Kinh tế - Trọng tâm của tình báo đất nước Mặt trời mọc

Thứ Tư, 29/04/2020, 14:58
Nếu như tình báo Đức phát xít từ Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn được các nhà nghiên cứu đánh giá bằng một từ là “tình báo tổng lực” thì người đồng minh của họ trong thời kỳ này lại nổi tiếng với những hoạt động tình báo kinh tế.

Theo các chuyên gia, hoạt động tình báo Nhật Bản bắt đầu được hình thành vào giữa thế kỷ XIX, sau khi chính quyền nước này bắt buộc phải mở rộng cửa thông thương với nước ngoài trước sức ép của phương Tây. Cùng với việc phát triển những mối quan hệ thương mại, chính phủ Nhật bắt đầu gửi nhiều phái đoàn ngoại giao, thương mại và hải quân để khai thác thông tin tại châu Âu và châu Mỹ.

Những “thương đội bí mật”

Với tư cách của các thực tập sinh, người Nhật bắt đầu xâm nhập vào các nhà máy công nghiệp của Mỹ và châu Âu bắt nguồn từ điều khoản cam kết các ông chủ tại đây phải nhận người Nhật vào làm việc. Đó là một phần của thỏa thuận mà phương Tây phải chấp nhận để có thể có quyền buôn bán tại xứ sở mặt trời mọc. 

Thế là trong đội ngũ công nhân trên có không ít những kỹ sư có kinh nghiệm được giả dạng nhằm tìm hiểu và đánh cắp những bí mật kinh tế của phương Tây. Ngoài ra, còn có các phái đoàn ngoại giao, sinh viên và khách du lịch tham gia vào hoạt động tình báo kinh tế. Tất cả những thông tin khai thác được từ những đội quân trên qua nhiều kênh khác nhau sẽ được gửi tới Trung tâm tình báo Tokyo để sàng lọc và phân tích.

Biểu tượng của Cơ quan Tình báo quốc gia Nhật Bản.

Đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tình báo của Nhật vào giai đoạn này chính là những “hội yêu nước” tập hợp điệp viên từ tất cả các thành phần xã hội. Tất cả được liên kết bởi một mục đích chung: đó là thiết lập quyền thống trị của Nhật tại châu Á và sau đó là cả thế giới. Hội lớn nhất trong số này phải kể tới là hội “Rồng đen” với hơn 100 ngàn thành viên phân bố tại nhiều hạt nhân tại Mỹ, Mỹ Latinh và Bắc Phi.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, tình báo Nhật đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của các cơ quan mật vụ phương Tây, nhiều phương pháp hoạt động đặc biệt của họ đã khiến các quan chức tình báo Anh và Mỹ phải thực sự ngạc nhiên. Qua tiết lộ từ vài nguồn tin tại Nhật, công chúng có thể biết tới không ít những câu chuyện ấn tượng về hoạt động tình báo tại quốc gia này. 

Chẳng hạn như chuyện về một cô gái Mỹ gốc Nhật bị chết đuối trong thời gian về thăm quê hương vào giữa những năm 1950. Các nhân viên tình báo Nhật đã vớt được thi thể cô ta cùng với toàn bộ giấy tờ tùy thân. Thế là một nữ điệp viên thành thạo tiếng Anh (có mật danh là Lili Petal) được phẫu thuật thẩm mỹ để có ngoại hình giống với người đã chết. 

Nhờ đó, Lili đã đặt được chân tới một khu phố người Nhật tại New York, đảm đương xuất sắc vai trò một điệp viên tuyển mộ trong suốt nhiều năm. Điệp viên này được đánh giá là một trong những nguồn cung cấp thông tin tình báo chính cho sứ mạng biến Nhật thành một siêu cường kinh tế.

Năm 1990, một số công ty Nhật hoạt động trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ như “Nissan Motors”, “Ishikawajima-Harima Heavy Industries” và “Misubishi Heavy Industries” đã thành công trong việc mua được của một thương gia Mỹ nhiều phần mềm máy tính quan trọng. Thương gia này sau đó đã bị Washington bắt giữ vì tội bán trái phép các công nghệ quân sự. 

Theo tiết lộ của mật vụ Mỹ, các phần mềm bị phát hiện trong máy tính của kẻ bị bắt đều được xếp vào loại nghiêm cấm mua bán, do chúng được xây dựng trong khuôn khổ “Sáng kiến phòng thủ chiến lược” (Còn gọi là chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao”). Từ thời điểm đó, Tokyo luôn xác định, hoạt động tình báo công nghiệp là ưu tiên hàng đầu của tương lai, kèm theo đó là sự hỗ trợ hết mình của các quan chức hàng đầu cho các hoạt động trong lĩnh vực này.

Đó cũng là nguyên nhân hình thành một thế hệ điệp viên tình báo công nghiệp trẻ của xứ sở mặt trời mọc. Tại Nhật, các sinh viên từng có thời được hoãn nghĩa vụ quân sự, nếu như họ đồng ý tới các quốc gia phương Tây hoạt động với vai trò điệp viên. 

Tất nhiên, những phần tử này cũng phải trải qua một khóa đào tạo chuyên môn đặc biệt. Ngoài ra, họ còn được cử đến phòng thí nghiệm của các nhà bác học đang tập trung nghiên cứu trong lĩnh vực dự kiến sẽ khai thác thông tin sau này để học hỏi thêm.

Chẳng hạn như tại Đại học Tổng hợp Tokyo có một trường cao đẳng kỹ thuật được mật vụ phương Tây mệnh danh là “lò rèn cán bộ” cho hoạt động tình báo công nghiệp. Những sinh viên được đào tạo tại đây trước khi được cử sang Mỹ, Đức, Anh hay Pháp trong khuôn khổ các chương trình trao đổi văn hóa. Chẳng hạn như trong thời gian thăm viếng một hãng ảnh của Pháp, các sinh viên thực tập của Nhật bị phát hiện đã cố tình để cà vạt của mình nhúng vào bồn thuốc thử nhằm làm rõ thành phần hóa học của chúng.

Thương vụ cát đen

Năm 1978, Hãng “Asahari” của Nhật Bản liên hệ với Bộ Ngoại thương Liên Xô với đề nghị xin thuê hai năm một khu vực bờ biển ven làng Ozernovski, phía đông nam phần đuôi của bán đảo Camchatka. Mục đích của đề xuất này được họ giải thích là xây dựng khu nghỉ ngơi cho thủy thủ đoàn các tàu đánh cá của Nhật thường xuyên tổ chức đánh bắt tại khu vực biển Okhot.

Một cơ sở tình báo của Nhật Bản.

Sau khi nhận được sự chấp thuận và ký kết hợp đồng, người Nhật lại tỏ ra trì hoãn trong việc xây dựng khu nhà nghỉ. Thay vào đó, theo như báo cáo của lực lượng biên phòng tại đây, họ lại tập trung vào việc khai thác và vận chuyển một số lượng lớn cát đen tại khu bờ biển này. 

Giới lãnh đạo “Asahari” giải thích đây là việc chuẩn bị để xây dựng các dãy nhà nghỉ và bến tàu tại đây. Phía Bộ Ngoại giao Nhật còn quả quyết với phía Liên Xô rằng, số cát được xúc lên chỉ đơn giản để sau đó đem đổ xuống biển.

Theo chỉ thị của Chủ tịch KGB khi đó là Yuri Andropov, các vệ tinh do thám được lệnh giám sát chặt chẽ hành trình của những con tàu chở cát trên. Hóa ra số cát trên đều được chuyển về tận Nhật, cất giữ cẩn thận trong những nhà kho kín đáo tại đây. 

Tiếp đó cũng theo lệnh của Andropov, các phòng thí nghiệm của KGB được lệnh phân tích kỹ lưỡng thành phần sinh hóa của loại cát đen trên. Loại cát mà dân địa phương vẫn gọi là “cát đen” trên thực chất có nguồn gốc từ tro của núi lửa Mayon nằm trên hòn đảo Catanduanes (Philippines) nằm gần đó. Núi lửa này thường xuyên hoạt động và phun tro xuống khu vực đáy biển gần đó, theo hoạt động của hải lưu thường trôi dạt tới khu bờ biển Camchatka, cụ thể là tại khu vực làng Ozernovski.

Kết quả thí nghiệm cho thấy, loại tro trên chứa một hàm lượng rất lớn các thành phần đất hiếm như scandi, yttri, lantan, lanthanide. Ngoài ra, loại cát đen trên còn chứa vàng và bạch kim với hàm lượng khá cao. Khu vực bờ biển của làng Ozernovski là nơi duy nhất trên trái đất có thể khai thác trên bề mặt những loại thành phần đất hiếm trên, vốn đang là những thành phần quan trọng để sản xuất các thiết bị điện tử, laser và quang học. Nhờ đó, Bộ Ngoại thương Liên Xô đã quyết định xóa bỏ hợp đồng đã ký trên, đồng thời Bộ Ngoại giao cũng gửi một công hàm phản đối cho phía Nhật về chuyện này.

Mua kính… lấy gỗ

Năm 1976, Tổng giám đốc công ty quốc gia Ikebuco đã liên hệ với Hội đồng bộ trưởng Liên Xô đề nghị mua một số lượng lớn kính quầy hàng với giá cả hấp dẫn. Sau khi hợp đồng nhanh chóng được ký kết, các kiện hàng kính lớn liên tục được chuyển tới cảng Nakhodka để từ đây bốc xếp lên các tàu vận tải của Nhật.

Phải đến 3 năm sau, KGB thông qua mạng lưới điệp viên của mình mới phát hiện ra rằng, số kính đặt hàng trên thực tế chỉ đóng vai trò vỏ bọc. Ngay khi đoàn tàu chở kính vừa rời khỏi cảng Nakhodka để ra biển, toàn bộ thủy thủ đoàn nhanh chóng sử dụng các công cụ để khẩn trương gỡ các thùng gỗ bọc kính. Những tấm gỗ trên được nhanh chóng tập trung, phân loại và xếp cẩn thận vào những khoang chứa. Còn số kính vừa được mua nhanh chóng bị quẳng xuống biển.

Hoạt động tháo gỡ các container chứa kính được tiến hành khi tàu di chuyển với tốc độ tối thiểu vào lúc đêm tối dưới những ánh đèn pha trên tàu. Đây là biện pháp bảo vệ bí mật của thương vụ mua kính trên trước những con tàu qua lại gần đó, cũng như trước khả năng quan sát của các máy bay và trực thăng của lực lượng biên phòng Xôviết. 

Cũng vì mục đích đảm bảo bí mật, ban lãnh đạo Ikebuco chỉ thuê thủy thủ đoàn cho từng đợt mua hàng – thành phần chủ yếu là những thủy thủ nước ngoài thuê tạm tại Đông Nam Á và Indonesia với thù lao thấp. Sau khi hoàn tất một chuyến hàng, tất cả bị ép uống một cốc rượu gạo, trong đó được cho là đã pha sẵn một loại thuốc làm rối loạn trí nhớ tạm thời, khiến các thủy thủ sau khi lên bờ không thể nhớ họ đã làm gì trên tàu.

Theo tính toán, chỉ trong một chuyến hàng như vậy, đoàn tàu vận tải của Nhật có thể mang về nước khoảng 10 ngàn mét khối những loại gỗ giá trị nhất. Đơn giản là bất cứ sản phẩm xuất khẩu nào của Liên Xô đều được đóng kiện bằng những loại gỗ cứng và giá trị như thông Siberia, dẻ gai, sồi. 

Thế là nhờ mánh khóe trên, Nhật Bản (gần như không có nguồn gỗ từ thiên nhiên) cho đến cuối thế kỷ XX đã giành vị trí thứ ba thế giới, sau Tây Ban Nha và Italy, về xuất khẩu trên thị trường đồ gỗ. Các sản phẩm đồ gỗ của Ikebuco, được cung cấp cho các ông hoàng dầu mỏ Arab, tới Mỹ và Tây Âu.

Phía sau những kiện hàng sành sứ

CIA từ lâu đã biết được rằng, các tổ hợp tên lửa chiến lược của Liên Xô được sản xuất và lắp ráp ở miền tây và miền trung của đất nước, được vận chuyển theo tuyến đường sắt xuyên Siberia tới phía đông, rồi được triển khai để nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ. 

Cho đến đầu những năm 1980, người Mỹ đã có được thông tin vị trí của phần lớn các bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược cố định của Moscow. Tuy nhiên, họ không giám sát được thông tin về các tổ hợp tên lửa di động (người Mỹ gọi tắt là MIRV) với thành phần gồm 10 đầu đạn có khả năng dẫn đường riêng, lắp đặt trên các đoàn tàu ngụy trang dưới dạng các toa chở khách. Tình báo Nhật lại sẵn sàng giúp đỡ Mỹ trong trường hợp này.

Cuối những năm 1980, Hãng Shochiku  của Nhật đã thu hút sự chú ý của các nhân viên phản gián tại vùng Primore về việc họ cứ đều đặn mỗi tháng một lần đều gửi tới cảng Nakhodka những kiện bình sứ, trước khi số hàng này lại được chuyển tới Hamburg (Đức). 

Tuy đây là loại hàng hóa thông thường với đầy đủ giấy tờ, nhưng một vài câu hỏi nghi vấn đã được đặt ra. Đầu tiên là những sản phẩm trên lại được xuất nhiều tới một đất nước vốn nổi danh có truyền thống gốm sứ như Đức. Thứ hai là số hàng trên chỉ được vận chuyển theo tuyến đường sắt xuyên Siberia dọc theo khắp Liên Xô với giá thành không hề rẻ, nếu như không muốn nói là còn đắt hơn cả giá thành sản phẩm.

Điều tra sau đó của nhân viên Ban số 5 (phụ trách về Nhật) đã cho thấy, Shochiku có quan hệ rất chặt chẽ với một hãng lớn của Mỹ chuyên về lĩnh vực điện tử trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Cụ thể có tới 80% số vốn điều lệ của công ty Nhật có nguồn gốc từ Mỹ. Một kế hoạch kiểm tra toàn bộ các container đồ sứ trên đã được triển khai. Kết quả là các nhân viên phản gián đã phát hiện một khoang bí mật ẩn giấu trong một container với cả một hệ thống máy móc cực kỳ phức tạp.

Nghiên cứu cụ thể tại Moscow cho thấy đây là một hệ thống nhiều khối máy tinh xảo, trong đó có khối ghi nhận bức xạ tia gamma, đo phát quang nhiệt, nguồn nuôi, bộ phận lưu trữ và xử lý thông tin… tất cả đều được điều khiển tự động bằng máy tính không cần có sự can thiệp của con người. 

Trên thực tế, đây là một phòng thí nghiệm đặc biệt có khả năng thu thập và lưu trữ những thông tin cần thiết trên khắp tuyến đường từ Nakhodka cho tới Leningrad. Cụ thể hơn, nó có thể xác định bất kỳ một đối tượng nào có chứa nguyên liệu hay sản phẩm hạt nhân, kể cả hướng di chuyển của chúng. Chưa hết, hệ thống chụp ảnh đặc biệt kèm theo có khả năng liên tục ghi nhận những hình ảnh có tầm xa tới vài kilomet dọc theo hai bên tuyến đường sắt.

Phòng thí nghiệm di động hiện đại trên hoạt động theo mô hình sau: mỗi khi hoàn tất chuyến đi dọc theo lãnh thổ Liên Xô, chúng lại được vận chuyển từ Hamburg về Mỹ để lấy mọi thông tin thu thập được, sau đó được đưa trở về Nhật chuẩn bị cho chuyến do thám tiếp theo. 

Kết quả là lãnh đạo hãng Shochiku đã phải trực tiếp bay sang để xin lỗi, đồng thời nộp một khoản tiền phạt khá lớn để Moscow không công bố vụ việc trên, cũng như cho phép họ tiếp tục kinh doanh bình thường trên lãnh thổ Liên Xô.

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.