MI-6 lên kế hoạch “phình to”

Thứ Sáu, 30/09/2016, 11:35
Cơ quan tình báo đối ngoại của Anh MI-6 vừa thông báo kế hoạch mở rộng đáng kể quy mô hoạt động, gia tăng số lượng điệp viên và nhân viên phân tích nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động tình báo trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới.

Theo BBC, kế hoạch được MI-6 công bố hôm 20-9 vừa qua, trong đó cơ quan này đưa ra dự kiến sẽ tuyển dụng thêm khoảng 1.000 nhân sự từ nay cho đến năm 2020, nâng tổng số nhân sự của MI-6 từ con số 2.500 người hiện nay lên 3.500 người, kể cả điệp viên ngầm và nhân viên làm việc trong các văn phòng. BBC dẫn nguồn bên trong MI-6 cho biết, tỉ lệ gia tăng quy mô theo kế hoạch này là khoảng 40%. 

Tổng Giám đốc MI-6 Alex Younger.

Với số lượng này, MI-6 đã được ưu tiên tỉ lệ lớn nhất được phân bổ trong Báo cáo Kiểm điểm quốc phòng và an ninh chiến lược 2015, trong đó đưa ra chỉ tiêu bổ sung 1.900 nhân sự cho toàn ngành tình báo Anh. Ngoài MI-6, các đơn vị khác của ngành tình báo Anh như cơ quan tình báo đối nội MI-5, cơ quan tình báo tín hiệu chuyên nghe lén GCHQ và Bộ chỉ huy Tình báo chống khủng bố (CTC) cùng nhau chia sẻ số lượng 900 chỉ tiêu nhân sự còn lại.

Theo kế hoạch, việc gia tăng số nhân sự nêu trên là nhằm đáp ứng theo kịp đà phát triển của khoa học và công nghệ, nhất là Internet. Kế hoạch cho biết, MI-6 sẽ sử dụng số nhân sự tuyển mới này để phục vụ cho việc tăng cường bảo đảm an ninh cho con người và các chiến dịch hoạt động của cơ quan trên mọi mặt trận, nhằm đối phó với những thách thức lớn của thời đại công nghệ số phát triển ào ạt trên toàn cầu và những nguy cơ, mối đe dọa đến từ mọi phía.

Trụ sở cơ quan tình báo MI-6 ở London.

Một vấn đề lớn hiện nay mà các lãnh đạo ngành tình báo trên toàn thế giới đang đau đầu tìm cách giải quyết là làm thế nào để tiếp tục duy trì hoạt động bí mật trong khi nhiều hoạt động của các điệp viên trên Internet hiện nay đều có để lại dấu vết, từ đó gây khó khăn lớn cho việc tạo dựng vỏ bọc "nhân thân giả" cho các điệp viên.

Theo các chuyên gia, công nghệ nhận dạng khuôn mặt cũng đã phát triển đến mức độ có thể nhận dạng được những hình ảnh của một cá nhân nhất định trong đám đông.

Chẳng hạn như một điệp viên ngầm hoạt động dưới một vỏ bọc nhân thân khác, khi đi trong đám đông trên phố hoặc xuất hiện nơi công cộng có đông người vẫn có thể được ghi lại khuôn mặt và sau đó dự liệu hình ảnh này được truyền về trung tâm phân tích và đối chiếu với những hình ảnh mà họ đã đăng trên Internet với nhân thân thật trước khi gia nhập MI-5, MI-6 hoặc CIA. Khi đó, thân phận thật của các điệp viên này sẽ bị lộ mà không hay biết, dẫn đến những nguy hiểm đối với bản thân họ khi hoạt động ngầm ở nước ngoài.

Những thách thức nêu trên đã trở nên rõ ràng vào năm 2010, sau vụ một nhóm sát thủ bị nghi là điệp viên MOSSAD của Israel ám sát một lãnh đạo lực lượng vũ trang của Palestine ở Dubai. Ngay sau khi vụ việc đó xảy ra, cơ quan điều tra UAE đã nhanh chóng xác định được nhóm điệp viên Israel đã đến Dubai bằng hộ chiếu do châu Âu cấp, nhái hộ chiếu của những công dân châu Âu từng đến Israel hoặc đang sống ở Israel. 

Những người này bị ghi hình khi đến Israel và bị lấy cắp thông tin cá nhân, nhận dạng theo cách đã mô tả ở trên. Ở phía ngược lại, các chuyên gia tình báo lý giải việc các điệp viên MOSSAD phải dùng hộ chiếu giả trong vụ Dubai là vì họ lo sợ bị ghi hình và nhận dạng theo cách tương tự. Chính vì thế, MI-6 lo sợ hoạt động của điệp viên mình trong tương lai cũng sẽ gặp những khó khăn tương tự như vậy.

Trong một cuộc nói chuyện hiếm hoi trước công chúng hôm 20-9, Tổng Giám đốc MI-6 Alex Younger cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ thông tin đang làm thay đổi căn bản môi trường hoạt động của ngành tình báo. 

Trong vòng 5 năm tới, thế giới sẽ xuất hiện hai loại cơ quan tình báo - một là nắm bắt được xu thế mới này và phát triển mạnh mẽ, hai là sẽ không theo kịp và tụt lại phía sau, chấp nhận tình trạng hoạt động khó khăn, kém hiệu quả. Ông Younger nhấn mạnh: MI-6 sẽ thuộc về nhóm một, tức là sẽ phải bắt kịp làn sóng phát triển công nghệ để phát triển, để hoạt động hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, một thách thức lớn khác hiện nay đối với các cơ quan tình báo Anh là tình hình các mối quan hệ hợp tác bí mật lâu nay giữa các cơ quan tình báo và các tập đoàn, công ty công nghệ cao đã đổ vỡ sau vụ cựu điệp viên NSA "thổi còi" chương trình nghe lén khổng lồ của NSA, GCHQ và các đồng minh. Niềm tin lẫn nhau giữa các bên không còn như trước, và đó chính là cái khó khi hợp tác phát triển các công nghệ mới mà ngành tình báo cần đến.

Tiểu Khang (theo BBC News)
.
.