Mối quan hệ chiến lược của Taliban với Al Qaeda và thánh chiến Trung Á

Chủ Nhật, 27/06/2021, 20:54
20 năm sau ngày diễn ra vụ tấn công 11-9 và hạn chót của ngày Mỹ rút quân ra khỏi Afghanistan sắp đến gần, khu vực này đã và đang chứng kiến những điều chỉnh đột ngột.

Taliban không chỉ tấn công chống lại các lực lượng của chính phủ Afghanistan và tiếp quản những vùng lãnh thổ mới, mà còn bắt đầu lộ rõ tham vọng của họ nhằm làm giảm bớt ảnh hưởng của Washington ở Trung và Nam Á. 

Khi quân đội Mỹ đã hoàn tất hơn một nửa việc rút quân ra khỏi Afghanistan, thì Taliban tin rằng họ đã đánh bại Mỹ sau 20 năm chiến tranh khốc liệt. Những nhà lãnh đạo Taliban bắt đầu đặt ra các điều kiện của riêng họ đối với láng giềng nhằm ngăn người Mỹ thành lập một căn cứ quân sự mới ở Trung Á.

Hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Á

Ngày 26-5-2021, theo tài liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc (UN), Taliban đã phát đi một thông cáo chính thức với ngụ ý cảnh báo các “hàng xóm” của Afghanistan không được cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ và không phận của họ cho bất kỳ hoạt động quân sự nào trong tương lai chống lại họ. 

Tổ chức thánh chiến Hồi giáo Sunni còn cảnh báo rằng việc các nước láng giềng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của quân đội Mỹ trong tương lai sẽ là “một sai lầm và là nỗi ô nhục trường tồn trong vết đen của lịch sử”. 

Người Sunni còn nhấn mạnh thêm là sự hiện diện của các lực lượng ngoại bang là “căn nguyên gây nên bất ổn và chiến tranh trong khu vực”. 

Ngoài ra Taliban còn nghiêm khắc cảnh báo: “Người dân Afghanistan sẽ không được yên thân nếu khiêu khích và phải trả giá bằng những hành động tàn khốc”. Cuối tuyên bố, tổ chức này còn gây áp lực chính trị lên các quốc gia Trung Á và đe rằng “nếu bất tuân sẽ gánh lấy hậu quả nặng nề”.

Với trải nghiệm trước đây của sự hiện diện quân sự Mỹ trong khu vực, lời đe dọa của Taliban rất có thể đã nhắm tới các Chính phủ Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan. 

Sau sự kiện 11-9, các Chính phủ Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan đã tạo điều kiện cho quân đội Mỹ phát động một chiến dịch chống lại Taliban, Al Qaeda và các chi nhánh Salafi-Jihadi của họ. 

Nhưng hầu hết các căn cứ quân sự Mỹ ở Trung Á đều hết sức bất ngờ khi đột nhiên bị trục xuất chỉ bởi vì các chính trị gia khu vực cảm thấy lợi ích cá nhân họ đã bị đụng chạm/ xâm phạm. 

Uzbekistan trục xuất căn cứ Mỹ ở Karshi-Khanabad trong bối cảnh những bất đồng chính trị leo thang liên quan đến cuộc đàn áp đẫm máu chống lại những người biểu tình ở Andijan vào năm 2005. 

Các sân bay Dushanbe và Kulob ở Tajikistan cũng được các lực lượng NATO sử dụng trong một thời gian ngắn. Căn cứ Mỹ tại sân bay Bishkek ở Kyrgyzstan cũng bị đóng cửa trong năm 2014 dưới bàn tay người Nga.

Lực lượng Taliban đang có ý đồ thành lập một Triều đại Hồi giáo tại khu vực thung lũng Fergana (một địa danh nằm giữa các quốc gia Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan). Ảnh nguồn: The Third Pole.

Không mấy khó hiểu khi có hiện tượng đóng cửa hàng loạt căn cứ quân sự Mỹ vì một số lãnh đạo chính trị ở Trung Á bắt đầu có thái độ hoài nghi với Washington, và gia tăng nhận thức rằng đó là một đối tác không đáng tin cậy. 

Lời cảnh báo của Taliban đối với các quốc gia Trung Á hoàn toàn phù hợp với những kỳ vọng chiến lược của Al Qaeda, một đối tác có hệ tư tưởng trung thành với Taliban trong Thánh chiến toàn cầu, cả hai đang tìm cách đẩy văng Mỹ không những chỉ ở Afghanistan mà còn ở Trung và Đông Nam Á. 

Dựa trên những thông cáo tuyên truyền cùng các bài bình luận trên những kênh Telegram mà các tổ chức Salafi-Jihadi Trung Á có liên kết với Taliban và Al Qaeda, cùng ủng hộ mạnh mẽ cho việc rút lính Mỹ ra khỏi khu vực. 

Hậu quả là các phần tử Thánh chiến người Duy Ngô Nhĩ và Uzbekistan đã nhìn thấy Taliban và Al Qaeda là những tổ chức quyền lực và sự hồi sinh ở Afghanistan đã mang lại những lợi thế to lớn về củng cố quân sự và chính trị.

Không ngạc nhiên khi Al Qaeda và Taliban sống chết muốn hất cẳng Mỹ ra khỏi khu vực, bởi vì bộ đôi Moscow và Bắc Kinh đều không thích sự hiện diện của quân đội Mỹ sau sân nhà của họ. 

Các lãnh tụ Taliban đều cảnh giác rằng việc triển khai các tài sản Mỹ ở Trung Á sẽ cản trở mục tiêu chiến lược của họ trong việc tái thiết cái gọi là “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan”. 

Ngày hôm nay Washington đang tích cực làm việc với các nước quanh Afghanistan nhằm triển khai quân đội để hỗ trợ các lực lượng Afghanistansau khi rút khỏi nước này từ vụ 11-9. 

Việc Mỹ hỗ trợ không quân cho quân đội Afghanistan có thể cản trở kế hoạch chiếm giữ nhanh chóng Kabul của Taliban và buộc họ phải ngồi vào bàn thương thảo với chính quyền Ashraf Ghani.  

Trong nhiều tuyên bố công khai với chính quyền Kabul, Taliban tự xem họ là lực lượng chính trị - quân sự duy nhất và không thể phủ nhận có quyền lãnh đạo đất nước bằng luật Sharia.

Các chiến binh Taliban quyết tâm thánh chiến cho đến khi thành lập xứ sở trong mơ của họ, và quốc vương của họ, Mullah Haibatullah Akhundzada, sẽ trở thành “vương chủ quyền lực”. 

Ngày 6-6-2021, một lần nữa Taliban lại kêu gọi Kyrgyzstan và Tajikistan nhằm “giải quyết các vấn đề biên giới thông qua đối thoại” cũng như “tìm một giải pháp hợp lý có lợi đôi đường”. 

Trong tuyên bố của mình, Taliban đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Kyrgyzstan và Tajikistan nên “đánh giá hòa bình và an ninh của các quốc gia tương ứng”. 

Theo các nhà phân tích trong nước, “lời kêu gọi hòa bình của Taliban” gần giống như một sự chế nhạo người Afghanistan phải chịu đựng cuộc thánh chiến của họ.

Các chiến binh thuộc Đảng hồi giáo Turkestan (TIP) ở Tân Cương (Trung Quốc) đang nhen nhóm ý đồ thành lập một nhà nước Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ảnh nguồn: Defence Point.

 “Quyền lực mềm” của Taliban

Câu hỏi được đặt ra là Taliban có loại đòn bẩy nào để có đủ trọng lượng gây sức ép với các quốc gia Trung Á nhằm ngăn chặn Mỹ triển khai các căn cứ quân sự mới trong khu vực? 

Taliban, một tổ chức Hồi giáo mới trỗi dậy và chưa cầm quyền, không có bất kỳ đòn bẩy kinh tế hay chính trị nào đối với các nước thuộc Liên Xô cũ của Trung Á, nhưng lại đang giữ các công cụ “quyền lực mềm” như các tổ chức khủng bố Salafi-Jihadi có liên đới với Taliban và Al Qaeda. 

Các tổ chức này thách thức những chế độ thế tục trong khu vực, nhằm thành lập một triều đại Hồi giáo tại khu vực đông đúc dân cư ở thung lũng Fergana (một địa danh nằm giữa các quốc gia Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan). 

Không có gì phải ngạc nhiên khi các quốc gia Trung Á hậu Xôviết đã coi những mối dây của lực lượng Al Qaeda với các nhóm Thánh chiến ở Uzbekistan và người Sunni Duy Ngô Nhĩ đang ẩn náu trong những khu vực do Taliban kiểm soát ở Afghanistan là mối đe dọa cho an ninh toàn khu vực.

Cần nhắc lại rằng tổ chức Hồi giáo cực đoan đầu tiên của Trung Á là những người ẩn náu ở Afghanistan vào giữa thập niên 1990 là Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU), vốn có mối quan hệ mật thiết và tin cậy với cả Al Qaeda và Taliban. 

Hiện tại, các chiến binh Duy Ngô Nhĩ thuộc đảng Hồi giáo Turkestan (TIP) ở Tân Cương (Trung Quốc), các tổ chức dân quân người Uzbekistan như  Katibat Imam al-Bukhari (KIB), Katibat Tawhid wal Jihad (KTJ), Liên minh Thánh chiến Hồi giáo (IJU) và dân quân Jamaat Ansarullah của Tajikistan (JA) hoạt động ở Afghanistan dưới sự bảo trợ của Taliban. 

Taliban vẫn ủng hộ mạnh mẽ các tổ chức thánh chiến người Uzbekistan và Duy Ngô Nhĩ bất chấp Thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban 2020, trong đó yêu cầu Taliban phải cắt đứt quan hệ với Al Qaeda và tất cả các tổ chức khủng bố Trung Á.

Các chiến binh Taliban tham gia vào một buổi tụ họp nhân kỷ niệm thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban hồi tháng 3 năm 2020. Ảnh nguồn: Wali Sabawoon/NurPhoto/Getty Images.

Trước những bằng chứng tài liệu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) và Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) về mối quan hệ khăng khít của Taliban với Al Qaeda và việc không hoàn thành nghĩa vụ, Taliban đã áp dụng các chiến thuật mới nhằm công khai phủ nhận sự hiện diện của các tổ chức khủng bố xuyên quốc gia ở Afghanistan và các mối quan hệ gắn bó. 

Dù Taliban một mực phủ nhận, nhưng các báo cáo của Liên Hợp Quốc (UN) đã khám phá mặt thật của tổ chức này, đó là họ cố giấu một mạng lưới tinh vi liên kết với Al Qaeda và các tổ chức Hồi giáo Trung Á thông qua hàng thập kỷ chung hệ tư tưởng. 

Một báo cáo gần đây của Nhóm giám sát trừng phạt Taliban của UNSC đã xác nhận rằng có “xấp xỉ từ 8.000 đến 10.000 chiến binh thánh chiến đến từ Trung Á, Bắc Caucasus và Tân Cương đang có mặt ở Afghanistan. Mặc dù phần lớn các chiến binh này đang chiến đấu cho Taliban thì nhiều người trong số đó cũng hỗ trợ cho cả Al Qaeda”.

Báo cáo của UN cũng nhấn mạnh các phần tử thánh chiến Uzbekistan và Duy Ngô Nhĩ có mối quan hệ với Taliban và Al Qaeda theo kiểu “mạnh mẽ và sâu sắc”. 

Thêm nữa, Nhóm giám sát của UN cũng hé lộ chiến lược cốt lõi của Al Qaeda “chiến lược kiên nhẫn”, theo đó tổ chức này sẽ “đợi một thời gian dài trước khi tìm ra kế hoạch tấn công chống lại các mục tiêu quốc tế một lần nữa”. 

Theo báo cáo của UN thì “vài trăm chiến binh thánh chiến Duy Ngô Nhĩ của TIP hoạt động chủ yếu ở Badakhshan và các tỉnh biên giới Afghanistan, với mục tiêu chiến lược là thành lập một nhà nước Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương”. 

Để đạt được mục tiêu này, TIP đã tạo điều kiện cho các chiến binh di chuyển từ Afghanistan và Syria đến Trung Quốc. Abdul Haq al-Turkistani, thành viên của Shura Majlis (Al Qaeda), lãnh đạo các nhánh Syria và Afghanistan của TIP suốt hơn 2 thập kỷ. 

Theo nhóm giám sát của UN thì “Phiến quân Duy Ngô Nhĩ, Hajji Furqan, thủ lĩnh cấp phó của TIP, cũng là phó thủ lĩnh của Al Qaeda và chịu trách nhiệm cho việc chiêu mộ chiến binh nước ngoài”.

Từ những bổ nhiệm thủ lĩnh trên đã làm nổi bật mối quan hệ bền chặt giữa bộ tam: Taliban - Al Qaeda - TIP. Báo cáo của UN còn phát lộ thêm bằng chứng về mối quan hệ chặt chẽ giữa thánh chiến IMU của Uzbekistan với Taliban. 

Báo cáo đánh giá rằng “các chiến binh IMU hiện hoạt động ở các tỉnh Faryab, Sar-e Pol và Jowzjan, nơi đó họ phụ thuộc vào tiền bạc và vũ khí của Taliban”. 

Nhóm giám sát của UN cũng nhấn mạnh đến các hoạt động của những tổ chức thánh chiến Salafi-Jihadi Trung Á như KIB, IJU và Jundullah, hiện đang hoạt động ở các tỉnh Faryab và Kunduz (thuộc miền Bắc Afghanistan) dưới sự kiểm soát và bảo kê của Taliban.

Kết luận, các nhà phân tích UN lưu ý rằng áp lực buộc Taliban phải cắt đứt quan hệ với Al Qaeda và các tổ chức Salafi Trung Á đã không thành công. Do vậy, một lần nữa báo cáo của UN đã bác bỏ việc Taliban khẳng định Al Qaeda và các tổ chức thánh chiến Trung Á không hiện diện ở Afghanistan.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.