Mossad- lực lượng tình báo “kín tiếng” nhất thế giới

Thứ Bảy, 17/04/2021, 11:47
70 năm qua, Cơ quan tình báo Mossad của Israel luôn tỏa hào quang của sự bí mật với những tình báo viên máu lạnh kiên nhẫn đến kinh ngạc, tiến hành nhiều cuộc thanh trừng những kẻ thù của Israel.

Bàn tay trừng phạt của Israel

Mossad có từ đầu thế kỷ XX nằm trong Haganah, một tổ chức bán vũ trang bí mật của người Do Thái trong vùng đất ủy nhiệm của Anh tại Palestine từ 1920 tới 1948, sau này trở thành hạt nhân của Lực lượng Quốc phòng Israel.

Vai trò ban đầu của Haganah là trấn áp những người Arab tấn công họ trên đường di cư, trong khu phố và xúc phạm đến Hội đường Do Thái giáo vì không thích dòng người Do Thái đổ về từ Châu Âu…

Trước những hành vi đó, cảnh sát Arab nhắm mắt làm ngơ, cho nên người Do Thái đành tự mình bảo vệ. Haganah cũng theo dõi những ai gây cản trở cho việc thành lập Nhà nước Do Thái độc lập, kể cả những người Do Thái chưa tin rằng dân tộc mình có thể trở lại vùng đất thánh.

Sau những vụ chống người Do Thái năm 1929 một tuần làm chết 133 người và bị thương hơn 300 người, Haganah chuyển từ nhóm báo thù thành một tổ chức, có hầu hết cư dân Do Thái lớn tuổi ở Palestine tham gia. Shai, một chi nhánh của Haganah, trở thành hạt nhân của tình báo Israel hiện đại.

Ami Ayalon.

Năm 1948 thành lập Nhà nước Israel độc lập, những cựu thành viên của tổ chức phục quốc Do Thái chiếm vị trí then chốt trong tình báo với những nguyên tắc căn bản, chọn phương pháp đấu tranh du kích và kỹ thuật phòng ngừa có mục tiêu, giết người có chủ đích.

Mới đầu Mossad từ một cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Ngoại giao Israel, đến ngày 1-4-1951 được mang tên Cơ quan Tình báo và đặc nhiệm, gọi tắt là Mossad, na ná tên gọi một thành cổ trên lãnh thổ Israel. cơ quan này trực thuộc Thủ tướng.

Cơ cấu của Mossad cũng rất lạ, khác hẳn các cơ quan tình báo khác trên thế giới, thông tin về con số chính xác các nhân viên được giữ tuyệt mật. Theo những đánh giá khác nhau thì trong biên chế của Mossad có từ 1.200 đến 7.000 người, ít hơn hẳn CIA của Mỹ.

Theo cuốn “Mossad: By Way of Decece” (Mossad: bằng con đường lừa dối) của tác giả Victor John Ostrovsky, một cựu katsa (sĩ quan tình báo thực địa của Mossad), thì số katsa chỉ 30-35 người, họ chỉ đạo mạng lưới sâu rộng gồm hàng vạn điệp viên trên toàn thế giới với nhiều vỏ bọc khác nhau.

Trong các chiến dịch, không hiếm khi có những tình nguyện viên từ cộng đồng Do Thái định cư ở đất nước mục tiêu giúp đỡ cho Mossad bằng những việc sơ đẳng như chuyển máy điện thoại di động hoặc thuê nhà giúp điệp viên mà không cần biết những chi tiết khác của chiến dịch. Họ hoạt động trên đất nước của đối thủ thường không công khai, một số vào sâu được căn cứ của kẻ thù đến mức trở thành chuyện giật gân với quy mô quốc tế.

Trường hợp với Eli Cohen là một ví dụ khi trong thập niên 1960 giành được sự tin cẩn của các quan chức cấp cao Syria, trở thành nhân vật số 3 trong danh sách ứng viên Tổng thống Syria ít lâu thì lộ tẩy, bị tử hình. Nhưng Cohen đã kịp khai thác những thông tin tối quan trọng giúp Israel giành chiến thắng quyết định trong Chiến tranh sáu ngày với Liên minh Arab và chiếm được cao nguyên Golan.

Hướng hoạt động chủ yếu của Mossad là tiêu diệt thể chất các kẻ thù ở những nước châu Âu do đơn vị đặc nhiệm Kidon (mũi giáo) thi hành. Theo Ostrovsky thì đơn vị đó chỉ gồm 3 tiểu đội, mỗi tiểu đội có 10-12 sát thủ chuyên nghiệp chọn từ lính tinh nhuệ, họ không biết gì tên họ của nhau và các đơn vị khác của Mossad. 

Bắt giữ Yuri Brodsky (tình nghi là điệp viên của “Mossad” ở Ba Lan).

Mossad ưu tiên việc phòng ngừa có mục tiêu, không giết người thừa. Để chuẩn bị cho những chiến dịch tương tự trước đây cần nhiều tháng, có khi nhiều năm. Việc lên kế hoạch và thu thập thông tin cần thiết có thể thu hút hàng trăm điệp viên trên toàn thế giới, các chi tiết của chiến dịch thì chỉ một vài người biết.

Mục tiêu nghiên cứu rất chi tiết: đối tượng làm gì hàng ngày, có thói quen và tật xấu nào, thường đi xe gì, thân cận có những ai… Bây giờ nhờ công nghệ cao, nhà nước Israel có thể thực hiện chiến dịch nhanh gấp nhiều lần trước đây, không chỉ để phòng ngừa nguy cơ bất khả kháng cho đất nước, mà còn tận dụng cơ hội để tách ra những tên họ trong danh sách kẻ thù của Israel.

Ami Ayalon - người lãnh đạo an ninh nội địa giai đoạn 1996-2000 - mô tả cách tiếp cận của cơ quan tình báo Israel hiện đại như là “cái ác tầm thường”. Trong hồi ức của những cựu tình báo rò rỉ trên báo chí, không hiếm khi thấy tình báo Israel sử dụng vào chiến dịch những tuýp thuốc đánh răng và thỏi chocolate có chất độc, máy điện thoại di động phát nổ, đánh tráo động cơ hạt nhân, tuyển dụng nhân tình cho những tên khủng bố… 

Trong sách của mình, Ostrovsky kể rằng các katsa huấn luyện rút súng lục ra trong mọi tình huống nguy hiểm, không quan tâm đến chuyện gì có thể xảy ra với những nhân chứng tình cờ, tính ích kỷ trong nghề tình báo được coi gần như là một phẩm chất tốt đẹp.

Dẫu có thế nào thì Mossad vẫn thường núp trong bóng tối: đối với bất kỳ đặc vụ nào thì để lọt ra ngoài xã hội cũng dẫn đến thất bại.

Điệp viên Eli Cohen.

Tình báo ngoại biên

Meir Dagan, người cầm đầu lực lượng tình báo ngoại biên Israel giai đoạn 2002-2011 đã nói khá thẳng: “Chúng tôi không phải Mỹ quốc, và nếu như chúng tôi tiếp tục cho rằng mình có thể làm ngay tất cả thì cuối cùng cũng chả tính gọn được việc gì”.  

Trong nhiều chục năm, các tình báo viên của Mossad tìm kiếm rất có phương pháp kẻ thù ở những nước châu Âu: đó là bọn phát xít tội phạm chiến tranh, kể cả người ra quyết định cuối cùng về vấn đề Do Thái là Adolf Eichmann, những kẻ ám sát các thành viên đội tuyển Israel ở Thế vận hội München, những người cầm đầu các tổ chức khủng bố Palestine, các nhà lãnh đạo quân sự và binh lính, cả những nhà bác học hạt nhân của đối phương...

Ở thời kỳ đầu của dịch COVID-19, Mossad tung hết lực vào việc tìm kiếm những thiết bị, những thuốc thử và công nghệ sản xuất cần thiết, kể cả virus cho cuộc đấu tranh với những cuộc tấn công mới. Theo lời một quan chức cấp cao của lực lượng tình báo Israel thì đặc nhiệm của họ thậm chí đã nhận được trước những thiết bị do nước ngoài đặt hàng.

Thành viên đội “Haganah”, 1948.

Thách thức của thời đại mới

Tuy vậy, danh tiếng một trong những lực lượng tình báo kín tiếng nhất thế giới đã dần phôi pha. Tháng 2-2021, chính giới Israel rất kinh ngạc bởi một vị phó tướng của Mossad có biệt danh Aleph quyết định từ chức. Nhiều người lấy làm lạ vì phi logic: viên tình báo từng đứng sau nhiều chiến dịch thành công vang dội đã rút lui trong bối cảnh nguy cơ càng tăng từ phía đối thủ.

Một tháng sau khi tuyên bố từ chức, Aleph mới trả lời phỏng vấn, trong đó đổ hết tội cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Theo lời ông thì chính “lãnh đạo tồi” là nguyên nhân gây thất bại trong cuộc đối địch và cảnh báo: tính độc lập của cơ quan đặc vụ gặp nguy cơ, vô phương cứu vãn.

Giữa tháng 3-2021 mọi chuyện vỡ lở khi nhiều người biết người đứng đầu cơ quan tình báo Yossi Cohen đã thề trung thành với vợ ông Benjamin Netanyahu để được nhận vị trí hằng mong ước. Cả Cohen, cả bà Sara Netanyahu tất nhiên phản bác tin đồn đó, nhưng ở Israel người ta lo rằng dưới sự lãnh đạo của Cohen, Mossad sẽ biến thành công cụ của Thủ tướng và sẽ thi hành mọi mệnh lệnh của ông, ngay cả khi việc đó đi ngược với lợi ích dân tộc.

Bản thân Cohen thì coi mối nguy chủ yếu ở công nghệ cao high-tech. Ông nghệ hiện đại tuy làm cho việc lập kế hoạch được nhanh, nhưng lại cho phép truy ra dấu vân tay, võng mạc và nét mặt của điệp viên...

Công nghệ phát triển quá nhanh đã tạo nên nạn thất thoát nhân sự. Tình báo Israel thậm chí còn tìm đến một phương tiện hoàn toàn không theo quy chuẩn – đó là phim truyền hình nhiều tập.

Trên nền tảng streaming (truyền phát trực tiếp) xuất hiện ngày càng nhiều những bộ phim cổ súy và có lẽ là lãng mạn thái quá về những chiến dịch to tát của tình báo Israel. Như Sacha Baron Cohen, nổi tiếng về vai diễn Borat đã sắm vai tình báo huyền thoại Eli Cohen cùng họ với mình trong bộ phim chiếu trên Netflix.

Trên Apple TV đã xuất hiện bộ phim nhiều tập Tehran kể về một nữ tình báo viên chuyên làm tin tặc sống tại thủ đô Iran để chống lại chương trình hạt nhân của đối phương. Còn cô người mẫu Israel nổi tiếng Bar Refaeli thì sắm vai trong bộ phim Kidon kể về vụ ám sát Mahmoud al-Mabhouh - một thủ lĩnh của phong trào  XAMAC của Palestine ở Dubai.

Ở Mossad vốn có nguyện vọng lịch sử là giữ vòng hào quang của sự bí mật, người ta không phản đối việc bị chú ý nhiều quá, mà ngược lại, tìm mọi cách để nâng cao, thúc đẩy sự chú ý đến mình, mục đích là để thuyết phục giới trẻ rằng “hãy làm việc cho Mossad thì mới có những pha cực kỳ bất ngờ và thú vị”. Nghe theo lời cổ vũ, tuổi trẻ có thể vào website của Mossad để điền vào đấy một bản tự khai đặc biệt của người tuyển dụng đưa ra…

Tuy nhiên, những chương trình quảng bá cho Mossad có thể là chưa đủ. Tamir Libelle – nhà nghiên cứu ở Đại học Bamberg (CHLB Đức) nhận định rằng cơ quan đặc vụ đã không thích ứng kịp với những chuyển động địa chính trị diễn ra trên thế giới sau khi kết thúc “Chiến tranh Lạnh”.

Trong cuộc chạy đua theo những chiến dịch trọng điểm, lực lượng tình báo Israel đã để tuột cơ hội cho những cải cách cơ chế quan trọng có thể giúp nó đứng được lâu hơn trên đỉnh vinh quang.

Mossad có đảm đương được trước những thách thức mới hay là vĩnh viễn biến thành con rối của các chính khách Israel - rồi thời gian sẽ cho kết quả. Chỉ có điều danh tiếng “cơ quan tình báo bí mật nhất” không lâu nữa rồi sẽ qua. Và Mossad sẽ có càng nhiều cộng sự về hưu và ngồi viết hồi ký, càng thường xuyên giới thiệu cho hai kênh truyền hình Netflix và HBO tiết lộ những chuyện ly kỳ về những James Bond người Israel lạnh lùng, trắng trợn, “xử đẹp” những kẻ thù và “tiện thể cứu rỗi toàn bộ nhân loại tiến bộ”.

Đăng Bẩy (Theo lenta.ru)
.
.