Mỹ tuyên bố tiêu diệt al-Rimi, chỉ huy Al–Qaeda ở bán đảo Arab

Thứ Năm, 13/02/2020, 22:22
Tối thứ năm, ngày 6/2/2020, thông tin từ Nhà Trắng, Mỹ, chính thức thông báo đã tiêu diệt được Qassim al-Rimi, kẻ cầm đầu nhóm khủng bố Al -Qaeda ở bán đảo Arab trong một cuộc không kích tại Yemen.

Năm nay 41 tuổi, Al-Rimi được Mỹ và các quốc gia đồng minh xem là nhân vật nguy hiểm nhất của al-Qaeda ở khu vực này… 

Chân dung nhân vật “đặc biệt nguy hiểm”

Sinh ngày 5/6/1978 tại Raymah Governorate, gần thủ đô Sana'a của Yemen, Qassim al-Rimi gia nhập al-Qaeda khi mới 15 tuổi. 20 tuổi, Rimi là giảng viên dạy cách đánh bom tự sát tại trung tâm huấn luyện chiến binh thánh chiến al-Farouq, Afghanistan.

Khi Osama bin-Laden, kẻ sáng lập và lãnh đạo al-Qaeda bị Đội 6 - Lực lượng Đặc nhiệm hải quân Mỹ (SEAL) giết chết ở Abbotabad, Pakistan ngày 2/5/2011, các tài liệu thu được trong nhà Bin-Laden cho thấy Qassim al-Rimi rất được “ông trùm” tin tưởng mà cụ thể là ngay từ năm 1999, kế hoạch thành lập chi nhánh al-Qaeda ở Yemen đã hình thành theo gợi ý của Bin-Laden.

Qassim al-Rimi lúc là giảng viên trường huấn luyện chiến binh thánh chiến (ảnh trái) và lúc cầm đầu AQAP.

Cũng trong lúc là giảng viên dạy cách đánh bom tự sát tại trung tâm huấn luyện chiến binh thánh chiến al-Farouq, Afghanistan, Rimi còn vạch đường chỉ lối cho các phần tử al-Qaeda tiến hành các vụ đánh bom nhắm vào các đại sứ quán Mỹ ở Dar es Salaam, Tanzania và Nairobi, Kenya, giết chết 224 người, trong đó có 12 người Mỹ. Phương pháp quen thuộc của al-Rimi là chiến binh thánh chiến lái xe bán tải đến trước cổng sứ quán rồikích nổ cả trăm kilogam TNT giấu trong thùng xe.

Đấu năm 2000, Rimi trở lại Yemen. Đến ngày 10/7, chiến hạm USS Cole của Mỹ bị các phần tử al-Qaeda tấn công khi đang neo đậu ở cảng Aden khiến 17 sĩ quan, thủy thủ thiệt mạng. Trong vụ ấy, có sự tham dự của al-Rimi. Theo lời khai của một tay súng al-Qaeda bị bắt, Rimi đã tự tay chế tạo quả bom phục vụ cho cuộc tấn công này.

Năm 2004, Rimi âm mưu bắt cóc đại sứ Mỹ ở Yemen làm con tin để trao đổi với các chiến binh al-Qaeda đang nằm trong nhà giam của quân đội Yemen.  Sau nhiều cuộc điều tra và khi đã có đủ bằng chứng, Cơ quan An ninh Yemen bắt Rimi nhưng ngày 3-2-2006, Rimi vượt ngục trốn thoát cùng 22 thành viên al-Qaeda, trong đó có Nasir al-Wuhayshi.

Vài tháng sau khi trốn thoát, al-Rimi cùng Nasir al-Wuhayshi thành lập chi nhánh al-Qaeda tại Yemen. Cuối năm 2006, có khoảng 300 chiến binh thánh chiến dày dạn kinh nghiệm trở về từ Iraq và Afghanistan, gia nhập chi nhánh này.

Tháng 7/2007, Rimi tổ chức đánh bom tự sát vào một khách sạn ở thủ đô Sana'a, Yemen, giết chết 7 khách du lịch người Tây Ban Nha. Tháng 9-2008, một lần nữa Đại sứ quán Mỹ ở Sana'a lại bị al-Qaeda tấn công. 10 nhân viên bảo vệ Yemen cùng 4 thường dân chết, Phía al-Qaeda thiệt mạng 6 người. Tin tình báo cho biết Rimi là “hiệu trưởng” một trường huấn luyện của al-Qaeda ở tỉnh Abyan, Yemen và các tay súng tham gia tấn công sứ quán Mỹ đều là học viên của trường này.

Ngày 25/12/2009, đúng vào lễ Giáng sinh, Umar Farouk Abdulmutallab, người Nigeria đã giấu chất nổ dẻo trong quần lót khi lên chiếc máy bay Boeing 747, số hiệu 253 của Hãng hàng không Mỹ Northwest Airliners, cất cánh từ Amsterdam, Hà Lan đến Detroit, bang Michigan, Mỹ. Bị phát hiện và bị bắt, Umar Farouk Abdulmutallab khai rằng mình được Rimi huấn luyện, và vụ đánh bom tự sát nhắm vào chuyến bay 253 là theo lệnh của Rimi.

4 nhân vật lãnh đạo AQAP. Ngoài cùng bên trái là al-Rimi.

3 ngày sau khi Umar Farouk Abdulmutallab bị bắt, al-Rimi cùng 3 người khác, gồm Abu Hareth Muhammad al-Oufi, Abu Sufyan al-Azdi Al-Shahri và Nasir al-Wuhayshi xuất hiện trong một video clip, giới thiệu sự hợp nhất của 2 chi nhánh al-Qaeda ở Yemen và Arab Saudi để trở thành chi nhánh al-Qaeda bán đảo Arab (gọi tắt là AQAP). Trong chi nhánh này, al-Oufi là chỉ huy trưởng, al-Shahri và al-Wuhayshi là phó của Oufi. Riêng Rimi chỉ huy lực lượng vũ trang thánh chiến AQAP.

Ngày 4/1/2010, có tin nói rằng Rimi đã bị tiêu diệt khi quân đội Yemen mở cuộc tấn công vào Trường huấn luyện al-Qaeda ở tỉnh Abyan.

Đến ngày 15/1, lại có tin Rimi thiệt mạng trong một vụ không kích của máy bay không người lái, Mỹ. Tuy nhiên, một tài liệu do Cơ quan An ninh Arab Saudi thu được sau đó đã cho thấy Rimi vẫn còn sống. Trong tài liệu này, al-Rimi - tức Muhammad Qasim Mehdi Reemy - còn có những bí danh là Abu Hurayrah và Abu Ammar.

Ngày 11/5/2010, Bộ Ngoại giao Mỹ liệt al-Raymi vào danh sách những kẻ “khủng bố toàn cầu”, là nhân vật “đặc biệt nguy hiểm” ở bán đảo Arab, đồng thời treo thưởng 5 triệu USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ hoặc tiêu diệt al-Rimi.

Ngày 16-6/2015, Nasir al-Wuhayshisau, kẻ đã cùng Rimi thành lập chi nhánh al-Qaeda ở Yemen bị máy bay không người lái, Mỹ, phóng tên lửa giết chết. Rimi được Hội đồng lãnh đạo AQAP bầu lên làm thủ lĩnh. 2 tháng sau đó, trong một buổi lễ tổ chức ở miền bắc Yemen, al-Rimi thề trung thành với Emir Ayman al Zawahiri, nhà lãnh đạo tối cao của al-Qaeda.

Trong buổi lễ ấy, Rimi ca ngợi những thành công của al-Qaeda ở Syria, ca ngợi sự liên kết giữa al-Qaeda và Mặt trận al-Nusra đồng thời kêu gọi các chiến binh thánh chiến trên toàn thế giới đoàn kết chống Mỹ.

Cũng trong năm này, để đánh dấu sự ra đời của AQAP, al-Rimi chỉ đạo cuộc tấn công khủng bố nhắm vào trụ sở tạp chí Charlie Hebdo ở thủ đô Paris, Pháp, giết chết 12 người vì tạp chí này đã dám “báng bổ đạo Hồi, xúc phạm đến đấng tiên tri Mohammed”.

Ngày 28-6-2016, máy bay không người lái, Mỹ, phóng tên lửa xuống nhà của al-Rimi ở Abyan Governorate sau khi tin tình báo cho biết Rimi đang có mặt ở nhà. Kết quả 3 vệ sĩ của Rimi chết cùng 2 thành viên trong gia đình, Rimi chỉ bị thương. Đến giữa tháng 10, Bộ Ngoại giao Mỹ nâng mức tiền thưởng lên 10 triệu USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin về nơi ẩn náu của al-Rimi, và 5 triệu USD cho thông tin về Khalid al-Batarfi, cấp phó của al-Rimi.

Chiến hạm USS Cole sau vụ đánh bom tự sát của các phần tử AQAP. 

Sau nhiều năm theo dõi, ngày 29/1/2017, quân đội Mỹ tiến hành một chiến dịch, được đặt tên là “Cuộc đột kích Yakla”, mục tiêu chính là tiêu diệt al-Rimi. Cuộc đột kích thất bại, dẫn đến cái chết của sĩ quan Lực lượng Đặc nhiệm Hải quân Mỹ (SEAL) Williams Owens và một số dân thường - trong đó có 1 người Mỹ. Phía al-Qaeda có 14 tay súng thiệt mạng.

Đến ngày 5/2/2017, Al-Raymi xuất hiện trong một audio lip, phát hành trên mạng Internet. Trong audio này, Rimi khẳng định mình vẫn sống khỏe đồng thời chế nhạo Tổng thống Mỹ Donald Trump: “Kẻ ngu ngốc mới của Nhà Trắng đã nhận được một cái tát vào mặt”.

Ngày tàn của Qassim al-Rimi

Trong suốt năm 2017, quân đội Mỹ đã thực hiện 131 cuộc không kích tại Yemen còn năm 2018, con số này là 36. Bốn tháng đầu năm 2019, lại có thêm 6 cuộc không kích được tiến hành mà mục tiêu vẫn là các căn cứ của al-Qaeda cùng thủ lĩnh là al-Rimi.

Để trả đũa, sáng ngày 6/12/2019, trung úy Mohammed Saeed Alshamrani, học viên người Arab Saudi đang theo học một khóa huấn luyện lái máy bay tại căn cứ hải quân Pensacola, bang Florida, Mỹ, trong chương trình trao đổi quân sự giữa Arab Saudi và Mỹ, đã xả súng giết chết 3 người và làm bị thương 8 người khác. Gần 1 tiếng sau đó, Mohammed S. Alshamrani bị cảnh sát Mỹ tiêu diệt.

Vài ngày trước khi vụ thảm sát xảy ra, trên trang mạng Interlligence Group, Mohammed Saeed Alshamrani đã cho đăng một dòng trạng thái, đề cập đến cuộc chiến tranh do Mỹ phát động tại các quốc gia Hồi giáo và sự căm thù của mình với người Mỹ, cũng như chỉ trích sự ủng hộ của Mỹ với Israel. Bên cạnh đó, Mohammed Saeed Alshamrani còn trích dẫn một số câu nói của Osama bin-Laden và Anwar al-Awaki về cuộc thánh chiến.

Ngày 9/12/2019, al-Rimi xuất hiện trong 1 video clip dài 18 phút, khẳng định al-Qaeda bán đảo Arab chịu trách nhiệm về vụ nổ súng ở căn cứ hải quân Pensacola, bang Florida. Rimi gọi Saeed Alshamrani là “một hiệp sĩ dũng cảm” và mô tả hành động của Saeed Alshamrani là “anh hùng”. Tuy nhiên Rimi không ngờ rằng mình đã nằm trong tầm ngắm của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ CIA.

Ngày 29/1/2020, một tình báo viên của CIA xác nhận al-Rimi hiện đang có mặt trong một ngôi nhà ở làng Wadi, quận Abedah, tỉnh al-Bayda, Yemen, nơi được cho là điểm tập trung các chiến binh thánh chiến AQAP trước khi lên đường đến trại huấn luyện. Khoảng 20 phút sau đó, một máy bay không người lái, Mỹ, phóng tên lửa xuống ngôi nhà này. Các cuộc kiểm chứng xác nhận Rimi đã thiệt mạng cùng một số phần tử al-Qaeda khác.

Ngày 31/1/2020,  tờ New York Times nhận được thông báo từ 3 quan chức cao cấp Mỹ, rằng al-Rimi, kẻ cầm đầu AQAP trên bán đảo Arab đã chết.

Đến ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận phía Mỹ đã tiêu diệt al-Rimi và tối 6/2/2020, Nhà Trắng chính thức khẳng định thông tin này nhưng không nói rõ chi tiết. 

Trong bản tuyên bố, Nhà Trắng viết: “Theo chỉ đạo của Tổng thống Donald J. Trump, Mỹ đã tiến hành một hoạt động chống khủng bố ở Yemen và đã loại bỏ thành công Qasim al-Rimi, người sáng lập, lãnh đạo tổ chức khủng bố al-Qaeda ở bán đảo Arab. Dưới thời Rimi, AQAP đã thực hiện nhiều hành động bạo lực vô lương tâm đối với dân thường ở Yemen, tìm cách tiến hành và truyền cảm hứng cho nhiều cuộc tấn công chống lại nước Mỹ. Cái chết của Rimi càng làm suy giảm sức mạnh của AQAP và tổ chức al-Qaeda toàn cầu. Nó đưa chúng ta đến gần hơn trong việc loại bỏ các mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ. Lợi ích của nước Mỹ cùng các đồng minh sẽ an toàn hơn sau cái chết của al-Rimi. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ người dân Mỹ bằng cách truy lùng và diệt trừ những kẻ khủng bố đang tìm cách làm hại chúng tôi…”

Về phía AQAP, trang web của tổ chức này cũng thừa nhận người cầm đầu của mình đã “tử vì đạo”. Theo các chuyên gia chống khủng bố ở Lầu Năm Góc, Mỹ, mặc dù không thuộc hàng “tầm cỡ” như tướng Soleimani của Iran, hay Baghdadi, kẻ lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS (cả 2 đều đã bị máy bay không người lái, Mỹ, giết chết) nhưng việc tiêu diệt al-Rimi vẫn là một thành công đáng kể bởi lẽ Rimi là nhân vật sáng giá nhất trong việc kế thừa vị trí của Ayman al-Zawahiri, hiện đang cầm đầu tổ chức al-Qaeda sau khi Osama bin-Laden bị giết.

Vẫn theo các chuyên gia chống khủng bố ở Lầu Năm Góc, AQAP là nhánh nguy hiểm nhất của al-Qaeda kể từ khi tổ chức này ra đời. Tầm hoạt động của AQAP không chỉ giới hạn ở Yemen mà còn phủ bóng lên Arab Saudi, chưa kể Israel còn được AQAP xem là “mục tiêu gần” qua việc al-Rimi kêu gọi một cuộc thánh chiến, phong tỏa Biển Đỏ nhằm ngăn chặn những chuyến tàu chở hàng đến Israel.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, kể từ khi ra đời đến ngày al-Rimi bị giết, AQAP đã gây ra cái chết cho khoảng 3.000 thường dân Yemen lẫn thường dân nước ngoài, làm bị thương hơn 1.300 người, cướp được 12 triệu USD từ Ngân hàng trung ương ở thành phố Mukalla. Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ là người thay thế ngôi vị của nhân vật tàn bạo, khát máu này…

Vũ Cao (Theo Nhân chứng Toàn cầu)
.
.