Markus Wolf - Ông trùm của “thế giới gián điệp” đã ra đi

Thứ Hai, 20/11/2006, 08:00

Markus Wolf, nhà tình báo bậc thầy của CHDC Đức trước khi nước Đức thống nhất hai miền Đông Tây, mãi đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn còn giữ nhiều bí mật đối với các đối thủ tình báo phương Tây.

Trong thời gian làm Giám đốc tình báo Đông Đức, Markus Wolf đã kiến tạo một mạng lưới điệp viên tương đương với KGB và được xem như cơ quan tình báo hữu hiệu nhất của khối các nước xã hội chủ nghĩa trong thời chiến tranh lạnh. Trước khi ra đi vĩnh viễn ở tuổi 83, ông luôn khẳng định rằng những đóng góp từ cuộc đời hoạt động tình báo của ông là không hề vô ích, thậm chí chúng có thể giúp cho các nước Đông - Tây bớt căng thẳng  trong thời kỳ đó.

Markus Wolf, cựu Giám đốc Tình báo CHDC Đức, người từng bị các cơ quan tình báo phương Tây xem là một đối thủ đáng gờm trong thời kỳ chiến tranh lạnh, vừa từ giã cõi đời  tại Berlin (Đức), hưởng thọ 83 tuổi.

Wolf là người từng tổ chức một mạng lưới khoảng 4.000 điệp viên người nước ngoài với nhiệm vụ xâm nhập các cơ quan đầu não chính phủ các nước phương Tây, và đặc biệt thành công ở Tây Đức - nơi một trong những điệp viên của ông sau này trở thành cựu tùy viên thân tín nhất của Thủ tướng Willy Brandt. Đó là Gunter Guillaume, bị lộ thân phận là điệp viên hai mang năm 1974, và điều đó dẫn đến hậu quả Thủ tướng Willy Brandt phải từ chức.

Markus Wolf và vợ Andrea Stingl.

Wolf là người đứng đầu một nhánh tình báo nước ngoài thuộc Bộ An ninh quốc gia suốt hơn 30 năm, và được đặt biệt danh là “Người giấu mặt” (man withouta ajace). Lý do là tình báo phương Tây đã mất hơn 2 thập niên tìm hiểu mà vẫn không biết ông là ai. Mãi đến năm 1978, Cơ quan Phản gián Thụy Điển chụp được ảnh khi ông thực hiện một sứ mệnh đến Stockholm, và một kẻ phản bội từ Đông Đức cho biết người trên ảnh đó là Markus Wolf, lúc này thân phận ông mới bị lộ.

Sự ra đi của ông trùng hợp với kỷ niệm năm thứ 17 bức tường Berlin bị sụp đổ. Sau ngày nước Đức thống nhất (1990), ông Wolf sang Liên bang Xôviết vì phương Tây vẫn còn giữ  một lệnh truy nã ông. Nhưng chỉ 1 năm sau, ông quay về Đức và bị bắt ngay tại biên giới. Trong thời gian bị thẩm tra, ông luôn từ chối tiết lộ bất kỳ danh tính người nào từng là điệp viên dưới quyền của ông. Wolf bị kết án 6 năm tù giam vào năm 1997 với tội danh có liên quan tới 3 vụ bắt cóc thời chiến tranh lạnh, nhưng cuối cùng chỉ phải nhận án treo.

 “Phiên tòa của những người chiến thắng” - đúng theo lời Markus Wolf đã gọi phiên tòa xét xử của mình như vậy - đã không thể chứng minh sự liên quan của ông vào những “tội ác trong quá khứ” mà chính quyền CHLB Đức đã tìm cách qui kết. Trong phiên tòa, Markus Wolf đã kiên quyết không khai một lời nào về các điệp viên nổi tiếng của mình, cũng như các chiến dịch bí mật mà STASI từng tiến hành trong quá khứ. Markus còn “cảnh báo” lại những người xét xử: nếu họ không chịu để những đồng nghiệp cũ của ông được yên, ông sẽ “buộc phải nhớ lại những điều mà “những người chiến thắng không hề muốn!”.

Nhân một cuộc phỏng vấn vào năm 1997, ông tâm sự với tờ Der Spiegel: “Tôi không thể nói, tôi tự hào về những gì mình làm. Nhưng tôi nghĩ mình không sống một cuộc đời vô ích. Lâu lâu tôi gặp lại những người “bạn cũ”, và dẫu rằng họ còn ngồi tù và bị xử tệ hơn tôi nhiều lắm, nhưng tất cả chúng tôi không có cảm giác xấu hổ về cuộc đời hoạt động tình báo của mình. Đơn giản là vì chúng tôi hành động vì một mục đích tốt đẹp. Chúng tôi thường xuyên ôn lại những kỷ niệm như vậy”.

Ông Wolf thường bảo rằng những hoạt động tình báo của ông giúp cho quan hệ ngoại giao giữa phương Đông và phương Tây bớt đi những căng thẳng không đáng có. Nếu không có những bí mật được ông và các đồng sự chuyển giao kịp thời, khối Xôviết có thể sẽ ít biết tường tận về khối NATO.

Tiểu thuyết gia người Anh John Le Carre - tên thật là David Cronwell - nổi tiếng về những truyện rùng rợn thời chiến tranh lạnh, có lần nói: “Tôi nghĩ rằng Markus Wolf và những người như ông biết rành những mặt trái của mạng lưới tình báo do ông ta đảm trách hơn bất kỳ ai khác”. Markus Wolf không công nhận ông chính là khuôn mẫu của nhân vật Karla - nhà tình báo Cộng sản hư cấu trong tiểu thuyết của John Le Carre.--PageBreak--

Markus Wolf sinh năm 1923, là con của một bác sĩ kiêm nhà biên kịch Do Thái, ông Friedrich Wolf một đảng viên Cộng sản. Gia đình ông bỏ trốn khỏi nước Đức năm 1933, cũng là năm trùm phát xít Hitler thâu tóm quyền lực và ngày càng trở nên ngông cuồng với ảo mộng thống trị cả thế giới. Lúc đầu họ di tản sang Thụy Sĩ. Sau đó, họ định cư tại Liên bang Xôviết.  Wolf được học tại những trường danh giá của Liên Xô cũ, được đào tạo thành điệp viên bí mật.

Năm 1945, Markus Wolf, cùng với một nhóm người Cộng sản lưu vong quyết trở về nước Đức trong vai trò nhà báo đưa tin những phiên tòa Nuremburg. Khi Cơ quan Tình báo CHDC Đức ra đời, ông đăng ký gia nhập ngay. Năm 1952, nhờ bộc lộ những hiểu biết và sự mến phục Stalin, ông được các nhà lãnh đạo Xôviết tin tưởng và hợp tác trở thành Giám đốc Stasi, Markus Wolf thực sự tỏa sáng trên cương vị mới này.

Như một bề mặt trung tâm trong thời chiến tranh lạnh, đang mất thế chủ động sau khi Đức Quốc xã đại bại, với hàng ngàn gia đình và giới quý tộc bị chia cắt bởi 2 miền Đông và Tây nước Đức trở thành môi trường giàu mục tiêu cho những hoạt động tình báo. Ban Tình báo nước ngoài của Wolf (trực thuộc Stasi) có thời đông đến 4.000 nhân viên. Họ thâm nhập vào hàng chóp bu các cơ quan tình báo, doanh nghiệp, chính phủ, nội các và thậm chí cả các mật khu quân sự!

Wolf tổ chức một đường dây đặc biệt hiệu quả những gián điệp “Romeo”, tức những người đàn ông cực kỳ lịch thiệp và điển trai, họ có nhiệm vụ kết thân với các nữ thư ký độc thân làm việc cho các viên chức và trùm điệp viên cao cấp. Thầm lặng và khéo léo, ông điều động các vệ tinh đầy bản lĩnh của mình vào các chức vụ mà ngay cả trong hàng ngũ đối thủ cũng tin tưởng họ gần như tuyệt đối.

Một điệp viên “Romeo” sau một thời gian làm nội gián như thế đã có mặt trong văn phòng của Thủ tướng Đức Helmut Schmidt. Lúc nghỉ hưu, nhà tình báo lỗi lạc này nói vui rằng: "Có lẽ lịch sử tình báo nên công nhận danh hiệu “Người hoàn thiện kỹ năng sử dụng giới tính trong hoạt động gián điệp” cho tôi".

Wolf cũng biến một số gián điệp hàng đầu Tây Đức thành điệp viên 2 mang. Chẳng hạn người có mật danh “Topaz” từng làm việc cho tổng hành dinh NATO suốt hơn 2 thập niên. Bản thân Wolf còn trực tiếp chỉ huy một nữ điệp viên cao cấp nhất trong Cơ quan Tình báo CHLB Đức để nhận những báo cáo quan trọng giao cho người đứng đầu KGB tại Moskva.

Markus còn cho biết, vào tháng 5/1990 (tức là chỉ một thời gian ngắn trước khi bức tường Berlin sụp đổ) hai điệp viên CIA đã liên hệ với Markus Wolf, đưa ra đề xuất của Giám đốc CIA khi đó là William Webster đề nghị ông sang Mỹ hợp tác với họ. Hai người này (trong đó có Gardner Hathayway, một trợ lý về phản gián của giám đốc CIA vừa mới nghỉ hưu) còn đưa ra với cam kết về một dinh thực lớn tại California cùng với khoản tiền lương rất cao. Tuy nhiên, Markus đã kiên quyết từ chối với lý do: không bao giờ phản bội các điệp viên của mình! Cho dù với quyết định này, Markus biết mình sẽ phải đương đầu với những lời cáo buộc trong tương lai của Tòa án CHLB Đức.

Trong quyển hồi ức “Người giấu mặt” xuất bản năm 1997, ông viết: “Cơ quan tình báo của tôi có lẽ vừa hiệu quả vừa có giá trị thực tiễn nhất châu Âu”. Ngoài những cuốn hồi ký, ông còn viết một quyển sách dạy nấu ăn “Những bí ẩn trong cách nấu ăn của Nga”, trong đó ông so sánh sự sáng tạo và khiếu nấu ăn với sự sáng tạo và khiếu làm gián điệp

Phương Nguyên - T.Q. (tổng hợp)
.
.