Một chuyên gia tình báo giúp ngăn chặn chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô
- CIA giải mật hồ sơ thời Chiến tranh lạnh/ Những trò chơi tình báo thời chiến tranh lạnh/ Cuộc chiến gián điệp Nga - Mỹ thời hậu 'chiến tranh lạnh'
Carney nhận thức rõ một sự thật là Liên Xô không hề chuẩn bị cho cuộc chiến tranh hủy diệt chống lại phương Tây bởi vì các đơn vị quân đội của họ chỉ hoạt động bình thường. Thật ra là người Mỹ đang cố gắng khiêu khích Liên Xô để dẫn dụ họ vào cuộc chiến tàn khốc theo mưu đồ của Washington. Bất mãn và muốn chạy trốn, Jeffrey Carney lần mò đến Trạm kiểm soát Charlie - cửa ngõ vào Đông Berlin - lúc gần nửa đêm ngày 22/4/1983 và đề nghị phía bên kia cho phép tị nạn chính trị. Nhiều giờ sau, tình báo CHDC Đức yêu cầu Carney quay trở về đơn vị cũ để làm gián điệp cho họ. Kể từ đó Jeffrey Carney bắt đầu cuộc sống hai mặt. Ông đã âm thầm lập một kỳ tích mà không ai biết cho đến khi hồ sơ về ông được giải mật và tiết lộ vào ngày 24/10 vừa qua.
"Tổng thống Ronald Reagan muốn biến Liên Xô thành một đế chế tàn bạo"
Tên tuổi Carney đã bị bỏ sót trong những tài liệu ghi chép về hoạt động gián điệp thời Chiến tranh lạnh. So sánh với những điệp viên hai mang nổi tiếng trong thập niên 80 thế kỷ XX như Aldrich Ames của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), thì Carney chỉ là một cái bóng mờ nhạt. Tin tức về vụ Jeffrey Carney bị bắt giữ và buộc tội năm 1991, tức 2 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, chỉ là dòng ghi chú cuối trang cho một kỷ nguyên lạnh lẽo bị quên lãng.
Jeffrey Carney thời còn trẻ và ranh giới chia đôi Berlin |
Hồ sơ giải mật "Sự hoang mang về cuộc chiến tranh của Liên Xô" dày 109 trang được Văn khố An ninh Quốc gia (NSA) - tổ chức nghiên cứu tư nhân đặt trụ sở tại Đại học George Washington - công bố sau nhiều năm nỗ lực đòi chính quyền giải mật. Những nỗ lực chuẩn bị một cuộc chiến tranh khủng khiếp của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng được tiết lộ trong tài liệu mang tên "Able Archer 83" trong hồ sơ này. Tài liệu mật cho thấy "giới lãnh đạo quân sự Xôviết có lẽ rất e ngại Mỹ sử dụng Able Archer 83 để phát động cuộc chiến tranh thực" và "nỗi lo sợ chiến tranh là có thật, ít nhất trong suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Liên Xô". Chính xác đó là những gì mà Jeffrey Carney lo sợ - những phát súng đối đầu nhau và thậm chí nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân hủy diệt loài người.
Dĩ nhiên, bất cứ người nào rời bỏ hàng ngũ để chạy sang bên kia đều có lý do riêng. Và lý do của Jeffrey Carney là ông tự tin mình sẽ nói chuyện được với người Liên Xô để ngăn chặn một cuộc chiến tranh có thể xảy ra. Sau này Carney bộc bạch: "Nếu anh ngăn được hành động điên rồ đáp lại hành động điên rồ khác, nghĩa là anh đã làm được điều tốt đẹp". Tài liệu “Able Archer 83” tiết lộ: Vào mùa hè năm 1983, Đài Phát thanh Liên Xô bắt đầu thông báo "vài lần trong một ngày" cho rằng, một cuộc tấn công từ Mỹ sắp xảy ra. Những dấu hiệu trên đường phố Moscow và các thành phố khác của Liên Xô bộc lộ những vị trí ẩn nấp để đối phó các cuộc không kích.
Một đơn vị không quân Liên Xô ở Ba Lan bắt đầu tiến hành nhanh chóng việc di chuyển vũ khí hạt nhân từ kho chứa đến lắp vào máy bay. Trong khi đó, một số quan chức chính quyền Tổng thống Ronald Reagan lo ngại Liên Xô đang chuẩn bị xâm lược phương Tây, hủy diệt nhiều thành phố và hải cảng lớn bằng vũ khí hạt nhân. Nhiều năm sau này Reagan nhớ lại: "Một hành động sai lầm có thể dẫn đến cuộc chiến tranh khủng khiếp".
Một phần cuốn hồi ký của Carney bị tình báo Mỹ kiểm duyệt. |
Jeffrey Carney không hề dự định trước mình sẽ làm gì khi vượt biên vào Đông Berlin vào đầu năm 1983. Carney biết rõ một số chiến dịch gián điệp điện tử nhạy cảm nhất của Lầu Năm Góc và báo chí Mỹ lúc đó cũng mô tả người Nga là nguy hiểm. Carney nhớ lại: "Có lẽ khoảnh khắc đầu tiên mà tôi nhận ra có một vấn đề nảy sinh, một sự mâu thuẫn lớn lao, là vào một ngày khi tôi đứng chờ xe buýt để đến cơ quan làm việc. Tờ báo quân sự Stars and Stripes có bài viết về sự nổi trội của Liên Xô so với châu Âu. Tôi nhớ mình đã cười với một người bạn, cũng là chuyên gia ngôn ngữ học, về những con số và thông tin kỹ thuật được đề cập trong bài báo. Tôi thấy được những báo cáo tình báo hàng ngày của chúng tôi hết sức kỳ cục".
Nhưng Carney cũng bắt đầu suy nghĩ: "Ronald Reagan muốn biến Liên Xô thành một đế chế tàn bạo, cho dù thực sự họ có đúng như vậy hay không!”. Tại nơi làm việc, Jeffrey Carney bắt đầu công khai sự đồng cảm cá nhân đối với chính quyền Sandinista - phong trào cách mạng lật đổ nhà độc tài Anastasio Somoza ở Nicaragua năm 1979 và thiết lập nền dân chủ ở đất nước Trung Mỹ này - được Liên Xô hậu thuẫn. Carney cũng cực lực chỉ trích Mỹ đang cố gắng khuyến khích những người chống Liên Xô đánh cắp máy bay để chạy sang phương Tây.
Không đồng tình với những mưu đồ của chính quyền Mỹ, Carney yêu cầu được thuyên chuyển khỏi công việc tình báo song không được cấp trên chấp thuận. Trong khi đó, Carney cũng đang bị giằng xé trong lòng vì cố che giấu thân phận một kẻ đồng tính, ông luôn lo sợ bị mọi người phát hiện. Cuối cùng, Carney được Cơ quan Tình báo STASI của CHDC Đức chú ý khi ông tìm đến Trạm kiểm soát Charlie và chấp nhận trở lại vị trí chuyên gia phân tích tình báo Mỹ để làm gián điệp cho họ. Carney nhớ lại: "Tôi trở lại để làm một gián điệp không mong muốn, trong đầu cứ nghĩ mình sẽ mau chóng thoát khỏi hoàn cảnh éo le này. Nhưng thực tế không dễ dàng chút nào. Tôi không thể thoát ra được".
Mắc kẹt giữa hai chiến tuyến
Từ tháng 5/1983, Jeffrey Carney bắt đầu lợi dụng mọi thời cơ thuận lợi để đánh cắp các tài liệu "quan trọng" của Mỹ. Càng đọc những báo cáo tình báo nhạy cảm, Carney càng thấy lo ngại về những chương trình chiến tranh và vũ khí điện tử do Mỹ thiết kế phục vụ mưu đồ "rán chín" mọi hệ thống viễn thông chỉ huy của Liên Xô.
Trạm kiểm soát Charlie. |
Cuối năm 1983, Carney biết tin các máy bay chiến đấu của Mỹ chuẩn bị xâm nhập không phận Liên Xô để mô phỏng một cuộc tấn công vào một vị trí quân sự nhạy cảm nhằm đánh giá đúng khả năng đáp trả của đối phương. Mối hoang mang lo sợ nổ ra chiến tranh càng tăng mạnh sau khi quân đội Mỹ lên kế hoạch triển khai các tên lửa đạn đạo Pershing hai tầng mang đầu đạn hạt nhân ngay trên lãnh thổ CHLB Đức. Jeffrey Carney lập tức báo tin cho STASI về những gì sắp xảy ra. Khi thân phận gián điệp còn được giữ trong vòng bí mật, Carney từ chối tiết lộ cho STASI thêm nhiều tài liệu mật vì sợ bị bắt giữ. Sau đó, Mỹ và Liên Xô tiến gần đến nguy cơ xung đột hạt nhân cực kỳ nguy hiểm.
Đêm 26/9/1983, tiếng còi báo động hú rền bên trong một trạm radar của Liên Xô nằm cách Moscow gần 145km về phía tây nam - dấu hiệu cho thấy một quả tên lửa xuyên lục địa Minuteman của Mỹ sắp đến gần. Liên Xô cần thời giờ để xác định tính chính xác của cuộc tấn công từ Mỹ. Không quân Liên Xô lo ngại một cuộc tấn công thực sự sẽ diễn ra. Moscow chuẩn bị phản kích hoặc là sẽ đánh mất các lực lượng tên lửa. Duy nhất chỉ có trung tá Stanilav Petrov cố gắng kiên nhẫn để ngăn chặn một cuộc đối đầu hạt nhân toàn diện giữa 2 bên - theo phóng viên tờ Washington Post David Hoffman tiết lộ trong cuốn sách "Bàn tay chết chóc" của ông xuất bản năm 1999.
Tên lửa Minuteman của Mỹ thời Chiến tranh lạnh. |
Cuối cùng Petrov đưa ra kết luận, sau khi phân tích dữ liệu - do một vệ tinh Liên Xô cung cấp cùng với thực tế không hề có bất cứ tên lửa nào sắp bay đến - vụ tấn công chỉ là giả. Petrov ngay lập tức yêu cầu Moscow hủy bỏ báo động. Carney đã nói với nhà báo Hoffman: "Tôi cảm thấy vui mừng tột độ. Tôi không muốn phạm một sai lầm". Năm 2013, Carney nói với Hãng tin BBC: "Thật may mắn là tôi có ca trực vào đêm đó".
Đóng góp bị lãng quên
Năm 1985, khi các nhà điều tra Mỹ phát hiện một nhóm nhỏ điệp viên Liên Xô, Jeffrey Carney vội vàng bay từ nơi làm việc ở Texas đến Mexico City đề nghị Đại sứ quán CHDC Đức bảo vệ. Sau đó, Carney được giúp đỡ đến Đông Berlin qua ngõ Havana và Prague. STASI yêu cầu Carneỵ nghe lén giới chức chỉ huy quân sự Mỹ đóng ở CHLB Đức cũng như Đại sứ quán Mỹ đặt tại CHDC Đức. Năm 1989, STASI giải tán và Bức tường Berlin sụp đổ. Jeffrey Carney chuyển sang làm tài xế xe điện ngầm ở Đông Berlin.
Jerrey Carney hiện nay. |
Năm 1991, sau khi được một số cựu điệp viên STASI cung cấp thông tin, một nhóm nhà điều tra USAF đã bắt giữ Carney ngay trên đường phố của Đông Berlin cũ và áp giải ông đến sân bay Templehof. Sau 28 giờ chất vấn, người Mỹ bí mật đưa Carney lên một chiếc máy bay quân sự chở về Washington. Jeffrey Carney bị tòa án Mỹ kết án 38 năm tù vì tội gián điệp và đào ngũ. Năm 2002 - tức sau 11 năm, 7 tháng và 20 ngày bị giam cầm - Jeffrey Carney được trả tự do. Hiện nay, Carney đang sống ở bang Ohio. Năm 2013, Carney cho xuất bản cuốn hồi ký "Chống lại mọi kẻ thù: Hành trình Chiến tranh lạnh của một người Mỹ" song không thu hút được sự chú ý.
Mới đây, khi hồ sơ giải mật được NSA công bố, Carney cho rằng những điệp viên giống như ông đã giúp gìn giữ hòa bình bằng cách tìm kiếm những khả năng và ý đồ quân sự thực sự của cả hai phía.