Khuynh hướng tương lai của chủ nghĩa khủng bố
“Siêu khủng bố” là hành động đã được các chuyên gia nổi tiếng, các nhà báo, thậm chí là các nhà làm phim Hollywood dự báo nhiều lần nhưng không một ai thực sự tin vào điều đó cho đến khi xảy ra sự kiện ngày 11-9-2001, hoạt động “siêu khủng bố” đã chuyển từ những bóng ma thấp thoáng trong những lời tuyên bố hùng hổ hay những giả thuyết/ dự báo trình bày trên những trang giấy thành một hành động diễn ra trong thực tế.
Những gì đã diễn ra khiến toàn thế giới choáng váng và kinh hãi, không còn tin vào mắt mình khi hàng ngàn người chết cùng lúc, hai tòa tháp sụp đổ trong nháy mắt, truyền thông tràn ngập thông báo khẩn: “nước Mỹ bị tấn công”... Vậy “siêu khủng bố” là gì? Đâu là mục đích thực sự của nó?
Tấn công không cần lý do xác đáng?
Trước hết phải chỉ ra rằng việc đầu tư để thực hiện một chiến dịch siêu khủng bố không đòi hỏi những nguồn lực lớn nhưng sức phá hoại và những thiệt hại mà nó gây ra thì thật khủng khiếp.
Đối với những vụ tấn công kiểu như vụ 11 tháng 9, đào tạo một nhóm khủng bố để cướp ba chiếc máy bay thương mại sẽ cần một khoảng thời gian xấp xỉ hai năm với chi phí vài trăm ngàn đô, nhưng thiệt hại mà cuộc tấn công này gây ra thì thật khủng khiếp: 3.095 người đã chết tại chỗ; thành phố New York thiệt hại khoảng 93 tỷ USD, toàn nước Mỹ khoảng 200 tỷ USD…
Mục tiêu của những cuộc tấn công siêu khủng bố là nhằm gây thiệt hại tối đa cho đất nước nằm trong đích ngắm, gây mất ổn định và tạo ra một sự hoảng loạn trong toàn xã hội, một vụ siêu khủng bố sẽ hoàn toàn không giống như những vụ khủng bố truyền thống: không có yêu sách đòi tự do cho những tù nhân hay những người anh em cùng chung chiến hào, không tìm kiếm hào quang hay tiếng vang, không có những yêu sách chính trị, đây thuần túy là một hành động chiến tranh, một cuộc chiến tranh.
Dẫu không có những yêu sách rõ ràng, một chiến dịch siêu khủng bố luôn hướng tới một mục đích duy nhất: tàn sát đám đông, tạo ra một sự hủy diệt hàng loạt. Theo đánh giá của các chuyên gia tâm lý, siêu khủng bố đáng sợ hơn gấp trăm lần những vụ khủng bố trong thập niên 70.
Một trong những mục tiêu mà những kẻ khủng bố nhắm tới là tạo ra một tâm trạng bất an thường trực ở những người công dân bình thường, họ sẽ cho rằng không còn ai có khả năng bảo vệ họ, trong đó có cả chính quyền mà họ đã bầu lên làm lãnh đạo.
Tình trạng bất ổn tinh thần kéo dài sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng: mất tự tin, mất khả năng vận động, hoang tưởng cấp tính, hội chứng bị ngược đãi, cảm giác bất an hàng ngày...
Sau vụ tấn công ngày 11-9-2001, một đám khói và bụi dày đặc đã che khuất bầu trời New York trong nhiều ngày. |
Mục tiêu hoàn hảo cho một cuộc tấn công siêu khủng bố : sự tập trung của con người và của tài sản, sự giàu có ở cùng một địa điểm. Những mục tiêu dạng này hiển nhiên là hiếm gặp ở các nước trong thế giới thứ ba.
Như chúng ta đã chứng kiến, những mục tiêu đã được chọn thường là những thành phố lớn, những trung tâm kinh tế như London, Paris hay Madrit, những nơi có mật độ nhân khẩu cao và những hoạt động kinh tế tấp nập nhất, khi đó một cuộc tấn công với quy mô tối thiểu cũng có khả năng gây được những thiệt hại tối đa.
Sở dĩ hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York đã trở thành mục tiêu của vụ tấn công siêu khủng bố ngày 11-9 bởi vì chúng là biểu tượng của một nước Mỹ giàu có và hùng mạnh, hai tòa nhà này là niềm tự hào của nền công nghiệp xây dựng Mỹ: cao nhất, quy mô nhất và hiện đại nhất. Dưới chân hai tòa tháp là phố Wall, là khu tài chính New York, nơi tích lũy một lượng khổng lồ tài sản của thế giới.
Còn chọn tấn công vào Lầu Năm Góc, những kẻ khủng bố muốn giáng một đòn tâm lý: “Đừng ảo tưởng rằng không ai có thể chạm tới (nước Mỹ), đây chính là một nhát dao đâm vào chính giữa trái tim phòng thủ của nước Mỹ”.
Chính phủ, các cơ quan tình báo và giới chức quân sự Mỹ đã cảnh báo rằng những vụ siêu khủng bố mới rất có thể sẽ xảy ra ở một tương lai gần. Những chuyên gia an ninh thì nhấn mạnh rằng nhiều khả năng những vụ siêu khủng bố đó sẽ đi kèm với những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Dẫu luôn khẳng định rằng đây là một nguy cơ thấp nhưng chính phủ Mỹ vẫn rất nghiêm túc và cẩn trọng theo dõi sát vấn đề này. Ngay từ năm 2002, chính phủ đã lên một kế hoạch ứng phó khẩn cấp liên quan đến việc di chuyển các thành viên cao cấp của chính phủ đến nơi trú ẩn khi xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân. Tổng thống và phó tổng thống phải tuân theo những quy trình đặc biệt.
Theo nhận định của Jessica Stern, chuyên gia hàng đầu về vũ khí hủy diệt hàng loạt thì trong tương lai, khi thực thi các chiến dịch siêu khủng bố, những kẻ khủng bố có khả năng sẽ kích hoạt một thiết bị hạt nhân hay phát tán một loại vi rút dễ lây lan trong những đô thị lớn.
Nhận định trên đây là rất đáng lưu ý vì Jessica Stern (giáo sư về chính sách công tại Đại học Harvard) cũng đã từng phục vụ nhiều năm trong Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng, với vai trò giám đốc phụ trách những vấn đề liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố và vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ngày 11-9-2001, 2 chiếc máy bay bị không tặc đã biến thành những quả bom di động lao vào và đánh sập hai tòa tháp Trung tâm Thương mại thế giới ở New York. |
Viễn cảnh tương lai của siêu khủng bố
Nếu chúng ta nhìn vào một bảng thống kê chi tiết những vụ khủng bố đã nổ ra từ thời điểm 11 tháng 9 năm 2001 đến nay, chúng ta sẽ thấy những đặc trưng rất đáng lưu ý trong bức tranh toàn cảnh về khủng bố trên thế giới này.
Không có một tuyên bố chính thức về tình trạng chiến tranh, nhưng thực tế các nước Phương Tây dường như đang sống trong một cuộc chiến. Chưa bao giờ số những vụ đánh bom liều chết lại nhiều đến thế, chưa bao giờ số người chết và những thiệt hại đi kèm lại nặng nề đến thế.
Mỗi chiến dịch siêu khủng bố luôn đi kèm với hàng loạt những chiến dịch khủng bố “chân rết”. Sau Mỹ, Trung Đông và Châu Á, giờ đây chủ nghĩa khủng bố đang nở rộ ở Châu Âu, hàng loạt thủ đô các nước đã trở thành mục tiêu của khủng bố: Paris, London, Madrit, mỗi vụ tấn công (chẳng hạn như vụ nổ bom ở Madrit vào tháng 3 năm 2004) đều cho thấy quân khủng bố luôn đi trước một bước so với các cơ quan chống khủng bố...
Nếu như trước đây người ta xem các kịch bản như: dùng máy bay đánh bom cảm tử các thành phố lớn, cất giấu những quả bom nguyên tử thu nhỏ trong ba lô, phát động những chiến dịch tấn công mạng quy mô lớn vào các nhà máy nguyên tử hay những hệ thống bảo đảm an toàn hàng không... là những “kế hoạch hão huyền của một kẻ điên” thì ngày nay người ta buộc lòng phải xem rằng đó đều là những kịch bản rất khả thi và làm “toát mồ hôi lạnh” những người nghiên cứu về chúng.
Osama Bin Laden và Ayman al-Zawahiri, nhân vật số 1 và số 2 của al-Qaeda, những kẻ đã lên kế hoạch và thực hiện thành công chiến dịch “siêu khủng bố” đầu tiên trong lịch sử . |
Trong cuốn hồi ký xuất bản vào năm 2005, một cựu chuyên gia của FBI đã tiết lộ về những nỗ lực của al-Qaeda nhằm có được vũ khí hạt nhân.
Theo ông này, ngay từ năm 1993, al-Qaeda đã tìm cách mua những quả bom hạt nhân xách tay và cuối cùng chúng đã mua được 20 chiếc, với giá 30 triệu USD vào năm 1998. Điều đáng sợ hơn, theo chuyên gia này, là việc những quả bom này đã được thay đổi thiết kế để những kẻ đánh bom liều chết có thể đeo nó trong người.
Ý kiến này cũng được nhà báo Pakistan Hamid Mir, người viết tiểu sử Aymannal-Zawahri, nhân vật số 2 của al-Qaeda, hoàn toàn tán đồng. Ông khẳng định rằng các quả bom hạt nhân xách tay này đã được al-Qaeda mua trên thị trường chợ đen ở Trung Á, chúng ở trong những tình trạng hoàn hảo để hoạt động. Điều này đã được chính Aymannal-Zawahri khẳng định với ông.
Ngày 11-3-2004, hàng loạt bom đã phát nổ trên các chuyến tàu ở ngoại ô Madrit, Tây Ban Nha làm hơn 200 người chết và hàng ngàn người bị thương. |
Trong một báo cáo chính thức của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, có trụ sở đặt tại Mỹ) công bố vào những năm 2010, các chuyên gia không chỉ công nhận sự tồn tại của các loại bom hạt nhân “xách tay” này mà còn đi xa hơn khi đưa ra những tính toán về lượng bụi phóng xạ phát sinh khi những quả bom dạng này phát nổ, dưới đây là một số đoạn trích:
“Một quả bom hạt nhân loại này sẽ có sức nổ tương đương 20.000 tấn thuốc nổ TNT và có khả năng phá hủy một khu vực rộng hơn 7 km2. Nếu quả bom như vậy phát nổ ở mũi Manhattan, toàn bộ Phố Wall và Khu Tài chính sẽ bị phá hủy, với hàng nghìn nạn nhân. Hầu như không thể đánh giá tác động kinh tế của một cuộc tấn công như vậy. Đây là lý do tại sao cần phải chuẩn bị cho một tình huống như vậy, ngay cả khi xác suất của nó được coi là thấp”.