Mỹ “gian dối” và tụt hậu về công nghệ hạt nhân
- Syria tiếp tục nung nóng quan hệ Nga - Mỹ
- Quan hệ Nga – Mỹ như chỉ mành treo chuông
- Nga-Mỹ-Trung Quốc và con bài dầu hỏa
Plutonium - chất chế tạo bom nguyên tử
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Syria đang sôi sục và những xung đột dai dẳng vẫn tiếp diễn ở Ukraine, sự hoài nghi giữa Nga và NATO; Nga - Mỹ đang ngày càng gia tăng…không khí Chiến tranh Lạnh đang trở lại. Vũ khí hạt nhân một lần nữa lại được nhắc đến mỗi khi các bên bế tắc trong các giải pháp chính trị-quân sự-ngoại giao…
Ngay tuần đầu tháng 10-2016, Tổng thống V.Putin đã ký sắc lệnh đình chỉ thỏa thuận đã ký với Mỹ về việc xử lý plutonium ở cấp độ vũ khí. Lý giải về quyết định của Tổng thống V.Putin, phía Nga cho biết, đó là do "những hành động thù địch của Mỹ chống lại Nga", cũng như việc Washington không thực hiện đầy đủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân đã ký với Nga.
Tổng thống V.Putin và B.Obama trong cuộc gặp về vấn đề hạt nhân năm 2013. |
Ông Putin cho biết thêm, quyết định ngừng thỏa thuận về sử dụng plutonium với Mỹ là do những thay đổi cụ thể của tình hình hiện nay, việc xuất hiện những mối đe dọa ổn định chiến lược vì Mỹ có các hành động "không thân thiện" và một lý do nữa là xuất phát từ việc Nga cần áp dụng các biện pháp cấp thiết nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Sắc lệnh có đoạn: "Những thay đổi căn bản về môi trường, mối đe dọa đối với sự ổn định chiến lược do những hành động thù địch của phía Mỹ đối với Nga, và sự bất lực của Mỹ trong việc thực hiện nghĩa vụ loại bỏ plutonium ở cấp độ vũ khí theo hiệp ước quốc tế, cũng như sự cần thiết phải có hành động nhanh chóng để bảo vệ an ninh nước Nga, là lý do để đình chỉ thỏa thuận này.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, Nga không từ bỏ trách nhiệm của mình trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng việc Moscow đình chỉ thỏa thuận xử lý plutonium ở cấp độ vũ khí là biện pháp bắt buộc và để Washington biết rằng Mỹ cứ nói chuyện với Nga bằng giọng điệu trừng phạt thì sẽ không có kết quả gì.
Về thỏa thuận cụ thể, tờ Russia Today đã nêu rõ, Washington đã quyết định rằng sẽ ít tốn kém hơn khi trộn các nguyên liệu hạt nhân với các chất làm loãng đặc biệt. Phía Nga coi đó là sự vi phạm thỏa thuận mà hai bên đạt được, trong đó yêu cầu sử dụng lò phản ứng hạt nhân để chuyển hóa plutonium chứ không phải là công nghệ pha trộn.
Thỏa thuận trên được Nga và Mỹ ký vào năm 2000 và có hiệu lực sau một thỏa thuận vào năm 2010. Theo đó, mỗi nước cam kết sẽ hoàn thành việc loại bỏ 34 tấn plutonium ở cấp độ vũ khí bằng cách đốt trong lò phản ứng hạt nhân. Reuters nhận định quyết định này của Tổng thống Putin cho thấy mối quan hệ tiếp tục xấu đi của Washington và Moscow. Không chỉ có vậy, tất cả các quyết định liên quan tới vũ khí hạt nhân, cho dù là của bất kỳ nước nào, đều khiến toàn thế giới lo ngại.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 5-10 cũng đã tuyên bố, "tạm ngừng" thỏa thuận hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển lĩnh vực hạt nhân và năng lượng. Công dân Mỹ "không được phép vào cơ sở hạt nhân Nga" và không cho phép các viện nghiên cứu hai nước hợp tác trực tiếp. Thỏa thuận giữa cơ quan hạt nhân Nga Rosatom và Bộ Năng lượng Mỹ về nghiên cứu chuyển đổi lò phản ứng Nga để sử dụng uranium độ giàu thấp cũng bị tạm dừng. "Nếu cần chuyển đổi, chúng tôi sẽ tự làm", Bộ Ngoại giao Nga thông báo.
Phương tiện của mọi toan tính
Sự cứng rắn của Nga cùng những toan tính của Mỹ trong giai đoạn đặc biệt nhạy cảm, khi chỉ còn vài tuần nữa là tới ngày bầu cử tổng thống Mỹ đã khiến quan hệ hai bên cực kỳ căng thẳng. Các chuyên gia phân tích còn nhận định, những quyết định mang tính "đối đầu" của cả hai bên đang làm dư luận dấy lên những lo ngại có thể sẽ dẫn tới đụng độ quân sự.
Có thể thấy rõ, sự tính toán của Nga khi đưa ra tuyên bố về Plutoni trong thời điểm này. Nguồn tin từ Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) ngày 4-10 cho biết, nước này có thể khôi phục hiệu lực thỏa thuận về plutonium trong trường hợp Mỹ thu hẹp hạ tầng quân sự và số lượng quân nhân trên lãnh thổ các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời dỡ bỏ cấm vận và Đạo luật Magnitsky về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số cá nhân ở Nga mà Mỹ cho là "vi phạm nhân quyền".
Ngoài ra, phía Nga cũng yêu cầu bồi thường những thiệt hại mà Nga hứng chịu do các biện pháp trừng phạt, kể cả thiệt hại vì nước này buộc phải áp dụng biện pháp cấm vận đáp trả và yêu cầu Mỹ có kế hoạch rõ ràng về tiêu hủy hoàn toàn plutonium liên quan trong thỏa thuận.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuy tuyên bố tỏ ra "hối tiếc" khi Moscow đơn phương dừng hợp tác, nhưng rõ ràng, nhưng những "tín hiệu" từ Nga đang phát đi cho thấy, vũ khí hạt nhân chỉ là một phần trong chiến lược mà hai bên đưa ra. Đúng như gợi ý của người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Washington vẫn sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Nga "vì lợi ích song phương".
Chỉ là sức mạnh để răn đe?
Để duy trì sức mạnh của vũ khí hạt nhân và được coi như "át chủ bài" trong các cuộc mặc cả, Nga và Mỹ trong suốt gần chục năm qua, bên cạnh thỏa thuận tiêu hủy plutonium ở cấp độ vũ khí thì vẫn âm thầm tìm cách để nâng cấp liên tục các vũ khí có khả năng chứa đầu đạn hạt nhân.
Hệ thống tên lửa S-400 tối tân của Nga. |
Tiến sĩ Jeffrey Lewis, người sáng lập nhà xuất bản Arms Control Wonk nhận định: Nga có nhiều thiết kế tên lửa hơn Mỹ. Nga chế tạo tên lửa dựa theo sự cải thiện dần dần, tức là vũ khí cần được nâng cấp thường xuyên. Trong khi đó các chuyên gia Nga từng ước lượng rằng, plutonium trong tên lửa Mỹ có sức hủy diệt vượt trội.
Tuy nhiên, trong thời đại mà tính chất của các cuộc chiến tranh đã biến đổi thành chiến tranh công nghệ cao và chiến tranh nổi dậy thì vũ khí hạt nhân đã giảm đi đáng kể vai trò. Có nghĩa là các cường quốc hạt nhân sẽ chỉ còn mang nó để răn đe chứ không dám thực hiện bất cứ một nút bấm hạt nhân nào.
Người Mỹ cho rằng vũ khí hạt nhân đã lạc hậu. Trong một cuộc chiến tranh nổi dậy, vũ khí hạt nhân về mặt nguyên tắc dứt khoát không thể được sử dụng, bởi vì đó sẽ là một hình thức diệt chủng - giết hại hàng loạt dân thường vô tội. Bên cạnh đó, sử dụng hạt nhân để chống lại một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ chịu đòn đáp trả, cái mà các quốc gia nhận được không phải là một chiến thắng, mà là một kết cục hủy diệt lẫn nhau không tránh khỏi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ vũ khí hạt nhân khó mất đi là bởi cùng với chiến tranh nổi dậy, vũ khí hạt nhân có thể trở thành biện pháp đáp trả phi đối xứng rất hiệu quả của một số nước chậm phát triển để chống lại một cuộc chiến tranh công nghệ cao chống lại họ. Nếu vũ khí hạt nhân không còn nữa, vai trò độc tôn quân sự và cùng với đó là bá quyền chính trị của Mỹ trên thế giới là một thực tế không thể tranh cãi. Duy trì vũ khí hạt nhân là cách để răn đe và tìm sự cân bằng.
Sự bất lực về công nghệ hay những gian dối có tính toán
Washington không thể thực hiện thoả thuận đã ký với Moskva? Đó là câu hỏi đặt ra về thỏa thuân hạt nhân Nga - Mỹ.
Vậy đằng sau việc Nga dừng thoả thuận xử lý plutoni với Mỹ là vấn đề gì? Theo báo Lenta.ru, trước hết, quyết định này bắt nguồn từ những mối đe dọa đến sự ổn định chiến lược và các hành động thiếu thân thiện của Mỹ.
Thoả thuận về xử lý plutoni dư thừa có thể được dùng để chế tạo vũ khí" được Thủ tướng Nga Mikhail Kasyanov và Phó Tổng thống Mỹ Al Gore ký kết hồi năm 2000. Hai nước được cho là đã chuẩn bị tài liệu này từ năm 1996. Mục đích của thoả thuận này là nhằm đảm bảo việc giảm số lượng vũ khí ở cấp độ Plutoni-239 ở cả hai nước. Mỹ và Nga cần phải "giải trừ" khoảng 34 tấn nguyên liệu còn lại sau khi thực thi thỏa thuận về cắt giảm vũ khí hạt nhân tấn công.
Làm thế nào để giải trừ? Có hai phương pháp "giải trừ" plutoni: Phương pháp cơ bản nhất là tái chế trong các lò phản ứng, tức là sản xuất từ lượng plutoni này thành nhiên liệu hạt nhân oxit hỗn hợp và sử dụng trong các lò phản ứng. Phương pháp thứ hai là pha loãng nồng độ plutoni (giảm nồng độ plutoni-239 ít nhất là 93%) bằng các lò phản ứng plutoni với đồng vị 240 (loại mà rất khó có thể tách khỏi plutoni-239 và không thể sử dụng để sản xuất vũ khí).
Tuy nhiên, trên thực tế, cả Nga và Mỹ không có sẵn công nghệ để thực hiện các phương án này. Các cuộc thảo luận cấp chuyên gia kéo dài tới 10 năm mới đưa ra được một kết luận vào năm 2010 là bổ sung vào thoả thuận điều khoản về một số biện pháp thực thi thoả thuận kể trên. Đối với Nga, nhờ vào sự phát triển của các lò phản ứng notron nhanh (BN), nước này có thể kiểm soát được công nghệ hạt nhân.
Trên thực tế, ban đầu Nga có hai lựa chọn: một là công nghệ BN và hai là lò phản ứng áp lực nước VVER. Tuy nhiên, sau đó Moskva đã lựa chọn lò phản ứng và đi đến quyết định xây dựng nhà máy nhiên liệu oxit hỗn hợp. Nga đã xây dựng kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân đáp ứng đúng theo thoả thuận đã ký kết với Mỹ, xây dựng nhà máy nhiên liệu oxit hỗn hợp ở Zheleznagorsk, còn các lò phản ứng BN-600 (đã có) và BN-800 (đang được đưa vào sử dụng) đã sẵn sàng sử dụng loại nhiên liệu oxit hỗn hợp nêu trên.
Do Mỹ không sở hữu một công nghệ như vậy nên để thực thi thoả thuận với Nga, Washington đã phải mua công nghệ của Công ty Areva (Pháp) và trên cơ sở đó xây dựng nhà máy ở sông Savannah, phía Nam California. Trong lúc xây dựng nhà máy ở sông Savannah, Washington đã có sự so sánh rất kỹ và cuối cùng đi đến quyết định không chọn sản xuất nhiên liệu oxit hỗn hợp vì giá thành quá cao.
Vì vậy, mặc dù nhà máy (đến thời điểm mùa đông 2015-2016) đã xây dựng được 70% nhưng vẫn phải ngừng lại và quyết định này đã trở thành một vụ bê bối chính trị ở Mỹ. Chính quyền bang Nam California đã đệ đơn kiện chính phủ liên bang vì đã từ chối xây dựng nhà máy đó, trong khi ủy ban thượng viện về quân đội đã nộp vào ngân sách số tiền 340 triệu USD vào tháng 5-2016 để xây dựng nhà máy.
Tổng thống B.Obama hứa hẹn sẽ sử dụng quyền phủ quyết cho vấn đề này. Vào tháng 9 vừa qua, Bộ Năng lượng Mỹ cũng tuyên bố đóng lại chương trình sản xuất nhiên liệu oxit hỗn hợp. Theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau, Mỹ lấy làm tiếc trước quyết định đơn phương của Nga. Tuy nhiên, Washington vẫn tiếp tục duy trì cam kết đối với thỏa thuận tiêu hủy plutonium. Vậy nước Mỹ lấy gì để thực thi thỏa thuận với Nga?
Thêm vào đó, việc Mỹ và NATO liên tục tổ chức các cuộc tập trận; bố trí các trận địa tên lửa ở Đức, Ba Lan… cùng hành động hướng Đông ngày càng quyết liệt đã khiến nước Nga không thể "ngồi yên" mà chờ đợi các nguy cơ "gõ cửa". Và thực tế này đã trả lời cho câu hỏi đặt ra tại thời điểm này là tại sao Nga muốn xây dựng lại kho vũ khí hạt nhân? Tại sao tổng thống Nga kêu gọi tăng cường năng lực quốc phòng.