Mỹ: Cảnh sát bí mật giám sát phong trào “Vấn đề cuộc sống người da đen”

Thứ Tư, 16/09/2015, 22:15
Gần 300 tài liệu giải mật từ Công ty Giao thông Đô thị (MTA) và Công ty Đường sắt (Metro-North Railroad) tiết lộ một liên minh bao gồm đặc vụ chống khủng bố của MTA, cảnh sát mật và sĩ quan tình báo Sở Cảnh sát New York (NYPD) đã bí mật trà trộn vào những cuộc biểu tình của phong trào Black Lives Matter (Vấn đề cuộc sống người da đen) diễn ra từ tháng 12/2014 đến tháng 2/2015 trong thành phố để giám sát và chụp ảnh các nhà hoạt động.

Từ lâu, các nhà hoạt động đã nghi ngờ hành vi gián điệp của chính quyền, song có lẽ đây là lần đầu tiên hàng trăm tài liệu mật - được tiết lộ theo yêu cầu từ luật về quyền tự do thông tin (FOI) - cung cấp bằng chứng một cách rõ ràng.

Một tài liệu của MTA với bức ảnh của Jose LaSalle.

Trong 118 trang tài liệu của MTA được tiết lộ, tên của các sĩ quan cảnh sát mật được biên tập lại ít nhất 58 lần trong 5 cuộc biểu tình tháng 12/2014, 124 lần trong 5 cuộc biểu tình tháng 1/2015 và 10 lần trong một cuộc biểu tình tháng 2/2015.

Giới chức MTA từ chối tiết lộ tên thật của các cảnh sát mật với lý do điều đó "có thể gây hại đến cuộc sống hay sự an toàn của họ". Metro-North cũng biên tập lại tên của các cảnh sát mật trong 161 tài liệu của họ. Để giải thích cho hành động giám sát những cuộc biểu tình của phong trào Black Lives Matter, người phát ngôn Adam Lisberg của MTA tuyên bố: "Đơn vị đặc vụ MTA phải bảo đảm an toàn và an ninh cho hàng triệu người sử dụng các hệ thống đường sắt của chúng tôi hàng ngày, khi mà các mạng lưới giao thông thường xuyên bị bọn khủng bố đe dọa".

Trong một tài liệu đề cập đến cuộc biểu tình diễn ra vào đúng Ngày Martin Luther King Jr., tên của Jose LaSalle - người thành lập nhóm giám sát của NYPD hay còn được gọi là Đơn vị Tuần tra Giám sát của cảnh sát CPU - xuất hiện 4 lần và ảnh chụp của người này cũng được đính kèm. Ngày Martin Luther King Jr. diễn ra vào thứ hai tuần thứ 3 của tháng 1 hàng năm - đây là một trong 4 ngày nghỉ quốc gia nhằm tưởng nhớ đến những người quan trọng của nước Mỹ.

Alex Vitale, giáo sư Khoa Xã hội học Đại học Brooklyn, cho rằng đây là một phần trong lịch sử về hoạt động giám sát các nhà hoạt động của cảnh sát Mỹ. Giáo sư Vitale nói rằng phản ứng của lực lượng cảnh sát trước những cuộc biểu tình trong hòa bình cũng như sự bất phục tùng của người dân giống như đối với chiến dịch chống khủng bố và điều này thể hiện rõ chính sách gián điệp mở rộng của chính quyền Mỹ trong thập niên qua.

Một cuộc biểu tình của Black Lives Matter.

Tháng 1/2015, Cảnh sát trưởng NYPD Bill Bratton đã làm bùng phát cuộc tranh cãi dữ dội khi ông thông báo NYPD tiến hành những nỗ lực kết hợp chống khủng bố với chính sách ngăn chặn các cuộc biểu tình phản kháng. Theo Bratton: Nhóm Phản ứng Chiến lược (SRG) mới thành lập của NYPD "được thiết kế đặc biệt để xử lý những sự kiện nóng bỏng giống như những cuộc biểu tình đòi công lý cho Eric Garner mới đây, hay những vụ việc như vụ khủng bố liên hoàn ở thành phố Mumbai của Ấn Độ hoặc những biến cố đã xảy ra ở thành phố Paris của Pháp".

Eric Garner là một trong số những người da đen bị cảnh sát giết chết năm 2014 làm rúng động xã hội Mỹ dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình đòi công bằng cũng như phản đối hành vi bạo lực của cảnh sát. Nhiều nhà hoạt động của phong trào Black Lives Matter cho rằng, hành động giám sát âm thầm của cảnh sát được nêu trong tài liệu của MTA cũng như Metro-North thật ra không nhằm mục đích ngăn chặn khủng bố hay tội phạm mà họ muốn kiểm soát âm thầm các nhà hoạt động. Phong trào người da đen còn tố cáo Cảnh sát New York đe dọa bắt giữ các thành viên của họ.

Bà Elsa Waithe, thành viên Black Lives Matter, tin rằng mục đích giám sát của NYPD là nhằm trấn áp những phong trào bày tỏ sự bất đồng quan điểm và thu thập thông tin tình báo để kiểm soát mọi hoạt động của các nhà tổ chức phong trào biểu tình. Waithe cũng cho biết, bản thân cô đã bị một người - mà sau đó được xác định là  cảnh sát mật - xô đẩy  đến mức bị thương phải cấp cứu khi phát hiện cô quay phim cảnh sát bắt giữ người biểu tình. Waithe cũng không biết sau đó tại sao cảnh sát biết được tên cô nói: "Tôi cho rằng họ có thông tin về cá nhân tôi và nhìn thấy đây là cơ hội để tấn công".

Angie Brilliance, nhà tổ chức của phong trào Black Youth Project 100 ở Chicago, cho biết trong chiến dịch năm 2012 về cơ sở chăm sóc bệnh tâm thần tại một vùng lân cận Chicago, bà phát hiện trong nội bộ có một vài thành viên là người chỉ điểm ngầm cho cảnh sát. Các nhà hoạt động phong trào Black Lives Matter nói rằng họ vẫn tiếp tục những cuộc biểu tình phản kháng trong hòa bình bất chấp sự giám sát lén lút của NYPD bởi vì "những gì chúng tôi làm là đúng".

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.