“Legacy of Ashes” - Cuốn sách “vạch áo cho người xem lưng” CIA

Thứ Ba, 02/10/2007, 12:30
Ngay thời điểm trước dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Cục Tình báo Trung ương Mỹ, CIA đã nhận được món quà sinh nhật chẳng hay ho gì dưới dạng một cuốn sách mới được xuất bản có tên "Legacy of Ashes: The History of the CIA - (Di sản của những thất bại: Lịch sử của CIA).

Tác giả Tim Weiner của cuốn sách (là phóng viên nổi tiếng của tờ New York Times và là người từng giành được giải báo chí Pulitzer) trong lời tựa có cho biết, để có được tác phẩm này, ông đã tham khảo hơn 50 ngàn tài liệu khác nhau trong kho lưu trữ của CIA, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ, tham gia hơn 2.000 cuộc trò chuyện với các cựu chiến binh tình báo và ngoại giao Mỹ, trong đó có cả những bài phỏng vấn với 10 cựu giám đốc CIA.

Xin giới thiệu một số nội dung chủ yếu của cuốn sách...

Báo cáo những gì Tổng thống không muốn nghe

Hầu như tất cả các đời sếp tại CIA đều cho rằng, nên nói với tổng thống những gì ông ta muốn nghe. Bị điều chỉnh quan điểm theo đúng tâm trạng của Washington, CIA cuối cùng thường cố tình diễn giải sai lệch các dự định và tiềm năng của đối phương dựa trên những thông tin tình báo có được.

Thực trạng của CIA đã khiến không ít tổng thống Mỹ không giấu nổi sự bực mình và thất vọng. “Tôi đang để lại phía sau mình một di sản đầy những thất bại” – Tổng thống Eisenhower đã từng nổi giận thốt lên như vậy trong một cuộc trò chuyện với Giám đốc CIA Allen Dulles.

Còn Tổng thống John Kennedy – người đặc biệt yêu thích những truyện trinh thám của Yan Fleming – đã bị sốc thực sự khi giới lãnh đạo CIA giới thiệu cho ông người hùng “James Bond” của mình.

Nhân vật có tên William Harvey, kẻ được CIA giao trọng trách chỉ đạo chiến dịch nhằm ám sát Chủ tịch Fidel Castro nhờ bàn tay của mafia, đã xuất hiện trước mặt Kennedy với dáng vẻ của một kẻ bụng phệ có hành vi và lời nói chẳng khác gì một kẻ nghiện rượu.

Ngay cả một giám đốc CIA được đánh giá cao như Richard Helms cũng không cưỡng nổi chuyện làm hài lòng sếp mình – Tổng thống Nixon – chỉ bằng những tin tức mà ông này muốn nghe.

Cho đến tận thời điểm gần kết thúc chiến tranh lạnh, CIA vẫn tiếp tục khuếch trương về khả năng hiện đại hóa các kho vũ khí chiến lược của quân đội Xôviết. Đơn giản là các tổng thống Mỹ đều muốn tô vẽ Liên Xô như một kẻ thù nguy hiểm và hùng mạnh để có thể dễ dàng biện minh cho những đơn đặt hàng vũ khí mới.

Thông tin “rùa bò”

Vào cái ngày quân đội Iraq tràn vào Kuwait (tháng 8/1990), cố vấn thứ hai về an ninh quốc gia Robert Gates (hiện là đương kim Bộ trưởng Quốc phòng) lại đang ở cùng gia đình trong một chuyến dã ngoại. Bỗng nhiên, một người quen của vợ ông tiến tới và hỏi một cách ngạc nhiên: “Làm sao mà giờ này ngài còn ngồi đây?”.

“Điều gì vậy?” – Gates hỏi lại với thái độ ngạc nhiên không kém. “Thế còn vụ tấn công?!” “Vụ tấn công nào?” – Gates hỏi lại ngay. Vài giờ sau, công văn hỏa tốc của CIA về cuộc tấn công của Iraq mới tới được tay Robert Gates.

Một năm sau, khi bức tường Berlin sụp đổ, lãnh đạo chi nhánh lớn nhất của CIA (chuyên về hoạt động tình báo trên lãnh thổ các nước XHCN) là Milt Bearden đã phải tím mặt khi buộc phải xem kênh truyền hình CNN để trả lời cho những cú điện thoại liên tục gọi từ Nhà Trắng yêu cầu thông báo điều gì đang diễn ra.

Về sau người ta mới biết, CIA vào thời điểm đó chẳng có nổi một đường dây tình báo tin cậy nào tại Đức. Tất cả những điệp viên hàng đầu của họ đều đã bị các cơ quan mật vụ CHDC Đức và Liên Xô tóm hết. Chính vì vậy mà người Mỹ thực sự bất ngờ khi bức tường Berlin nhanh chóng sụp đổ.

Washington mu tịt về hoạt động của điện Kremlin

“Trong thời gian Chiến tranh lạnh, Mỹ không có nổi một nguồn tin nào có thể do thám sâu vào công việc nội bộ của điện Kremlin” – tác giả Tim Weiner đã thừa nhận trong cuốn sách như vậy.

Trong khi số gián điệp có thể tiếp cận thông tin quan trọng được CIA tuyển mộ tại Liên Xô chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, hầu hết những điệp viên này về sau đã bị tóm ngay nhờ... các nhân viên CIA trong bộ phận phụ trách về Liên Xô do Moskva tuyển mộ. Điển hình nhất trong chuyện này phải kể tới trường hợp của nhân viên CIA Aldrich Ames, nhân vật cho đến năm 1994 mới bị FBI phát hiện và bắt giữ.

Một giám đốc CIA được đánh giá cao như Richard Helmes cũng thường xuyên báo cáo sai sự thật.

Quan chức huyền thoại đứng đầu bộ phận phản gián của CIA là James Angleton nhớ lại, phần lớn các quan chức từ những nước XHCN được CIA tìm cách tuyển mộ đều là các điệp viên hai mang (tức là các nhân viên mật vụ đóng giả kẻ phản bội để xâm nhập hay cung cấp thông tin giả cho tình báo Mỹ).

Chính vì nguyên nhân này mà Angleton vào cuối những năm 60 đã phải quyết định cho ngừng “kế hoạch tuyển mộ ồ ạt tại phía đông”. Tác giả Tim Weiner còn kết luận, các quan chức cao cấp của CIA ngay cả khi biết được sự thực về các nguồn tin của mình, vẫn tiếp tục báo cáo những thông tin giả trên cho giới lãnh đạo nước Mỹ.

Nguyên nhân đơn giản là họ lo ngại “làm buồn lòng các sếp”, cũng như không muốn bị khiển trách là hoạt động thiếu chuyên nghiệp. Với những nội dung như vậy, chẳng khó gì có thể đoán được phản ứng từ CIA.

Phát ngôn viên của Langley ngay lập tức phản bác rằng, cuốn sách của Tim Weiner là quá tiêu cực và bi quan khi đánh giá về hoạt động của cơ quan này vì cuốn sách “đã cố tình giảm thiểu hay bóp méo những thành công của tình báo Mỹ”

Thái Quân (tổng hợp)
.
.