển từ năm 1989 đã kết thúc trong im hơi lặng tiếng. 

Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo Dreadnought của Hải quân Anh. Ảnh nguồn: Naval Technology.

Bên cạnh đó MoD cũng đang bóp trán suy nghĩ phải làm gì để xử lý khi mà số lượng tàu ngầm hạt nhân ngày càng gia tăng mà đã từ lâu không ra chiến trường. Kể từ thập niên 1980, 7 tàu ngầm bị loại bỏ đã nằm trong kho của Hải quân Rosyth ở Fife (Scotland). Sang thập niên 1990, thêm 13 tàu nằm trong kho ở cảng hải quân Denvonport ở Plymouth (Anh). 9 con tàu trong số này vẫn còn tồn tại nhiên liệu phóng xạ. Được biết tại 2 địa điểm trên từng lưu trữ tới 4500 tấn vật liệu độc hại và gây tiêu tốn 0,5 tỷ bảng Anh của người nộp thuế Anh.

Xa hơn có thêm 8 tàu ngầm hạt nhân đang được phục vụ, 1 chiếc trong thời gian đại tu, và 9 chiếc khác đang hoạt động ở vịnh Faslane (căn cứ hải quân tàu ngầm hoàng gia Clyde) bao gồm 4 thế hệ tàu ngầm mới được trang bị hệ thống tên lửa Trident. Tổng cộng sẽ có khoảng 38 tàu ngầm hạt nhân cần phải được chôn đâu đó. 

Thực ra, MoD đã bắt đầu dự án phân rã tàu ngầm ngay từ năm 2000 nhưng mãi đến năm 2016 mới loan báo tin về một nhà máy hạt nhân ở Capenhurst (Cheshire) đã được lựa chọn làm “nơi lưu trữ tạm thời” cho chất thải phóng xạ. Tuy nhiên, việc lưu trữ chất thải tại Chapelcross (Tây Nam Scotland) đã bị từ chối do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía chính phủ Scotland. Công tác phân rã tàu ngầm “thao diễn” đầu tiên mang tên Swiftsure đã diễn ra ở Rosyth vào năm 2016.

Trong một thông cáo báo chí phát đi vào tháng 12 năm 2018, MoD tuyên bố rằng có hơn 70 tấn chất thải phóng xạ và phi phóng xạ đã bị loại bỏ; và công tác phá dỡ tàu ngầm thứ hai mang tên Resolution sẽ được bắt đầu vào năm 2019. Nhưng vấn đề ở đây là phải làm gì với chiếc tàu ngầm đầu tiên đã ngừng hoạt động, cũng như nó kéo theo sự tranh luận rôm rả giữa các bộ trưởng và quan chức ngay từ năm 1989. 

Chiếc Dreadnought được đưa ra khỏi biên chế vào năm 1980 và rồi chuyển tới nhà kho ở Rosyth. Gần đây các tài liệu được giải mật tại Lưu trữ quốc gia Anh ở London đã cho thấy kế hoạch ban đầu (cũng được giữ bí mật tại thời điểm đó) là cho chôn vùi tàu ngầm Dreadnought trong vùng biển quốc tế ở Đông Bắc biển Đại Tây Dương. Song kế hoạch này buộc phải dỡ bỏ do vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Mỹ và quốc tế.

Mưu đồ “lưu trữ đáy biển”

Bức ảnh lấy từ Lưu trữ quốc gia Anh cho thấy 6 địa điểm chôn vùi các tàu ngầm hạt nhân cũ.

Một báo cáo nội bộ của MoD công bố vào tháng 10 năm 1988 có đoạn viết: “Chôn lấp ngoài biển sẽ làm khuấy động các tranh cãi quốc tế. Anh sẽ bị cô lập trên trường quốc tế”. Vì thế MoD đã nhen nhóm ý tưởng “lưu trữ đáy biển” với khoảng 22 tàu ngầm trong độ dài niên hạn từ 20 năm đến 60 năm. 

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng những địa điểm chôn lấp tiềm năng phải nằm ngoài các tuyến hàng hải vận chuyển, đủ sâu để vuột khỏi tầm với của các thợ lặn vì mục đích giải trí, và nằm trong tầm nhìn từ phía đất liền để có thể kịp thời phát giác nếu có người tiếp cận bằng tàu ngầm. Một bản ghi nhớ có từ tháng 2 năm 1989 lưu ý rằng việc tiếp cận các bãi chôn lấp sẽ bị hạn chế.

Bản ghi nhớ có đoạn viết: “Có thể thiết lập một khu vực bị cấm vĩnh viễn, và nếu cần thiết thì có thể đánh dấu nó bằng phao. Ngoài ra, ít nhất cũng phải thiết lập thêm một khu vực cấm đánh bắt thủy sản và neo đậu”. MoD cũng tiến hành một đợt khảo sát thủy văn công phu để lập bản đồ 6 địa điểm khả thi, tất cả những nơi này đều nằm ở duyên hải Tây Bắc Scotland. 

6 địa điểm chôn lấp tuyệt mật đó có thể kể rõ như sau: 1 điểm nằm ở phía Bắc đảo nhỏ Skye gần Raasay; 1 điểm khác ở phía Nam nằm gần Rum; 1 điểm nữa sẽ nằm giữa 2 đảo Mull và Jura; thêm 1 điểm nằm ở phía Đông Nam đảo Barra; 2 điểm còn lại sẽ nằm trong vùng biển Hebrides với các điểm nhấn là giữa 3 hòn đảo Barra, Tiree và Coll.

Dù đã có nhiều nghiên cứu, nhưng việc xây dựng một phương pháp xử lý chất thải hạt nhân vĩnh cửu và an toàn vẫn chưa được thiết lập. Một vài quốc gia có kế hoạch xây dựng các kho lưu trữ địa chất ở lòng đất sâu, nơi chất thải hạt nhân sẽ nằm sâu hàng trăm mét tính từ mặt đất, tuy nhiên vẫn còn đó sự không chắc chắn xoay quanh khả năng tồn tại của phương pháp này. 

Chính phủ Anh hiểu rằng việc xây dựng các cơ sở xử lý chất thải hạt nhân sẽ vấp phải sự phản đối từ người dân địa phương. Họ lo là có nguyên do, vì chất thải sẽ đe dọa ngộ độc cho môi trường và sức khỏe trong hàng ngàn năm. Kết quả, việc tìm kiếm địa điểm xử lý chất thải hạt nhân đã đình đình trệ suốt nhiều năm ở một số quốc gia bao gồm cả Anh. Và người Anh nảy ra một ý tưởng táo bạo.

Theo kế hoạch: các tàu ngầm sẽ được niêm phong, rồi dùng tàu chuyên dụng kéo chúng ra khỏi nhà kho Rosyth và đánh chìm chúng xuống đáy biển. Khoảng tháng 2 năm 1989, một quan chức MoD đã lưu ý với các đồng nghiệp rằng tàu ngầm Dreadnought đã bị “tẩy chay” bởi các công đoàn viên tại bến tàu do đó họ nên chuẩn bị kế hoạch “công tác truyền thông”. 

Một vài viên chức đã cảnh báo về những khó khăn của việc trục vớt tàu ngầm sau 60 năm kể từ ngày bị đánh chìm. Quan chức của MoD, P J H Evans thời điểm ngày 13 tháng 3 năm 1989 đã cảnh báo: “Có một sự không chắc chắn về điều kiện tồn tại của chúng (các tàu ngầm), do vậy phải làm công tác truyền thông thật hiệu quả nhằm đạt mục tiêu cao nhất là mọi người sẽ quên đi những chiếc tàu ngầm và chúng sẽ từ từ mục ruỗng vô thời hạn”.

Trong một suy nghĩ sau đó, ông H Evans đã gạch đi chữ “cao nhất” trên tài liệu in và thay thế vào đó chữ “lễ độ”. 3 ngày sau khi viên chức H Evans phát đi cảnh báo, đến lượt một viên chức khác của MoD là P H Briscoe đã mô tả lý do thực hiện công tác “lưu trữ đáy biển” là “loại bỏ tàu ngầm khỏi mối bận tâm hoặc xét nét của công luận” và “cho phép có một mốc thời gian (60 năm) để quyết định xử lý vĩnh viễn lò phản ứng của tàu ngầm”.

Các tài liệu được lưu trữ đã được tiếp cận và chụp ảnh bởi nhà nghiên cứu hạt nhân kỳ cựu, Brian Burnell, ông phát biểu: “Thật khó mà tin nổi MoD đã bí mật đánh chìm các tàu hạt nhân cũ xuống đáy biển gần Scotland trong chưa đầy 30 năm. Không hề ngạc nhiên nếu như những kế hoạch tuyệt mật này bị phơi bày trước công luận tại thời điểm đó thì sẽ gây sự giận dữ, vì vậy mà họ (MoD) cố gắng giữ chúng trong vòng bí mật. Thiết tưởng rằng một số thành viên trong bộ sậu của MoD đã tính toán tới lui để loại bỏ số tàu ngầm nhằm thoát khỏi sự chú ý, và khiến họ nhẹ gánh lo âu, dần tiến tới hủy bỏ vĩnh viễn”. 

Ngài Douglass Chapman, một nghị sỹ Đảng Quốc gia (SNP) của Dunformline và Tây Fife (Scotland) lập luận rằng người Anh còn không biết phải làm gì với những mảnh vỡ phóng xạ của họ.

Ông Chapman bức xúc: “Người Anh đang tỏ thái độ ngạo mạn và khinh thường trong việc xử lý chất thải hạt nhân của họ. Phải chăng họ nghĩ Scotland là cái thùng rác? Chúng tôi đã thấy MoD chôn đạn dược ở Solway Firth và vật liệu phóng xạ ở vịnh Dalgety”. 

Tổ chức Những người bạn đất Scotland (FES) cho rằng MoD đã không rút ra được bài học từ các sai lầm trước đó. Tiến sĩ Richard Dixon, giám đốc tổ chức môi trường FES,  nói: “Kế hoạch điên rồ của MoD đã đe dọa hủy hoại môi trường và sinh kế của toàn bộ miền Tây Scotland. Trong sự vùng vẫy đầy tuyệt vọng này, thứ mà chúng tôi biết là một trong số những cái lò phản ứng đang bị rò rỉ sẽ khiến một khu vực lớn duyên hải bị ô nhiễm theo”.

Xưởng đóng tàu ngầm Rosyth ở Fife (Scotland). Ảnh nguồn: Wikipedia.

Ông Dixon quả quyết: Loại kế hoạch như vậy khó mà chấp nhận được trong thời kỳ xảy ra Chiến tranh Lạnh thập niên 1950, huống hồ nó lại được cân nhắc nghiêm túc trong thập niên 1980”. Theo bà Jane Tallents, một cựu cố vấn dự án phá dỡ tàu ngầm của MoD, thì các kế hoạch chôn tàu dưới đáy biển Scotland đã không được đề cập trong suốt nhiều năm tham vấn cộng đồng. Bà Tallents nhấn mạnh: “Việc lôi những cái vỏ tàu to đùng này ra và nhấn chìm xuống biển khó mà giữ kín được lâu, còn cái ý đồ người ta sẽ quên đi chỉ là mơ tưởng”. 

Ông Arthur West, chủ tịch của Chiến dịch giải trừ hạt nhân Scotland (SCND), lại phàn nàn về kế hoạch của MoD: “Nó cho thấy một sự coi thường nghiêm trọng đối với sức khỏe và an toàn của người dân sống ở Tây Bắc Scotland”.

Các tài liệu được công bố cũng không nói rõ lý do vì sao dự án bị loại bỏ. Phát ngôn viên của MoD trước sau như một: “Xét dưới bất kỳ vấn đề nào, một loạt các đề xuất đã được đưa ra cho chính phủ Anh ngay trong ngày hôm đó nhằm thông báo về quyết định của họ. Sự lựa chọn đó đã tuân theo các phương pháp xử lý tàu ngầm tại thời điểm đó, và hành động nhấn chìm chúng đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe nhất về an toàn và an ninh”.

Phan Bình (tổng hợp)
.
.