Liên Xô từng nghiên cứu chế tạo máy bay dùng động cơ nguyên tử

Thứ Bảy, 09/08/2008, 10:30
Vào những năm 50 của thế kỷ trước, Mỹ bắt đầu các công việc chế tạo máy bay có thiết bị lực hạt nhân. Tuy  nhiên, việc phát triển tiếp tục kỹ thuật lại đi theo hướng khác, từ bỏ các thiết bị lực hạt nhân, thậm chí còn chưa hoàn tất toàn bộ tổ hợp thử nghiệm.

Và dù sao các kết quả thu được trong quá trình thử nghiệm rất thú vị và có ích. Chẳng hạn, các vật liệu bảo vệ lần đầu tiên được thử nghiệm trên “máy bay nguyên tử” cho đến nay vẫn được sử dụng trong các hệ thống bảo vệ tại các nhà máy điện nguyên tử và các thiết bị giao thông vận tải.

Còn ở Nga cũng đã từng nghiên cứu, thử nghiệm, chỉ có điều chúng đã bị lãng quên.

Một trong những người đã tham gia các cuộc thử nghiệm được tiến hành tại phòng thí nghiệm bay duy nhất có động cơ hạt nhân của Liên Xô - Lev Nicolaevich Smirennưi, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học vũ trụ quốc tế, tiến sĩ khoa học, nhà du hành vũ trụ thám hiểm nhớ lại các sự kiện và những người tham gia vào công việc này:

Đó là khu vực cánh đồng rộng lớn mà trong trung tâm của nó người ta dựng mô hình thân và cabin lái của máy bay Tu-95. Trong mô hình thân máy bay trên panen nâng đặc biệt có lắp đặt lò phản ứng nguyên tử nghiên cứu có công suất nhiệt định mức 100 kw. Trong mô  hình cabin có lắp các bộ cảm biến, các máy móc dùng để nghiên cứu các tính năng của các bức xạ tới đó.

Mọi việc được bắt đầu vào ngày 28/3/1956 khi Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ra quyết định bắt đầu các công việc thiết kế phòng thí nghiệm bay với lò phản ứng nguyên tử trên máy bay.

Mục đích là nghiên cứu việc truyền bức xạ trong môi trường xung quanh máy bay, sự tán xạ bức xạ trên các bộ phận kết cấu và khả năng bảo vệ phi hành đoàn khỏi bức xạ. Ngoài ra, dự định nghiên cứu ảnh hưởng của các bức xạ đến thiết bị máy bay và các vật liệu hàng không.

Các chuyên gia kỹ thuật hạt nhân và các nhà thiết kế hàng không đã nghiên cứu thiết bị. Kết quả là một cấu trúc gọn, đẹp đã ra đời. Để che chắn bức xạ lò phản ứng người ta đã sử dụng các vật  liệu bảo vệ hoàn toàn mới vào thời đó, do ngành công nghiệp hóa học nước nhà cùng với các chuyên gia hạt nhân chế tạo.

Một trong những vật liệu trên sau này đã được ứng dụng trong cấu trúc bảo vệ các thiết bị hạt nhân của tàu ngầm và các tàu trên mặt nước, cũng như trong tư cách những bộ tách sóng bức xạ trung tử.

Năm 1958, một bãi thử trên mặt đất với thiết bị hạt nhân đã được lắp ráp tại một thảo nguyên thuộc  Kazakhstan.

Mùa hè năm 1959, việc phóng lò phản ứng đầu tiên trên bãi thử mặt đất đã được tiến hành, và ngay lập tức đã may mắn vượt qua được mức công suất thiết kế. Việc nghiên cứu được tiến hành trong thời gian ấm áp của năm.

Để lò phản ứng không bị nung nóng, vào những ngày hè nóng nực mọi người phải làm việc vào ban đêm. Trong thời gian làm việc, các nhân viên thao tác và các nhà thử nghiệm náu mình dưới boongke ngầm ngay gần chỗ giá thử. Boongke phân cách với lò phản ứng bằng lớp đất dày 6m nhằm bảo vệ những người ở đó khỏi bị bức xạ.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95M số 7800408 đã được trang bị lại giống phòng thí nghiệm nguyên tử bay. Từ tháng 5 đến tháng 8/1961, người ta đã thực hiện 34 chuyến bay trên nó.

Kỹ sư chủ đạo của tổ hợp là N.V Lashkevich. Tham gia vào các chuyến bay thử nghiệm có người lãnh đạo các cuộc thử nghiệm, viện sĩ tương lai N.N Ponomariev-Stepnoi. Các nhà vật lý V.G Madeev và E.N.Corolev đã tiến hành nghiên  cứu tình hình bức xạ trong buồng lái và trong khoang.

Các cuộc thử nghiệm trên không đã có thể bị gián đoạn khi chưa thực sự được bắt đầu, bởi trong chuyến bay đầu tiên đã xảy ra điều chưa được lường trước. Sau khi cất cánh, chỉ huy máy bay ra hiệu cho lò phản ứng phát công suất. Thông thường, khi thực hiện mệnh lệnh này, nhân viên thao tác định hướng theo chỉ số của bộ kiểm tra nơtron.

Kim đồng hồ chỉ báo rung nhẹ và điều đó có nghĩa là chuỗi phản ứng đã được bắt đầu. Tiếp theo mọi việc cần phải diễn ra theo một biểu đồ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, kim đồng hồ rung nhiều vì chấn động của thân máy bay. Nhân viên thao tác luống cuống.

Được sự tán thành của chỉ huy máy bay, nhà vật lý kiểm soát V.M Mordashev đã thế chỗ anh ta. Chính lúc ấy cần đến những kỹ năng có được trong rất nhiều lần tập dượt và làm việc trong các điều kiện như thật trên mặt đất. Và mọi việc đã kết thúc tốt đẹp.

Tính đến mối nguy hiểm của việc nhiễm phóng xạ trong trường hợp tai nạn, các chuyến bay của máy bay có mang lò phản ứng trong khoang đã được tiến hành phía trên lãnh thổ bãi thử hạt nhân. Tôi còn nhớ có lần một chiếc xe tải chở đầy dưa hấu chạy đến chỗ chúng tôi thay cho xe buýt.

Có ai đó đã lấy bức xạ kế ra đo và phát hiện từ quả dưa hấu có bức xạ beta mạnh. Bổ quả dưa làm đôi, lại đo và xác định chính xác rằng nó chỉ bị nhiễm ngoài vỏ. Rõ ràng, những thử nghiệm cách đó không lâu ở bãi thử là nguyên do gây nhiễm bẩn bề mặt ngoài của quả dưa.

Các chuyến bay cho thấy rằng nhân viên thao tác lò phản ứng, phi hành đoàn và mọi hệ thống của máy bay có khả năng hoạt động đáng tin cậy trong điều kiện phông bức xạ ion hóa cao. Các nhà sinh học, những người nghiên cứu tác động của bức xạ lên các cơ thể sống, đã hoàn thành khối lượng nghiên cứu đáng kể.

Tuy nhiên, vì kinh phí eo hẹp và nguy cơ nhiễm xạ trong trường hợp tai nạn nên mọi công việc tiếp theo bị thu hẹp lại. Ngoài ra, nhiều nhiệm vụ chiến đấu, được đặt ra cho máy bay với lò phản ứng hạt nhân, đã được giải quyết nhờ việc chế tạo kỹ thuật tên lửa hiện đại và tàu ngầm với thiết bị năng lượng hạt nhân.

Đồng thời, người Mỹ, những người đã thử nghiệm phòng thí nghiệm bay với thiết bị lực hạt nhân của mình, cũng đã chấm dứt các công việc trong lĩnh vực này. Chẳng có ai để mà chạy đua nữa, còn đơn độc một mình tiến lên phía trước quả thật quá đắt và quá nguy hiểm.

Thật tiếc, những kết quả rất bổ ích và đáng quan tâm nhất của các thử nghiệm này cho đến giờ vẫn được giữ bí mật và thực sự bị lãng quên. Trong khi đó, những con người, người đã từng chế tạo phòng thí nghiệm bay Tu-95M, người thì có thể tập hợp và khái quát kinh nghiệm vô giá, đang sắp từ giã cuộc đời

Đoàn Thị Phương (theo Inauka)
.
.