Mỹ từng cung cấp vũ khí và thiết bị tình báo cho Bắc Ailen

Thứ Bảy, 21/01/2012, 09:40

Các hồ sơ mới giải mật ở Bắc Ailen cho biết, trong những năm đầu thập niên 80 thế kỷ XX, chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan từng nhắm mắt làm ngơ để cho các nhà cung cấp vũ khí Mỹ bí mật cung cấp vũ khí cho Sở cảnh sát Hoàng gia Bắc Ailen (RUC) bất chấp lệnh cấm của Quốc hội.

Một bức công điện bí mật đóng dấu năm 1981 gửi cho Ngoại trưởng Mỹ tiết lộ các chi tiết cho thấy lệnh cấm vận vũ khí đối với Bắc Ailen được đề xuất và trình lên Quốc hội Mỹ bởi một nhóm nghị sĩ người gốc Ailen, sau đó dự luật chính thức được thông qua. Lý do của việc ban hành lệnh cấm này là vì tình trạng bạo lực tại Bắc Ailen liên quan đến chia rẽ bè phái bên trong RUC. Tuy nhiên, lệnh cấm này dường như đã không được tôn trọng, và các nhà cung cấp vũ khí Mỹ "được phép" âm thầm xé rào.

Vấn đề là liệu Nhà Trắng có biết đến các chuyến hàng vũ khí bị cấm này hay không. Nếu khi đó mà dư luận phát hiện Nhà Trắng biết nhưng cố tình nhắm mắt làm ngơ trước vụ việc, thì nguy cơ búa rìu dư luận, nhất là những đòn công kích từ các đối thủ chính trị là rất lớn. Một số người từng là nhân chứng thời đó khẳng định chắc chắn Nhà Trắng "có biết" đến những chuyến "hàng nóng" vượt Đại Tây Dương nhưng đã làm ngơ. Vì lý do gì thì có người giải thích đó là vì quan hệ đồng minh Mỹ-Anh.

Theo nội dung các bức công điện mật năm 1981, lệnh cấm đã bị phớt lờ nhằm mục đích đưa chuyến hàng vũ khí đến tận nơi đặt hàng là RUC. Thực ra, chuyện RUC mua súng của các công ty Mỹ đã bắt đầu từ trước khi có lệnh cấm. Theo hợp đồng ban đầu thì RUC đã đặt hàng mua 9.000 khẩu súng lục ổ xoay Ruger.

Hợp đồng đã bắt đầu được thực hiện từ giữa năm 1979, với chuyến hàng đầu tiên vào được giao tận nơi bao gồm 3.000 khẩu súng lục Ruger. Đến khi lệnh cấm được ban hành vào tháng 7/1979, nguy cơ mất hợp đồng 6.000 khẩu súng đã hiện diện ngay trước mắt khiến các nhà xuất khẩu vũ khí Mỹ phải tìm cách "vượt rào".

Đến tháng 3/1981, lệnh cấm vận tiếp tục được thi hành trong khi chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục "xét lại" chính sách hỗ trợ Bắc Ailen. Trong khi phải chờ lâu như thế, lực lượng cảnh sát RUC lại bị du kích IRA tấn công, khiến cho thành phần Unionist ở Bắc Ailen và một số nghị sĩ ở Anh tức giận. Một nghị sĩ đảng Bảo thủ đã mỉa mai tại sao Chính phủ Mỹ có thể bán tên lửa Trident cho nước Anh mà lại không cho cảnh sát Anh mua súng lục.

Thủ tướng Anh Margaret Thatcher từng hối thúc Tổng thống Mỹ Ronald Reagan bãi bỏ cấm vận vũ khí Bắc Ailen.

Tranh cãi là vậy, nhưng trong thực tế hoạt động cung cấp vũ khí cho cảnh sát Bắc Ailen vẫn âm thầm diễn ra. Lực lượng cảnh sát RUC vẫn được nhận súng Mỹ nhưng không phải trực tiếp từ các công ty Mỹ mà phải thông qua các nhà thầu Anh. Hợp đồng "tay ba" như thế là cách hiệu quả nhất để lách lệnh cấm vận. Điều này được nêu trong bức công điện mật năm 1981: "Trên thực tế, bất chấp lệnh cấm, RUC vẫn tiếp tục nhận những số lượng nhỏ súng lục Ruger thông qua các trung gian người Anh, và hiện giờ đang chờ nhận thêm 735 khẩu súng loại này".

Một bức công điện khác năm 1981 cung cấp thêm thông tin về việc buôn bán vũ khí cho RUC trong năm đó, cũng thông qua các đầu mối trung gian người Anh, với khoảng 2.235 khẩu súng lục Ruger, 130 khẩu Smith và Weston cùng hơn 1,3 triệu viên đạn. Bức công điện cũng nêu rõ, sở dĩ chính quyền Mỹ dù biết nhưng vẫn không lên tiếng về các vụ cung cấp vũ khí như thế là vì sợ rằng Quốc hội Mỹ sẽ áp dụng thêm biện pháp mới nhằm ngăn chặn tuồn lậu vũ khí cho RUC.

Tuy nhiên, thực tế thì các nghị sĩ Mỹ đã biết khá rõ về các vụ chuyển lậu vũ khí vượt lệnh cấm này. Nghị sĩ John Farr đã yêu cầu cung cấp danh mục chi tiết các loại vũ khí đạn dược đã cung cấp cho RUC. Yêu cầu này đã bị "ém lại", vì người ta ngại rằng việc kê khai như thế có thể sẽ làm lộ ra một số thiết bị "nhạy cảm" khác không phải là súng đạn. Đó là những bộ thiết bị do thám phục vụ công tác tình báo tại Bắc Ailen, thiết bị dò dẫn hướng, các thiết bị quay video, bộ ghi âm và video kỹ thuật số vô tuyến,…

Một số tài liệu mật khác cũng nêu rõ lý do thật sự khiến người Mỹ buộc phải âm thầm tiếp tục cung cấp vũ khí cho RUC là vì sự thúc ép của Thủ tướng Anh khi đó là bà Margaret Thatcher đòi Mỹ bỏ lệnh cấm vận vũ khí Bắc Ailen.

Tuy nhiên, do sự phản đối của các nghị sĩ gốc Ailen trong Quốc hội Mỹ nên lệnh cấm vẫn vẫn được duy trì, và việc cung cấp cho RUC buộc phải đi bằng đường bí mật

Tiểu Khang (tổng hợp)
.
.