Lukla – Sân bay nguy hiểm nhất thế giới

Thứ Tư, 21/03/2018, 08:03
Trưa thứ hai, ngày 12-3-2018, một máy bay của Hãng hàng không US-Bangla, Bangladesh chở 67 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn đã bị rơi trong lúc đáp xuống sân bay thủ đô Kathmandu, Nepal. Hậu quả là 54 nạn nhân thiệt mạng.

Vụ tai nạn đã khiến nhiều người liên tưởng đến sân bay Lukla cũng ở Nepal, được Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) xếp hạng là “sân bay nguy hiểm nhất thế giới”…

Lên hay xuống cũng đối mặt tử thần

Lúc đặt tay lên bộ điều khiển van tiết lưu của chiếc máy bay 2 động cơ cánh quạt Twin Otter, số hiệu 279N để giảm tốc độ, phi công Kirk Bronson khẽ nghiêng đầu nhìn ra phía sau, nơi có 16 hành khách, phần lớn là người phương Tây, đến Lukla, Nepal chuẩn bị cho việc chinh phục đỉnh Everest.

Bronson nói qua microphone: “Thưa quý vị. Chúng ta sắp sửa hạ cánh xuống một sân bay được xem là nguy hiểm nhất thế giới: Sân bay Lukla, Nepal. Một lần nữa, xin quý vị dựng thẳng lưng ghế, kiểm tra lại dây an toàn. Nếu quý vị nào cảm thấy khó thở vì không khí ở đây rất loãng, xin hãy bấm vào chiếc nút màu xanh ở trên đầu, mặt nạ oxy sẽ tự động rơi xuống…”.

Giây lát, chiếc Twin Otter hạ thấp dần. Trước mắt 16 hành khách là một đường băng nhỏ, rất ngắn. Cinthya Susane, người Mỹ kể lại cảm tưởng của cô: “Tôi thật sự sợ khi nhìn thấy cảnh này. Nếu bánh xe máy bay không chạm đất đúng điểm quy định thì chắc chắn nó sẽ lao vào bức tường hàng rào…”.

Cất cánh ở sân bay Lukla.

David Kant, người Anh kể thêm: “Tôi đến đây lần thứ hai. Lần đầu, lúc trở về và lúc máy bay cất cánh, tôi đã phải nhắm mắt lại vì kinh hoàng. Máy bay hướng thẳng đến rặng núi trước mặt rồi gần như bay dựng ngược lên. Chỉ đến khi vượt qua khỏi núi, trở lại trạng thái thăng bằng thì tôi mới dám mở mắt”.

Susane và Kant không phải là 2 hành khách duy nhất nếm trải cảm giác toát mồ hôi lạnh ở sân bay Lukla mà hầu như bất cứ người nào đã từng đi hoặc đến nơi này bằng đường hàng không cũng đều có chung nhận định - kể cả các phi công dù họ đã từng bay nhiều lần. Phi công Kirk Bronson nói: “Tôi làm việc cho Hãng Tara Air đã 3 năm và cứ 2 ngày một lần, tôi lại đưa  những hành khách từ Kathmandu, thủ đô Nepal đến sân bay Lukla rồi đón những người khác trở về. Thế nhưng, dù việc cất, hạ cánh đã trở thành quen thuộc nhưng lần nào cũng vậy, chỉ khi máy bay dừng lại hẳn, hoặc đã lên đến độ cao cần thiết thì tôi mới thật sự yên tâm”.

Bhakta, người dân tộc Sherpa, một phi công lão luyện của hãng hàng không Royal Air Nepal, được mệnh danh là “Đại bàng Lukla” vì đã có hơn 4.000 giờ bay trên tuyến Kathmandu - Lukla cho biết: “Phần lớn du khách đều chọn đường hàng không để đến Lukla vì nó chỉ mất 45 phút trong lúc nếu đi bằng đường bộ thì họ phải ngồi xe bus suốt 10 tiếng từ Kathmandu đến Jiri. Sau đó, họ lại phải đi bộ 6 hoặc 8 ngày tùy theo thời tiết, men theo những con đường mòn trên những sườn núi. Ngoài cái lạnh cắt da, những trận bão tuyết, họ còn phải chịu đựng sự khó thở vì càng lên cao, nồng độ oxy trong không khí càng xuống thấp. Vì vậy, khá nhiều du khách đã bỏ cuộc nửa chừng…”.

Vẫn theo phi công Bhakta, ở sân bay Lukla “lên hay xuống cũng đều đối mặt với tử thần”. Ông nói: “Với độ cao gần 3.000m, tử thần ở đây chính là những cơn gió xoáy và thời tiết, cứ vài tiếng nó lại thay đổi một lần, thậm chí chỉ vài phút nó cũng có thể thay đổi. Đã vậy, Lukla lại không có trạm radar quan trắc vì chi phí xây dụng nó quá tốn kém so với lưu lượng hành khách. Việc điều khiển sự cất, hạ cánh chỉ dựa vào những trao đổi qua tần số vô tuyến điện giữa nhân viên mặt đất và phi công”.

Tháng 10-2008, ba chiếc Twin Otter lần lượt nối đuôi nhau hạ cánh, 2 chiếc đầu tiên xuống an toàn nhưng đến chiếc thứ 3, khi máy bay gần đến đầu đường băng thì một đám mây lớn đột ngột trôi ngang trước buồng lái. Do chẳng nhìn thấy gì nên phi công đã tính sai điểm tiếp đất. Hậu quả là cánh phải của chiếc Twin Otter đập vào hàng rào sân bay khiến nó bốc cháy, giết chết 17 người, chỉ duy nhất phi công còn sống.

Sự ra đời của Lukla

Nằm ở thị trấn Lukla, quận Khumbu, tỉnh Solukhumbu, miền đông Nepal, sân bay Lukla được xây dựng vào năm 1964 dưới sự giám sát của Sir Edmund Hillary - người đầu tiên trên thế giới cùng với Tenzing Norgay, dân tộc Sherpa, đặt chân lên đỉnh Everest mà nguyên nhân là sau khi chinh phục thành công ngọn núi này, Hillary thành lập một quỹ từ thiện mang tên ông với mục đích xây trường học, bệnh viện cho người Sherpa.

Sau đó, một trận động đất kèm theo lở tuyết đã khiến cả trăm người Sherpa thương vong nhưng không thể đưa đến bệnh viện, hàng nghìn người bị cô lập trong những ngôi làng nằm chênh vênh trên các sườn núi thì Hillary thấy rằng việc xây dựng sân bay là cần thiết.

Thoạt đầu, Hillary chọn mua một khoảnh đất bằng phẳng nhưng các chủ đất người Sherpa không muốn bán ruộng nương đã được truyền lại bao đời từ tổ tiên họ. Cuối cùng, ông đành phải mua một miếng đất ở độ cao 2.845m với giá 2.650 USD mà một đầu nằm sát vực thẳm, kế đó là một dãy núi sừng sững vươn lên bầu trời, nơi mỗi khi mùa đông đến, không thể phân biệt được đâu là tuyết phủ trên đỉnh núi và đâu là mây.

Một chiếc Twin Otter hạ cánh xuống sân bay Lukla.

Mua xong, Hillary thuê người Sgerpa với giá 5USD/người/ngày để họ san lấp bằng các công cụ thủ công. Sau hơn 3 tháng, đường băng sân bay đã hình thành, dài 527m, rộng 30m, độ dốc 11,7% (và đây cũng là sân bay duy nhất trên thế giới có cái dốc lạ lùng này). Tuy nhiên, không hài lòng với độ cứng của đường băng vì không thể vận chuyển xe lu lên được, Hillary mua rượu mời người Sherpa rồi lúc uống xong, ông gọi họ ra đường băng nhảy múa. Số người tham gia nhảy múa có lúc lên đến gần 1.000 người nên chỉ gần 1 tháng, mặt đường cất hạ cánh đã hầu như bằng phẳng.

Ngày 27-3-1965, chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Lukla là một chiếc Pilatus PC3 một động cơ cánh quạt 4 chỗ ngồi nhưng phải đến lần thứ ba, nó mới tiếp đất an toàn. Hamsteed, nhân viên mặt đất hướng dẫn việc cất, hạ cánh kể lại: “Lần đầu, phi công lượn một vòng để quan sát địa thế. Lần hai, ông cho máy bay xuống nhưng khi gần đến đầu đường băng thì một cơn gió xoáy khiến máy bay như muốn lật ngang nên phi công phải cho máy bay bốc lên. Đến lần thứ ba, bánh xe máy bay mới tiếp đất nhưng vì đường băng là đường đất nên nó nhảy chồm chồm rồi dừng lại cách hàng rào sân bay 40m trong tiếng vỗ tay reo hò của cả Sir Edmund Hillary và những người Sherpa…”.

Bị kích thích bởi giấc mơ chinh phục đỉnh Everest và do có đường hàng không, những nhà leo núi từ các quốc gia phương Tây kéo đến ngày một nhiều hơn, dẫn đến tần suất hoạt động của các chuyến bay cũng tăng lên cùng với sự ra đời của điểm tập kết những nhà leo núi, gọi là “Trại căn cứ” (Everest Base Camp).

Phi công Bhakta, “Đại bàng Lukla” cho biết: “Mãi đến năm 2001, đường băng sân bay Lukla mới được trải nhựa, nhưng là loại nhựa đường vẫn thường dùng cho các xa lộ chứ không phải là bê tông như những sân bay khác”. Và vì trải bằng nhựa cũng như chiều dài quá ngắn nên Lukla chỉ có thể đón được những máy bay nhỏ, như De Havilland Canada DHC-6 Twin Otter, Dornier Do 228, L-410 Turbolet và Pilatus PC-6 Turbo Porter, sức chứa mỗi chiếc tối đa không quá 30 người.

Phi công Geogre Osborn, người thường xuyên bay đến Lukla bằng chiếc Pilatus PC-6 Turbo Porter nói: “Do chỉ có duy nhất một đường băng nên bạn chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Khi bay lên, bạn lao thẳng vào sườn núi rồi cho máy bay ngóc đầu dựng đứng để vượt quá nó. Lúc đáp xuống, bạn không thể hạ độ cao từ xa vì vướng núi. Vì vậy, bạn cũng phải chúi xuống rồi lúc đã qua khỏi ngọn núi thì đường băng đã nằm ngay trước mắt bạn rồi”.

Và những rủi ro khó tránh

Với những đặc điểm nêu trên, có thể nói sân bay Lukla là một trong những sân bay xảy ra tai nạn nhiều nhất trên thế giới. Ngày 9-6-1991, một máy bay DHC-6 Twin Otter 300 của hãng hàng không Royal Air Nepal đã bị rơi trong khi cố gắng hạ cánh theo cách tiếp cận không ổn định vì thời tiết xấu. 3 thành viên phi hành đoàn và 14  hành khách bị thương. Ngày 26-9-1992, một chiếc Yunshuji Y-12-II cũng của Hãng Royal Air Nepal gặp phải gió xoáy trong khi cất cánh, may là chẳng ai hề hấn gì.

Đến ngày 25-5-2004, một chiếc DHC-6 Twin Otter 300 của Hãng Yeti đâm vào sườn núi Lamjura khi hạ cánh xuống sân bay Lukla vì gặp phải mây mù. 3 thành viên tổ lái thiệt mạng. 5 tháng sau đó, chiếc Sita Air Dornier Do 228 trượt khỏi đường băng khiến sân bay Lukla phải đóng cửa 2 ngày để khắc phục sự cố. Nhật ký an toàn bay của Đài kiểm soát không lưu Lukla cho thấy ngày 30-6-2005, một chiếc  Gorkha Dornier Do 228 cũng bị trượt khỏi đường băng trong khi cố gắng hạ cánh. 9 hành khách và 3 thành viên tổ lái bị thương.

Ngày 8 tháng 10 năm 2008, hai chiếc Otter DHC-6 300 của Hãng Yeti Airlines đâm vào nhau khi một chiếc hạ cánh, giết chết 18 người, chỉ duy nhất cơ trưởng còn sống. Đến ngày 12-10-2010, chiếc Dornier Do 228 của Hãng Sita Air do mất kiểm soát hệ thống phanh nên đâm vào bức tường ở cuối đường băng. Không ai thương vong nhưng máy bay hư hỏng nặng. Ngày 26-9-2013, cũng vì gió xoáy, một trực thăng của Không quân Nepal rơi xuống sau khi cánh quạt chém vào hàng rào dây théo gai. 4 người bị thương.

Gần đây nhất, ngày 27-5-2017, một chiếc L-410 của hãng Summit Air Flight thực hiện chuyến bay chở hàng từ Kathmandu đến Lukla. Lúc trở về, do tầm nhìn kém nên khi tăng tốc để cất cánh, máy bay đã trượt khỏi đường băng, lao xuống 200m dưới thung lũng. Cơ trưởng chết, 8 tiếng sau đó cơ phó cũng chết trong bệnh viện còn nhân viên truyền tin bị thương nặng.

“…Dẫu biết là rất nguy hiểm nhưng không thể ngừng hoạt động sân bay này vì hàng nghìn người dân Sherpa cũng như hàng trăm nhà leo núi vẫn phải trông nhờ vào nó…”, Đại bàng Lukla nói: “Do nguy hiểm khi cất, hạ cánh nên Cơ quan Hàng không dân dụng Nepal đã đặt ra tiêu chuẩn rất cao: Chỉ những phi công giàu kinh nghiệm, đã hoàn thành ít nhất 100 phi vụ cất, hạ cánh trên các đường băng ngắn và phải có hơn 10 lần lên xuống sân bay Lukla với sự chứng nhận của một phi công hướng dẫn thì mới được cấp phép bay ở Lukla”. 

Hiện tại, có 5 hãng hàng không đang hoạt động tại nơi này, gồm Hãng Royal Air Nepal, Simrik Airlines, Tara Air, Sita Air và Hãng Summit Air. Kirk Bronson, phi công của hãng Tara Air nói: “Hầu hết nỗi sợ của tất cả hành khách đều tập trung vào việc đường băng quá ngắn, cộng với vực thẳm và vách núi trước mặt nhưng với các phi công, thời tiết ở Lukla mới chính là tử thần…”.

Vũ Cao (theo The Aviation)
.
.