Lật lại hồ sơ vụ ám sát Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin

Thứ Năm, 12/11/2020, 09:14
Ngày 4/11 cách đây 25 năm, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin đã bị một sinh viên Do Thái ám sát ngay trong đêm ông phát biểu kêu gọi người dân Israel ủng hộ Hiệp ước Hòa bình Oslo 1993 ký kết với chính quyền Palestine với sự trung gian của Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Nhân dịp này, báo chí quốc tế và khu vực Trung Đông đã điểm lại những sự kiện liên quan vụ ám sát đã xảy ra trong khoảng thời gian trên.


Từ "diều hâu chiến tranh" đến chủ trương hòa bình

Con đường dẫn đến cái chết của Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin được cho là bắt đầu từ Oslo, nơi các phái đoàn của Israel và Palestine đã bí mật đàm phán để từng bước đi đến thỏa thuận cuối cùng. Việc ký kết hiệp ước Oslo được lãnh đạo Israel và Palestine thực hiện tại Nhà Trắng. 

Tại đây, ông Rabin đã cùng với Tổng thống Palestine Yasser Arafat ký kết một hiệp ước lịch sử và thực hiện cái bắt tay lịch sử vào tháng 9/1993, với sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Trong bài phát biểu sau lễ ký kết, ông Rabin đã phát ra câu nói nổi tiếng: “Chúng tôi nói với các bạn hôm nay bằng một giọng to và rõ rằng: Máu và nước mắt đã rơi đủ rồi. Đủ rồi”.

Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin (trái) và Tổng thống Palestine Yasser Arafat (phải) thực hiện cái bắt tay lịch sử tại sân vườn Nhà Trắng, trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton

Những lời nói hòa bình đó của ông Rabin chất chứa sức nặng lạ thường bởi quá khứ của chính ông. Vốn là một cựu binh đi làm chính khách, ông Rabin từng là một chỉ huy quân đội trong cuộc chiến lập quốc năm 1948, người Israel gọi đó là Cuộc chiến Độc lập. Rồi ông cũng từng là một tham mưu trưởng đầy vinh quang trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, cuộc chiến mà người Israel gọi là chiến thắng thần kỳ sau khi bị vây hãm bởi 3 nước Arab láng giềng là Ai Cập, Syria và Jordan. 

Và ông cũng từng làm Bộ trưởng Quốc phòng liên tục nhiều đời Thủ tướng, được mệnh danh là “Ngài An ninh” (Mr Security). Ông chẳng phải là người của hòa bình: vào năm 1988, với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, ông Rabin đã ra lệnh cho quân đội Israel thẳng tay đàn áp dã man cuộc nổi dậy Intifada lần thứ nhất của người Palestine. Nhưng khi cuộc nổi dậy vẫn tiếp tục, không thể dập tắt được, ông xuống nước đóng vai một vị tướng “yêu hòa bình” đến gặp các thủ lĩnh nổi dậy của người Palestine để tìm kiếm giải pháp chính trị.

Khi tiến trình đàm phán Oslo mở ra khả năng thỏa thuận rộng mở hơn, Thủ tướng Rabin lại đứng trước sự chọn lựa giữa “tiếp tục chiến tranh” hay là “tìm giải pháp khác”.

Bước chuyển biến chính là đây. Ông đã chọn cách thứ hai, “tìm giải pháp khác”, tức là tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình với người Palestine. Giải pháp thứ hai này được chọn bởi khi đó ông Rabin có sự thuận lợi về niềm tin: ông vốn là một vị tướng diều hâu nên người Israel đặt niềm tin vào ông, tin tưởng rằng ông có thể đảm bảo an ninh cho họ. Cho nên, khi ông tuyên bố đã đến lúc “sống chung hòa bình với người Palestine”, thì người dân Israel cũng sẵn lòng nghe theo ông, cho dù biết rằng có thể phải nhường một phần hoặc toàn bộ các phần đất đã chiếm đóng sau Chiến tranh 6 ngày năm 1967.

Thế lực hữu khuynh

Nhưng không phải người Israel nào cũng chấp nhận sự lựa chọn của ông. Ngay khi Hiệp ước Oslo còn chưa ráo mực, thành phần hữu khuynh ở Israel, đặc biệt là những người định cư trên các phần đất chiếm đóng của Palestine ở khu Bờ Tây và Dải Gaza, đã lên tiếng phủ nhận hiệp ước, cho đó là sự lừa dối. 

Sự phủ nhận đó càng lên cao khi ngay cả các nhóm Hồi giáo Hamas và Islamic Jihad của Palestine cũng phản đối Hiệp ước Oslo bằng hành động đánh bom xe buýt làm chết hàng chục công dân Israel. Ông Rabin bị phê phán đã phản bội nhân dân mình. Hàng loạt cuộc biểu tình chống chính phủ đã diễn ra rầm rộ suốt nhiều tháng liền.

Trong khi đó, cơ quan an ninh nội địa Shabak đã báo động sau khi thu thập được thông tin về các cuộc trao đổi của các nhóm cực hữu. Các thầy tế mang tư tưởng dân tộc cực hữu gọi ông là “kẻ sát nhân” (rodef) cần phải diệt trừ theo giáo luật Do Thái. Từ đó, các cuộc biểu tình chống ông đã bắt đầu “tăng nhiệt”.

Lãnh đạo đối lập khi đó không ai khác chính là ông Benjamin Netanyahu. Ông đã tham gia và diễn thuyết trong hai cuộc biểu tình lớn đầy tai tiếng, với khẩu hiệu “Rabin phải chết”. Trong một cuộc biểu tình vào tháng 7-1995, ông Netanyahu đi đầu trong một đám tang giả theo sau là chiếc quan tài giả màu đen, ngụ ý đám tang của Rabin.

Giới chức an ninh của cơ quan Shabak yêu cầu ông Netanyahu “giảm nhiệt” các hành động chống đối, cảnh báo rằng sinh mệnh Thủ tướng đang “lâm nguy”, nhưng ông Netanyahu từ chối. Có lẽ, kể cả ông Netanyahu khi đó cũng không thể ngờ rằng trong cộng đồng Do Thái thật sự có một kẻ dám ra tay sát hại chính người của mình. Tất cả suy nghĩ về mối đe dọa an ninh khi đó đều hướng về phía người Palestine, với thành phần cực đoan bên trong Hamas và Islamic Jihad.

Đêm mít tinh định mệnh

Đêm 4/11/1995, quảng trường trung tâm thủ đô Tel Aviv (nay là Quảng trường Rabin) đông nghẹt người dân tập trung chờ đón bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Yitzhak Rabin về hòa bình với người Palestine. Trước khi đi đến quảng trường, các đặc vụ phụ trách bảo vệ Thủ tướng đã yêu cầu ông mặc áo chống đạn để đề phòng bất trắc, nhưng ông nhất quyết chỉ mặc chiếc áo sơ mi thắt cà vạt và áo veston bên ngoài. Ông Rabin không tin rằng một công dân Israel có thể sát hại ông. Nhưng điều đó đã xảy ra.

Các cận vệ đưa Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin lên xe đi cấp cứu sau khi bị trúng đạn.

Đứng trước đám đông quá lớn, ông Rabin có vẻ hơi “run”, bởi ông vốn dĩ có tính ngại đám đông. Đây là sự kiện tập trung dân chúng để nói chuyện về hòa bình. Ông có vẻ ngạc nhiên bởi ông không nghĩ rằng người dân Israel lại đến để ủng hộ ông và kế hoạch hòa bình của ông đông như thế. 

Dễ có đến hơn 100 ngàn người, nhiều người có độ tuổi còn trẻ, họ làm nên bầu không khí huyên náo thật sự. Ông Rabin đã đọc bài phát biểu nói rằng người Israel đã sẵn sàng cho hòa bình, kêu gọi người Israel hãy vượt qua nỗi sợ hãi, gác lại quá khứ để thỏa thuận hòa bình với những người láng giềng của mình.

Chiều 4/11/1995 là chiều thứ Bảy, là ngày lễ Sabbath trong đạo Do Thái. Gia đình ông Rabin như thường lệ đã chuẩn bị sẵn cho buổi lễ, chờ ông về. Trong khi đó, một thanh niên Do Thái tên là Yigal Amir, thời điểm đó 25 tuổi, cũng thực hiện lễ Sabbath một cách qua loa tại nhà rồi lên đường đến quảng trường trung tâm, nơi có cuộc mít tinh lớn của ông Rabin. Amir là một sinh viên đại học luật mang tư tưởng cực đoan.

Trở lại buổi mít tinh, cảm xúc của đám đông lên cao trào khi ca sĩ kỳ cựu Miri Aloni biểu diễn bài hát Shir LaShalom (Bài ca hòa bình) vốn là nhạc phẩm làm nên tên tuổi bà. Thủ tướng Rabin và một số chính khách cũng đứng trên sân khấu hát cùng ca sĩ. Sau bài hát, ông Rabin rời sân khấu và đi về phía chiếc ôtô đang đậu chờ ông. Lời sau cùng ông chào tạm biệt đám đông là “Chúng ta hãy ngừng hát về hòa bình – chúng ta hãy làm nên hòa bình”. Đám đông hưởng ứng rầm rộ. Một thiếu hiên giăng biểu ngữ mang dòng chữ “Peace Now” (Hòa bình ngay bây giờ).

Nhưng, nơi chiếc ôtô phía sau sân khấu không chỉ có các cận vệ đang đứng chờ ông, mà còn có Amir. Khi Thủ tướng Rabin chuẩn bị bước vào xe, Amir từ trong bóng tối bước ra, tay lăm lăm khẩu súng ngắn, rất bình tĩnh, bắn 3 phát đạn về phía ông. Phát đầu tiên xuyên lồng ngực thủng phổi trái, phát thứ hai xuyên mạn sườn thủng phổi bên phải của Thủ tướng Rabin, còn phát thứ ba trúng người một cận vệ. 

Lúc đó là 21 giờ 45 phút đêm 4/11/1995. Trong vòng 90 phút sau 3 phát súng định mệnh, một sự hỗn loạn thật sự đã diễn ra trong hậu trường. Các cận vệ đã nháo nhào túm lấy Thủ tướng đẩy lên xe chở tới bệnh viện Ichilov gần đó. Tại đây, các bác sĩ giỏi nhất từ Tel Aviv được điều động đến, quyết liệt giành giật sự sống cho Thủ tướng từ tay tử thần, nhưng tất cả đều bất lực. Sau 90 phút, một thông báo đã được chính phủ Israel phát đi: Thủ tướng Yitzhak Rabin đã qua đời. Thực tế, ông Rabin đã chết trên đường đến bệnh viện.

Amir bị các cận vệ túm gọn sau một cuộc vật lộn. Sau đó, y cùng với người anh ruột và một kẻ đồng phạm đã bị đưa ra tòa xét xử. Amir bị tuyên án tù chung thân, còn 2 kẻ đồng phạm bị phạt 30 năm tù. Cũng từ vụ án này, Quốc hội Israel ban hành một đạo luật có tên gọi là Đạo luật Amir cấm ân xá hay giảm án cho những kẻ ám sát Thủ tướng.

Một chi tiết được giới nghiên cứu đặt câu hỏi là tại sao cơ quan an ninh Israel Shabak (hay Shin Bet) lại bỏ sót Amir mặc dù đã từng biết y có những hoạt động bất hảo, là mối đe dọa về an ninh? Thời điểm trước khi gây án, Amir tham gia việc hình thành một nhóm dân quân Do Thái cực đoan chống Palesatine. Shabbak biết điều này và đã từng để mắt theo dõi y. 

Tuy nhiên, vì nghĩ rằng việc Amir tham gia lập nhóm dân quân chống người Palestine là “việc tốt” nên Shabbak không xem đó là mối đe dọa an ninh nội địa, đặc biệt là với Thủ tướng Rabin. Tuy nhiên, Shabbak lại không biết rằng, Amir đã nhiều lần tuyên bố với những người khác về ý định ám sát Thủ tướng Rabin, và cả những hành động rủ rê người khác cùng tham gia với mình.

Hung thủ Yigal Amir (giữa) bị áp giải ra tòa án xét xử.

Người thay thế ông Rabin là ông Shimon Peres. Các cố vấn của ông Peres khi đó đã khuyên ông tổ chức bầu cử sớm, vì phe hữu khuynh đang suy yếu và hổ thẹn do có liên quan đến những hành động kích động hận thù dẫn đến vụ ám sát Thủ tướng Rabin. 

Thêm vào đó là làn sóng đau buồn trong dân chúng chắc chắn sẽ dễ dàng giúp Peres giành chiến thắng áp đảo và trao cho ông sứ mệnh hoàn thành tâm nguyện hòa bình của ông Rabin. Nhưng Peres đã nói “không”. Sau nhiều năm chịu lép vế dưới cái bóng to lớn của ông Rabin, ông Peres muốn tự mình giành chiến thắng tại cuộc bầu cử đúng kỳ hạn năm sau, chứ không cần lợi dụng hoàn cảnh đau buồn.

Điều mà các cố vấn của ông Peres lo lắng quả đã thành sự thật. Ông Peres đã thất bại trong cuộc bầu cử đúng kỳ hạn vào năm 1996. Người chiến thắng không ai khác chính là ông Netanyahu.

Ông Netanyahu lên làm Thủ tướng Israel lần thứ nhất, cũng là lúc Hiệp ước Oslo kết liễu kể từ đó. Bởi chính phủ mới của ông đã thay đổi gần như toàn bộ các thỏa thuận đã cam kết trong Hiệp ước Oslo. Ông Netanyahu chủ trương chống Hamas đến cùng, là người cổ súy nhiệt tình cho việc xây dựng các khu định cư Do Thái trên phần đất chiếm đóng của người Palestine. 

Cũng có lúc tưởng chừng Hiệp ước Oslo được hồi sinh dưới thời các Thủ tướng thuộc Công đảng, với sự ra đời của Lộ trình hòa bình năm 2003 và giải pháp “Hai nhà nước” do nhóm “Bộ tứ” (gồm Mỹ, Nga, Liên Hợp quốc, EU) bảo trợ. Nhưng khi ông Netanyahu lên làm Thủ tướng Israel lần thứ hai cho đến nay, 25 năm sau cái chết của ông Rabin, tiến trình đàm phán hòa bình với người Palestine xem như đã chết hẳn.

Nguyên Khang (Theo The Observer)
.
.